Wednesday, June 6, 2018

Great people of our time: MOHANDAS KARAMCHAND GANDHI (tiếp theo)

Gandhi là một người mơ mộng, người dâng hiến cả cuộc đời mình cho cuộc tranh đấu để gắn kết những ước mơ của cá nhân với thế giới xung quanh. Ông mơ ước về một thế giới ở đó không có người giàu, người nghèo, không có ông chủ và nô lệ, chẳng có ai phải hổ thẹn về ngày ra đời hoặc vị thế xã hội của mình. Ông mơ ước về một thế giới mà ở đó đàn ông và đàn bà đều được hưởng sự kính trọng và thành quả ngang nhau, đều có quyền có nhu cầu nhục dục dưới một sự kiểm soát chặt chẽ - nơi mọi người đều tôn trọng đức tin tôn giáo của người láng giềng của anh ta.

Ông mơ ước về một thế giới mà ở đó mọi người đều sống giản dị, có chút ít của cải, và sống ở làng mạc hơn là ở thành phố. Trên hết, Gandhi mong muốn con người sống trong hòa bình, tự hào và hạnh phúc được làm việc để kiếm sống. Ông muốn họ làm việc bằng đôi tay mà không phải bằng máy móc. Để làm gương cho người khác, ông cũng có một cái xa quay tơ mà ông sử dụng hàng ngày. Gandhi đã nhận thấy trước khi hầu hết con người nhận thấy, rằng Trái Đất không đủ chu cấp mọi của cải và tiện nghi cho con người. Và vì vậy, chỉ khi người ta có ý chí sống một cuộc sống cần kiệm vừa đủ đối với nhu cầu sống của mình, thì con người mới giải quyết được những vấn đề đặt ra đối với họ. Chỉ có cách ấy mới mong có hòa bình giữa con người với nhau. Các nhà khoa học ở các nước giàu nhất trên thế giới hiện nay đang nói về một điều tương tự.

Đôi khi Gandhi cũng phân phát những lời tuyên bố, nhưng ông hầu như kỳ vọng vào sức mạnh của sự gương mẫu. Ông và các tín đồ của ông sống giản dị, có kỷ luật, chấp nhận những công việc gian khó, ăn và ngủ rất ít, dành thời gian cho nguyện cầu và học hỏi. Gandhi thường tự tay rửa hố xí. Ông làm việc đó như một hành vi có ích và cần thiết. Các làng mạc Ấn Độ không đảm bảo vệ sinh nếu người ta không "tẩy rửa" tập quán sống. Ông làm việc đó cũng là để làm gương cho người khác. Ông muốn chứng tỏ rằng chẳng có việc gì là sạch sẽ hay không, mọi công việc hữu ích đều có giá trị. Mohandas Gandhi sinh năm 1869 ở một tiểu bang Tây Ấn, nơi cha ông giữ một chức vụ quan trọng. Trong quá khứ, phần đất này của Ấn Độ do người của nhiều tôn giáo thống trị. Dù dòng họ là người Hindu nhưng thực tế tôn giáo của họ cũng có phần dựa vào đạo Hồi và các tôn giáo khác. Các thành viên trong dòng họ ông không ăn thịt, uống rượu, hút thuốc. Họ nhịn ăn vào những thời điểm nhất định. Sau này Gandhi thường nói rằng suy nghĩ sâu sắc và sự cầu nguyện không thể thay thế những nhu cầu tối giản của cơ thể.

Hồi còn nhỏ, ông học sự tôn trọng sâu sắc đối với mọi phương cách sống gọi là "Ahimsa". Ahimsa có nghĩa là không làm điều có hại đối với mọi sinh linh. Thực tiễn Ahimsa vẫn là một bộ phận cơ bản trong giáo lý của Gandhi. Thậm chí trong cuộc tranh đấu cuối cùng vì nền tự do của Ấn Độ chống lại những người lính Anh, ông vẫn không cho phép các tín đồ của mình được sử dụng vũ lực. Đôi khi các đám đông mà ông lãnh đạo đã thoát khỏi sự kiểm soát, làm nhiều việc phương hại và bạo ngược, nhưng họ không bao giờ được hành động như vậy với sự dung túng của Gandhi.

