Văn minh và văn hóa - Willy Durand
“Văn minh là trật tự xã hội thúc đẩy sáng tạo văn hoá. Bốn yếu tố tạo nên nó: đảm bảo kinh tế, tổ chức chính trị, truyền thống đạo đức và việc theo đuổi kiến thức cùng nghệ thuật. Nó khởi đầu khi hỗn loạn và bất an chấm dứt. Bởi khi nỗi sợ bị vượt qua, lòng tò mò và tính xây dựng được tự do, con người theo bản năng hướng đến sự hiểu biết và làm đẹp cuộc sống.
“Điều kiện vật lý và sinh học chỉ là tiền đề để sinh ra văn minh; chúng không tạo thành hay sinh ra văn minh. Những yếu tố tâm lý tinh vi phải được huy động. Phải có trật tự chính trị, ngay cả khi nó chỉ vừa đủ gầy dựng ở Florence hay Rome thời Phục hưng; con người phải cảm thấy, đại khái, rằng họ không cần chạm trán cái chết hay khoản thuế nặng nề ở mỗi bước đi. Phải tồn tại một ngôn ngữ chung làm phương tiện trao đổi tư tưởng. Qua nhà thờ, hay gia đình, hay trường học, hay hình thức nào khác, phải có một bộ quy tắc đạo đức thống nhất, một số quy tắc sống được cả kẻ vi phạm ghi nhận, và đem lại cho hành vi tính trật tự, quy củ, định hướng và động lực. Có lẽ cũng cần một niềm tin cơ bản chung, một niềm tin siêu nhiên hoặc lý tưởng, giúp nâng đạo đức từ phép tính khô khan lên thành lòng tận hiến, và đem lại cho cuộc sống phẩm giá và ý nghĩa mặc cho ngắn ngủi phàm trần. Và cuối cùng phải có giáo dục — một kỹ thuật, dù thô sơ đến đâu, để truyền thừa văn hóa. Dù qua bắt chước, khai nhập hay giảng dạy, dù từ cha hay mẹ, thầy hay thầy tu, di sản và tinh hoa của bộ tộc — ngôn ngữ và tri thức, luân thường và phong tục, kỹ thuật và nghệ thuật — phải được trao truyền cho thế hệ trẻ, như chính công cụ biến họ từ loài vật thành con người.
“Sự mất đi của những điều kiện ấy — đôi khi chỉ một yếu tố duy nhất — có thể hủy diệt một nền văn minh. Một thảm họa địa chất hay biến đổi khí hậu nghiêm trọng; một đại dịch không kiểm soát như dịch hạch đã xóa sổ gần nửa dân số đế chế La Mã dưới thời Antonin, hay Cái Chết Đen đã góp phần chấm dứt thời phong kiến; sự cạn kiệt đất đai hoặc sự phá hoại nông nghiệp do thành phố khai thác quá mức, dẫn đến phụ thuộc bấp bênh vào nguồn lương thực bên ngoài; sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, dù là nhiên liệu hay nguyên liệu thô; thay đổi các tuyến thương mại, khiến một quốc gia bị bỏ lại ngoài dòng chính của thương mại thế giới; sự suy thoái tinh thần hay đạo đức từ áp lực, kích thích và giao lưu đô thị, từ sự tan vỡ của các nguồn kỷ cương xã hội truyền thống và không thể thay thế; sự sa sút thể chất do lối sống tình dục hỗn loạn, hoặc do triết lý hưởng lạc, bi quan hay thụ động; sự thoái hoá lãnh đạo vì thế hệ tài năng hiếm hoi và quy mô gia đình nhỏ, khiến di sản văn hóa không được truyền thừa đầy đủ; sự tập trung tài sản mang tính bệnh lý, dẫn đến chiến tranh giai cấp, cách mạng hỗn loạn và kiệt quệ tài chính — đó là một vài con đường khiến văn minh lụi tàn.
“Bởi văn minh không phải thứ bẩm sinh hay bất diệt; nó phải được mỗi thế hệ làm mới, và bất kỳ gián đoạn nghiêm trọng nào trong việc tài trợ hay truyền thừa cũng có thể chấm dứt nó. Con người khác thú vật chỉ bởi giáo dục, vốn được định nghĩa là kỹ thuật truyền đạt văn minh.
“Văn minh là thế hệ của linh hồn chủng tộc. Cũng như việc nuôi dạy con cái, rồi chữ viết gắn kết các thế hệ, trao truyền tri thức của người đi trước cho người trẻ, thì in ấn và thương mại, cùng hàng ngàn hình thức giao tiếp khác, có thể liên kết các nền văn minh với nhau, và bảo lưu cho các nền văn hóa tương lai tất cả những gì giá trị trong văn minh của chúng ta.
“Hãy trước khi lìa đời, chúng ta gom góp di sản và trao tặng cho con cháu.”
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment