4. Vai trò và trách nhiệm của Hồ Chí Minh giai đoạn sau 1954
Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu được coi là một trong những sự kiện lớn nhất của thế kỷ XX, nó đã đào mồ chôn chủ nghĩa thực dân Pháp đồng thời mở đầu cho sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của hệ thống thuộc địa trên phạm vi toàn thế giới, làm cho tên tuổi Việt Nam –Hồ Chí Minh được cả loài người biết đến và hết lòng khâm phục. Nhân loại đã nhất trí suy tôn Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà yêu nước vĩ đại của Việt Nam , đồng thời là chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa”! Có lẽ, đây là sự vinh danh cao cả nhất, đúng đắn nhất, xứng đáng nhất với Hồ Chí Minh – một người đã nửa thế kỷ không ngừng đấu tranh cho độc lập của dân tộc mình và cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức. Một cuộc đời như thế, tuy chưa thật trọn vẹn, nhưng có thể nói là đã hoàn toàn xứng đáng đứng vào hàng các vĩ nhân của nhân loại trong thế kỷ XX.
Nhưng khi đất nước chuyển sang thời kỳ hòa bình, xây dựng, thực hiện thống nhất nước nhà, vai trò của Hồ Chí Minh như thế nào, Cụ có những nhược điểm, hạn chế gì không?
Như một tấm huân chương có mặt phải, mặt trái; con người cũng có mặt ưu, mặt nhược, mà như người ta thường nói: có khi nhược điểm lại là cái bóng nối dài của ưu điểm. Vĩ nhân cũng chỉ là một con người, mà con người nào chẳng bị giới hạn bởi đời sống trần thế. Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử nên cũng chịu sự ràng buộc của điều kiện lịch sử. Ông là người Việt Nam nên cũng chung đúc cả tinh hoa lẫn nhược điểm của dân tộc Việt Nam. Từ buổi đầu dựng nước, dân tộc ta đã phải liên tục đứng lên chống giặc ngoại xâm, những nhân vật được nhân dân phong “thánh”, từ Thánh Gióng, Đức thánh Trần, đến Hồ Chí Minh,…đều là những anh hùng chống ngoại xâm. Trí tuệ dân tộc dồn tất cả cho sự nghiệp giữ nước, nên thành tựu dựng nước không mấy dồi dào, lịch sử nước ta thiếu những nhân vật “kinh bang, tế thế” lỗi lạc, mở ra cho dân tộc những thời kỳ phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa, tư tưởng,… Do bị ngoại thuộc sớm ngay khi vừa lập quốc, trong hàng ngàn năm Bắc thuộc, ta chưa kịp sáng tạo ra chữ viết riêng, nên cũng không có triết học riêng, tôn giáo riêng,… nói chung là đều du nhập,vay mượn từ nước ngoài, mà ta cũng không tiếp thu cái gì cho thật hoàn chỉnh, sâu sắc, hệ thống để từ đó vượt lên, sáng tạo ra cái riêng, với tư cách là sản phẩm của Việt Nam.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu suy tôn Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, nhà lý luận, hay nhà văn hóa,…kèm theo những tính từ rất cao, cũng chỉ là một cách bồi dưỡng niềm tự hào cho nhân dân mình, còn Hồ Chí Minh – với bản chất khiêm nhường – ngay từ lúc còn sống, Cụ đã khước từ mọi danh hiệu người đời gán cho. Ví như Cụ từng nói: Nhà thơ gì tôi? Trong tù, đi ngang được ba bước, đi dọc được sáu bước, không biết làm gì thì làm thơ, thế thôi! Tôi chỉ là người có chút duyên nợ với báo chí, gọi tôi là nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất.
Để góp phần đánh giá khách quan về Hồ Chí Minh ở thời kỳ sau hòa bình, ta hãy thử xét qua một vài phương diện cơ bản:
A. Về xử lý mối quan hệ giữa đức trị và pháp trị:
Hồ Chí Minh vốn là một môn đệ của Nho giáo, nên rất coi trọng đức trị, lấy đức làm gốc; bản thân suốt đời nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư,…Trong kháng chiến, Cụ chưa có điều kiện chăm lo đến xây dựng nền pháp trị. Dù đã từng lập ra Bộ Tư pháp ngay từ năm 1945, song chịu sức ép của quan điểm mao-ít, lại giải thể nó đi trong hơn 10 năm, nên đến lúc qua đời năm 1969, Cụ Hồ cũng chỉ mới thông qua được có 16 đạo luật, còn lại, toàn là sắc lệnh.
