“Quyền lực đẻ ra từ nòng súng” (Mao Trạch Đông)
Câu nói của Mao (quyền lực đẻ ra từ nòng súng) chỉ đúng một phần. Thứ
nhất, nó chỉ đúng với quyền lực cứng, chứ không đúng với quyền lực mềm,
vì súng và tiền không thể đẻ ra quyền lực mềm. Thứ hai, nó chỉ đúng với
việc giành quyền lực, chứ không đúng với việc giữ quyền lực, vì muốn giữ
quyền lực lâu dài thì phải đổi mới và phát triển. Muốn phát triển bền
vững phải đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị. Nhưng “quyền lực tuyệt đối
thì tham nhũng tuyệt đối”, nên những kẻ độc tài và tham nhũng không chịu
đổi mới chính trị.
Chính Mao đã từng nói “chính trị là thống
soái” (politics in command) và hô hào phải làm “cách mạng thường trực”.
Chính Mao đã huy động “Hồng vệ Binh” (fringe power) đối đầu và đánh sập
hệ thống quyền lực của Đảng (mainstream power) để giành lại quyền lực
(độc tôn). Chính Mao đã tạo ra “tiền lệ chống Đảng” (bằng bạo lực). Phải
chăng Tập Cận Bình cũng đang bắt chước Mao một cách “sáng tạo” theo
“Neo-Maoism” để giành quyền lực (độc tôn). Đối với Mao (và Tập) chính
trị là độc tài. Cả Mao và Tập đều sùng bái quyền lực tuyệt đối và áp
dụng sùng bái cá nhân, nên không hiểu giới hạn của quyền lực cứng.
Giới hạn của quyền lực không phải là điều mới lạ. Bệnh sùng bái quyền
lực rất phổ biến, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác.
Con người vốn sợ quyền lực, sợ kẻ mạnh, sợ nước lớn (như sợ Trung Quốc).
Một số người (ở Việt Nam) sợ Trung Quốc nên không dám phản kháng khi bị
họ bắt nạt; không dám kiện khi bị họ xâm phạm chủ quyền; không dám chơi
với nước khác làm đối trọng vì sợ họ giận. Một số nước không dám lên án
Trung Quốc quân sự hóa và lấn chiếm Biển Đông, vì sợ mất lòng TQ, và
mất lợi ích kinh tế.
Napoleon Bonaparte đã từng nói “Trung Quốc
là một người khổng lồ đang ngủ. Hãy để chó nó ngủ yên, vì khi thức dậy
nó sẽ làm đảo lộn thế giới”. Lời cảnh báo đó nay đã trở thành sự thật.
Trung Quốc đã trỗi dậy (không hòa bình), bắt nạt các nước yếu hơn, và
thách thức trật tự thế giới. Nhưng Trung Quốc mạnh tới đâu và có đáng sợ
không? Sức mạnh của họ có giới hạn không? Và làm thế nào để đối phó với
sức mạnh của Trung Quốc?
TRUNG QUỐC TRỖI DẬY: DỰA VÀO SỨC MẠNH (QUYỀN LỰC) CỨNG
Sau ba thập kỷ phát triển kinh tế ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng hai
con số, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành cường quốc kinh tế
lớn thứ hai thế giới và đang cạnh tranh với Mỹ về kinh tế và quân sự,
với tham vọng sẽ vượt cả Mỹ. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ
(với 1.300 tỷ USD tài sản). Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn đứng đầu
thế giới, tuy gần đây đã bị tụt xuống mức 3.300 tỷ USD (cuối năm 2015).
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2016 tuy tăng một cách khiêm tốn
là 7,6% nhưng vẫn đứng thứ hai thế giới (146,67 tỷ USD), chỉ sau Mỹ
(573 tỷ USD cho ngân sách năm 2016).
Trung Quốc không chỉ là
“quái vật kinh tế” (economic animal) như Nhật trước đây, mà còn là “quái
vật quân sự” (military monster). Trung Quốc vừa sử dụng “cái gậy” để
triển khai quyền lực (project power), vừa sử dụng “củ cà rốt” để mua
chuộc các nước bằng túi tiền (checkbook diplomacy). Để mua chuộc
Pakistan, Trung Quốc đã đầu tư 46 tỷ USD (4/2015). Để cạnh tranh với thể
chế tài chính của Mỹ và Nhật, Trung Quốc đã khởi xướng Ngân hàng Đầu tư
Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) và góp vốn 50 tỷ USD (4/2015). Tập Cận Bình
muốn theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa” để làm bá chủ thế giới bằng “Một
vành đai, Một con đường”. Đó là con đường cực đoan dựa trên sức mạnh
cứng của cơ bắp và tiền.
Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc thách
thức Nhật Bản, đòi chủ quyền đảo Điếu Ngư và áp đặt Khu vực Nhận diện
Phòng không (ADIZ). Tại Biển Đông, Trung Quốc bắt nạt các nước láng
giềng, xâm phạm chủ quyền Việt Nam bằng dàn khoan HD981, bồi đắp các đảo
đá ngầm và xây dựng các căn cứ quân sự, thách thức quyền tự do hàng hải
quốc tế với yêu sách “đường chín đoạn”, nhằm kiểm soát và độc chiếm
Biển Đông. Bằng “cái gậy” và “củ cà rốt”, Trung Quốc tăng cường phân hóa
và thao túng các nước ASEAN (như cách tách bó đũa ra để bẻ từng chiếc)
nhằm đối phó với chính sách ngăn chặn của Mỹ.
Khi Tập Cận Bình
đến thăm Canberra (17/11/2014), chính phủ Tony Abbott đã trải thảm đỏ
đón như một hoàng đế. Tập Cận Bình đã đọc diễn văn tại Quốc Hội Úc, nhấn
mạnh hai nước “tay trong tay” và “vai kề vai” vì sự phát triển hai nước
và ổn định khu vực. Khác với chuyến thăm vội vàng của Tổng thống Obama
(11/2014), Tập Cận Bình đã được chính phủ Úc tìm mọi cách làm hài lòng
(kể cả việc trước đó bỏ công sức và tiền bạc tìm kiếm vô vọng chiếc máy
bay mất tích MH-370) để lấy lòng Trung Quốc, nhằm ký được một hiệp định
thương mại có lợi cho nền kinh tế đang cần vốn và thị trường. Không biết
có phải vì họ ngộ nhận hay ngây thơ về Trung Quốc hay không, mà chính
phủ bang Northern Teritory đã quyết định cho tập đoàn Landbridge thuê
cảng Darwin 99 năm, với giá 506 triệu AUD. Quyết định này đã bị dư luận
báo chí trong nước thổi còi và chính phủ Mỹ phản ứng (New York Times,
21/3/2016). Landbridge có quan hệ mật thiết với PLA, và Darwin là nơi
đóng quân của 2500 lính thủy đánh bộ Mỹ theo kế hoạch “xoay trục” sang
Châu Á để đối phó với Trung Quốc.
Nước Anh cũng tuyên bố về
một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ với Trung Quốc và bày tỏ nguyện vọng
được làm “người bạn tốt nhất” của Trung Quốc tại Tây Âu. Khi Tập Cận
Bình đến thăm London (20-23/10/2015) chính phủ David Cameron không chỉ
trải thảm đỏ mà còn “treo cờ trắng đầu hàng” (về vấn đề Hong Kong) để
đổi lấy những lợi ích kinh tế (nghe nói là 6 tỷ USD). Một cựu cố vấn cho
Thủ tướng Anh (ông Steven Hilton) nhận xét rằng việc cúi đầu chịu khuất
phục Trung quốc là “sai lầm về đạo đức và thiển cận về kinh tế”. Nói
cách khác, không nên làm bạn với “con mãng xà nấp trong chùm đèn” (tên
một bài báo của Perry Link). Một nhà hoạt động nhân quyền người Anh (ông
Benedict Rogers) bình luận, “Trung Quốc là kẻ bắt nạt, chúng ta cần
đứng lên…” (Jonathan London blog, 3/3/2016).
Không phải chỉ có
Úc và Anh sợ Trung Quốc mất lòng, mà nhiều nước khác (như Malaysia,
Indonesia, Myanmar, Cambodia và Thailand) cũng thích “củ cà rốt” Trung
Quốc. Nhưng gần đây, Malaysia và Indonesia bắt đầu thay đổi thái độ, vì
Trung Quốc hành xử quá thô bạo. Tập Cận Bình đang thể hiện “xu hướng
Phát-xít” trong nước và cách ứng xử ngày càng trắng trợn ở ngoài nước.
Tình hình chính trị bên trong Trung Quốc hiện đáng báo động, và là mối
đe dọa cho sự ổn định trong khu vực. (Jonathan London blog, 22/3/2016).
(còn nữa)
Nguyễn Quang Dy (copy từ FB/A Nguyen Quang's post)
No comments:
Post a Comment