Thế tử Kích nước Nguỵ gặp Điền Tử Phương đang đi ngoài đường. Kích xuống kiệu chắp tay đứng bên đường tỏ ý kính trọng. Phương chỉ gật đầu, phất tay áo mà đi. Kích nổi giận sai tả hữu giữ lại và hỏi “Tôi nghe kẻ quyền quý coi thường người hạ tiện. Há có người hạ tiện lại vì cớ gì có thể coi thường người quyền quý hay sao?”. Phương nói “Người quyền quý phải sợ mất quyền quý. Người hạ tiện chẳng lo mất hạ tiện. Vì thế người hạ tiện mới có thể coi thường người quyền quý. Còn tôi chẳng qua muốn thế tử được tiếng khiêm nhường kẻ hạ tiện đó thôi”. Kích bèn chắp tay cảm ơn Phương.
Tống vương tên là Yển thân cao chín thước tám tấc, dáng đi như hổ báo, mắt sáng như sao, tiếng vang như chuông, mắt rồng mày phượng, sức mạnh bạt núi, vươn tay bắt được chim đang bay, bắn cung trăm phát trăm trúng, võ nghệ tuyệt luân, dùng binh như thần. Vương sinh là con trai thứ, không chịu ở dưới người, bèn cướp ngôi tự lập. Bấy giờ có người bắt được tổ chim sẻ có một cái trứng lạ, nở ra chim đại bàng, bèn dâng vua Tống. Quan tướng quốc nói “Đại bàng là vua loài chim, sinh ra trong tổ chim sẻ. Có lẽ ứng vào việc chúa công sẽ thành chúa thiên hạ chăng. Nước Tống ta tuy nhỏ nhưng dòng dõi thiên tử nhà Ân.” Yển mừng lắm bèn đem quân đánh Trịnh, Vệ, Lỗ, Tào,... diệt hơn 10 nước nhỏ, mở mang bờ cõi, thành một nước lớn, sánh ngang Tam Tấn, Tần, Tề. Bèn xưng vương, muốn thay nhà Chu kiêm tính thiên hạ. Yển lại triệu tập chư hầu, trừ nước Tần xa xôi mọi rợ, không nước nào dám trái lệnh. Tống bèn diệt nước Việt, đang là bá chủ của Bách Việt, bức hiếp Sở, Tề, Nguỵ mỗi nước phải nộp 300 trăm dặm đất. Các nhà đều khiếp sợ oai Tống, phải tuân theo, nhưng đều bàn với nhau “Nộp đất cho Tống thì Tống càng mạnh. Lòng tham của Tống lại không cùng, ắt muốn cướp cả thiên hạ.”
Yển sai khiến được chư hầu không nghe lời hiền thần, nhiều người thấy hoạ sắp tới bèn bỏ đi. Yển lại càng xa xỉ và tàn bạo. Thiên hạ đều gọi là Kiệt Tống.
Mân vương nước Tề là người có chí lớn, thân cao 9 thước, râu rậm mắt sáng, kiến thức siêu phàm, lại thường kết bạn với các danh gia đương thời như bọn Trâu Tử. Vương hận Yển thấu tim gan, bèn nuôi chí báo thù. Vương bàn mưu với danh gia các nhà và bọn quần thần như Vương tôn Cao, Thái sử Hiểu thuyết phục Sở, Nguỵ cùng đánh Tống, hẹn chia 3 nước Tống.
