TỔ ẤM AN TOÀN VÀ ĐOÀN KẾT
Sự gắn bó và sự ly tán
Còn hơn sự ra đời của đứa con, chính sự hòa hợp giữa vợ chồng mới biến đổi cặp vợ chồng thành những người tạo nên tổ ấm.
Chỉ trong gia đình - tổ ấm, nơi đứa trẻ tìm thấy tình thương yêu, được chấp nhận và sống trong sự ổn định thì nó mới cảm thấy an toàn tối đa. Anh chị em giúp nó biết được thế nào là ganh đua, sự hòa hợp giữa cha mẹ dạy cho nó biết thế nào là đoàn kết.
Đối với trẻ, không thể có cha mẹ hoàn hảo nếu từng người không hoàn hảo (hiểu theo nghĩa cha mẹ là hình mẫu/làm gương cho chúng), như thế nó không sợ sai khi bắt chước cha mẹ một cách mù quáng: mọi điều cha mẹ nói đều đúng, mọi việc cha mẹ làm đều tốt. Và như thế, giá trị thực sự của tấm gương cha mẹ có tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển bình thường của đứa trẻ.
Điều hết sức quan trọng đối với trẻ là cha mẹ phải thể hiện được (dù thật sự không hoàn toàn đúng) họ là một khối đồng nhất không có rạn nứt. Đồng nhất không có nghĩa là thống nhất và duy nhất, tuy nhiên, những gì liên quan đến đứa bé thì cha mẹ phải duy trì được quan điểm chung vì đứa trẻ cảm nhận được nhiều chuyện mà người lớn không bộc lộ (che dấu) hơn là vẻ bề ngoài của họ. Cha mẹ phải cố gắng hết mức, đôi khi phải hy sinh đau đớn vì tự ái để duy trì sự đồng nhất rất cần thiết cho sự thăng bằng tình cảm của con mình, người chủ bé nhỏ của tổ ấm.
Con cái phải có được cả cha lẫn mẹ vì nó là kết quả tình yêu của hai người. Sự hòa hợp lứa đôi, cả về tình dục lẫn tình cảm, trước mắt đứa con là một sự cần thiết trên thực tế.
Thời gian gần đây, khái niệm gia đình, nhất là cấu trúc bên trong của nó, đã được xem xét lại. Những rối loạn không thể tự điều chỉnh để giữ được sự cân bằng dẫn đến sự suy sụp đáng sợ một cách cực đoan; sự thiếu suy xét của trí tuệ và mệnh lệnh của tình cảm sẽ đưa gia đình đến những hoàn cảnh hết sức khó khăn mà đứa trẻ là nạn nhân của những mối quan hệ đổ vỡ.
Có bao nhiêu gia đình thật sự hòa hợp và luôn giữ được như thế trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, kể cả những lúc tưởng không thể vượt qua? Thực tế có một số chưa thực sự là gia đình, một số rạn nứt một phần, một số bị tiêu tan hoàn toàn.
Có thể chia thành 2 nhóm yếu tố gây nên sự đổ vỡ: nhóm yếu tố xã hội - gia đình phần lớn do vật chất. Nhóm thứ hai gắn với nhân cách cha mẹ và sự hòa hợp là những yếu tố tâm lý. Thật ra, trong thực tế chúng lẫn lộn hơn, nhưng cần chia ra như vậy để dễ giải quyết những nguyên nhân cụ thể mà thôi.
Những gia đình không ổn định thường chiếm phần lớn trong số các gia đình ly tán. Dù chỉ là nhất thời nhưng những bất hòa gay gắt đã loại trừ một sự hòa hợp đầy đủ của cha mẹ. Trong đó sự thù ghét/đố kỵ nhau là 1 trong những biểu hiện nguy hại nhất.
Mặt khác, những bất hòa tiềm ẩn khó thấy rõ cũng là nguyên nhân thường làm xảy ra sự bất ổn do vợ chồng ích kỷ, không hiểu nhau (tính khí không hợp) và sau cùng dẫn đến thất bại mà phần lớn do chính họ gây ra. Vì con cái, vì bạn bè xung quanh, vì các mối quan hệ, vì những nhu cầu cần thiết trong nghề nghiệp, người ta cố gắng duy trì 1 sự liên kết bề ngoài. Đó là sự đối phó hoàn toàn giả tạo trước 1 vấn đề thực sự.
Tổ ấm trở thành tổ lạnh, trẻ em sớm có một sự hiểu biết bằng trực giác về tình hình thực tế rối nhiễu đôi khi trầm trọng dẫn đến tình trạng biến đổi một cách bất thường ảnh hưởng đến tình cảm và ứng xử của nó.
Những hàng rào mà vợ chồng sử dụng để lẩn tránh tình dục và ẩn vào giai đoạn thơ ấu của dục vọng (libido), bị mất mát những ràng buộc tình cảm, cảm giác bị ấm ức do tổ ấm không mang lại gì cho đôi vợ chồng đã bị thất bại và chia ly trên thực tế, chỉ còn sự hòa hợp dối trá, tất cả tạo ra trạng thái để họ tìm cách thoát ra/bù trừ tùy theo bản chất, sở thích và giá trị đạo đức của mỗi người mà thường thấy hơn cả là sự bù trừ tình dục. Từ 1 cuộc phiêu lưu tình dục thoáng qua đến việc có vợ lẽ bên ngoài đều có thể xảy ra.
