TỔ ẤM AN TOÀN VÀ ĐOÀN KẾT
Vai trò và cấu tạo gia đình
Sự vĩnh cửu của gia đình là điều đáng chú ý. Dù thuộc chế độ 1 vợ 1 chồng hay không thì gia đình vẫn tồn tại cùng loài người.
Dù là gia đình nội hôn (hôn nhân giữa anh em họ) hay gia đình ngoại hôn (giữa anh em chồng), dù là gia đình kiểu bộ lạc ("liên kết" gia đình) dần dần được tiến triển đến kiểu thu hẹp gọi là "hạt nhân" hiện nay, thì gia đình vẫn là một thực thể.
Nhưng những biến đổi liên tiếp của gia đình làm cho nó khó có 1 định nghĩa rõ ràng theo thứ tự những định nghĩa mà Littre đã chứng minh cho thấy rõ sự tiến triển của những ý niệm về gia đình, thì đến định nghĩa thứ tư của gia đình là: "Tập hợp những người có cùng huyết thống, sống chung trong một nhà, và chủ yếu là gồm cha mẹ và con cái". Như vậy có tiêu chuẩn rõ ràng về quan hệ gia đình: cùng huyết thống và chung 1 nhà.
Thực tế, định nghĩa được ngày nay chấp nhận hơn cả về nhóm xã hội đặc biệt này, gia đình, đó là sự chung sống của hai nhóm người, cha mẹ và con cái, có cùng một mối quan hệ là những người sinh ra và những người nối dõi. Có thể thêm ông bà cụ kỵ còn sống hay đã chết, có thực hay chỉ là huyền thoại, những người thân thích và cả những người không cùng huyết thống mà là những thực khách của gia đình và cả những gia nhân trong các chế độ phụ hệ, hoặc những bà mẹ chỉ có trên danh nghĩa trong các chế độ đa thê. Nhóm thứ hai là con cái, những người nối dõi, có vẻ hạn chế hơn. Tuy nhiên trong một số nền văn minh, có những quan hệ anh em tinh thần quan trọng trong lĩnh vực mà chúng ta quan tâm còn hơn cả quan hệ huyết thống.
Việc chung sống trong 1 nhà và cùng huyết thống chưa đủ để gắn bó các thành viên như đã định nghĩa GIA ĐÌNH. Điều thật sự là chất kết dính của mọi tế bào gia đình là tình yêu lẫn nhau. Có những đứa trẻ và ngay cả người lớn không có những quan hệ và điều kiện của gia đình đôi khi lại được cả gia đình chấp nhận như là thành viên thực thụ. Ngược lại, cũng có một số thành viên hâu như không bao giờ có thể hòa hợp được trong lòng cái xã hội nhỏ đó.
Cặp vợ chồng chưa đủ để hình thành một tổ ấm, chính sự ra đời của đứa trẻ mới tạo thành gia đình. Do đó "những mối quan hệ gia đình bình thường được sắp xếp xung quanh đứa trẻ, theo đứa trẻ và vì đứa trẻ".
Phần lớn thái độ của con người đối với xã hội phụ thuộc vào kinh nghiệm từ trong gia đình.
"Hình như khi đứa trẻ lựa chọn thái độ đối với gia đình thì trong phần lớn trường hợp nó cũng quyết định một số dạng chính của những quan hệ của nó với mọi người nói chung; và quan điểm của một cá nhân vá cách nó xem xét phần lớn những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc đời, có thể biểu hiện cùng một kiểu với những quan điểm nó đã có trước những vấn đề và những khó khăn nảy sinh trong cái thế giới hạn hẹp của gia đình".
Kinh nghiệm gia đình tạo thuận lợi cho đứa trẻ tập làm Người. Tập là những kinh nghiệm, mò mẫm, thất bại, vụng về vấp váp, làm lại. Đó là 1 trong những vai trò chủ yếu của gia đình mà nếu được phép thể nghiệm, đứa trẻ sẽ đạt tới sự tự chủ, để rồi không một cái vụng về nào có thể làm nguy hại đến tương lai của nó. Những vết thương nhỏ phải chịu đựng trong gia đình, những sự từ chối cần thiết về những yêu cầu tình cảm/vật chát quá đáng, những bất công nho nhỏ, những giới hạn bắt buộc sự ích kỷ phải chấp nhận, sẽ chuẩn bị cho đứa trẻ trước những đòi hỏi tương tự trong cuộc đời người lớn sau này.