Song không phải Cụ coi nhẹ vai trò của pháp luật, khi cần nghiêm khắc, Cụ vẫn rất nghiêm khắc để giữ vững kỷ cương, phép nước, như đã từng ký lệnh xử tử hai cán bộ cao cấp (Đại tá Trần Dụ Châu và Thứ trưởng Trương Việt Hùng), điều mà những người kế tục ông sau này chưa ai theo được tấm gương ấy – mặc dù mức độ tham nhũng và sa đọa của những kẻ phạm pháp hiện nay còn lớn gấp trăm nghìn lần hơn so với hai nhân vật được nhắc đến ở trên.
Không hình thành được ý thức và tập quán “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong cán bộ và nhân dân, có nguyên nhân sâu xa từ trong truyền thống “phép vua thua lệ làng” của xã hội phong kiến-tiểu nông ngày xưa (có lúc còn được ta đề cao như là biểu hiện của tinh thần phản kháng). Dù sao Cụ Hồ cũng phải chia sẻ một phần trách nhiệm trong vấn đề này, vì chưa nhận thức được nhược điểm cố hữu của dân tộc, để sớm xử lý đúng đắn mối quan hệ tương hỗ giữa pháp trị với đức trị.
Người ta thường nói: pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa. Trong môi trường làng xã nhỏ hẹp ngày xưa, các gia đình, dòng họ sống với nhau nhiều đời, hiểu biết về nhau rất kỹ, chỉ làm một việc xấu, dù nhỏ, cũng lan đi rất nhanh, cả làng đều biết. Sống ở làng, dư luận có vai trò điều tiết đạo đức rất lớn, nên ai cũng phải giữ gìn. Nhưng đi vào xã hội đô thị hiện đại, chỉ riêng đạo đức thôi không đủ, phải tăng cường vai trò của pháp luật, phải luật hóa những chuẩn mực đạo đức tối thiểu, buộc ai cũng phải tuân theo, để từ cưỡng chế trở thành thói quen tự giác của toàn xã hội.
Đạo đức cách mạng không phải là những chuẩn mực bình thường, mà là những yêu cầu đạo đức rất cao, không thể đạt được chỉ bằng kêu gọi và nêu gương, mà phải được quán triệt vào trong cơ cấu, thể chế, tổ chức, biến nó thành pháp luật,…buộc ai cũng phải thực hiện, nếu không muốn bị pháp luật trừng trị hay đào thải. Do những chuẩn mực đạo đức không sớm được thể chế hóa thành luật, nên bản thân tấm gương đạo đức của Cụ Hồ cao đẹp, hấp dẫn đến như thế mà vẫn không đủ sức ảnh hưởng, thấm sâu vào ngay các đồng chí, học trò gần gũi chung quanh mình, thì làm sao ảnh hưởng tới được đông đảo cán bộ và nhân dân bên dưới?
Ở phương Tây, người ta đâu có rao giảng nhiều về đạo đức, kể cả Mác, nhưng họ lại rất coi trọng xây dựng thể chế, tổ chức, pháp luật, khép con người vào quy củ, dùng cưỡng chế của pháp luật, biến đạo đức thành tập quán, thành nếp sống tự nhiên của toàn xã hội. Ai làm trái đều bị công luận lên án, pháp luật xử trí, từ đó mà dẫn đến sự hình thành văn hóa tự xử: Quan chức có sai lầm thì lập tức tự nguyện xin từ chức, thậm chí có người còn đi đến tự vẫn (do xấu hổ, không chịu nổi áp lực phê phán của xã hội). Một xã hội hình thành được những thể chế và tập quán như thế sẽ “làm cho những lời kêu gọi về đạo đức trở nên thừa”.
Ở ta hiện nay, tuy văn bản pháp luật không thiếu, nhưng đang bị vô hiệu hóa, người ta xét xử không nhân danh Công Lý, mà nhân danh Nhà nước, nên xét xử như thế nào đều ở trong sự dàn xếp giữa các “nhóm quyền lực”, Thần công lý chỉ còn là một anh hề, vì vậy chưa thể nói đến bao giờ ta mới có văn hóa tự xử! Các quan chức tham nhũng, tha hóa, đồi trụy vẫn cứ nhơn nhơn, đâu biết xấu hổ là gì mà phải tự vẫn! Trong bối cảnh ấy mà cứ kêu gọi “đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách hình thức và nhàm chán, một khi “trái núi chỉ đẻ ra những con chuột” tham nhũng thì dễ biến thành một trò hề, hơn nữa còn là một sự nhạo báng đối với Cụ.
Lãnh tụ, cũng như Mặt Trời, cũng là người - ko phải Thánh, nên dù thế nào cũng phải bộc lộ đăc tính con người. Ko ai là ngoại lệ.
ReplyDeleteNhưng "ngay cả Mặt Trời mà còn có vết nữa là"... nên hãy nhìn nhận tất cả một cách thật đúng đắn và khách quan.
Phủ nhận bao giờ cũng dễ hơn nhìn nhận mà...