Thursday, June 19, 2014

Budapest szálló - Chuyện của hai ông bố và hai "ông" con

     Ở Óbuda, khách sạn tròn Budapest cũng là nơi ghi lại kỷ niệm của tôi với cha mình trong thời gian ông sang Hungary công tác (từ 10 đến 22/7/1973). Tôi đã đến đây gặp ông, ăn tối và ngủ lại 1 đêm, phần ông thì muốn biết thật nhiều về tôi, nhất là những gì làm ông phải lo lắng... còn tôi thì cũng muốn nếm mùi ở hotel như thế nào và dĩ nhiên là mừng vì được gặp lại cha tôi sau hơn 1 năm xa cách, được nhận nhiều thư và quà cũng như nghe ông kể nhiều chuyện về mẹ và mấy chị em gái ở nhà... Bây giờ khi đã làm cha thì tôi hiểu ông hơn, còn sau lần gặp ấy tôi nhận thấy càng ngày giữa tôi và cha mình càng có nhiều khác biệt.


     Tôi và Ái Việt thân với nhau hơn từ khi ba tôi sang công tác lần đó. Nhưng không giống như 2 thằng con, 2 ông bố lại không như vậy. Sau này, khi đã gặp và nói chuyện với tôi nhiều lần thì chú Huy Phương nhận thấy sự khác biệt giữa tôi và ba tôi. Chú Phương nhận xét ba tôi là 1 người rất tốt, rất tử tế, nhưng không thể là một người bạn đúng nghĩa được. Tôi rất đồng ý với điều mà chú ấy đã nói và thích bố của AV vì chú ấy là người rất thẳng thắn và cương trực. Bản thân tôi cũng không thích ba tôi về mặt giao tiếp, ông hầu như không có bạn thân (bạn bè thì có), có thể vì ông xử sự theo cung cách "ngoại giao" quá chăng, còn tôi thì lại thuộc loại 'ba bửa' tán loạn chẳng theo trật tự khuôn phép nào cả... Dù chẳng hay ho gì nhưng tôi vốn theo đuổi "tính chân thực" nên cũng không ngại thú thật khi cho rằng: việc nuôi dưỡng chăm sóc con cái của các đấng sinh thành, với con cái thì công đức ấy như núi Thái Sơn hay còn hơn thế cũng không có gì bàn cãi, nhưng đấy là chuyện "kính". Còn tôi thì không "trọng" cha mẹ với lý do vì cha (mẹ) tôi không dạy dỗ được tôi nhiều, chủ yếu là do tôi 'tự thu & tự phát' từ sách vở và cuộc sống từ bé của mình. Tôi đã phát triển theo kiểu 'cây cỏ' tự nhiên nhiều hơn là phát triển từ 1 'nền tảng' được chuẩn bị có hệ thống và có sức thuyết phục từ gia đình. Giáo huấn gia đình với tôi là chuyện đã được 'mặc định', đã có sẵn trong nhân gian. Điều tôi cần là những gì thật sự làm tôi "tâm phục khẩu phục" từ tấm gương của cha mẹ. Tôi cũng nhận thấy được đây là thiếu sót ở nhiều gia đình chứ không phải chỉ có ở gia đình của tôi. Và tôi đã tự nhủ rằng sau này sẽ nuôi nấng và dạy dỗ con cái  của mình theo một cách khác, với "tính ưu việt" hơn hẳn những gì mà cha mẹ đã dành cho tôi.

