Friday, September 28, 2018

Một bài viết đáng xem (Gửi theo anh Trần Đại Quang, ngày anh về với cát bụi ở quê nhà)


Chút ân tình tiễn một người anh
Bởi AdminTD - 27/09/2018
TWEET
SHARE 0
FB Nguyễn Hồng Lam
27-9-2018

Tết Dương lịch 2011, nhân gọi chúc năm mới nhau, một ông anh làm trên Trung ương nhắn: “Nếu có số điện thoại lạ gọi đến, em nhớ cầm máy và nói chuyện lễ độ chút nhé. Có chuyện quan trọng đấy”. Tôi nghe và cười: “Dạ! Thường dân gọi đến cũng quan trọng. Anh đừng lo, em có phải vua quan gì đâu mà dám không lễ độ”.
Nhưng cũng phải hai tuần sau, cuộc gọi lạ mới đến. Giọng từ tốn, ấm: “Anh Trần Đại Quang đây. Anh có việc muốn gặp em. Mọi việc anh X (ông anh gọi tôi từ trước – NV) sẽ sắp xếp. Em ra Hà Nội nhé.”
Lúc đó, ông vẫn đang đeo quân hàm Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. Cuộc gọi nhận được khi ĐH Đảng XI đang diễn ra. Chưa ai công bố, song cả nước đều biết, chỉ ít bữa nữa thôi, sau Đại hội, ông sẽ là UV BCT, Bộ trưởng, sẽ đổi quân hàm sang Đại tướng. Tôi ngạc nhiên lắm. Không hiểu ở cương vị đó, sao ông lại phải mất thì giờ điện thoại trực tiếp cho một người lính vô danh chưa từng có quan hệ gì riêng như mình. Tuy nhiên, tôi không thắc mắc, chỉ trả lời như nghe lệnh: “Dạ, em sẽ có có mặt. Em có phải báo cáo xin phép cơ quan không ạ?”. Anh Quang trả lời: “Tùy em. Anh gặp em vì việc riêng. Nhưng nếu muốn, em cứ xin phép”.
Gần như cùng lúc, một code vé máy bay được gửi vào tin nhắn điện thoại của tôi. Không phân vân, tôi báo cáo anh Hữu Ước, Tổng Biên tập: “Em xin phép đi Hà Nội, anh Trần Đại Quang gọi. Tiện thể, anh cho em đi lang thang ngoài đó thêm chục ngày”. Anh Ước không hỏi lý do, chỉ bảo: “Kệ mày, cứ đi, chán thì về. Nhưng phải lo đủ công việc bài vở cho anh đấy”.
Theo vé, tôi đến cửa làm thủ tục số 2, sân bay Tân Sơn Nhất và ngạc nhiên, nguyên dãy thủ tục đó không làm việc. Sợi xích hàng rào chắn ngang, bên trong không một ai. Đúng lúc đó, có một cậu nam nhân viên tiến lại, rất lễ phép: “Dạ, cho cháu hỏi chú tên gì ạ”. Tôi xưng tên, em chìa vé chuẩn bị sẵn ra luôn: “Vé chú đây ạ. Để con đưa chú đi”.
Sắp hàng ra máy bay, tôi ngạc nhiên lần nữa. Cô nhân viên xinh đẹp lễ phép: “Thưa chú, chú vui lòng cho con mượn vé. Chú chờ con chút, không phải sắp hàng đâu ạ.”
Vào máy bay, tôi lại băn khoăn vì được xếp ghế VIP, cô tiếp viên mang champagne mời tận nơi, nhất mực “chú có cần gì cứ gọi để con phục vụ ạ”. Đi máy bay suốt mấy chục năm, tôi chưa bao giờ thấy Hàng không Việt Nam chu đáo với mình như thế. Định bảo với em gái tiếp viên, nếu có thể, chỉ cần gọi bằng anh, đừng gọi chú là được. Nghĩ sao lại thôi, cho qua.
Xe riêng đến tận sân bay đón, chở tôi về nhà khách Tây Hồ của TW Đảng. Tất cả những người tôi gặp trong suốt chuyến đi, không hiểu sao đều lễ phép thế. Ai cũng chào hỏi đàng hoàng và không ai chịu để cho tôi tự xách hành lý. Có nặng gì đâu, chỉ một ba lô đựng mấy bộ đồ và chiếc máy tính.
