Sunday, June 15, 2014

Tàu liên vận (1): Gặp Khánh, Trung và Bình Dương

           Hai tháng ở Đại Từ, tôi đã thực sự chán ngấy với ngày ba bữa măng chấm muối ớt với lại cảnh chờ đợi, chẳng có sách vở đọc, chẳng có việc gì làm. Cũng may, còn có tên bạn Đỗ Như Lâm cùng ở một nhà, nhưng ở đoàn đi Tiệp. Mỗi buổi tối, tôi với Lâm kéo nhau ra đầu một cây cầu tre, hát ông ổng hết bài này sang bài khác cho đỡ buồn. Lâm dạy tôi bài "Bình Trị Thiên khói lửa". Chính trị cũng đã học xong. Không nhớ các chú tranh thủ nhồi sọ cho chúng tôi được những gì. Tôi vốn xưa đến nay không bao giờ để ý môn chính trị, nhưng điểm bao giờ cũng cao. Chỉ có yếu quyết duy nhất là chửi địch thậm tệ, khen ta hết lời, việc gì phải học. Tuy vậy, cũng nhớ được một chuyện. Các chú phổ biến là "sang bển" đi ị không được leo lên bàn cầu. Chắc để cho dễ nhớ, chú nhắc đến bạn gái Vũ Thị Trà Vinh nào đó, không những làm bể bàn cầu mà còn bị thương, thủng gì đó, phải đi bệnh viện cấp cứu. Ông này thật vô duyên không chịu nổi, kể chuyện thì cứ kể chuyện lại nêu cả họ tên con gái người ta.
     Một buổi chiều, chúng tôi nhận được lệnh lên đường. Tôi đành chia tay với mấy ông bạn vàng. Đỗ Như Lâm ở lại để đi Tiệp. Hoàng Ngọc Minh, vốn ngồi cùng bàn với tôi suốt thời học phổ thông, đáng lẽ sẽ học Vật lý cùng với tôi ở Hung, thì ngủ quên không làm hộ chiếu, cho nên phải ở lại. Nhóm chúng tôi có 2 tên học cùng lớp chuyên toán với tôi ở phổ thông là Đỗ Bá Khang (ELTE, VIDI72) và Nguyễn Lanh (tên này đáng ra cũng học Vật lý, nhưng vì vụ đánh nhau với các bạn sinh viên châu Phi nên phải về sớm). Ngoài ra, xuất hiện thêm hai tên mới Phan Nguyễn Khánh (Vár, VIDI72) và Nguyễn Chí Trung (Máy, VIDI72). Khánh tóc xoăn, mặt vuông, lúc nào cũng ra vẻ điềm đạm mặt lạnh, nhưng nhạy cảm, hay mềm lòng và tốt bụng. Trung hiền lành, tính hơi nhà quê, lúc nào cũng ngơ ngác, nhớn nhác như mất cái gì. Tính tình Trung khá luộm thuộm, chẳng quyết đoán gì, quên trước quên sau, nên tôi phong luôn cho là "chủ nhiệm hợp tác xã đồ gốm".
     Tổ trưởng là một bạn nữ, tên là Kiên, chỉ còn nhớ loáng thoáng nhà ở Nguyễn Thượng Hiền, con một ông quan chức nào đó ở Quốc Hội. Tôi tính cởi mở, luôn luôn cần đồng bọn để bày trò nghịch láo, nên không hợp chuyện với hai tên Khang và Lanh. Với hai tên này chắc chẳng biết nói chuyện gì ngoài chuyện học Toán và tiếng Nga, mà tôi thì chúa ghét nói chuyện sách vở. Vì vậy, tôi nhanh chóng làm thân với Khánh và Trung, biết được một thằng ở Tô Hiến Thành, thằng kia ở Khu tập thể Bờ Sông. Chúng tôi giao ước ngầm là sẽ luôn đi với nhau. 
     Địa điểm đầu tiên chúng tôi tới là thôn Nà Mạ (Cao Bằng), quê hương của anh (thực ra là cụ) Kim Đồng nổi tiếng, chúng tôi được (phải) học từ bé. Khi chúng tôi đến nơi thì đã chiều muộn xâm xẩm, nên chẳng biết phong cảnh thế nào, nhưng thấy núi non trùng điệp, xám xịt trong bóng chiều chạng vạng. Tôi nhớ mang máng một cái bãi khá rộng, có suối nước, xung quanh núi bao bọc. Đường vào thôn hơi dốc lên. Chúng tôi được phân vào một nhà dân. Tôi, Khánh và Trung chiếm một giường, Khang và Lanh ở chỗ khác, hay chiếm một giường khác thì phải. Chúng tôi vét tiền còn lại đưa cho chủ nhà, nhờ làm cho một bữa cơm cuối cùng tươm tất, có thịt gà, xôi và mấy món rừng như trám kho. Tôi lần đầu tiên ăn trám nên chẳng thấy ngon, chỉ thấy vị ngai ngái, mằm mặn. Ngồi ăn với ông chủ nhà, tôi nhanh nhảu hỏi "Bác được mấy người con?". Ông chủ nhà nói: "Tôi được mỗi một đứa." đoạn ông chỉ vào một thằng bé đang ngồi cùng ăn. Trong khi đó, trong nhà có rất nhiều đàn bà con gái đi lại. Tôi hỏi "Thế mấy người kia là ai."  Ông chủ nhà nói "Bọn nó đều là con gái tôi, nhưng tính làm gì". Tôi bấm bụng, khoái chí nhưng không dám cười. Đến tối, Khánh ta mới tủm tỉm buông một câu "Đ.M., con gái không tính". Tôi nghĩ "Thằng này có óc quan sát, trào phúng, chơi được".
     Khoảng 11g đêm thì có lệnh tập hợp, hành quân bộ trong đêm ra Đồng Đăng. Đêm tối thui, không nhìn thấy đường, cứ bám đuôi nhau mà đi. Dừng lại là có thể lạc đường vì hoàn toàn không nhìn thấy gì cả. Đường lại rất khúc khuỷu, gập ghềnh, tôi vấp liên tục vào đá, đứt cả quai dép, sứt cả chân. Tôi, Khánh và Trung vẫn sát bên nhau, không rời, còn Khang với Lanh thế nào không rõ. Riêng cô bạn tổ trưởng Kiên tỏ ra có trách nhiệm, thỉnh thoảng vẫn hỏi han xem các tổ viên có bị rớt lại hay không. Đi suốt đêm tới tờ mờ sáng mới tới Đồng Đăng (thì phải). Lên tàu, tôi Khánh và Trung chiếm luôn một bàn. Thấy có người phổ biến, cấm được mang tiền qua biên giới. Tôi và Khánh thì yên tâm vì không còn xu nào, vì đã góp hết cho bữa ăn. Riêng tên Trung ngọ nguậy. Tôi hỏi: "Mày có vấn đề gì. Buồn đái à. Nhịn đê.". Tên Trung nói "Tao còn tiền, làm sao bây giờ". Tôi bảo: "Sao tối qua mày không nộp mà chén nốt cho khỏe." Trung nói "Nhưng tao có nhiều quá. Mang đi hơn một trăm.". Đ.M, thằng này con nhà in ra tiền chắc, giàu thế. Tôi nhớ, khi tôi lên đường, bố tôi phải chạy đi vay trước Nhà Xuất Bản Văn Học 40 đồng để sau viết sách thì trừ nợ. Để ở nhà 5 đồng, hai bố con lên Tạ Hiền ăn Phở 2 đồng, tôi cầm đi chỉ có 33 đồng, đã thấy nhiều lắm. Nghĩ thế mà đúng ra phết, bố Trung làm giám đốc Ngân Hàng. Nhưng chắc không phải là giàu, vì thời đấy ngành ngân hàng chưa chấm mút như bây giờ, mà chắc biết để dành hơn nhà tôi. Tôi bảo "Đâu, mày tòi ngay ra đây ngay". Trung đưa cho tôi khoảng 12 đồng (một số tiền lớn thời đó, tiêu một tháng cũng thoải mái). Tôi vo viên lại, nhét vào gạt tàn thuốc lá. Trung bất mãn "Sao lại vứt bỏ tiền đi như thế". Tôi quạt luôn "Vớ vẩn, mày muốn  bị đuổi về hả. Để đây rồi thế nào cũng có người nhặt được tiêu hộ". Khánh ủng hộ tôi "Đúng mẹ nó rồi". Thằng này ngôn ngữ hợp với tôi. Trung thì luôn dấm dúi anh em làm một cái gì khác, khó lường trước.
      Chúng tôi qua đến Bằng Tường, có cảm giác an toàn hơn, vì ở Đồng Đăng lúc nào cũng có thể bị ném bom. Lúc chạy qua biên giới, mới thấy lòng hơi se se lại, nhớ bố mẹ, em gái, cô bạn gái cùng lớp và mấy thằng bạn ở lại. Trong hai tháng ở Đại Từ,  tôi say sưa và rất thú vị với cảm giác trở thành người lớn. Được tự mình làm chủ việc đánh giá hành vi của mình, không có ai khen ngoan, chê hư, chăm hay lười, nên tôi ít nghĩ đến chuyện nhớ nhà. Chào tuổi thơ, chào những tối thứ bảy, chạy đường Tẩy, chém gió. Chào những con đường ra ngoại ô, đầy ánh trăng. Chào những chiều tím trên hồ Gươm. Chào tiếng piano văng vẳng từ Câu lạc bộ thiếu niên. Tự nhiên tôi thấy nhớ đến xé lòng mọi thứ, chỉ muốn quay về. Nhưng bố tôi đã dặn đàn ông đã lớn phải biết tự làm chủ tình cảm.
