Thursday, April 14, 2016

GIA ĐÌNH (12): Vai trò của cha mẹ (tiếp theo và hết)

NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

1. Những bà mẹ lạm dụng

Nếu "thiếu thức ăn tình cảm" tai hại như thế nào thì "dư thừa" thức ăn này cũng gây ra sự mất cân bằng do có những bà mẹ sử dụng sai tình cảm tự nhiên của bản năng làm mẹ, xa rời nó một cách ích kỷ và cuối cùng không tập trung thiên chức của mình vào mục tiêu/đối tượng riêng biệt của nó là đứa trẻ. Nếu  người mẹ bình thường phục vụ vô điều kiện đứa trẻ thì người mẹ lạm dụng chỉ phục vụ chính mình. Tình mẹ bình thường là hiến dâng còn tình mẹ lạm dụng là chiếm đoạt về mình.

Tình mẹ lành mạnh không hề tính toán, bà mẹ ẩn sau con mình và sẵn sàng xả thân vì yêu cầu của đứa con. Trong tất cả mọi loại tình cảm, tình yêu của người mẹ vô tư hơn cả. Đó là thứ tình cảm duy nhất biểu lộ không đòi hỏi ngay cả khi đứa trẻ không phải bao giờ cũng biết những gì bà mẹ đã thật sự cho nó, có khi còn hại đến cả sức khỏe bản thân, hạnh phúc của mình và những thỏa mãn riêng tư chính đánh nhất. Một bà mẹ có thể hy vọng tất cả về cuộc sống của các con, không hề trông mong gì cho mình sẽ không bao giờ là một bà mẹ lạm dụng.

Bà mẹ lạm dụng tuy bề ngoài vô tư nhưng chủ yếu sử dụng đứa con đôi khi rất tinh vi và vô thức. Bà ta mong muốn cách xử sự và những tình cảm của đứa trẻ phù hợp với ý mình, nó phải bù đắp những thỏa mãn sâu xa của bà về tình cảm, thực hiện 1 ao ước không thành vì luôn luôn không thể thực hiện được, hoặc chỉ là nhiệt tình theo những ý tưởng có sẵn và những thành kiến xã hội của mình.

Bà mẹ lạm dụng là người cầu toàn về mọi mặt. Đứa con phải không có lỗi lầm, ứng xử như người lớn và không được làm bất cứ gì mà bà mẹ chưa chuẩn y. Bà còn mong con mình có nhiều thành tích để mình hãnh diện. Ngay cả những bước đi đầu tiên, những câu nói đầu tiên, việc bắt đầu biết ở sạch... ở trẻ được dùng làm đối tượng ganh đua giữa các bà mẹ trẻ. Những thành tích này thật sự tai hại khi người ta tìm cách đạt được sớm hơn, nó trở nên nguy hiểm khi những kết quả về học tập và xã hội được đòi hỏi như món nợ phải trả. Mọi thiếu sót đều bị tính sổ. Sự phục tùng thụ động được coi như bình thường và cần thiết.

Phần nhiều các bà mẹ này là những bà mẹ không chấp nhận nữ tính của mình, những bà mẹ độc đoán; những phụ nữ không hiểu hoặc không thể hiểu được là một con người chỉ có thể thành đạt thật sự khi đi theo con đường quy định tự nhiên của sinh học.
Họ ganh đua với nam giới, muốn con là của riêng mình. Thường thì sự căm ghét đàn ông mạnh đến nỗi làm tổn thương tất cả những gì thuộc về nam giới, kể cả con trai của mình. Nhưng như thế không có nghĩa là con gái thì được ưu ái đề cao. Vì những phụ nữ này không chấp nhận nữ tính của mình, họ coi giới tính nữ là 1 sự tủi nhục, "một sự nô lệ tàn bạo" và cũng không thể chấp nhận điều đó ở con gái.

Một hình thức khác của các bà mẹ lạm dụng, khá phổ biến, là các bà mẹ chu đáo quá mức. Họ là những phụ nữ bị nhiễu tâm, lo lắng quá đáng, không biết làm sao cho tốt, không bao giờ hài lòng, tự tạo ra những nghĩa vụ quá sức, và cũng tìm kiếm sự hoàn hảo không đạt được. Thường họ là những phụ nữ trí thức, quá nhiều kiến thức để có những phản ứng tự nhiên của một người mẹ bình thường.

Cũng phải kể đến các bà mẹ yêu con quá mức, thực tế là vì mình. Còn quá bà mẹ chuyên chế, bà mẹ này chiếm hữu con. Bà ta không bác bỏ chồng, bà yêu con cho riêng mình và vì vậy mà tách con khỏi chồng, tự mình chăm sóc con với tình yêu thương quá mức cùng với sự đòi hỏi quá cao. Đứa trẻ sẽ bị ngợp bởi tình mẹ con này, nó sẽ rất yếu ớt, không thể tự đề kháng và tự bảo vệ trước cuộc sống.

Trẻ càng nhỏ càng dễ sai khiến, càng dễ bám vào mẹ. Nó khó lòng thoát khỏi những sở hữu, những đòi hỏi kể cả những sự chuyên chế và áp đặt. Nhưng đứa trẻ không vô tâm và nó phản ứng theo cách của nó. Trước hết là mặc cảm tội lỗi. Nó chỉ có thể trả lời bằng 2 cách trong tình trạng khó chịu đó: chịu bị đè nén hay phản ứng, nghĩa là nó có sự mặc cả trở lại một cách vô thức. Dù còn nhỏ, nó đã biết tiến hành những phản ứng với tình cảm vô thức của mẹ. Nó trả thù mẹ hoặc làm mẹ vui lòng tùy theo cách ứng xử của mẹ đối với nó. Đôi khi, ở vài đứa trẻ thù nghịch, chúng trở nên nham hiểm, vì cuộc đấu tranh công khai là không cân sức.

Hậu quả mà những đứa trẻ phải chịu là chúng ta có thể thấy những biểu hiện của sự chậm phát triển tình cảm. Nếu trẻ cam chịu, không phản ứng gì thì bức tranh sẽ là hội chứng trẻ quá ngoan. Cho dù chúng có thể học giỏi ở trường, không nghe theo những lời khuyên xấu... thì chúng vẫn là những đứa trẻ hoàn toàn thụ động thái quá về mặt tình cảm. Nếu là con gái, đứa trẻ khi đã trưởng thành vẫn là cô bé con, còn nếu là trai thì là cậu trai không có nam tính.

2. Cha nuôi 

Đây là người đàn ông tự nguyện muốn có đứa trẻ mà ông đã chọn. Đúng nghĩa là với một ý định mang tính hào hiệp và mong muốn tốt đẹp. Ông ta được tìm hiểu, đôi khi với quá nhiều lý thuyết, về những trách nhiệm sẽ đảm nhận và cố gắng hoàn thành.
Những người cha nuôi hành hạ con chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn thông thường thì người ta lại thấy họ quá nhu nhược đối với đứa con vì sợ gây chấn thương tâm lý khi trái ý nó. Họ thường lúng túng khi phải sử dụng uy quyền mà họ chưa quen. Họ có nguy cơ thiếu linh hoạt trong việc thực thi những lý thuyết, nhất là những nguyên tắc mà họ trông đợi vào kết quả chắc chắn thành công trong vấn đề giáo dục con. Đó chính là mối nguy hiểm thật sự và nguy cơ dó càng tăng khi người cha càng nhiều tuổi.
Dù vậy, 1 ông bố nuôi cũng có nhiêu cơ may để làm 1 người cha tốt.

3. Cha đơn thân

Hoặc ông ta góa vợ, hoặc đã ly dị, hiếm khi là 1 người cha đơn thân từ đầu. Ông ta khó lòng cáng đáng những công việc của người phụ nữ trong gia đình cùng việc bảo đảm đời sống vật chất và kiếm sống. Cuối cùng, ông ta phải chọn gửi con vào trại trẻ hoặc gửi trẻ cho 1 gia đình bà con/họ hàng thân thuộc cho đến khi ông tìm được giải pháp thay thế là 1 người vợ trẻ trung và ân cần có thể bù đắp cho người vợ trước nếu lũ trẻ còn nhỏ hoặc cố gắng đơn thân giải quyết vấn đề vì con. Vấn đề 1 người bà hay vú nuôi, nhiều khi quá nhu nhược, còn nếu là 1 bà cô hay 1 người tình thì dù đúng hay sai, lũ trẻ cũng coi như những người chiếm chỗ. Tuy nhiên, tình hình có vẻ tốt hơn khi có người chị cả đứng ra thay thế người mẹ. Nhưng tất cả đều trông chờ vào khả năng của cô và tình cảm của mình dành cho em trai đối với những vấn đề đặt ra phải giải quyết trong thực tế. Hoàn cảnh có thể trở nên tốt hơn nếu người chị thực sự hy sinh cho em mình, họ không lấy chồng để có thể gánh vác được trách nhiệm một cách tận tụy.


4. Bố dượng

Người đàn ông này thường được chấp nhận dễ dàng hơn mẹ kế vì các quan hệ với các con riêng của vợ kế dễ thiết lập hơn: trường hợp này ít phải đầu tư tình cảm hơn dù có thực tế và cần thiết đi chăng nữa. Người mẹ vẫn có thể giữ, gần như độc quyền, tình yêu thương với các con riêng. Ngoài ra, sự có mặt của người bố dượng ở nhà ít thường xuyên hơn và do đó những khó khăn không lớn bằng trường hợp mẹ kế. Cũng như người cha nuôi, ông ta dễ mắc lỗi do quá thận trọng và kết quả là thiếu uy quyền hơn là thể hiện nó một cách thái quá.

(còn nữa)

3 comments:

  1. Không thể không nói đến những người mẹ cô đơn/đơn thân. Nguy cơ mà đứa trẻ chuốc phải có thể trầm trọng hơn và chúng khác nhau tùy theo nguyên nhân gây nên sự cô đơn.

    ReplyDelete
  2. Trường hợp mẹ nuôi cũng cần được nói đến do sự bảo vệ con quá mức, do trìu mến và yêu thương thái quá. Đứa con hầu như không bị la mắng, thiếu uy quyền từ người cha dẫn đến hỗn láo, tự do quá trớn, không vâng lời, lười học... Tóm lại là không giáo dục được.

    ReplyDelete
  3. Mẹ kế/ghẻ vốn đã mang tiếng không hay với con chồng. Hoặc bà ta sợ tiếng xấu nên phải tỏ ra yêu con gấp bội (hiếm gặp); hoặc bà ta giữ chừng mực vừa phải, rất khó duy trì. Thông thường, bà ta chỉ đóng vai của người thay thế, có hại với đứa trẻ nhiều hơn là mang lại ích lợi cho nó.

    ReplyDelete