Phan Nguyễn Khánh, hình chụp vào năm 1973.
Vì biết Khánh không phải là người thích phô diễn nên tôi sẽ viết thật kiệm lời về bạn. Còn Bình "to" tuy ồn ào nhưng chắc chắn cũng không thích "um sùm rùm beng". Mong rằng, 2 bạn hiểu tôi vì tất cả những gì được viết ở đây đều chân thành, dù có quăng bom vãi đạn đi nữa thì tôi cũng chẳng có chút ác ý nào (như Ái Việt cho biết là "sẽ không tự ái" dù có bạn nào đó cho rằng tên này là "một nhân vật xấu xí hay là một con quỷ râu xanh đi nữa") và như thế, tôi muốn viết thật với lòng mình về tất cả những gì đã từng thuộc về chúng ta, về 1 thời vô cùng đẹp đẽ và trẻ trung như Ái Việt đã viết.
Lê Quang Bình, hình chụp vào năm 1975
Đó là 1 quãng thời gian rất đáng nhớ, nếu quên mất điều gì thì thật đáng tiếc. Nhưng tôi biết là mình đã quên quá nhiều, cả những gì không được quên, nên bây giờ tôi phải gom góp từng chút một để viết về "những ngày đẹp ấy", những ngày mà khi nhớ lại, chúng ta chỉ muốn được xem nhiều hình ảnh hơn, nhớ lại nhiều chi tiết hơn cùng những câu chuyện về bạn bè qua từng tấm hình quý giá còn giữ lại được...
Thật khó hình dung ký túc xá Vár (Szentháromság tér 1), Mátyás templom và Halászbástya... mà không có Bình & Khánh. Tôi thật may mắn khi có 2 ông bạn vàng ở đây, nơi mà nhiều người từ khắp nơi muốn đặt chân đến để ngắm nhìn và thán phục. Ở đây, tôi đến và đi như là nhà mình (cũng như với ký túc xá ELTE vậy, nhưng bà thường trực ở ELTE thì khó hơn), hồi đó làm gì có điện thoại gọi nhau như bây giờ nên tôi không nhớ là tôi vào phòng của mấy tên này như thế nào. Có 2 tên này bảo kê là yên chí, chúng còn thì mình còn, cuộc sống tuy không phải là thiên đường nhưng rất dễ chịu. Các bạn chắc còn nhớ những căn phòng của sinh viên ở Vár, tuy tồi tàn và nhếch nhác không được như các khu ký túc xá mới nhưng lại nằm trong 1 tòa nhà rất đẹp. Các bạn yêu quý của tôi cũng vậy, tuy đơn giản và thiếu thốn nhưng tấm lòng thì tuyệt vời.Vì tôi không có thời gian làm quen mọi người ở đây như ở ký túc xá ELTE nên không lân la qua các phòng khác mà chỉ loanh quanh ăn ngủ, bày đủ trò và tán láo đủ chuyện... cùng các bạn trong phòng. Tôi chỉ còn nhớ mang máng về nhà ăn, về khu ở của các bạn nữ mà có lần tôi cũng đã mò đến...
Vár và những ngọn đồi ở Buda là những nơi tuyệt vời để dạo chơi và khám phá, chỉ cần tất cả bọn tôi kéo nhau cùng đi là có đủ trò vui rồi. Tôi vẫn tiếc vì đã không thể chụp hình được tất cả những lần đi chơi chung ấy. Cả lũ đều vui vẻ và hồn nhiên vô tư trong khung cảnh tuyệt vời của Budapest của những năm 70-es, những năm mà chúng tôi cảm thấy thế giới thật đẹp đẽ và thân thiện. Khi đó, cả thế giới chống chiến tranh, những vấn đề khủng hoảng chưa trở nên trầm trọng, những nước nghèo khó được chia sẻ và giúp đỡ với sự quan tâm đầy thiện chí bằng nhiều hoạt động từ tình cảm rất chân thành... Hungary là một ngọn cờ Tự do trong khối các nước XHCN nên chúng tôi cảm nhận được ở đây tất cả những gì tốt đẹp nhất của thế giới ở thời kỳ đó.
