Monday, February 24, 2020

Tập tục lễ Tết

QUỐC ẤN

Mẹ tôi hay nói nôm "ăn Tết cả năm không bằng cái rằm tháng Giêng" mà không giải thích gì, chắc câu này truyền khẩu nhiều thế hệ và có lý do riêng gì đấy. Rồi khắp nơi ăn chơi còn hết tháng, ít ra là không nhiều người làm việc khi vẫn còn tháng Giêng, cũng chả biết tại sao.

Tháng Chạp, ít ra là từ ngày 23, cũng không mấy ai có tâm trí tập trung làm việc và luôn "có gì ra Tết nhé?!", đâu đâu cũng đông đúc tít mù xuôi ngược lễ lạt kẻ dương người âm. Ai đấy than vãn "chết mệt!" nhưng rồi lại hối hả cuốn vào dòng đời "no ba ngày Tết" hoặc "lo ba ngày Tết", để rồi tối Ba Mươi có vẻ lại mãn nguyện hể hả thở phào với thành quả tất bật của những hôm trước...

Năm nào rồi lại cũng như năm xưa, lặp lại đèn cù như vậy hết thế hệ này tới thế hệ khác... Lạ lùng thật! Một năm có hai tháng lê thê, hơn 16% còn gì, có thể coi đấy là dung sai đặc trưng cho người Việt ở mọi khu vực? Rồi ăn nhậu, rồi lễ hội, rồi chùa chiền, rồi bài bạc, rồi bói toán, rồi giải hạn,... xem chừng ngày càng nhiều thêm bất tận. Đâu và gì cũng nói tới truyền thống văn hóa, thậm chí cột thêm tâm linh vào nữa, chả biết đằng nào mà lần...

Tôi không phản đối một kỳ nghỉ dịp Tết, nhưng bớt dài đi thì hơn, bớt ăn nhậu đi thì hay, bớt lên đồng tập thể các loại "lễ hội đình, chùa truyền thống văn hóa tâm linh" đi thì khỏe...

Cũng như cứ mỗi năm năm thì chừng độ năm rưỡi ngó nghiêng vậy.

Nhưng đã thành quốc ấn rồi thì biết làm thế nào?

Giá như từ đầu tháng Giêng mà mọi người cứ ký tên đóng dấu cho các việc hanh thông thì tốt...

Như Hùng (2016)

No comments:

Post a Comment