Friday, April 15, 2016

GIỌNG CA VIỆT ĐOẠT GIẢI NHẤT NHẠC CỔ ĐIỂN QUỐC TẾ HUNGARY

“Với những nỗ lực liên tục, hy vọng Ninh Đức Hoàng Long sẽ còn có những bước dài trên con đường chinh phục dòng nhạc bác học, mà Việt Nam sau nhiều năm, cho dù đã có một số cá nhân nổi bật, nhưng vẫn ở tầm chập chững bên cạnh những “chàng khổng lồ” trên thế giới và khu vực...”.

 

Ninh Đức Hoàng Long tại Nhà hát Quốc gia TP. Szeged trong đêm Gala của Cuộc thi Thanh nhạc Quốc tế Simándy József lần thứ 9 - Ảnh: Nguyễn Anh Tú

 
Magyar hazám, te mindenem!
Te érted bátran meghalok,
Te Szent Magyar hazám!


(Tổ quốc Hung, Người là tất cả của tôi!
Vì Người, tôi hy sinh can đảm,
Người, tổ quốc Hung thiêng liêng!)
 

Có lẽ không mấy người Hung lại không biết, không thuộc chí ít là vài câu, và không “nằm lòng” giai điệu của bài ca nổi tiếng này. Đó là bản aria “Tổ quốc tôi” (Hazám, hazám) rạng ngời tinh thần ái quốc và tình tự dân tộc Hungary, vốn phải chịu nhiều khổ đau trong hơn 1.000 năm giữ nước.

 
“Tổ quốc tôi” nằm trong vở Opera “Nhiếp chính Bánk” (Bánk bán, 1861) của nhạc trưởng, danh cầm, nhà soạn nhạc Erkel Ferenc (1810-1893), phần lời của nhà văn, nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ Egressy Béni (1814-1851), dựa trên vở kịch cùng tên của nhà soạn kịch Katona József (1791-1830).

Cả ba đều là những tên tuổi lừng lẫy, những nhân cách lớn của nền văn hóa Hungary đầu thế kỷ 19. Nhưng khi nhắc đến “Nhiếp chính Bánk” và đặc biệt “Tổ quốc tôi”, nhiều thế hệ người yêu nhạc Hung còn luôn nhớ tới Simándy József (1916-1997), giọng tenor huyền thoại với vai diễn xuất thần.

Với ngoại hình, phong cách thuyết phục, chất giọng đầy biểu cảm, vang vọng và nội lực thâm hậu, Simándy đặc biệt xuất sắc khi thủ vai anh hùng trong các vở nhạc kịch. Không chỉ ở Hungary, mà ông còn rất được ưa chuộng khi trình diễn tại nhiều phòng hòa nhạc và sân khấu Opera Châu Âu.

Tuy nhiên, với đại chúng, tên tuổi Simándy gắn liền và không thể tách rời với “Tổ quốc tôi”. Rất nhiều học sinh Hung đã thưởng thức lần đầu khúc ca yêu nước trong giờ nhạc tại trường sở, với “giọng tenor vĩnh cửu” Simándy, danh hiệu mà báo chí và công chúng Hung dành do nghệ sĩ lớn này.
Cũng vì thế, một vinh dự lớn lao đã tới cho một ca sĩ trẻ, đến từ Việt Nam - xứ sở ít có truyền thống trong nhạc cổ điển, khi gần hai năm nay anh được chính người dân và báo chí Hung coi là giọng ca xuất sắc thứ hai sau bậc thầy Simándy khi trình diễn “Tổ quốc tôi”, khiến mọi người phải “sởn gai ốc”.

Đặc biệt, mới đây, anh đã đạt được thành công thuyết phục khi giành giải nhất trong cuộc thi quốc tế mang tên Simándy József được tổ chức lần thứ 9. Với kết quả này, giọng ca ấy - Ninh Đức Hoàng Long - lần đầu tiên bước chân vào ngôi đền thiêng của dòng nhạc bác học, như một tài năng trẻ...

Từ một “ngôi sao của mạng youtube”...

Trung tuần tháng 7-2014, các “cư dân mạng” Hungary nô nức truyền tay nhau một clip trên youtube, mà theo nhận xét của nhiều người, “mạng Internet của Hungary đã có thêm một ngôi sao mới, một chàng trai Việt Nam hát “Tổ quốc tôi” trong vở “Nhiếp chính Bánk” khiến bạn phải sởn gai ốc”.

Rất nhanh chóng, mạng tin lớn index.hu đã tìm được Ninh Đức Hoàng Long trên mạng xã hội Facebook và có một cuộc trao đổi thân mật với anh. Khi đó, ca sĩ trẻ Hoàng Long (22 tuổi) mới đặt chân tới Hungary chừng 9 tháng, và vừa qua hai học kỳ học tiếng Hung tại Học viện Văn hóa Balassi.

Được nhận học bổng của Nhà nước Hungary để theo học 3 năm tại Nhạc viện lừng danh ở Budapest mang tên đại nhạc sư Liszt Ferenc của đất nước này, trong kỳ thi tuyển hè 2014 sau khi đã tốt nghiệp khóa ngôn ngữ, Hoàng Long đã trình diễn một bản dân ca và một bản aria bằng tiếng Hung.

Theo lời khuyên của một người bạn Hung, anh đã chọn bản “Tổ quốc tôi” và vô cùng yêu thích nó. Tiếng Hung là một ngôn ngữ vô cùng khó, nhưng chàng trai đến từ Ninh Bình đã nỗ lực hết mình và trở thành thí sinh nước ngoài duy nhất trúng tuyển vào khoa Opera của Nhạc viện Budapest.
Tham gia chương trình văn nghệ tại một buổi liên hoan chia tay tại Học viện Văn hóa Balassi, các thầy cô đã đề nghị Hoàng Long có một tiết mục góp vui. Anh đã hát lại bản “Tổ quốc tôi”  và đưa clip ấy lên mạng youtube. Đoạn clip ấy đã “được lan truyền như virus”, theo lời truyền thông Hungary.

Kế tiếp, nhiều mạng tin và cả truyền hình Hung cũng đưa tin về Hoàng Long, một chàng trai Châu Á mới qua 7 tháng học tiếng Hung, mà đã thể hiện một cách chững chạc và tha thiết ca khúc điển hình của lòng ái quốc Hungary. Anh trở thành “ngôi sao của mạng youtube” như thế, rất bất ngờ.

Ước mơ theo con đường âm nhạc cổ điển

Trước khi tới Hungary và chọn cố danh ca Ý Luciano Pavarotti là thần tượng lớn nhất, Ninh Đức Hoàng Long đã có hành trang là những năm học tập tại Nhạc viện Hà Nội. Truyền thống gia đình trong văn hóa - cha anh làm báo, làm thơ và say mê nhiếp ảnh - cũng là yếu tố nâng đỡ chàng trai này.

Theo thổ lộ của Hoàng Long, không phải ngay từ ban đầu anh đã xác định sẽ theo đuổi con đường trình diễn Opera chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi đã được “chạm” vào dòng nhạc bác học, anh cảm thấy đó chính là sở trường của mình, và quyết tâm trở thành một giảng viên tại Nhạc viện Hà Nội.

Đó chính là lý do khiến Hoàng Long - một thành viên tích cực trong các hoạt động của cộng đồng Việt Nam tại Hungary - luôn chú tâm cho những khả năng phát triển của mình. Mong mỏi của anh là sau khi kết thúc 4 năm học ở bậc cơ bản vào năm 2017, anh có thể trở lại Hung học tiếp Thạc sĩ.

Cũng chính vì vậy, Hoàng Long đã quyết định thử sức một cách nghiêm túc trong cuộc thi hát quốc tế mang tên Simándy József, tổ chức tại thành phố lớn phía Nam Hungary - Szeged - vào cuối tháng 3 vừa rồi. Trả lời câu hỏi về lý do đăng ký dự thi, và kỳ vọng đặt ra trước khi đi thi, anh cho hay:
Tính tới thời điểm hiện tại, tôi đã trải qua ba học kỳ tại Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc với kết quả học tập luôn đứng đầu lớp, đặc biệt là trong chuyên ngành Thanh nhạc. Điều này luôn khiến tôi hết sức nghi ngờ và tự hỏi, liệu có hay không một sự ưu ái cho sinh viên nước ngoài duy nhất của lớp.

Để trả lời câu hỏi này, tôi đã quyết định tham gia cuộc thi. Bởi lẽ, Ban giám khảo của cuộc thi gồm nhiều chuyên gia có tiếng, như các danh ca Opera, giám đốc các nhà hát Opera và nghệ thuật uy tín tại Hungary, hay vị tiến sĩ, nhà phê bình âm nhạc người Áo từ tập san nổi tiếng “Der Neue Merker”...

Đồng thời, cuộc thi còn có các thí sinh nước ngoài khác, vì vậy chắc chắn tôi sẽ được đánh giá một cách khách quan và công bằng nhất. Đây xem như  một bài kiểm tra năng lực bản thân mình. Mục tiêu đặt ra trước khi thi là không bị loại và nếu vào được chung kết thì ít nhất phải có giải dù là giải phụ
”.

Thành công đáng khích lệ đầu tiên

Cuộc thi Thanh nhạc Quốc tế Simándy József được tổ chức lần đầu tiên năm 1998, trong vòng gần 20 năm qua đã là một sân chơi đáng tin cậy và uy tín của những tài năng trẻ trong dòng nhạc cổ điển. Nhiều giọng ca đã trở thành những ngôi sao Opera ở Hung và quốc tế qua “bệ phóng” nói trên.

Đặc biệt, trong lần tổ chức thứ 9 năm nay, cuộc thi truyền thống này được tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của bậc thầy Opera Simándy, và lần thứ 70 ngày ông khởi nghiệp Opera tại Nhà hát Quốc gia TP. Szeged, một đô thị lớn sản sinh trường phái Opera với rất nhiều nghệ sĩ có tiếng.

Năm nay, đã có tổng cộng 136 thí sinh đến từ toàn nước Hung và một số quốc gia láng giềng - trong đó có những giọng ca đến từ Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Iran, Canada...- và được chia làm hai bảng theo độ tuổi 18-25 và 25-36. Giọng ca Việt Nam được tham dự vào bảng 18-25 tuổi.
Để vào được tới vòng chung kết, trong ba vòng thi cuối tháng 3, đầu tháng 4, Hoàng Long đã trình diễn 7 tiết mục dự thi thuộc các thể loại khác nhau, trong đó có một bản bắt buộc là tác phẩm của một trong bốn nhạc sĩ lớn người Hung: Liszt Ferenc, Bartók Béla, Kodály Zoltán hoặc Erkel Ferenc.

Tiếp tục lựa chọn “Tổ quốc tôi” như một bài “tủ”, và trình diễn xuất sắc các bài dự thi khác, chung cuộc, Hoàng Long đã giành giải nhất ở bảng của mình, cùng một số giải phụ. Anh cho hay thêm một số chi tiết: “Tuy độ tuổi bảng tôi tham dự từ 18-25 nhưng các thí sinh đều rất tự tin và có kỹ thuật tốt.

Như thí sinh được giải nhì bảng của tôi là giọng ca soprano Theodora Raftis người Cyprus, tốt nghiệp Nhạc viện Birmingham (Anh Quốc) ngành Biểu diễn Opera và hiện đang là sinh viên năm cuối của Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc, Budapest dưới sự dẫn dắt của trưởng khoa Thanh nhạc Học viện.

Kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn của chị đều cực kỳ nổi trội, trước cuộc thi tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể vượt qua được đối thủ này. Còn ở bảng lứa tuổi lớn hơn (26-36), đối tượng tham gia là những giọng ca đã tốt nghiệp thạc sĩ, thường đang hoạt động chuyên nghiệp trong các nhà hát Opera
”.

Vượt qua tầm một “hiện tượng mạng”

Từ một “ngôi sao của mạng youtube”, Hoàng Long đã có những bước đi chín chắn, từng bước khẳng định mình như một tài năng trẻ trên bầu trời nhạc cổ điển. Trả lời báo chí, anh cũng ý thức được rằng: “Cái gì dễ nổi cũng dễ chìm, (...) khi một cái gì đó đến bất ngờ rất dễ khiến ta bị choáng ngợp”.

Coi thành công trong cuộc thi chỉ là “một kỷ niệm vui và đẹp của tuổi trẻ”, giọng ca trẻ này thổ lộ thêm với báo chí trong nước: “Ngộ nhận khiến người ta không biết khả năng thực sự của mình nên quên đi mục đích phấn đấu. (...) Điều quan trọng là phải bình tĩnh và biết được vị trí thực sự của mình”.
 
 Cùng người thầy tại Nhạc viện Liszt Ferenc (Budapest) - Ảnh: Nguyễn Anh Tú
 
Trả lời về những dự định trong tương lai, Hoàng Long cho hay, hiện tại Nhạc viện Liszt Ferenc có tổ chức Cuộc thi Thanh nhạc Quốc tế Éva Marton lần thứ hai với giá trị giải thưởng lên tới 17.000 euro cho giải nhất, anh dự định sẽ quan sát cuộc thi này và đặt nó là mục tiêu sau một vài năm nữa.

Được biết, Hoàng Long đã bỏ ra gần 5 tháng để chuẩn bị cho cuộc thi vừa qua, nên giờ cần tập trung hoàn thành kỳ học thứ 4 tại Nhạc viện cho kịp tiến độ. Anh cũng sẽ dành thời gian luyện tập cho một số buổi hòa nhạc mà giọng ca này nhận được lời mời biểu diễn sau khi đoạt giải nhất.

Đặc biệt, Hoàng Long thổ lộ rằng anh rất hạnh phúc khi được ông Bátor Tamás, vị giám đốc phụ trách hợp tác chương trình của Cung Nghệ thuật Budapest, một địa chỉ văn hóa nổi tiếng ở thủ đô Hungary, trực tiếp mời tham gia một vai diễn trong một vở nhạc kịch của Bellini tại trong năm 2017.

Với những nỗ lực liên tục như vậy, hy vọng Ninh Đức Hoàng Long sẽ còn có những bước dài trên con đường chinh phục dòng nhạc bác học, mà Việt Nam sau nhiều năm, cho dù đã có một số cá nhân nổi bật, nhưng vẫn ở tầm chập chững bên cạnh những “chàng khổng lồ” trên thế giới và khu vực...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.
Hoàng Nguyễn, từ Budapest 

No comments:

Post a Comment