Monday, February 17, 2020

HISTORY IS A WEAPON

Chiến hữu trùng phùng (战友重逢) Mạc Ngôn từ 2001 vẫn là tác phẩm duy nhất, thêm một chương ngắn trong Tự truyện Từ Hạo Điền ca ngợi tinh thần Lão Sơn..Giới học giả quân sự, lịch sử ... im ắng cả.
"Nhưng Các Bạn - VN- phải nói, nói với nhau và với Thế giới!"- cựu phóng viên Peter luôn cổ vũ. Lịch sử ít có đúng - sai! Chỉ là thích hợp nhiều hay ít. Bài học lịch sử thì giúp ta biết lựa đúng sai trong những hoàn cảnh mới!
Chia sẻ ở đây ý kiến của Như Phong.. từ năm ngoái:
"SUY NGẪM TỪ CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ TỔ QUỐC - THÁNG 2.1979

NB Nguyễn Như Phong

Những ngày này, trên các báo chí và cả mạng xã hội dày đặc thông tin về cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc vào 17.2.1979…
Đây là điều đáng mừng bởi lẽ, chúng ta cần phải nhớ lại cuộc chiến đấu để mà có thêm lòng tự hào về các thế hệ cha anh đã hy sinh, bảo vệ biên cương, đồng thời nhắc nhở chúng ta không được quên đi quá khứ.
Nhớ lại những bài học của lịch sử để có những ứng xử phù hợp và quan trọng nhất là làm thế nào để đừng có chiến tranh - Đó mới là điều cần thiết.
Vừa qua, tôi có may mắn là được đọc hồi ký của nhiều chính khách Hoa kỳ như Tổng thống Jimmy Carte, Của H. Kissinger; Brezinsy; nhiều công trình nghiên cứu của một số nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử về cuộc chiến tranh Việt –Trung; và đặc biệt là có được tập “Biên bản các cuộc họp rút kinh nghiệm trong chiến tranh với Việt nam của một số binh chủng, quân đoàn… quân Giải phóng NDTQ đã tham chiến ở VN”
Viết lại thì rất nhiều, rất dài, và phải cần có thời gian. Tuy nhiên, tôi có thể cung cấp cho các bạn hiểu thêm về nguyên nhân Đặng quyết tấn công Việt Nam.
Những nguyên nhân đó là:
1. Việc một nước Việt Nam thống nhất và trở thành một quốc gia phát triển ở Đông Nam Á là điều mà Đặng Tiểu Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ muốn. Trung Quốc đã có rất nhiều biện pháp ngăn chặn Việt Nam giải phóng đất nước nhưng không thành. Chiến thắng 30 tháng 4 của Việt Nam là điều Trung Quốc không thể ngờ tới. Chính vì vậy, họ đã phải sử dụng rất nhiều biện pháp từ chính trị, kinh tế và dùng bọn Pol Pot để chống phá Việt Nam.
2. Trung Quốc lo sợ một Liên Xô hùng mạnh ở phía Bắc, một nước Việt Nam thống nhất và phát triển ở phía Nam sẽ là một “gọng kìm” kiềm chế và ngăn cản tham vọng bành trướng của Trung Quốc xuống phương Nam.
3. Đặng Tiểu Bình muốn thâu tóm toàn bộ quyền lực trong Đảng, quân đội và thể hiện qua quyết tâm tấn công Việt Nam. Khi Đặng làm được điều đó, có nghĩa là Đặng đã có được quyền lực tuyệt đối.
4. Đặng Tiểu Bình muốn dùng cuộc chiến tranh này để củng cố lại quân đội quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bị rệu rã và mất hết ý chí chiến đấu sau cuộc Đại Cách mạng Văn hóa.
5. Đặng Tiểu Bình muốn mượn cuộc chiến này để thử phản ứng của Liên Xô và trong việc này, Đặng đã thành công. Bởi lẽ khi cuộc chiến nổ ra, Liên Xô đã “án binh bất động”, không có sự trợ giúp đáng kể nào cho Việt Nam; đồng thời còn ngấm ngầm thông báo cho phía Trung Quốc biết, nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam một cách “hạn chế” thì Liên bang Xôviết sẽ không động binh.(Đây cũng là sự thật đáng chú ý về Tình hữu nghị Việt-Xô”).
6. Bằng việc mở cuộc chiến tranh này, Trung Quốc hy vọng Việt Nam sẽ phải rút quân đội khỏi Campuchia nhằm để Trung Quốc cứu vãn cho sự sụp đổ của chế độ diệt chủng Pol Pot.
7. Đặng Tiểu Bình muốn qua cuộc chiến tranh này để lấy lòng Mỹ và biến mình trở thành “tên lính xung kích” chống Liên Xô, chống Việt Nam, từ đó tạo ra được một liên minh không chính thức với Hoa Kỳ để được trợ giúp về khoa học kỹ thuật nhằm thực hiện mục tiêu “4 hiện đại hóa”.
8. Nguyên nhân cuối cùng mà Trung Quốc vẫn thường rêu rao một cách công khai rằng, không muốn ở Đông Nam Á lại có thêm “một Cuba” nữa./.

