Sunday, August 31, 2014

Con đường của dân tộc: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (2)

(các bạn trở lại phần mở đầu ở đây)

Phần 1: Đội Nai - OSS và Cơ hội bị bỏ lỡ

Năm 1945, Đội Nai - OSS (Deer Team - Office of Strategic Services) đã nhảy dù xuống khu rừng già Kim Lũng, Tân Trào. Ở đây họ đã gặp Mr. Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) với nhiệm vụ huấn luyện Việt Minh cách sử dụng vũ khí bộ binh. Trong 2 tuần rưỡi, họ đã huấn luyện cho 85 người. Tất cả những người này đều thông minh, có học thức và trở thành hạt nhân của quân đội Hồ Chí Minh.

Bộ phim tài liệu "Có một cơ hội bị bỏ lỡ" (đạo diễn Nguyễn Mộng Long) được thực hiện về Henry Arthur Prunier, một trong số 7 thành viên của Deer Team - OSS (DTO). Ông Henry từng học tại Đại học Berkeley và học tiếng Việt (sau khi gia nhập quân đội). Sau đó ông được Cục Tình báo Chiến lược (OSS) tuyển chọn và tiếp tục huấn luyện đặc biệt cho đến khi đến Texas học lớp huấn luyện cơ bản để chuẩn bị cho nhiệm vụ "tình nguyện đến Đông Dương". Sau đó, ông được chuyển đến Calcutta và bay đến căn cứ OSS tại Côn Minh. Đội DTO được thành lập ngày 16.05.1945 và chuẩn bị nhảy dù xuống căn cứ của Việt Minh vào tháng 8 cùng năm với nhiệm vụ mới.
      Nói về chủ tịch Hồ Chí Minh, Henry Prunier thuật lại: "lúc mới đến, ông chưa thể gặp ngay Mr. Hồ, bởi lúc ấy Mr. Hồ bị bệnh sốt rét và một số bệnh nhiệt đới khá nặng. Quân y sĩ Paul Hoagland của DTO đã điều trị cho ông bằng ký ninh với một phác đồ thuốc trị liệu và sau đó, tình hình đã khá hơn một chút. Khi tôi gặp ông ấy, ông ta chỉ có da bọc xương. Tuy nhiên, ông có cặp mắt sáng. Đôi mắt của ông rất sáng, và rất thông minh. Tôi thực sự thoải mái khi trò chuyện với ông ấy. Ông ấy nói được tiếng Anh. Nhưng tôi với ông ấy trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp. Tiếng Việt của tôi không đủ để trò chuyện (dù đã được học 3 năm và đảm nhiệm vai trò phiên dịch của DTO). Khi tôi nói là tôi ở Massachusetts, ông đã vui vẻ nói về chuyện này bởi vì ông từng có thời gian ở Boston. Trong thực tế, ông đã ghi chú lên sổ văn phòng của Parker House, vốn là khách sạn nổi tiếng tại Boston. Ông đã có thời gian ở Boston nhưng lưu lại ở New York lâu hơn..."
      Bộ phim như "những trang hồi ký" làm sáng tỏ quá khứ của Henry với những ý kiến, bài viết của một số nhà nghiên cứu sử học, nhà báo, cựu chiến binh... trong và ngoài nước về những khởi đầu trong quan hệ Việt Mỹ. Đặc biệt là cuộc phỏng vấn đại tá Archimedes Patti nói về chính sách của Mỹ đối với VN năm 1945. Patti từng phụ trách Ban Đông Dương thuộc Pháp của OSS, là người đứng đầu phái bộ tiền trạm OSS đến Hà Nội vào tháng 8.1945 và tiếp xúc mấy lần với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Patti được coi là một trong số những "người trong cuộc" hiểu biết rất nhiều tình hình lịch sử VN.
     Có hai vấn đề chính được đặt ra trong phim:
      1. Trong lịch sử quan hệ Việt Mỹ, từng có sự hợp tác và tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa OSS với Việt Minh trong thời kỳ chống phát xít Nhật. Nhưng tại sao DTO đã sớm rút đi và những bức thư của Hồ Chủ tịch gửi chính phủ Mỹ, trong đó có nội dung chủ yếu "...Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ"; thế nhưng Tổng thống Truman đã không trả lời bất cứ văn bản nào.
      2. Vì sao người Mỹ lại ủng hộ Pháp chiếm lại Đông Dương? Lẽ ra, VN đã không bị đẩy vào thế đối đầu với Pháp mạnh hơn mình gấp trăm lần và sau đó với chính người Mỹ mạnh gấp ngàn lần!

Tuy nhiên, với góc nhìn chiến lược từ kinh nghiệm Đông Dương, ông Patti nhận định:
  ..."Chúng ta đã có Hồ Chí Minh. Chúng ta đã có Việt Minh. Chúng ta đã nắm vấn đề Đông Dương. Nhưng vì lý do bất chấp logic mà hôm nay chúng ta đã nhận ra rằng, chúng ta đã ủng hộ người Pháp trong cuộc chiến mà chính họ còn gọi là "la sale guerre" (cuộc chiến bẩn thỉu). Chúng ta đã gánh 80% chiến phí cho người Pháp và sau đó 100% cho cuộc chiến giữa Mỹ và VN."
      Henry Prunier từng bị chỉ trích vì cho rằng: "lẽ ra không nên để xảy ra cuộc chiến tranh với Việt Nam". Claude Berube cũng tán thành quan điểm này: "Rất tiếc cho Henry Prunier đã bị chỉ trích trong khi ông lại có cái nhìn hết sức độc đáo về những người lãnh đạo cuộc chiến chống Hoa Kỳ. Đó chính là cơ hội bị bỏ lỡ."