Trong hình (từ trái sang): (1) Nguyễn Ái Việt (Debrecen, VIDI72), (2) Nguyễn Chí Trung (Máy,VIDI72), (3) Nguyễn Cao Bình (Pécs, VIDI72), (4) Lê Quang Bình (Vár, VIDI72) và Phan Nguyễn Khánh (Vár, VIDI72; ẩn mình & bấm máy).
Tôi vẫn nhớ khi còn ở Hà Nội, tôi đã được xem những hình ảnh của Budapest và thích Halászbástya, cầu Erzsébet... như thế nào. Thật tuyệt vời là tôi lại được đến đúng thành phố của những hình ảnh ấy, được sống trong lòng nó và tận mắt nhìn ngắm thỏa thích những gì là niềm tự hào của người Hung, và những gì mà tôi thấy còn vĩ đại hơn, đẹp hơn trong képes lapok rất nhiều... Quang cảnh Budapest nhìn từ trên cao thật đẹp làm tôi nhớ mãi những lần lên núi chơi từ chiều đến tối mới về vào mùa hè. Có lẽ vì vậy mà cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng: ở châu Âu thì mùa hè là mùa thú vị nhất để đi chơi và nếm trải những gì tuyệt vời nhất mà thiên nhiên ưu đãi cho cảnh vật và con người. Có lần chúng tôi còn vào một nhà hàng gọi món của vua Mátyás để ăn xem nó ra sao nữa (Mátyás kedvence). Lần khác, chắc trong tâm trạng phấn chấn, tên Khánh tưởng mình là "mọi" da đỏ nên trên đường xuống núi rất thích quơ mấy cành cây ven đường phóng vào cây cối ở hai bên lối đi, phóng hăng đến mức phóng cả vào tay của tôi đúng lúc tôi đưa tay ra để bám vào 1 gốc cây bên phải vì đường khó đi, may là khúc cây chỉ lao vào đầu ngón tay áp út của tôi chứ nếu vào ngay giữa bàn tay là nguy rồi. Trên đường về Vár, vì sợ bị giập xương nên tôi đi đến kiểm tra và chụp X quang tại 1 cơ sở y tế nhỏ. Ở đây, tôi vẫn nhớ cô bác sĩ xinh đẹp và hấp dẫn quá chừng đã săn sóc tôi chu đáo như thế nào...tôi còn nhớ khi cô ấy hỏi tại sao tôi bị như vậy thì tôi trả lời là bị cửa giập - "ajtóba csukta" - và trong khi cả bọn thì lo, tôi lại mừng vì nhờ vậy mà gặp được người đẹp, sau đó tôi còn gặp được cô bác sĩ vài lần nữa. Cái móng tay ngón áp út của tôi vẫn còn ghi dấu của ngày hôm ấy cho đến bây giờ...
Đá bóng ở Vár cũng vui và thân thiện hơn những chỗ khác có lẽ vì chúng tôi đá ở trong phòng, hò hét, chạy và sút rất thoải mái mà không mất sức như ở sân ngoài trời. Khổ nhất là làm sao kiếm được 1 đôi giày cho ra hồn để đá, lẽ ra đi đâu tôi cũng nên đem giày của mình theo, nhưng thế cũng vui lắm rồi.
Còn Quang Bình thì cũng giống anh Chương (ELTE, VIDI68), chắc tại tên này dễ tính nên tôi hay ngủ ở giường của hắn thay vì của Khánh. Chẳng biết Bình "to" có dễ ngủ không, chứ nếu nó khó ngủ thì cũng khổ vì tôi (tôi mà đã bỏ công lặn lội đến thăm các bạn ở Vár thì không có chuyện chỉ ở chơi có dăm ba ngày đâu). Nếu là bây giờ thì tôi sẽ mang theo tấm trải để ngủ dưới sàn (học theo anh Minh - Debrecen, VIDI69 - vì mỗi lần tôi ra Nha Trang thăm anh ấy thì bao giờ anh ấy cũng để tôi nằm giường còn mình thì nằm sàn, nói thế nào anh ấy cũng không chịu).
Hình dưới đây là ký túc xá Vár năm nào (nay là Hotel Kulturinov) với Szentháromság tér, Mátyás templom, Hotel Hilton (khi tôi còn ở Hungari thì khu này được rào lại để chuẩn bị xây dựng) và Halászbástya.
