Sunday, September 23, 2018

LẠI CHUYỆN ĐÁNH VẦN

Trong cuộc tranh luận về chữ viết của tiếng Việt, tôi thấy có ba vấn đề cần lưu ý như sau:
1. Cần phân biệt “đánh vần” để viết với “phát âm” để đọc.
2. Cần phân biệt chữ viết với tư cách là sản phẩm văn hoá - lịch sử của một dân tộc với chữ viết với tư cách là sự vay mượn của một dân tộc này từ một dân tộc khác.
3. Trong ngôn ngữ, tính quy ước văn hoá có tính quyết định chứ không phải tính hợp lý.
Thứ nhất, “đánh vần” (tiếng Anh: “to spell”; tiếng Pháp: “orthographier”) là đọc tên từng chữ cái để viết đúng một chữ / một từ. Còn “phát âm” (tiếng Anh: “to pronounce”, tiếng Pháp: “prononcer”) là đọc cả một chữ / một từ để hiểu nghĩa của nó. Quy luật phát triển văn hoá của các dân tộc cho thấy mỗi dân tộc có một cách gọi tên chữ cái tiêng và một cách phát âm riêng. Trong trường hợp này, tên chữ cái là cố định, còn trong một chữ / một từ nó có thể có cách phát âm khác nhau. Ví dụ thì rất nhiều, nhưng tôi xin lấy ví dụ tiếng Hy Lạp, một thứ tiếng có hệ thống tên gọi chữ viết thuộc loại hay nhất thế giới. Trong tiếng Hy Lạp, chữ cái đầu tiên đọc là Alpha, mặc dù khi đứng trong một chữ / một từ nó chỉ được phát âm là A. Tương tự như thế với Bêta thay cho B, Gamma thay cho G, Delta thay cho D, Epsilon thay cho E, Dzêta thay cho Z, Kappa thay cho K, Lambda cho L, Sigma thay cho S,... và cuối cùng là Ômega thay cho O. Như thế, với cái tên trong tiếng Hy Lạp “Aristoteles” thì khi đánh vần người ta sẽ phải đọc TÊN TỪNG CHỮ CÁI từ chữ Alpha đứng đầu đến chữ Sigma đứng cuối; còn phát âm từ này thì sẽ đọc liền là: A-ri-sto-te-les. Hai việc này hoàn toàn khác nhau. Tiếng Anh, Pháp hay Nga cũng đều như thế cả. Trong tiếng Nga, chữ O trong một từ có khi được đọc là A hoặc Ơ, nhưng khi đánh vần người ta vẫn phải đọc nó là “Ô”.
Chữ quốc ngữ ban đầu do các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha và người Pháp truyền vào nước ta cũng được thực hiện như vậy. Nó có hệ thống tên gọi của nó theo cách gọi của người Bồ Đào Nha và người Pháp. Và khi đánh vần ĐỂ VIẾT ĐÚNG CHÍNH TẢ, người ta cũng chỉ đọc tên các chữ cái trong một chữ / một từ của tiếng Việt. Đó là quy ước chung của các ngôn ngữ.
Thứ hai, chữ viết của một số ngôn ngữ chính trên thế giới là kết quả của quá trình phát triển văn hoá - ngôn ngữ rất lâu dài của một dân tộc, nên nó có sự biến đổi và hoàn chỉnh theo thời gian. Còn chữ quốc ngữ của tiếng Việt là chữ vay mượn từ một số ngôn ngữ đã hoàn chỉnh, nên nhu cầu hoàn thiện hầu như không cần phải đặt ra. Đây là nói riêng về chữ viết.
Vì thế, liên quan đến vấn đề thứ ba là tính quy ước văn hoá có tính quyết định chứ không phải tính hợp lý, chúng tôi thấy rằng chẳng ai có thể lý giải được sự hợp lý của một chữ, một từ, một tên gọi. Tại sao lại gọi là “cái bàn”, tại sao gọi “cái nhà”, v.v... Không ai trả lời được. Đó là quy ước văn hoá. Lý do và mục đích của quy ước này là để định dạng và phân biệt các chữ. Không có chuyện hợp lý hay bất hợp lý ở đây. Tên gọi chữ cái cũng vậy: Tại sao lại gọi tên Alpha trong khi đọc trong một từ là A, tại sao gọi tên Sigma mà lại chỉ đọc là S? v.v... Thế thì việc chữ quốc ngữ của ta ban đầu có tên gọi A, Bê, Xê... thay cho A, B, C... thì có ảnh hưởng gì đến chữ viết và đến cách đọc mà bây giờ phải thay bằng A, Bờ, Cờ...? Các nhà ngôn ngữ học lấy một lý do thuộc ngữ âm học là sự tương ứng chính xác giữa âm vị và ký tự. Nhưng tôi xin hỏi đã có ai dùng máy ghi âm tách được âm “C” ra khỏi chữ “cá” không mà dám khẳng định nó có âm “Cờ”? Đã có nhà ngôn ngữ học Việt Nam nào làm được thí nghiệm này chưa? Nếu chưa làm được thì đừng nên nói “gọi Bê, Xê là vớ vẩn” như một GS vừa tuyên bố. Thế nếu âm "C" kia nó có âm “Cừ, Cù, Kì...” thì sao? Tương tự âm “B” cũng vậy. Trong trường hợp này, cách gọi A, Bở, Cờ cũng vớ vẩn không kém! Cần xác định rằng việc đánh vần chỉ là quy ước đọc tên chữ cái để viết cho đúng chính tả thôi, còn chuyện phát âm (hay đọc) một chữ / một từ thì lại đi theo một quy ước khác.
Cho nên tôi rất ngạc nhiên là một số nhà ngôn ngữ học của ta cứ luôn mồm kêu chữ quốc ngữ có sự bất hợp lý rồi suốt ngày nghĩ ra cách để cái tiến, cải cách; thậm chí có người còn coi đó là một sự nghiệp vinh quang của bốn mươi năm “nghiên cứu” chỉ để nhằm tiết kiệm chữ viết! - Tôi xin khẳng định: Trong ngôn ngữ, sự phát triển của chữ viết không đi theo nguyên tắc tiết kiệm.
Chữ viết là quy ước văn hoá, sau đó nó biến thành các quy định chuẩn mực cần thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho giao tiếp và hoạt động thẩm mỹ của con người, không có chuyện hợp lý hay bất hợp lý, tiết kiệm hay không tiết kiệm! Quy ước văn hoá của chữ viết nào cũng vậy, nếu cứ nói bất hợp lý thì sao người Đức không thay đổi việc viết hoa toàn bộ danh từ bất kể riêng, chung trong câu? Tại sao người Anh hay người Pháp không bỏ bớt các phụ âm và nguyên âm trùng trong một từ đi cho tiết kiệm? Điều này làm tôi nhớ lại một câu chuyện vui có thật của sinh viên Rumani: Trong giờ sinh vật, khi học đến loài thực vật mà tên khoa học (số nhiều) là “serpulla”, cả lớp cứ rúc rích cười vì mấy chữ “pulla” nghe giống tên gọi “cái ấy” của đàn ông, chỉ khác là “cái ấy” kia chỉ có một chữ “l”. Thầy giáo liền hỏi các em cười gì. Một cậu lém lỉnh đáp: Thưa thầy tại sao chữ “pulla” này lại có những hai chữ “l”. Thầy cũng chẳng vừa đốp luôn: “Để cho nó dài thêm!” - Thế đấy, không phải lúc nào ngắn cũng hợp lý!


Nguyễn Văn Dân

No comments:

Post a Comment