Nhưng chàng Mohandas cũng chẳng khác mấy với những đạo hữu của mình. Đó là một chàng trai hiền lành, rất không thành đạt ở nhà trường. Chàng ghét thể thao và các môn thi được tổ chức. Năm 13 tuổi, hãy còn là một chú học trò vụng về, cậu đã phải cưới vợ cùng một lúc với các anh em cậu. Tục lệ này khiến các bậc cha mẹ phải lo tổ chức một tiệc cưới khổng lồ.

Vợ ông, Kasturbai, cùng tuổi với ông nhưng là người ít học. Dù ông là một người chồng ngoan đạo, nhưng đến sau này Gandhi vẫn suy nghĩ về cuộc tảo hôn của mình một cách xấu hổ. Ông đã làm mọi cách để tránh cho nhân dân cái tục tảo hôn, dù thậm chí đến nay điều ấy vẫn chưa được thừa nhận.

Và từ khi còn là một đứa trẻ, ông đã đánh bạn với một gã đến nhà ông để rửa hố xí. Ông cảm thông với anh ta. Con người đau khổ đã làm công việc như thế là thuộc về tầng lớp mà người Hindu "không được sờ mó đến" thậm chí đến cái bóng của họ cũng không được phép "ngã" vào cái bóng của những người Hindu thuộc tầng lớp trên. Cuộc sống cực nhọc của họ được xác tín là một sự trừng phạt đối với những tội lỗi ở kiếp trước. Cũng có một số người quan tâm hoặc thương xót họ. Họ không thể cải thiện điều kiện sống, và chỉ có thể chấp nhận thân phận của mình.

Sau này Gandhi đã cải tên của họ thành "những đứa con của Thượng đế". Ông đã làm việc chăm chỉ để cứu giúp họ. Và, như lệ thường, ông đã thực hiện điều đó để làm gương. Ông đem một đứa trẻ "không được sờ mó đến" về nhà. Ông còn công khai làm những việc "hèn mọn" như họ vẫn thường làm. "Tôi không muốn đầu thai", ông nói, "nhưng nếu tôi phải đầu thai, tôi sẽ làm một kẻ không được sờ mó đến để có thể chia sẻ nỗi đau của họ..."

Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Là một người "kế cận", Mohandas đã được gia đình chọn đi theo con đường của cha ông - làm một viên chức nhà nước. Để đáp ứng kỳ vọng của họ, ông cần có sự giáo dục tốt. Và ông đã trượt ngay khi được gửi đến trường Đại học đầu tiên. Rồi người ta gửi ông sang Anh để học luật. Ông chưa quá 19 tuổi, dù đã là một người cha.

(còn nữa)

1 comment:

  1. Trong hàng trăm năm, chủ nghĩa thực dân đã duy trì chế độ cai trị trên hệ thống thuộc địa cho đến khi tan rã vào nửa cuối của thế kỷ 20. Về cơ bản, các cường quốc phương Tây phải chấp nhận chính sách của họ phải thay đổi, tuy vậy họ vẫn kiểm soát/can thiệp vào nội bộ của các nước nhỏ (chủ nghĩa thực dân mới) để duy trì vai trò và ảnh hưởng của mình vì quyền lợi khi phải đối đầu với những đối thủ khác trên phạm vi toàn cầu.

    Tuy vậy, Ấn Độ và những nước là thuộc địa của Anh vẫn có được những thuận lợi nhất định khi so với những nước là thuộc địa của Pháp như VN và một số nước khác. Dù bản chất của chủ nghĩa thực dân là sự nô dịch, chiếm đất và khai thác tài nguyên hoặc gây ra cái chết cho dân bản xứ thì dân bản xứ cũng được hưởng lợi phần nào từ sự "khai hóa văn minh" thông qua văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất của phương Tây.

    ReplyDelete