       Đi qua biên giới thấy mấy cô gái Trung Quốc mặc quân phục, áo sơ mi trắng, sạch sẽ, xinh xắn. Rất nhiều binh lính. Ga Bằng Tường rộng mênh mông, gió hun hút. Chúng tôi bị giam đói gần như cả ngày, nên thấy hơi lạnh, co ro với nhau. Đoàn đã phát tiền Nhân Dân Tệ để tiêu vặt. Tôi nhớ lời Lâm dặn, mày nhớ mua Trung Hòa Bài hoặc Đại Tiền Môn mà hút cho biết. Thực ra tôi rất ghét thuốc lá vì bố tôi đã hút hết phần của cả mấy thế hệ tiếp sau. Nhưng đã giao ước với bạn bè thì phải làm. Tôi mua mấy phong bì, tem thư, bưu ảnh, và một bao Trung Hoa Bài, rút ra một điếu bỏ vào phong thư gửi cho bố tôi. Sau này mới biết là ông cũng nhận được và đã hút điếu thuốc đó.
      Cuối cùng, thì tàu liên vận cũng tới, xa xa trên sân ga thấy mấy bạn gái, trong đó có một cô rất xinh, nhấm nháy gì đó với bọn tôi, rồi cười. Khánh gọi "Việt đâu, làm gì đó đi", tôi bèn giơ tay vẫy vẫy. Các bạn đó cười, đẩy cô bé xinh xinh đó ra phía trước, cô ta ngửa cổ lên trời mà cười, trông rất duyên dáng.  Trung ta mới nói "Đừng trêu chọc, con ấy học cùng lớp tao. Tên nó là Bình Dương." Khánh nói "Lớp mày thì liên quan đ. gì". Tôi nói với Trung " Lớp mày thì càng tốt, ngồi trên tàu mười mấy ngày hôm nào dẫn tao đến chơi." Thực ra tôi được Khánh khuyến khích nên tỏ vẻ anh hùng rơm thế thôi, thực ra chẳng có gan dạ hay kinh nghiệm quái gì. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ ngại những trò gán ghép nhà quê. Tôi gọi "Đến đây nào", thấy Dương lại ngửa mặt cười. Cô bé xinh thật, nhưng tiếc là đi Bungari, không cùng đoàn.
       Lên tàu, tôi và Khánh một khoang, Trung ở sát, Khang và Lanh ở đâu gần đó. Đến chiều đói gần chết mới được ăn, hình như con gái xinh cũng làm người ta mau đói. Nhưng tất nhiên khi mải mê ăn thì quên sạch. No bụng rồi mới bắt đầu tán nhảm. Toa của chúng tôi có hai ông phục vụ, một ông chuyên đổ nước sôi vào phích, một ông chuyên lau sàn, đều áo sơ mi trắng, quần xám, trên ngực đeo huy hiệu Mao. Lâu lâu tàu đến ga lớn là có thể xuống sân ga chơi cho đỡ chồn chân, vì tàu dừng khá lâu, có thể tranh thủ rửa mặt hay nghịch nước, hoặc mua thêm thuốc lá hay kẹo gì đó. Đoàn tàu dài mấy chục toa toàn sinh viên Việt Nam đi học Hungari, Bungari, Rumani (không nhớ có nước nào khác). Nhìn qua khung cửa có thể thấy các cô gái Trung Quốc đi làm đồng, đeo nơ đỏ, mặc áo trắng, quần tím than. Thời đó, Trung Quốc cũng giống Việt Nam ăn mặc giống nhau như đồng phục. Không biết ai dạy, chúng tôi học được vài từ Trung Quốc, nên hét lên với các cô "Mẩy li".(Mỹ lệ). Ý khen các cô đẹp, phụ nữ nước nào chẳng thích được khen. Đôi khi cũng có cô ngẩng lên vẫy lại. Khi tán phét chán thì tôi rút sổ ra viết nhật ký, đọc lại mấy lời dặn của bố tôi viết ở mấy trang đầu.
        Đến các ga lớn, tàu dừng lại khá lâu. Du học sinh lại ùa xuống sân ga đi lại cho đỡ chồn chân hay nghịch nước. Ga nào hình như cũng có vòi nước khá lớn. Chúng tôi cũng bỏ thư, mua thêm thuốc lá hoặc kẹo. Tôi nhớ giao ước với Lâm, nên mua thêm một bao Đại Tiền Môn và một bao gì đó màu trắng trên đó có một cành tre và một con chim sẻ. Bao thuốc lá của Trung Quốc đẹp, thơm hơn thuốc lá Việt Nam thời đó. Còn hút thì như nhau, tôi không biết và cũng không muốn biết thưởng thức, vì mẹ tôi luôn ước ao tôi sẽ không hút thuốc như bố. Tôi cũng tự hứa sẽ không hút thuốc, nhưng đối với tôi quy luật luôn đi kèm với "phá rào".
         Mỗi lần, dừng lại ga tôi lại nhìn về phía toa của các bạn đi Bun. Lúc đầu cũng thấy Bình Dương, rồi vài hôm không thấy. Tôi bảo Trung: "Tao với mày lên chơi với em Bình Dương đi". Trung thắc mắc "Tao có nói nói chuyện với nó bao giờ đâu. Biết nói chuyện gì." Tôi bảo: "Chuyện đó mày không lo. Để tao." Khánh không đi. Tôi với Trung mò bao nhiêu toa mới đến được toa các bạn nữ đi Bun và coupe của Bình Dương. Phải nói là đến gần mới bắt đầu thấy ngại và hơi run. Nhưng tôi tặc lưỡi, phải liều thôi, đến đâu thì đến. Bây giờ quay về Khánh nó cười cho thối mũi, còn bọn Khang, Lanh thì tôi không tính. Được cái, các bạn nữ đi Bun tính cũng vui vẻ, khác các bạn đi Hung, bạn nào cũng nghiêm trang khó gần. Các bạn nữ nhìn thấy bọn tôi, nhận ra, cười láu lỉnh. Tôi cũng cụp đuôi, vào đất cọp, không dám càn quấy. Bình Dương ngồi trên giường tiếp bọn tôi, choàng một tấm chăn mỏng, mặc một bộ pijama màu trắng. Tóc mai hơi xoăn, xòa trên má, da trắng sáng, ửng hồng, cười chúm chím, xinh như một nụ hồng bạch. Cho đến bây giờ, đó vẫn là hình ảnh thiếu nữ đẹp nhất mà tôi từng thấy. Trung lúng búng giới thiệu vài câu gì đó. Tôi hỏi "Nghe nói bạn ốm". Bình Dương cười trêu chọc rất láu: "Tôi khỏi rồi. Ốm kiểu phụ nữ ấy mà. Bạn Việt đến gần, thấy cũng hiền nhỉ".  Chúng tôi nói chuyện linh tinh, không đến nỗi nhát gừng quá. Tôi nhớ lõm bõm mỗi một chuyện là tôi nói ở trên tàu cũng được, ăn uống ngon, chỉ phải mỗi điều không được tắm mấy ngày, nên khó chịu. Bình Dương nói "Tôi vẫn tắm thường xuyên, nên sạch sẽ lắm". Ối, em này nói chuyện tắm táp thật hồn nhiên. Mà công nhận em trông sạch sẽ, thơm tho, nước da sáng bóng. Bình Dương dáng người cũng đẹp, eo thon, ngực nở, mềm mại, khác với đa số các bạn nữ thời đó hay cố tạo ra vẻ cứng nhắc. Thỉnh thoảng Dương lại uốn người trong chăn, như một con mèo. Hình như tôi cố thanh minh một câu đại loại như tôi cũng sạch hay gì đó. Túm lại, nội dung không quan trọng, cái chính là giữ cho câu chuyện không bế tắc vì nhạt nhẽo. Còn không khí có thân thiện hay không thì thường là các bạn nữ chủ động. Bình Dương bày cho tôi, khi xuống ga phải làm thế nào để tắm, đừng chúi mũi vào mấy quầy tạp hóa. Khi ra về Bình Dương còn nói một câu "Khi nào rảnh, các bạn đến chơi." Nhưng lúc bấy giờ bọn tôi nào có nhận thức được giá trị của câu đó. Cuối cùng, bây giờ vẫn không hiểu sao chỉ đến chơi có một lần đó.
     Về báo cáo với Khánh, Trung nói "Chịu thằng Việt, đ. biết nói những chuyện gì mà nói lắm thế". Khánh hỏi chuyện gì. Tôi nói chúng tôi nói chuyện tắm táp, đại loại em nói là em sạch sẽ vì tắm được thường xuyên, và em cũng dạy cách đến ga thì tranh thủ tắm thế nào. Khánh nói gọn cụt lủn tốt. Chẳng hiểu cái gì tốt. Tôi đã qua test của hắn là tốt hay em Bình Dương sạch thì tốt cho em Bình Dương.
      Tiện thể kể nốt kỷ niệm về Bình Dương. Khi sang Hung, trong thời gian đầu nhớ nhà, nhớ tuổi thơ, chúng tôi viết thư cho tất cả mọi người để được nhận thư. Tôi cũng thúc giục Trung "đồ gốm" viết thư cho Bình Dương và tôi cũng viết vài trang cho nàng. Nàng cũng gửi cho chúng tôi một tấm ảnh toàn thân rất xinh, tất nhiên tấm ảnh được anh em trong đoàn chiêm ngưỡng trầm trồ và có một số bình luận hơi phồn thực, không tiện kể ra đây. Và sau đó không hiểu sao, chúng tôi không còn liên lạc. Thậm chí tới năm 1977, có dịp qua Bun chơi vài tuần, nhiều ngày thực ra chẳng biết đi đâu, làm gì, tôi cũng cố gắng hỏi han để đến thăm nàng. Có lẽ như vậy tốt, vì hình ảnh của Bình Dương vẫn là biểu tượng gắn chặt với chuyến tàu liên vận của chúng tôi.
(xem tiếp ở đây)

13 comments:

  1. Dắt nhau trở lại hồi Đại Từ và hành trình tiếp theo đọc thật thích. Hồi đó tao đi chung xe lên Đại Từ cùng Lương Bá Thắng và 1 bạn gái rất xinh, sau này là vợ của Thắng. Thắng hồi đó đã ra người lớn lắm rồi.Tao thì quên sạch đã ăn ở đi đứng thế nào. Chỉ nhớ hồi đó cũng nhập bọn với mấy tên con tướng tá đi Ba Lan, toàn kể chuyện tếu, hát hò mấy bài 'cải biên'... vui cười đến chảy cả nước mắt. Chỉ nhớ 1 đứa tên Đồng, trắng trẻo dễ thương và 1 tên đầu tóc mặt mũi trông rất "trộm". Băng này mà kéo sang cùng tụi mình thì chắc là Hungari tan nát mất :)
    Đi tàu liên vận thì nhớ được ăn ngon, nhìn cảnh đẹp. Thấy thương dân Tàu vì họ phải cam chịu dưới thời "đại cách mạng văn hóa" nhiễu nhương. Nhớ mãi hình ảnh của 1 quân nhân TQ đứng nghiêm trang chào tạm biệt và nói : "xuế xí hảo" (Chúc học tập tốt) khi tàu rời Mãn Châu Lý.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Yên tâm, đến phần thứ ba, Bình "con" và Bình "béo" (lúc đầu gọi như thế, chứ không phải là Bình "to") sẽ xuất hiện. Bình "con" xuất hiện với tụi này trong một scandal đầu tiên với các bạn nữ, không biết có còn nhớ không. Tao vẫn nhớ như ngày hôm qua.

      Delete
    2. Đồng ý, yên tâm. Đừng bỏ sót gì nhé! Tao chẳng nhớ gì đâu, cấm thêm "mắm muối" đấy!

      Delete
  2. Viết thêm một đoạn về Bình Dương, để kết thúc kỷ niệm này. Vì thực ra cũng không còn nhiều để viết.

    ReplyDelete
    Replies
    1. AV nên hỏi bạn Bình Dương: nếu bạn ấy còn giữ được tấm hình nào của những ngày nhiều kỷ niệm ấy (hoặc của riêng bạn ấy) thì gửi cho AV để post bổ sung cho câu chuyện được cụ thể hơn. Tụi mình đều biết nhau cả rồi. Riêng về bạn í thì tao mù mờ quá. Trừ mày, Khánh và Trung thì với các bạn khác cũng như tao thôi.

      Delete
  3. Tao quên tiệt cả rồi. Viết thoải mái vào (thêm mắm muối nữa!)

    ReplyDelete
  4. Quang Viet Nguyen
    Hay lắm ,tại sao có thời gian ở Đại từ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Quang Viet Nguyen, hồi đó vẫn còn nguy cơ bị Mỹ đánh phá, ném bom.
      Sau khi tụi em sang Hung, năm đó đã diễn ra chiến dịch ném bom của B-52 (Linebacker II).

      Delete
    2. Khanh Phanvan
      Quang Viet Nguyen Ở đó để học chính trị, khám sức khỏe và tiếp tục lọc bớt người

      Delete
    3. Hoàng Quôc Thành
      Quang Viet Nguyen, Mình đi 1971 khoẻ ru vì chiến tranh tạm dừng . Nhóm Cao Bình đi 1972 lại quay lại cao điểm đánh phá miền bắc , năm đó Nixon âm thầm ký thoả ước với TQ và tháng 12/1972 là 12 ngày đêm rải thảm HN cụ quên rồi sao ?

      Delete
  5. Doan Tang
    Năm 68 Mỹ ngừng ném bom miền Bắc nên 69 đi vẫn đang hòa bình,tụi chị tập trung ở đại học bách khoa .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Doan Tang, Bác mình đã thấy trước cuộc ném bom bằng B-52 vào HN và các tp lớn của miền Bắc. Sau 1968, Mỹ cần có thời gian đàm phán và gây sức ép để có được thỏa thuận có lợi trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.
      Thời điểm cuối năm 1972 (Noel) đã được Mỹ chọn để tiến hành sức ép lớn nhất này, nhưng đã ko đạt được kết quả mong đợi, phải ký Hiệp định và bỏ rơi VNCH.
      Cuộc chiến tranh VN chuyển qua giai đoan mới: VN hóa chiến tranh và giao VN cho TQ theo ý đồ có lợi cho cả Mỹ và TQ như đã thỏa thuận với nhau sau nhiều lần dàn xếp của Kissinger.

      Delete