                          
     Trước khi lên Đại Từ tập trung. Ba tôi nói với tôi là tôi sẽ học Luật (Công pháp quốc tế), không biết từ đâu mà ông có được thông tin này. Sau khi sang Hungary thì tôi bị đổi ngành học và phải học cao đẳng, vụ này cũng làm tôi rất nản và ghét bộ phận QL lưu học sinh lúc đó. Còn Ái Việt thì không thích sự lựa chọn của tôi, khi ở Budaorsi tên này nói với tôi là:"Tao không hiểu nổi tại sao mày lại thi vào khối C". Vụ này thì cũng lỗi tại tôi thật, vì lúc ghi nguyện vọng thi ĐH thì tôi ghi 3 ĐH/ngành: 1. Ngoại ngữ, 2. Kiến trúc và 3. (hình như là) Báo chí. Tôi không nhớ là ghi nguyện vọng như vậy để thi khối C cho chắc ăn hay thế nào nữa. Nếu có thi khối khác (A) thì với trình độ 'dốt' Toán vì 'chơi nhiều-học ít' chắc gì tôi đã 'góp mặt' được cùng bạn bè ở Hungary vào năm 1972.
     Nhưng tôi vẫn nhớ những lúc AV lên 'giây cót' tinh thần cho tôi, rằng cũng phải cố gắng thay đổi tình thế chứ không thể chấp nhận sự 'sa sút' được. Tôi nhớ nhiều lần AV hứng chí nói rất nhiều. Tuy bộ nhớ/memory của tôi thuộc loại vứt đi, nhưng may là ký ức "hình ảnh & âm thanh" thì không đến nỗi nào nên cũng vớt vát được đôi chút những gì còn sót lại... tôi vẫn nhớ bộ dạng AV lúc đó và cả tinh thần và bản chất của tên này dù không thể nhớ được nội dung, không biết bây giờ AV còn giữ thói quen này không nhưng khi đó, nếu đã nói đến đoạn 'cao trào' thì cậu chàng rất hay 'khoắng tay-ngoáy mũi' liên tục. Và bản tính đó cho tôi thấy tên này rất chân thành. Tiếc là chúng tôi đã không phải là bạn của nhau sớm hơn, nếu là bạn thân từ bé thì biết đâu tôi lại chẳng học hành khác hơn 1 chút vì... nể bạn :)

1 comment:

  1. Câu chuyện của hai cha con tôi thật ko vui vẻ gì. Nếu chỉ là chuyện gia đình đã vậy, nhưng nó còn là chuyện của 2 thế hệ; 2 ý thức và quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.
    Một cách rạch ròi, đây là vấn đề của xã hội VN nói chung. Khi những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết như cha tôi theo cách mạng, từ bỏ danh vọng, sự nghiệp để theo con đường giải phóng dân tộc. Lúc còn bé và chưa biết nhiều, tôi hoàn toàn ngưỡng mộ cha mình. Nhưng sau khi trở về từ Hungary và có sự phản kháng với xã hội thì tôi bắt đầu có sự so sánh từ sự thật mà mình đang chứng kiến. Phân tích lỗi "hệ thống" một cách cụ thể thì tôi cho rằng, di sản của cha mình để lại là thành quả chung chứ ông ko có thành tích đáng kể gì. Tôi coi thường ông vì ông chỉ là ốc vít của 1 hệ thống. Sau khi hoàn thành sứ mạng to lớn, cỗ máy vĩ đại này bắt đầu mất tính hiệu quả, và với tôi, nếu vẫn chỉ là ốc vít thì ông ko còn "giá trị" vì đã hết vai trò, ko còn là tấm gương nhiệt huyết vì đất nước nữa. Nếu nói rằng, ông và các đồng chí của mình phải tìm 1 hướng đi khác vì đã "lầnm đường lạc lối" thì chẳng có ai nghe nổi ở những năm 70-es, vì làm sao mà "trứng lại khôn hơn vịt được"?, khi ấy chỉ có ông và các đồng chí của mình mới quy chụp những kẻ khác là "lầm đường lạc lối" mà thôi.
    Nhưng tôi đã thực sự tiếc vì cha mình đi theo cách mạng. Nếu ông vào học trường thuốc Đông Dương (mà ông đã bỏ dù đã thi đậu cùng với rất ít người vào năm 1945) thì chắc là tôi ngưỡng mộ ông hơn. Sẽ học được ở ông nhiều hơn từ 1 bác sĩ hay dược sĩ chứ không phải là 1 nhà lý luận suông như vậy.

    ReplyDelete