Viết đến đây, tôi cảm thấy hoảng sợ và thấy mình giống như bé Zsofika tội nghiệp trong chuyện "Hittanorán" của Ái Việt vì không tìm được gì khác trong ký ức của mình. Không lẽ tất cả chỉ như vậy thôi? Tôi ước gì lúc đó tôi viết Nhật ký như hồi còn bé để bây giờ lục ra, hoặc ước mình có trí nhớ của Ái Việt để viết về bạn bè thì câu chuyện sẽ sinh động hơn nhiều (tôi đọc "hồi ký - Pick dámázás" của AV đến giờ vẫn chưa chán, nhất là đoạn "Tên Ngô Việt, cười tủm tỉm và hôm sau vẫn sang. Tóc hắn bắt đầu dài ra,..."). Vì vậy tôi rất muốn các bạn của mình đừng vội trách tôi, hãy giúp tôi bằng cách cũng viết và chia sẻ để tôi có thể có lại được nhiều hơn những gì quá ít ỏi ở trên.
Tôi đang viết về Tình bạn của chúng tôi, một trong những điều đẹp nhất trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đang già đi, đang thay đổi nhưng tôi vẫn giữ mãi trong lòng mình hình ảnh của Phan Nguyễn Khánh ngày nào, một chàng "hiệp sĩ" với phẩm chất "quý tộc", rất quy củ đàng hoàng và hoàn toàn trái ngược với tôi. Tôi cũng giữ mãi hình ảnh ngày đó của Lê Quang Bình "ăn to nói lớn", rất hòa đồng, 1 chàng trai tốt tính và 1 trang nghĩa hiệp của tất cả bạn bè... và của chị em :)
Thật tuyệt khi các bạn đã có và vẫn giữ được những kỷ niệm và tình bạn tuyệt đẹp
ReplyDeleteKöszi Ngô Việt vì đã đọc và cm.
DeleteVề việc trao đổi và chia sẻ với nhau onl, tôi muốn viết riêng ở đây nhìn nhận của mình sau khi đọc bài “Hiểm họa từ truyền thông xã hội” (Kiến thức ngày nay No.858).
Trước hết tôi ghi nhận rằng: ở một chừng mực vừa phải, truyền thông xã hội là một giải pháp tốt giúp các bạn đồng lứa kết nối với nhau, tạo được mối quan hệ và thể hiện bản thân. Riêng tôi đã sử dụng FB từ 2009 (do con gái tạo trang cá nhân vì muốn trao đổi với cha mẹ như những người bạn), sau khi các con của chúng tôi đi du học, FB với tôi là mối liên hệ chủ yếu trong gia đình và người thân họ hàng chứ không mở rộng ra ngoài xã hội, do đó tôi kết bạn rất ít.
Bài viết trên có đề cập đến “phần thưởng sinh học” cho việc bộc lộ bản thân, nếu lạm dụng thái quá dễ thành “tự sướng”. Cũng như với game, chúng ta chơi game chứ đừng để ‘game chơi’, riêng tôi thì thấy rằng mình ko phải là người nổi tiếng và ko cần nổi tiếng. Điều cần nhất là giao tiếp trong sự tôn trọng mình và tôn trọng mọi người. Tất cả đều là bạn bè theo nghĩa rộng, cần thận trọng chứ ko nên hạn chế hoặc trốn tránh.
Các bạn của tôi hãy luôn là chính mình, như chúng ta vẫn sống với nhau, trong cuộc đời thưc cũng như trên những trang mạng xã hội.
Trên blog này chúng ta hãy chia sẻ với nhau tất cả những gì mà nếu gặp nhau cũng sẽ nói chuyện với nhau, nhưng bây giờ mấy khi có dịp tụ tập được như vậy. Riêng Ái Việt thì cho biết: “Tao thấy trong quá trình làm blog có một số cảm xúc và ý tưởng khá bổ ích, chứ không đơn thuần chơi vô bổ.”
Miễn là những gì trên blog này ko phải là những thể hiện như trong các quán cà phê “nhí nhảnh” vì chúng ta là những người ko lạm dụng công nghệ để phô trương. Hãy làm sao ở đây chúng ta gặp nhau như những người bạn chứ ko phải như những người trẻ tuổi ở những quán trên. Lê Minh có lần nói với tôi, chẳng hiểu bạn bè bây giờ hẹn ra quán ngồi với nhau làm gì mà cứ mỗi người 1 máy hí hoáy cắm cúi suốt cả buổi chẳng mấy khi nói chuyện được với nhau cho hết lời.
