Tuesday, April 5, 2016

GIA ĐÌNH (3): Phần mở đầu (tiếp theo và hết)

Sau khi phân tích các đặc trưng của 1 gia đình, cần phân loại, trước hết thuộc loại bình thường hay bất thường.

Rất khó xác định ranh giới giữa 2 loại gia đình này; từ bình thường vừa có nghĩa trung bình, tức là đa số (60-70%) trong một nhóm dân cư nhất định thuộc về loại hình ấy, vừa có nghĩa lý tưởng đúng theo một số chuẩn mực nhất định. Cần xác định hai đặc trưng chủ yếu của một gia đình tạm gọi là bình thường.

1. Tính tương đối vững bền cùng sống với nhau yên ổn trong một thời gian nhất định. Ngày xưa lý tưởng là bách niên giai lão, ngày nay một thời gian khoảng 15 năm đủ cho con cái trưởng thành có thể xem là đạt chuẩn.
2. Mỗi thành viên đều có điều kiện sống tương đối thoải mái, không phải hy sinh quyền lợi chính đáng của mình.

Có thể nói đó là một gia đình yên lành; yên là không sóng gió đến mức tan vỡ, lành là không ai bị hy sinh. Một gia đình có thể yên mà không lành như khi có 1 gia trưởng độc đoán buộc người vợ hy sinh cả cuộc đời cặm cụi bếp núc.

Không yên, tức là thường xảy ra rối ren, không lành là một hay nhiều thành viên bị nhiễu loạn về mặt này mặt khác. Như vậy, bước đầu là phân loại yên lành hay rối nhiễu. Thông thường, những người nghiên cứu (cũng như các nhà văn, nhà báo) hay nói đến những gia đình rối nhiễu; điều này cũng dễ hiểu vì có rối nhiễu mới có chuyện mà nói. Từ những hiện tượng rối nhiễu có thể rút ra những đặc trưng rõ nét, vì rối nhiễu chỉ là những nét bình thường được khuếch đại lên như vợ chồng cãi nhau giận nhau đến mức nào đó là bình thường, con cái phá quấy cũng vậy. Trong những gia đình yên lành thì thường các sinh hoạt, các kiểu ứng xử giao tiếp đa dạng, linh hoạt, còn sinh hoạt đơn điệu, ứng xử giao tiếp cứng nhắc dễ dẫn đến rối nhiễu.

Một chỉ báo quan trọng là trong 1 gia đình biết đùa cợt hài hước với nhau, đây là 1 biểu hiện lành mạnh. Trong 1 gia đình có người đóng vai hề làm cho mâu thuẫn nội bộ bớt căng thẳng.
Thông thường rối nhiễu biểu hiện qua một số hành vi bất thường của một thành viên, đặc biệt của con cái. Cho nên vấn đề thường xoáy quanh tính nết của 1 đứa con, và tìm cách thưởng/phạt hay chăm/chữa đứa con ấy; tâm lý gia đình tập trung vào tâm tư đứa con bị nêu lên là hư quấy.

Trong những năm gần đây, người ta lại chú trọng đến gia đình như 1 tổng thể, 1 hệ thống trong đó mỗi thành viên tác động qua lại với các thành viên còn lại, mỗi biểu hiện nhiều khi chỉ khu trú ở 1 thành viên như 1 đứa con chẳng hạn đều chứng tỏ 1 sự cân bằng của toàn bộ gia đình. Trọng tâm đã chuyển từ việc trị liệu đứa con/cá nhân thành trị liệu gia đình. Lúc đứa trẻ trở lại bình thường thì gia đình lại lục đục. Đây là luận điểm homéostasic familiale, tức là cơ chế tự điều chỉnh của gia đình để bảo vệ cân bằng, biến 1 thành viên thành vật hy sinh.[1]

Đã quan niệm gia đình là 1 hệ thống, trong đó rất nhiều yếu tố tác động lẫn nhau, thì không thể suy luận máy móc theo kiểu nhân quả đơn tuyến, một sự kiện A nhất thiết sinh ra sự kiện B; hậu quả B tùy hoàn cảnh có thể xuất hiện hay không và tùy lúc thì yếu tố này hay yếu tố khác đóng vai trò chủ yếu hay thứ yếu. Cho nên việc trị liệu gia đình có khi hay có lúc chỉ tập trung vào 1 thành viên, có khi cần tập hợp cả gia đình. Những phương pháp trị liệu cũng rất đa dạng: thăm hỏi, gợi cho các thành viên nói lên tâm tư riêng, dùng phép tâm kịch hay phân vai, làm sao phá vỡ những nếp sống, nếp ứng xử/giao tiếp lệch lạc đã biến thành những cơ chế tâm lý cứng nhắc.[2]

Đây quả là 1 công việc phức tạp vì không dễ gì trước hết phanh phui được những mâu thuẫn nội bộ mà các gia đình không mấy ai muốn cho người ngoài biết đến, sau đó lại làm thay đổi các kiểu ứng xử tồn tại lâu năm. Người tư vấn cho 1 gia đình rối nhiễu khi được xem như 1 trọng tài giữa vợ và chồng hoặc cha mẹ và con cái, khi được xem như 1 siêu gia trưởng đủ uy quyền quyết định cho mọi vấn đề; nhưng nhiều khi bố mẹ bất đắc dĩ đưa con đi khám mà thâm tâm lại muốn cho người tư vấn thất bại.

Làm người tư vấn tâm lý gia đình cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống cũng như kinh nghiệm chăm/chữa, biết ứng xử linh hoạt/tùy cơ ứng biến, không thể rập khuôn 1 phương pháp, 1 nguyên tắc nào. Đặc biệt làm chủ được bản thân để tránh những phản ứng vô thức đối với hành vi của từng thành viên trong gia đình cần được giúp đỡ, bằng không rất dễ thiên vị, hoặc có thiện cảm hay ác cảm với thành viên này hay thành viên khác, mất tính khách quan, vô hiệu hóa hoàn toàn mục đích của công việc.

(còn nữa)
--------------

[1]: Có thể hình dung mỗi trường hợp như 1 thế cờ. Không thể nhớ từng quân cờ, mà phải thấy toàn cục, quan hệ giữa mỗi quân cờ với các quân cờ khác, tình thế giữa 2 bên: đi 1 nước là thay đổi toàn bộ thế cờ, đi nước nào phải thấy đối phương có thể ứng phó ra sao?
Sau khi điều tra kỹ về các thành viên có thể vẽ lên thành 1 sơ đồ thể hiện cơ cấu của gia đình và các mối quan hệ nội bộ - kiểu sơ đồ thế hệ trong các gia phả. Rồi đề xuất 1 chiến lược, nhằm vào điểm nào trước, điểm nào không thể đánh, xác định mục tiêu xa và gần...
[2]: Trong Kiều có câu:
       "Cơ trời dâu bể đa đoan
        Cả nhà để chị riêng oan một mình"

3 comments:

  1. Hiệu ứng quá giới hạn.
    Tác giả nổi tiếng của Mỹ – Mark Twain có lần nghe mục sư giảng trong nhà thờ. Lúc đầu, ông cảm thấy mục sư giảng rất hay, ông dự định sẽ quyên góp tiền. Nhưng qua 10 phút, ông bắt đầu mất kiên nhẫn nên quyết định quyên một ít tiền lẻ thôi. Qua 10 phút nữa, mục sư vẫn tiếp tục giảng, ông không quyên góp nữa. Đây được gọi là “hiệu ứng quá giới hạn”. Khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản kháng.
    Hiệu ứng này thường xảy ra trong việc giáo dục gia đình. Ví dụ khi đứa con phạm lỗi, bố mẹ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó cùng lời khiển trách sẽ khiến đứa con từ buồn bã chuyển sang mất kiên nhẫn, thậm chí chán ghét. Một khi bị “bức” quá thì sẽ xuất hiện tâm lý và hành vi phản kháng kiểu “lần sau mình sẽ làm vậy nữa”. Có thể thấy, sự khiển trách và đánh giá của bố mẹ dành cho con cái không được vượt quá giới hạn. Cho dù muốn nhắc nhở lại thì cũng phải thay đổi góc độ, cách nói. Như thế thì trẻ mới không cảm thấy lỗi của mình cứ bị “giữ mãi không buông” mà sinh ra tâm lý chán ghét, phản nghịch.
    (trích từ FB/Nguyễn Quốc Bảo's post)

    ReplyDelete
  2. Trong cuốn sách của mình, phần này được BS Nguyễn Khắc Viện đặt tên là "Để nghiên cứu về Gia đình". Ông viết xong tháng 12-1991.

    ReplyDelete
  3. Cũng cần định nghĩa đúng hơn về 1 gia đình bình thường. Về điều này, nên có sự bổ sung chi tiết hơn về con cái, tức là quan hệ anh - chị - em trong gia đình. Nếu gia đình chỉ có 1 con là gia đình không đầy đủ (không thể coi là bình thường). Vai trò quan trọng của sự hình thành các quan hệ anh/chị/em khẳng định hiển nhiên là 1 cặp vợ chồng chỉ có 1 đứa con chưa thể hợp thành 1 gia đình với đúng nghĩa của nó.

    ReplyDelete