Monday, August 25, 2014

Ấn Độ: Sự vươn lên của một cường quốc

Từ một quốc gia đặc biệt với sức mạnh tâm linh và văn hóa tinh thần độc đáo, Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1947 sau cuộc đấu tranh bất bạo động do Mahatma Gandhi lãnh đạo với tên chính thức là Cộng hòa ấn Độ.

      Hiện nay, nền kinh tế Ấn Độ đứng hàng thứ 10 (GDP) và đứng thứ 3 thế giới về lực mua. Tiếp sau những cải cách kinh tế dựa vào thị trường năm 1991, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhất và được xem như một nước mới được công nghiệp hóa.
      Là một trong những nước có vũ khí nguyên tử, Ấn Độ là cường quốc có chi tiêu quốc phòng đứng thứ 8 trên thế giới.
      Với thể chế của một Liên bang Lập hiến (federal constitutional republic), Ấn Độ có hệ thống nghị viện (lưỡng viện) gồm 29 bang và 7 lãnh địa liên minh (union territories). Ấn Độ có 6 đảng được thừa nhận trong toàn quốc và hơn 40 đảng khu vực.
      Vì dân số đông, nhiều chủng tộc, nhiều tôn giáo nên Ấn Độ vẫn phải đối diện với sự nghèo đói, tham nhũng...và những tác động nặng nề từ những tranh chấp trong xã hội.
      Xã hội Ấn Độ truyền thống được xác định bởi cấp bậc, tôn tri; quan trọng nhất là hệ thống đẳng cấp. Từ năm 1947, Ấn Độ đã ban hành các luật chống kỳ thị đẳng cấp trong xã hội.
      Ấn Độ có 1 nền dân chủ độc đáo dựa trên hiến pháp1950 (do Ambedkar, một người thuộc đẳng cấp thấp nhất Ấn Độ, soạn thảo). Trên thực tế, Ấn Độ đã duy trì được 1 đất nước đa chủng tộc, đa tôn giáo hòa đồng mà không buộc người dân phải theo một hình thức/chính thể đồng nhất nào.
      Đảng Quốc đại (National Congress) là đảng phái chủ trương nâng cao cuộc sống của mọi thành phần xã hội. Đặc biệt tập trung vào chính sách cải thiện tầng lớp nghèo. Về kinh tế, đảng có xu hướng chấp nhận chính sách thị trường tự do do Manmohan Singh đề xướng trong những năm 90's.
      Khi làm thủ tướng (2004-2014), Tiến sĩ Singh tiếp tục khuyến khích sự lớn mạnh của thị trường Ấn Độ, đưa mức tăng trưởng kinh tế lên 8-9% mỗi năm với những cải cách về ngân hàng và tài chính cũng như các công ty khu vực công cùng việc tiếp tục chương trình hiện đại hóa các xa lộ. Dưới thời ông, đã có thêm 8 Viện Công nghệ Ấn Độ được thành lập.
      Thủ tướng hiện nay, Narendra Modi (người của đảng đối lập Nhân dân Ấn độ - BJP) là một chiến lược gia của đảng, người giữ chức Thủ hiến bang Gujarat lâu nhất; yếu tố quan trọng nhất đưa ông đến chức thủ tướng Ấn Độ là chính sách kinh tế tạo ra môi trường thuận lợi, biến Gujarat thành 1 bang phát triển năng động và phồn vinh trong những năm qua. Với một nội các gọn nhẹ (23 bộ trưởng), ông Modi kêu gọi dân chúng ủng hộ ông trong vòng 10 năm để đưa Ấn Độ trở thành 1 cường quốc thật sự trên thế giới.
      Một thành công khác của BJP vào thời thủ tướng Atal Bihari Vajpayee cầm quyền (từ 1998), là việc đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khai thác nguồn nhân lực tại chỗ và phát triển công nghệ sinh học.
      Khi thủ tướng Manmohan Singh (thân Mỹ) qua Washington với đề nghị chấp nhận tình trạng vũ khí hạt nhân của Ấn độ và những yêu cầu khác vào tháng 3.2005, Mỹ đã thay đổi chính sách, tuyên bố sẽ giúp Ấn Độ trở thành cường quốc trong thế kỷ 21.
      Về Giáo dục, chính phủ Ấn Độ muốn nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông học tiếp lên đại học từ mức 12% hiện nay lên 30% vào năm 2025 – ngang bằng với nhiều nước phương Tây. Hệ thống đại học sẽ được mở rộng để đáp ứng nguyện vọng của tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo, mở rộng diện tiếp cận, và trở thành một “cường quốc tri thức”. Năm ngoái, theo một số báo cáo, có tới 50 đại học nước ngoài muốn được mở trường tại Ấn Độ. Tình hình càng nhộn nhịp hơn trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phái đoàn gồm hiệu trưởng các trường đại học Mỹ. Ngân sách trung ương đầu tư cho giáo dục trong kế hoạch 5 năm (2010-2015) lớn gấp 9 lần giai đoạn 5 năm trước đó. Không giống như Singapore và Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ không muốn ưu đãi các trường nước ngoài bằng cách cung cấp tiền công hay cấp những khu đất lớn.
      Với những lợi thế hiện nay, Ấn Độ đang có những quan hệ phát triển mật thiết hơn với các nước BRICS và mở rộng hơn nữa vai trò của mình trên thế giới. Là một người cổ vũ chủ nghĩa dân tộc theo Ấn giáo - thường được coi như mối đe dọa rõ rệt nhất cho nền tự do dân chủ của nước này - ông Modi có thoát ly được mục tiêu cơ bản của BJP là hạ thấp địa vị xã hội của các nhóm thiểu số tôn giáo để tạo nên một hình ảnh thích hợp hơn cho một nước Ấn Độ đang trỗi dậy nhanh chóng để trở thành một cường quốc trên thế giới?
(trích đăng từ Kiến thức ngày nay No.861, tác giả: Huỳnh Ngọc Phiên)
     

2 comments:

  1. Là 1 nước nằm cạnh TQ như VN và từng chiến bại trong cuộc chiến biên giới, Ấn Độ đã bí mật thực hiện chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ bất chấp mọi phản đối từ TQ và hiện nay họ đang tăng cường phát triển quan hệ với TQ về kinh tế thương mại với mục đích bổ sung cho nhau (TQ đang là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch buôn bán song phương ở mức 70 tỷ USD).
    Ngay sau khi Modi nhậm chức, TQ đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị qua Delhi đàm phán tạo dựng lòng tin và tiếp tục duy trì quan hệ thương mại giữa 2 nước.

    ReplyDelete
  2. Tôi đã thêm phần Giáo dục và sửa lại vài chỗ so với nguyên bản của tác giả.

    ReplyDelete