Có cần phải nói rằng thật khó mà đứa trẻ có thể lý tưởng hóa người cha hay người mẹ có cách xử sự ngược lại với những lời nói về đạo đức mà họ đã dạy con? Và sự không chung thủy chỉ về mặt tình cảm không liên quan đến tình dục cũng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng tương tự đối với trẻ.
Một số cặp vợ chồng thỏa thuận về 1 sự tự do tình dục cho cả hai, chỉ với điều kiện là gìn giữ bề ngoài "đối với con trẻ". Nhưng trẻ em hiếm khi bị mắc lừa. Thực tế, trong đa số trường hợp, sự thỏa hiệp ngầm hay trên lời nói, cho rằng "vì" con cái thì cuối cùng hành động lại là "chống lại" con cái.
Trong mọi sự lẩn trốn, làm việc là cách tốt hơn cả. Thường đàn ông hay chọn kiểu này. Còn có những sự lẩn tránh khác không hay ho gì như: ma túy, cờ bạc và nhất là rượu. Nó gây tác hại bằng những hậu quả cả về tình cảm lẫn vật chất. Còn phụ nữ thường chọn làm từ thiện, lễ bái hoặc trong sự sùng đạo quá đáng... Tất cả đều chỉ để chối bỏ thực tế và có hại đến đời sống vật chất và tinh thần của gia đình.
Một cách nhìn nhận tích cực, dù gia đình có sự bất ổn thì bao giờ cũng còn khả năng vực lên được. Chỉ có cái chết mới không thể hàn gắn được. Từ đây cũng có thể thấy được: sự biến mất của cha hoặc mẹ đủ để định nghĩa sự tan vỡ. Ngoài ra, sự bỏ rơi hay ly hôn cũng là lý do chính phá vỡ hoàn toàn một tổ ấm.
Việc mất đi người mẹ đối với đứa trẻ là điều vô cùng bi thảm. Nếu mất cha, tình hình dù sao vẫn ít nghiêm trọng hơn. Khó khăn để phát triển bình thường về tình cảm làm cho đứa trẻ có những cảm giác mất cân bằng, thiếu năng lực, gây nhiều trở ngại/thất bại cho trẻ sau này.
Có quá nhiều nguyên nhân làm xảy ra sự ly tán ngấm ngầm hoặc công khai làm người ta phải đặt câu hỏi: có những gia đình hoàn hảo không? Chỉ có thể trả lời là không.
Chúng ta không tìm cách định nghĩa thế nào là 1 gia đình bình thường (cũng khó như định nghĩa 1 người bình thường), mà chỉ định rõ mục đích cần theo đuổi và điều gì là sự cản trở nó. Mỗi gia đình phải cố gắng thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp với nhau, tránh mọi cạm bẫy, sữa chữa mọi lỗi lầm không cố ý. Cha mẹ làm tròn bổn phận cũng chưa đủ. Còn biết bao nhiêu nam thanh niên đi đến hôn nhân với những định kiến, nhất là những hình mẫu bất biến biết được tình cờ từ sách báo hoặc bạn bè? Về phía các thanh nữ, nhiều người kết hôn một cách dễ dãi trên những quan niệm sai/thiếu chính xác từ những nguồn thông tin thiếu cơ sở, lệch lạc về cuộc sống gia đình. Chỉ có sự hiểu biết đúng đắn về thực tế mới ngăn ngừa được mối nguy hiểm với một gia đình.
Cặp vợ chồng sau khi cưới không như cặp người yêu trước khi kết hôn và chưa phải làm cha mẹ. Tuy nhiên, đôi vợ chồng đó vẫn vậy sau nhiều biến đổi. Cả hai cần ý thức được sự tiến triển liên tục và như vậy họ sẽ học được 1 trong những bí quyết để giữ được sự cân bằng của gia đình. Tất cả những gì sinh động đều chứa đựng vô vàn khả năng thích ứng.
Mấy ai trong chúng ta xứng đáng với những đức tính đòi hỏi ở những người cha mẹ? Chắc là rất ít. Song như A. Berge đã nhận xét, nếu tình yêu của cha mẹ đã sản sinh ra những đứa con thì tình yêu của con cái đối với cha mẹ cũng sản sinh ra tình yêu giữa cha mẹ, ít nhất cũng cho phép tìm ra một mục tiêu cho những vấn đề tưởng chừng nan giải. Tình yêu dành cho đứa con là sợi dây ràng buộc mạnh nhất của tổ ấm và là yếu tố có sức sống phong phú nhất.
Nhưng thật sai lầm khi nghĩ rằng quan hệ cha mẹ - con cái chỉ có 1 chiều hướng về đứa con. Đứa con, trong quan hệ với cha mẹ, có 1 ảnh hưởng mà nhất thiết cái đó có những tác dụng "phản hồi" như trong những mạch điện tử, nhằm ổn định 1 hệ thống theo mục tiêu xác định.
(còn nữa)
No comments:
Post a Comment