Trong các nguyên nhân trên, thì nguyên nhân số 1 là Đặng và chính quyền TQ không muốn có một Việt Nam phát triển… là nguyên nhân sâu xa nhất, và xuyên suốt, là “kim chỉ nam cho mọi hành động của lãnh đạo TQ đối với VN”, cho tới tận ngày hôm nay.
Với những gì TQ đã gây ra cho VN, và với những gì TQ đang làm và sẽ làm đối với Việt Nam, thì có thể khẳng định rằng : TQ sẽ còn tìm cách để kiềm chế, không cho VN phát triển, làm cho VN lệ thuộc vào họ.
Cho nên nếu tin vào cái gọi là “tình hữu nghị” với TQ thì đó là niềm tin của kẻ mù lòa, lú lẫn…
Gần đây, lại rộ lên tư tưởng muốn “thoát Trung”? Và muốn dựa vào Mỹ…
Theo tôi, đây là những tư tưởng cực đoan và nông cạn.
Muốn “thoát Trung” chỉ có một cách: Đó là Việt Nam phải tự vượt lên, xây dựng và phát triền kinh tế đất nước bằng chính trí tuệ và nội lực của mình. Còn nếu có tư tưởng dựa dẫm ngoại bang, thì dựa vào ai cũng sẽ “chết”.
Dựa vào Mỹ, thì sẽ "chết" với TQ…?
Và dựa vào TQ, thì cũng sẽ “chết với Mỹ”…?
Cho nên phải cân bằng được trong mối quan hệ với các nước lớn, đó là một nghệ thuật lãnh đạo.
Nước ta, suốt mấy chục năm là “nạn nhân” trong cuộc đấu tranh ý thức thế hệ giữa hai phe XHCN và TBCN… Và thực sự, chỉ là “quân cờ” trong tay người khác.
Chính vì thế, mới thấy việc VN giành được độc lập, thống nhất non sông về một mối là quá giỏi, sự lãnh đạo quá tài tình của Bác Hồ và các thế hệ lãnh đạo, và trên hết là lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân và sự hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ cha anh…
Nhưng bây giờ, thì xem ra lại có nhiều điều không ổn.
Xã hội chúng ta tuy có phát triển nhưng chậm và đang bộc lộ quá nhiều điều bất cập.
Điều nguy hiểm là chúng ta đang mắc bệnh “tự làm cho mình sung sướng”; “mèo khen mèo dài đuôi”, mà không dám thừa nhận một cách sòng phẳng, thật thà về tình trạng tụt hậu và yếu kém của nền kinh tế nước ta. Không dám nói rõ cho nhân dân biết "Thực chất" về tình hình phát triển kinh tế, và các vấn đề về văn hóa, xã hội…
Gần đây, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ ta đã đề cập tới, đó là Phải đổi mới thể chế lãnh đạo để phù hợp với sự phát triển kinh tế đất nước.
Nhưng nói là một việc, còn làm là một việc… xa ơi là xa???
Cứ nói “đổi mới” và đủ các loại chủ trương, nghị quyết ra đời… Nhưng đã có ai kiểm tra, kiểm điểm xem có bao nhiệu nghị quyết chỉ có giá trị trên… giấy, và trong hội nghị, còn đi vào cuộc sống thì có bao nhiêu?
Có một sự thật cay đắng là người VN vẫn lười lao động, vẫn ham ăn nhậu; vẫn lao động vô kỷ luật, vẫn tìm cách “tự giết nhau”, chèn ép nhau và chưa khi nào tính đố kỵ trong người Việt lại phát triển như vậy… Không hiểu sao, người Việt ta chỉ đoàn kết khi Tổ quốc lâm nguy, còn lúc thời bình thì cứ như “đám cua trong chậu… Con này kéo chân con kia”. Và nếu ta không vươn lên, làm chủ được nền kinh tế, cứ phải dựa dẫm quá mức vào nước ngoài, thì việc trở thành “phiên thuộc” của TQ là điều khó tránh khỏi.
Nếu người Việt không có lòng tự trọng, không biết xấu hổ là “Vì sao ta tụt hậu; vì sao ta kém…” Và biết thể hiện lòng yêu nước bằng việc “xử dụng hàng trong nước”… Phải biết xấu hổ khi ta không làm được hàng hóa tốt, rẻ như nước ngoài.
Và quan trọng là nếu người dân xấu hổ 1 thì lãnh đạo phải biết xấu hổ 100 lần…
Một điều nữa, tôi muốn nói nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước quân xâm lược TQ là: Chúng ta phải giữ Hòa Khí nhưng không được Hèn!
Thời gian qua, rõ ràng chúng ta đã Hèn trước TQ, ấy là: Tránh không dám nhắc nhiều đến những sự thật mà TQ đã gây cho dân tộc ta; thậm chí né tránh “chỉ mặt, gọi tên” sự việc mà mười mươi là do TQ gây ra (kiểu như …tàu lạ); Chúng ta không dám kiện TQ ra tòa án bởi những hành động bá quyền ở Biển Đông? Ngay mấy hôm nay, vẫn có cơ quan truyền thông của Đảng còn “sợ”, không dám nói “TQ đã xâm lược Việt nam vào tháng 2 năm 1979”…
Tôi rất thích câu nói của một ông vua nhà Đường của TQ : “Soi vào tấm gương bằng đồng thì thấy râu tóc của ta. Còn soi vào lịch sử để thấy việc hôm nay ta làm là đúng hay sai”.
Đúng vậy, soi vào lịch sử để thấy việc hôm nay là đúng hay sai, chứ không phải bới móc, suy diễn, hay kích động thù hận, và đặc biệt là không được mang tư duy ngày hôm nay lên án tư duy, việc làm của người trước…"
Sau 40 năm, ngày càng có nhiều người Trung Quốc, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm nói lên những tiếng nói phản bác lại những điều mà họ đã ngộ nhận;

xem thêm: https://infonet.vietnamnet.vn/nguoi-trung-quoc-noi-gi-ve-cuoc-chien-1721979-post290587.info

copy từ FB-Peter Nagy

No comments:

Post a Comment