Deer Team - OSS chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Henry Prunier là người đứng thứ tư (từ phải qua ), click vào hình để xem rõ hơn.
OSS Deer Team members pose with Viet Minh leaders Ho Chi Minh and Vo Nguyen Giap during training at Tan Trao in August 1945. Deer Team members standing, l to r, are Rene Defourneaux, (Ho), Allison Thomas, (Giap), Henry Prunier and Paul Hoagland, far right. Kneeling, left, are Lawrence Vogt and Aaron Squires. (Rene Defourneaux)


(tóm lược từ bài "Gặp người cuối cùng của Đội Nai-OSS năm 1945" của Kim Ửng, KTNN No.866)

(Các bạn xem tiếp Phần 2 ở đây)

Cao Xuân Việt

4 comments:

  1. Hồ Chí Minh nói với chỉ huy OSS tại miền Bắc, Archimedes L.A Patti, rằng ông theo chủ nghĩa Lenin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và xin gia nhập Đệ Tam Quốc tế vì đây là những cá nhân và tổ chức duy nhất quan tâm đến vấn đề thuộc địa. Ông không thấy có sự lựa chọn nào khác. Nhưng trong nhiều năm sau đó những tổ chức này cũng không có hành động gì vì nền độc lập của các dân tộc thuộc địa. Trước mắt, ông đặt nhiều tin tưởng vào sự giúp đỡ của Mỹ trước khi có thể hy vọng vào sự giúp đỡ của Liên Xô. Người Mỹ xem ông là một người quốc tế cộng sản, bù nhìn của Moscow vì ông đã ở Moscow nhiều năm nhưng ông không phải là người cộng sản theo nghĩa Mỹ hiểu mà là nhà cách mạng hoạt động độc lập.

    Theo Archimedes L.A Patti, Hồ Chí Minh và các lãnh đạo khác của Việt Minh nhiều lần bày tỏ với ông sự nghi ngại xung quanh vấn đề chủ nghĩa cộng sản có phải là hình thức chính trị phù hợp với Việt Nam hay không. Hồ Chí Minh không tin người Việt đủ trưởng thành về mặt chính trị để có thể chấp nhận chủ nghĩa cộng sản nhưng một hình thức dân chủ xã hội chủ nghĩa có cải biên có thể phù hợp hơn. Hồ Chí Minh chủ trương Việt Nam sẽ tự do giao thương với tất cả các nước trên thế giới chứ không chỉ hạn chế vào Pháp hoặc Trung Quốc để tạo ra một nền kinh tế thịnh vượng. Ông cũng nghĩ tới vấn đề xây dựng một cộng đồng Liên Á bao gồm các nước Châu Á độc lập góp phần xây dựng nền hòa bình thế giới và phát triển các chương trình kinh tế, chính trị vì lợi ích chung.
    (Wikipedia - Chiến tranh Đông Dương)

    ReplyDelete
  2. “Chúng ta không thể thay đối lịch sử nhưng có thể thay đổi tương lai bằng cách hợp tác với nhau”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu về quan hệ Việt-Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhân chuyến thăm chính thức Mỹ vừa qua theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry.

    ReplyDelete
  3. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào 1995, hai quốc gia đã thành công trong việc chuyển hóa quan hệ từ thù địch thành bạn bè và sau đó là “Đối tác toàn diện”. Các Tuyên bố chung 2005, 2007, 2008 và 2013 đã khẳng định những quan điểm chung về mối quan hệ mang tính xây dựng nhiều mặt dựa trên sự tôn trọng bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau.
    Năm 2015 cũng đánh dấu kỷ niệm 2 năm ngày Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama ký quan hệ “Đối tác toàn diện” (7.2013), cơ chế hợp tác hướng tới việc mở rộng và làm sâu sắc quan hệ song phương giữa hai quốc gia.
    Phát biểu tại Hội thảo QT "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa" diễn ra sáng nay (26.1.2015) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhắc tới việc năm 1946 trong những bức thư tới Tổng thống Hoa Kỳ Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ cho nền độc lập của Việt Nam và bày tỏ mong muốn hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ.
    “Nhưng không may mắn, lịch sử đã không đi theo hương đó và phải mất 70 năm để ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiện thực hóa thành quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày nay”, ông Hà Kim Ngọc nói.
    “Lịch sử đã dạy chúng ta bài học rằng tận dụng được cơ hội xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ dựa trên lợi ích song phương là những nguyên tắc quan trọng nhất để gạt bỏ những khác biệt giữa hai nước và phát triển quan hệ”, Thứ trưởng Ngọc phát biểu.

    ReplyDelete
  4. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định mục tiêu của Hoa Kỳ rất rõ ràng: “Chúng tôi muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền”.
    Hội thảo QT "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa" (26.1.2015)

    ReplyDelete