Sáng hôm sau, ông anh của tôi xuất hiện như đã hẹn. Anh bảo: “Em viết báo cũng hơn 15 năm, rất tốt rồi. Nhưng giờ, cái em cần là làm báo chứ không chỉ viết báo. Ai làm việc cũng cần có người đỡ đầu hoặc trợ giúp. Anh Trần Đại Quang mời em tối nay về nhà ăn cơm bàn chuyện. Chỉ có anh Quang, anh và em thôi. Em biết đấy, ngày mai bế mạc Đại hội, anh ấy có trọng trách mới rồi”.
Mọi chuyện khá dễ hiểu: Tân Bộ Trưởng Trần Đại Quang muốn tôi làm thư ký báo chí cho ông. Nếu đồng ý, tôi có thể nhận nhiệm vụ ngay. Một cơ hội tiến thân không hể nhỏ. Vị trí, chức vụ, quyền lợi…mọi thứ của tôi sẽ tăng vượt bậc. Giả sử sau này thôi không làm thư ký báo chí cho ông nữa, tôi có thể quay lại tờ báo cũ dễ dàng, tất nhiên sẽ là với vị trí cao hơn hẳn hiện tại. Mọi lo lắng, băn khoăn của tôi là không cần thiết, bởi hồ sơ cá nhân, năng lực, tính cách, bước đường học hành, làm việc của tôi đều đã được cân nhắc trước, rất kỹ. Tôi là người được chọn, không phải ứng viên. Ông anh tiến dẫn bảo: “Anh Quang nói em không cần lo. Em sẽ làm rất tốt”.
Cả ngàn câu hỏi trong đầu, tôi tự trả lời chỉ sau khoảng vài phút suy nghĩ. “Ước một tôi hiền chúa thánh minh”, đời mình đã không có “tôi” tất nhiên cũng không thích hợp để phải nhận ai làm “chúa”. “Chúa” của tôi chỉ có thể là công việc, không thể là một người phàm, dù người phàm đó mang quân hàm Đại tướng, Ủy viên BCT. Làm thư ký cho ông, tôi có thể được thêm nhiều thứ nhưng chắc chắn sẽ mất một thứ, chính là sự tự do tương đối mà tôi đang có. Tôi chỉ thích đi và viết. Được làm cái mình thích, với tôi chính là hạnh phúc. Thêm nữa, tôi không ngại va chạm, nhưng lại không thích hợp với giao đãi trịnh trọng. Với chuyện viết, tôi chỉ có thể viết theo ý mình, đăng hay không còn tùy, nhưng không thể viết theo ý người khác muốn…
Mọi suy nghĩ, tôi trình bày hết với anh X. Tôi bảo: “Nếu nhận lời, em e là không giúp thủ trưởng được nhiều như ý. Và với tính khí tự do, nóng nảy của em, rất có thể sẽ gây tổn hại cho công việc. Điều này không có lợi cho cả công việc lẫn vị thế của anh ấy. Nếu có thể, cho phép em được từ chối”.
Nhân tiện, tôi cảm ơn và xin được từ chối luôn bữa cơm chiều. Đã không còn gì về chuyện công việc, tôi nghĩ một người lính không nên ngồi chung bàn với một Đại tướng. Thay vào đó, từ chiều đến khuya, tôi ra bờ Hồ Tây ngồi uống bia với một lô lốc giang hồ cơ nhỡ. Cữ này do họa sĩ giang hồ Nghia Tran Do mời. Gã bảo: “Cứ uống tẹt ga. Tao có phần hùn ở nhà hàng bia này mà”. Phần hùn, như tôi biết là cái logo do lão vẽ, được in trên bảng hiệu và bên thành những chiếc ly dùng trong quán.
Bữa bia hôm đó còn có một cô giáo dạy tôi môn khảo cổ hồi đại học nhưng luôn xưng với tôi bằng chị, buồn mồm thì gọi tôi bằng mày, bằng em, có khi bằng ông. Tình cờ, tôi gặp cô cùng chuyến bay ra. Biết chuyện, chị Hậu Kc Nguyễn nói: “Ông từ chối là đúng. Tướng ông không làm quan báo được đâu. Đi xách cặp cho người khác càng không. Xin phép lặn đi cho trong nước”. Tôi cười: “Dạ, em từ chối rồi!”.
Tưởng vậy là thôi, không ngờ, Tết năm đó, tôi vẫn nhận được tin nhắn của anh Trần Đại Quang chúc Tết bố mẹ mình. Phân vân lắm, nhưng tôi, vì bụi giang hồ chưa phủ hết lễ độ, vẫn nhắn tin chúc Tết trở lại. Và chỉ thế thôi.
Ba năm sau, tháng 3-2014, tôi tham gia trại viết Văn của Hội Nhà văn về đề tài An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống tại Đà Lạt. Bộ trưởng Trần Đại Quang có đến thăm, phát biểu cảm ơn và úy lạo trại viết. Đi qua tôi, ông có khẽ gật đầu chào riêng. Trước bữa tiệc do ông chiêu đãi các nhà văn, bất ngờ anh Hà, Thiếu tướng, trợ lý của ông đến gặp tôi và bảo: “Anh Quang mời em lên phòng, anh ấy gặp em chút”. Không có gì to tát cả, chỉ là dù đã mấy năm, ông vẫn chưa quên gã cầm bút vô danh và ngang ngạnh là tôi.
Ông bảo: “Vậy cũng tốt rồi. Ở đâu mà làm tốt vai trò, làm việc hết mình thì cũng cần, cũng hữu ích cả. Nếu có khó khăn hay nguyện vọng gì khác, em cứ gọi điện thoại cho anh. Số máy em có rồi đấy”. Cái bắt tay rất chặt và ấm áp, chân tình. Tôi cảm động, bởi đó là cái bắt tay của một người anh lớn tuổi với người em, không hề là cái bắt tay xã giao chiếu cố của thủ trưởng đầu ngành giành cho lính. Ông còn muốn gửi “món quà cho vợ con”. Tuy nhiên, là trại viên, đã có quà ông tặng chung toàn trại với tư cách Đại tướng Bộ trưởng, tôi xin phép không nhận quà riêng nữa.
Từ đó về sau, tôi không có thêm tiếp xúc nào riêng với ông. Nhưng năm nào tôi cũng nhắn tin chúc Tết ông trước, và ngay lập tức nhận lại tin chúc của ông. Anh X thì thỉnh thoảng tôi có gặp. Anh cũng lên cao lắm rồi nhưng vẫn thở dài: “Tiếc quá, phải chi hồi đó em chịu nhận lời…”. Thật tình, nghe anh nói tôi cũng không biết anh tiếc là tiếc cho ai. Về phía mình, tôi nghĩ không đúng chỗ thì chẳng nên ngồi, có gì phải tiếc. Đời tôi tự do thế còn gì.
Riêng tư, ân nghĩa không có gì nhiều. Nhưng, tôi tự biết trong con người mình luôn tồn tại hai tính cách. Để dấn thân, hành xử khi va chạm, tôi là một gã tập tễnh giang hồ. Để sống và ngẩng mặt, tôi luôn tự coi mình là một gã học trò giữa cuộc đời. Gã học trò học dốt thi mãi không đỗ là Trần Tế Xương thành Nam Định, bất đắc chí còn ngẩng mặt chửi um trời đất, huống nữa là tôi. Ít hay nhiều, gã giang hồ là tôi cũng luôn cố gắng học đòi sống như kẻ sĩ. Với kẻ sĩ, chỉ một cử chỉ ân tình thôi đã trả suốt đời không hết. Huống nữa, với anh Trần Đại Quang, tôi đã nhận được nhiều hơn rất nhiều những quan tâm, dẫu đã từ chối thì vẫn cứ đẫm ân tình.
Bữa nay anh về với đất. Đúng sai trong đời, lịch sử xét. Tung hô, ca ngợi hay thị phi đều bỏ lại. Tôi không được, không thể, cũng không chắc đã nên ra dự đám tang anh. Tôi nghĩ, chuyện ân tình, tin cậy, ưu ái tôi từng nhận được từ anh, dẫu chưa từng thổ lộ cùng ai thì cũng chẳng phải bí mật gì, chẳng có thể ảnh hưởng đến ai nữa mà phải giấu. Thôi thì cũng ghi ra đây, xin được coi như nén hương của đứa em ở xa kính tiễn anh yên nghỉ. Coi như em làm kẻ chỉ muốn đến cùng anh sau mùa hoa nở, mong anh không lấy thế làm giận hay buồn.
Anh nghỉ ngơi thanh thản, anh Trần Đại Quang nhé!

No comments:

Post a Comment