Ba nước họp quân, Mân Vương làm chủ soái đánh quân Tống như chẻ tre, nhưng Yển vẫn chủ quan không sợ hãi. Đến khi chỉ còn trơ trọi một mình, mới bỏ trốn. Mân vương đuổi theo bắt được Yển chém đầu Yển ra oai, uy lừng thiên hạ. Các nước kể cả Tần mọi rợ và thiên tử nhà Chu đều gửi sứ mừng Mân Vương. Mân Vương bèn đại hội chư hầu. Vua các nước đều không dám ngẩng đầu nhìn mặt vua Tề. Các nước nhỏ như Tào, Lỗ đều nịnh hót tôn Mân Vương làm thiên tử. Mân Vương bèn nuốt lời hứa với Sở và Ngụy, lấy cả đất Tống, lại bắt hiếp nước Sở nộp thêm 200 dặm đất Hoài Bắc. Sở và Nguỵ đếu uất ức, Triệu, Hàn, Tần cũng lấy làm bất bình, nhưng sợ uy thế của Tề không dám nói gì. Mân Vương tự cho mình là thiên tử bèn kiêu xa còn hơn Tống Yển. Các danh gia đều bỏ Tề mà đi. Bọn Cao và Hiểu, chán nản cáo ốm về vườn. Bấy giờ nước Yên có loạn Tử Chi, Mân Vưong thân hành đem quân đi đánh, chiếm được cả nước Yên, toan phá huỷ tông miếu, diệt Yên. Sau nghe lời người đồng cốt cho rằng Yên sẽ thờ Tề như thiên tử nên thôi. Mân Vương lại càng kiêu ngạo cho rằng đánh được Yển cũng không phải là nhờ công tả hữu.
Chiêu Vưong nước Yên, thức sớm ngủ muộn, cần kiện nuôi sức dân lo việc khôi phục đất nước trong 30 năm, lúc nào cũng cầu mong cho Mân Vương sống lâu để tự mình trả thù cho nước, rửa nhục cho tông xã. Khi nước đã mạnh, dân đã giàu, ai cũng nguyện hiến thân cho đất nước, Chiêu Vương bèn tìm được Nhạc Nghị, cháu danh tướng Nguỵ Nhạc Dương, bái làm đại tướng, lại ước cùng Tam Tấn và Tần đem quân đánh Tề. Nghị đem quân 5 nước đánh Tề, lấy được các đất ngày xưa Mân Vương cướp của chư hầu trả lại cho các nước. Riêng Nhạc Nghị đem quân Yên vào Tề lấy được 70 thành, chỉ còn lại hai thành. Mân Vương cùng đường chạy sang Lỗ, Tào. Đến đâu cũng đòi chư hầu lấy lễ thiên tử triều kiến. Các nước bèn đều từ tạ, không tiếp. Tả hữu tản mát gần hết, Mẫn Vương chạy vào thành Cử gặp Vương tôn Cao được Cao hết lòng phò tá. Mân Vương bèn sai Cao sang mượn quân Sở, hứa trả Sở 200 dặm đất Hoài Bắc. Sở Vương cử Trác Xỉ làm đại tướng đem quân cứu Tề nhưng dặn Xỉ “Tề tham tàn kiêu ngạo, nên mới gặp cảnh này. Nay lại hứa trả lại cho ta đất Hoài Bắc không còn trong tay hắn. Ngươi đi chuyến này cốt làm cho Tề không bao giờ còn có thể đe doạ Sở ta. Được như thế ngươi có thể tự lập làm Tề Vương.”
Xỉ đem quân Sở vào Cử, Mân Vưong bèn phong Xỉ làm tướng quốc. Chưa đầy 100 ngày Xỉ bèn kể tội Mân Vương và rút gân chân tay, treo lên xà nhà. Ba ngày sau Mân Vương chết thảm.
[Lời bàn của Lệnh Lỗi Dương] Uy lực của kẻ quyền quý là do sức mạnh của đám đông. Sức mạnh của đám đông được cố kết về một phía là do tầng lớp tinh hoa. Nếu chỉ dùng quyền lực, nhân tâm sẽ xa cách và sợ hãi. Kẻ có tài xa cách mà không phục sẽ coi thường, người thường sợ hãi sẽ oán giận. Đám đông oán giận, người tài coi thường sớm muộn sẽ có lực lượng phản kháng, mọi người chán ghét không ai đoái hoài, có uy như trời cũng tan vỡ. Yển khi bị hành hình, Mân vương trên xà nhà có hối cũng đã muộn. Kích biết xin lỗi Điền Tử Phương cũng là may cho Kích.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment