Chiều thứ hai 4/9, gần hết ngày nghỉ bù lễ Quốc Khánh. Trời mưa dầm, vẫn có tiếng kêu lanh lảnh của cậu N. đổ rác, rác cô bác ơi, rác nha. Tôi đưa cho chị bếp tờ giấy 100.000 đồng, nhờ biếu cậu đổ rác nhân ngày lễ. Thực ra là lấy cớ đó để giúp bồi dưỡng chút xíu cho cô vợ trẻ đau tim nặng của N. Chị bếp chạy vô run run kể, N hỏi có nhầm không cô, sao nhiều vậy. Không, đâu có nhầm, lâu lắm mới tặng N mà. Rồi N chảy nước mắt, vừa cất tiền vừa khóc. Mỗi tháng đổ rác thu có 30K mỗi nhà thôi và những chiều mưa thì nặng nhọc gấp nhiều lần. Mưa to, kêu khản cổ, nhà nào cũng im ỉm. Có 30K mà có mấy ngôi nhà tường cao cửa rộng cứ lặng lẽ đem túi rác nhà mình để sang nhà hàng xóm để…tiết kiệm chi tiêu. N là anh chàng nhập cư, cao khỏe, khuôn mặt khôi ngô, lưu lạc tuốt Quãng Bình vô Sài Gòn, gá nghĩa với cô sinh viên năm thứ hai, con nhà lành. Khi cô gái quyết tâm “đi theo” N thì gia đình cô gái “từ” cô và từ đấy tôi thấy hai vợ chồng trẻ ríu rít đẩy xe rác trong xóm mỗi chiều. Và rồi nắng mưa dầu dãi, tình yêu lớn không đủ giữ được sự xốc vác cho cô con gái không quen bụi đời đi khiêng rác mãi cùng N. Cô cứ vào bịnh viện, ra, vào, nên xe rác ướt sũng mưa mấy ngày này chỉ còn mình N. nhìn thật thương và ái ngại.
Tôi còn người bạn nữa, cậu T. bán vé số, sáng nào cũng ngồi ăn bún bò Huế dọc hẻm và khi tôi đi tập thể dục ngang qua, đều lớn tiếng mời rất nồng nhiệt, ăn bún cô ơi. Tôi nhìn tô bún đầy ú ụ, lại còn ổ bành mì không để kế bên, biết chị bán bún đã giảm giá tô bún còn chỉ có 15 ngàn, lại còn giã vờ là chị thích ăn bánh mì không, mua dư mỗi ngày. Với tô bún “hoành tráng” đầu ngày, T. rão bước khắp các con hẽm, bờ kè, nhất định bán vé số mới lấy tiền, thiên hạ cho tiền không bao giờ lấy dù T chắc bóp từng đồng gửi về Trung cho mẹ nuôi em hàng tháng. Có lần tôi kiếm cớ là mua dư đôi xăng đan nam, hỏi để tặng cho T thì T cười, chân con dị tật, giày phải đóng không mang loại bán sẵn được cô ơi. Có hôm đi tập về sớm, tôi cũng ngồi xuống ăn bún với T, nghe chuyện “dọc đường thiên lý” T kể rất có duyên ...
Mười lăm ngàn tô bún sáng và ba chục ngàn công đổ rác cả tháng trời, tôi không biết N lấy gì để sống và lo thuốc men cho vợ. Ngôi biệt thự đóng cửa kín thường bỏ túi rác sang nhà bên cho N phải đổ thêm, hết lễ vẫn còn đi du lịch…Sáng chiều trò chuyện với họ, tôi tự hỏi, chắc cũng chưa phải là cảnh dưới đáy cái xã hội Sài Gòn.
VU KIM HANH (FB-Nguyen Q Quy)
No comments:
Post a Comment