Sunday, February 16, 2020

NHÂN CÁCH CỦA MỘT NHÀ TRÍ THỨC LỚN

Năm 1967 ở nước ta xảy ra vụ án xét lại, nhiều lãnh đạo cao cấp bị bắt giam hoặc cách chức. Vào thời gian này có một số con cán bộ cao cấp nói trên đang học tại Liên Xô như Vũ Chí Dũng con cụ Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Thư con cụ Đặng Kim Giang và một số người nữa. Đã có ý kiến phải đưa hết số này về nước nhưng Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp hồi bấy giờ là cụ Tạ Quang Bửu đã cương quyết phản đối và lấy tư cách cá nhân bảo lãnh cho số sinh viên này.

Không những thế, trong chuyến công tác sang Đông Âu, cụ Tạ Quang Bửu còn nhắn Đặng Kim Thư ra ga Kiev để cụ gặp mươi phút trong lúc tàu dừng lại Kiev. Cụ gặp Đặng Kim Thư như bậc cha chú gặp con của bạn, động viên Thư học tập tốt, càng khó khăn càng phải chứng tỏ bản lĩnh của mình. Và đó cũng là cách cụ Bửu gián tiếp thông báo cho những ai muốn đưa số con của các cán bộ bị bắt trong vụ án xét lại về nước rằng cụ nhất quyết bảo vệ “các cháu”.

Vài năm sau, em trai của Đặng Kim Thư là Đặng Kim Sơn thi đỗ vào Bách Khoa nhưng không được vào học. Biết chuyện, cụ Tạ Quang Bửu trực tiếp can thiệp để Đặng Kim Sơn vào học Đại học Nông nghiệp. Nhờ đó chúng ta mới có TS. Đặng Kim Sơn, sau này là Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).

Cụ Bửu thấy việc đúng là làm, không khom lưng trước thế lực cực mạnh lúc bấy giờ.

Nhân cách của các vị tiền bối là tấm gương lớn cho chúng ta!

———————————
Tham khảo thêm:
Nghiên cứu về sự kiện này được Sophie Quinn-Judge công bố trên tạp chí Journal of Cold War History tháng 11 năm 2005, ước lượng trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, khoảng 300 người bị bắt trong đó có 30 nhân vật cao cấp.
• Những nhân vật bị bắt: gồm những nhân vật lão thành trong đảng, nhiều vị tướng cùng một số những nhà nghiên cứu và nhà báo như: Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin Hoàng Minh Chính (bị bắt ngày 27-7-1967); Vụ trưởng Lễ tân Bộ Ngoại giao Vũ Đình Huỳnh (bị bắt ngày 18-10-1967); Cục trưởng Cục 2 (Cục Tình báo quân đội) đại tá Lê Trọng Nghĩa; Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Đại tá Lê Minh Nghĩa; Cục trưởng Cục Tác chiến Đại tá Đỗ Đức Kiên; Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân Hoàng Thế Dũng; phó giám đốc nhà xuất bản Sự thật, nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Kiến Giang; Giám đốc nhà xuất bản Sự thật Minh Tranh; Phó bí thư thành ủy Hà Nội kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội Trần Minh Việt; phó tổng biên tập báo Hà Nội Mới Phạm Hữu Viết; phó tổng biên tập tạp chí Học Tập Phạm Kỳ Vân; Tổng thư kí toà báo Quân đội Nhân dân Trần Thư; nhà báo Vũ Thư Hiên, nhà văn Bùi Ngọc Tấn...
• Những nhân vật không bị bắt nhưng bị khai trừ đảng: Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lê Liêm; thiếu tướng Đặng Kim Giang; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh; phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước Bùi Công Trừng. Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm bị quy trách nhiệm về bản tuyên bố chung "thân Liên Xô" trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1 năm 1963 của Chủ tịch Tiệp Khắc Novotny và bị thay thế bởi Xuân Thủy.
• Những nhân vật xin tị nạn tại Liên Xô: có khoảng 40 người lúc đó đang đi học hay đi công tác ở Liên Xô đã xin ở lại như Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Nguyễn Minh Cần; Chính uỷ sư đoàn 308, Phó chính uỷ Quân khu khu III đại tá Lê Vinh Quốc; nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân thượng tá Ðỗ Văn Doãn.

Phan Chi

No comments:

Post a Comment