Do đó, một sự che chở chiều chuộng quá đáng nhằm tránh cho trẻ những khó khăn lúc nhỏ có thể nguy hại như 1 sự buông lỏng hoàn toàn.
Các nhân vật chính trong tấn kịch gia đình cùng những vai phụ như ông bà, người giúp việc, họ hàng cô cậu v.v. làm nên vở diễn. Thực tế cho thấy, nhân vật ẩn mình không kém phần quan trọng đó là: TỔ ẤM. Trong tập hợp ngẫu nhiên của 1 người đàn ông, 1 người đàn bà và vài đứa trẻ không tạo thành gia đình: Tổ ấm trước hết được tạp lập dựa trên cặp cha mẹ, là 1 thực thể tinh thần, có sức sống, có quá khứ - hiện tại và tương lai, có ảnh hưởng sâu sắc đến những quan hệ được thiết lập giữa các thành viên trong gia đình.
Không có 1 xã hội nào có sức sống mà không có sự cân bằng thường xuyên giữa các tình thương yêu và uy quyền, giữa đoàn kết và ganh đua. Ở xã hội nhỏ là gia đình, cũng cần sự quy tụ của 4 vai trò nói trên, trong đó, người cha phải thể hiện UY QUYỀN, người mẹ: TÌNH THƯƠNG YÊU, anh chị em phải GANH ĐUA, và tổ ấm - SỰ ĐOÀN KẾT. Như thế vai trò chính của mỗi người không phải là chuyên biệt. Người mẹ cũng phải có lúc tỏ ra là 1 người có uy quyền với các con, người cha cũng phải yêu con cái. Cái hôn của cha và cái tát của mẹ không phải là những gì sản sinh ra chứng nhiễu tâm sau này. Vai trò chính cần nhấn mạnh của mỗi thành viên trong thế giới thu nhỏ phải được đặt lên hàng đầu bởi vì kinh nghiệm cho thấy sự thiếu hiểu biết của các bậc cha mẹ về mặt này. Sự rối loạn về tình cảm ở trẻ em hay người lớn thường do sự thiếu hụt, sự thái quá hay là thiếu hiểu biết về vai trò của mỗi người, trong đó trẻ em ít nhiều dung nạp và chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong suốt quá trình phát triển của chúng trong gia đình.
Khi người mẹ phải có những quyết định khó khăn mà người cha nhu nhược đã thoái thác, khi người cha phải dỗ đứa bé đau khổ vì sự vô tình của người mẹ mà nó yêu quý, khi tổ ấm gia đình tan rã/ly tán biểu lộ cho đứa trẻ nhận ra đó không còn là nơi gắn kết mọi người trong sự đoàn kết, trong tình yêu thương mà là sự căm ghét tiềm tàng hay công khai, khi sự ganh đua giữa anh chị em trở nên bạo ngược và bất công, có sự tiếp tay của cha mẹ hay không, thì lúc đó những vai trò bị đảo lộn, không ai thực hiện vai trò của mình, và người này đảm nhận sai vai trò của người khác.
Những hiện tượng/tác động từ bên ngoài không vượt qua được hoặc không tránh khỏi có thể phá vỡ sự hài hòa. Nếu mỗi người trong gia đình hiểu biết tốt hơn về vai trò của mình, đủ để cho phép họ thể hiện với nhau những quan hệ trong gia đình một cách tốt đẹp, từ đó giữ được sự cân bằng, thì sẽ có lợi cho mọi thành viên, nhất là cho trẻ em.
(còn nữa)
Phần này được Đạm Thư dịch từ bản tiếng Pháp "L'Enfant et les relations familiales" của Maurice Porot.
ReplyDeletePhần sau được BS Nguyễn Khắc Viện viết phóng theo cuốn "Les Thérapies familiales" của Maisondieu & Metayer.
Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì nó luôn tồn tại và dạy cho chúng ta cách sống với những người khác.
ReplyDeleteKAREN ARMSTRONG