Và ở đây, vấn đề vẫn là “The problem is not problem. The problem is your attitude about the problem” (Captain Jack Sparrow).
Cũng giống như Internet, FB cũng có 2 mặt của nó, mặt tích cực và tiêu cực. Cái chính ;là chúng ta sử dụng nó như thế nào. Theo mình, cách sử dụng FB cũng phần nào thể hiện tích cách của mỗi người.
ReplyDeleteMình tự cho mình là người thuộc thế hệ 'low tech", nên ko có những hiểu biết và skills như giới trẻ về computer và mạng. Mình sử dụng FB và thấy hay vì rất dễ kết nối với nhau, nhất là khi cần post hình ảnh, nhạc, stt... cho nhiều người chứ ko cho riêng ai và đặc biệt là góc nhắn tin. Vì vậy mình và các con ko dùng Email nhiều như trước.
DeleteNếu ko muốn 'chơi trội' thì thể hiện đúng tính cách của mỗi người cũng là đưa 1 phần cuộc sống của mình hòa nhập với cuộc sống của mọi người trên trang mạng XH này. Do đó, ko ngạc nhiên là nó nhanh chóng nổi tiếng và phổ biến như vậy. Nếu đã hội nhập thì cũng như ra đường thôi, cũng dễ có tai nạn và sự cố lắm. Sau 1 tai nạn, mình cũng đã phải unfriend với nguyên 1 nhóm 8x và 9x vốn là những cộng sự trong nghề tuy vẫn duy trì quan hệ bình thường ngoài đời. Nếu FB ngày càng có nhiều chuyển biến sáng tạo thì càng được hưởng ứng nhiều. Mình ko thích chỉ theo phong trào, chán lại để nó 'mốc meo'.
Và cũng như tất cả những trang mạng khác, FB rất cần sự góp mặt thường xuyên của mọi thành viên, dù bận hay trong tình trạng như thế nào cũng nên quan tâm đều đặn (ko phải nghiện). Có thể chỉ là theo dõi, thỉnh thoảng có cm hoặc post 1 cái gì đó cho vui cũng được, ko nhất thiết cứ phải là điều to tát, dài dòng.
Để bạn bè giao lưu, viết lách, post bài đa dạng... thì có lẽ trên blog thích hợp hơn.
Vụ gọi "Mátyás király kedvence", tao vẫn còn nhớ. Hình như người gọi món đó là tao. Hôm đó chắc chắn có hai Bình, Khánh. Hình như có cả Trung "đồ gốm", mình vẫn nhớ bộ mặt nhăn nhó lầu bầu của hắn. Bình "to" thì nhắc lại vừa nói vừa cười. Còn Khánh thì thường hay ủng hộ các "tối kiến" của tao, mặc dù nhiều khi cũng ngu như bò. Hôm đó mấy thằng vừa đói, tất nhiên là thèm thịt hay một thứ gì đó nhiều chất một chút. Không hiểu làm sao có được ít tiền, bèn đi ăn. Đọc thực đơn, mình cứ tưởng Mátyás király kedvence là cái gì đó ngon lắm, té ra là món bánh xèo (palacsinta) đổ sô cô la lên. Ăn nhẽo nhẽo phát tởm. Về tên Khánh, tên Bình và tên Trung phải cho mỗi đứa một bài riêng. Nhất là tên Khánh, mình phải viết khoảng 3-4 bài.
ReplyDeleteTao cũng nhớ món này sắp trên đĩa từng lát mỏng nhão nhẹt màu trắng, vị ngọt. Ko đúng lúc chút nào vì đúng là cả bọn đang đói. Ăn xong mặt thằng nào cũng như cái mền rách. Nhưng bây giờ thì thành kỷ niệm vui.
DeleteMong được đọc các bài viết của AV về từng chiến sĩ pháo binh 'bắn ma' trên thành Vár năm nào.
Tao vẫn thèm món đó lắm
DeleteNếu có dịp cũng phải ăn lại xem nó ra sao. Chắc sẽ thú vị lắm đấy!
Delete