Thursday, February 27, 2020

Tiền đi đâu và kinh tế thịnh vượng

Tôi có quen một đại gia thuộc top 5 Việt Nam. Anh này có tư chất khoa học, tự hào đã tu luyện và nắm bản chất của nền tài chính thế giới. Chính vì thế anh sử dụng các đòn bẩy, vòng tròn nhỏ rất điêu luyện, thoát hiểm trong tích tắc nhiều lần để trở thành đại gia. Cố nhiên từ đó, tôi ít có dịp gặp và nói chuyện. Ở giai tầng khác nhau, quan tâm khác nhau, câu chuyện và thậm chí khái niệm cũng khác nhau.
Có một dịp anh ghé nhà tôi ở Florida "ủ mưu" mấy tuần hồi cách đây 20 năm. Tối nào, tôi thức dậy cũng thấy đốm thuốc lập lòe trong bóng tối, anh ngồi trong góc nhà suy nghĩ. Căn hộ của tôi nằm dưới một tán cây rất lớn và rất đẹp. Ban công nằm ngay dưới tán cây đó, tôi kê mấy cái ghế và một cái bàn đề ngồi tán gẫu. Hầu như lúc tôi ra khỏi nhà đi làm buổi sáng và về nhà buổi chiều, nửa đêm tỉnh giấc, tôi đều thấy anh ngồi đó. Trước đó vài năm, ở New York, tôi cũng tìm hiểu chút chút về Tài chính, đủ để kiếm việc ở Wall Street. Do tìm hiểu nghiệp dư, có những điều tôi biết khá sửng sốt đối với cả những nhà chuyên môn tài chính, nhưng có những điều ngu dốt không thể tưởng. Về Florida, mang theo cả đống sách Tài chính, nhưng tôi quan tâm hơn tới sản xuất thiết bị công nghiệp và hệ thống thông tin quản lý.
Tuy vậy, tôi cũng đủ sức để trình bày ý tưởng của mình (nếu thảng hoặc có được) một cách có nghĩa lý. Câu hỏi của tôi với anh bạn đại gia tương lai (tôi cho là kỳ tài) là: Đôi khi ta thấy tiền rất nhiều, đâu cũng có người có tiền. Khi khác thấy mọi người đều không có tiền. Ngân hàng cũng không có tiền cho vay. Vậy thì tiền đi đâu ?
Anh bạn hiểu rất nhanh ý tôi. Anh quay sang nói với con gái tôi "Câu hỏi của bố cháu rất hay. Cháu có thể theo học ngành tài chính để trả lời câu hỏi này suốt đời. Số tiền trong xã hội phải là một số không đổi. Chú cũng đã từng hỏi tiền đi đâu." Túm lại, đại gia kỳ tài cũng không có trả lời hiển nhiên cho câu hỏi, và là đại gia thì không thể trả lời không biết. Lợi ích tôi thu được là chắc chắn câu hỏi này có nghĩa và không tầm thường.
Tôi suy nghĩ câu hỏi này trong nhiều năm và catch được ý tưởng chính: cảm giác về nhiều hay ít tiền trong xã hội không phải là do tổng số tiền mặt mà là tốc độ luân chuyển của tiền. Nếu trong một ngày tiền chỉ luân chuyển từ A sang B, hoặc nằm yên trong túi A, rõ ràng nếu hỏi những người còn lại sẽ không thấy tiền. Nhưng nếu tiền luân chuyển qua túi 100 người thì hỏi 100 người đó, họ đều nói có tiền. Suy rộng ra, sự thinh vượng của xã hội, sẽ đo bằng lượng tiền lưu chuyển, chứ không phải số tiền mặt tổng cộng. Khi lưu chuyển sẽ tạo ra thặng dư. Tôi tính viết một phần mềm mô phỏng quá trình này. Về mặt chính sách, muốn phát triển kinh tế, chỉ cần kích thích, khuyến khích việc lưu chuyển tiền, khơi thông ách tắc, chống đầu cơ, ôm tiền một chỗ. Tiền xoay vòng cố nhiên phải có hàng hóa, dịch vụ và thặng dư.
Đến khi có dịch Covid-19 này, tôi lại càng tin tưởng vào cách giải thích trên. Đừng tưởng nghỉ học sẽ chỉ ảnh hưởng tới mấy trường tư. Chợ búa, hàng ăn, du lịch vắng teo sẽ chặn dòng tiền luân chuyển. Có thể như hiệu ứng cánh bướm.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment