Friday, June 26, 2020

Đào tạo nhân tài, elite và phổ cập

Có thể tạm chia đào tạo phổ thông thành ba mức như vậy để người Việt Nam chúng ta đỡ rối rắm, lẫn lộn quan điểm.
   1. Trái với nhiều người nghĩ, đào tạo nhân tài là dễ nhất, nếu hiểu nhân tài là người có tài nổi trội trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó. (Như Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi,... thì phải gọi là thiên tài, không do giáo dục phổ thông đặt kế hoạch mà có được. Cố nhiên muốn là thiên tài, trước hết phải là nhân tài).
  2. Tất nhiên đào tạo nhân tài là quan trọng, nhưng không khẩn cấp, và quá trình tự nhiên hiện nay đã tạo ra nhân tài, dùng không hết, lãng phí vô cùng, do sự mất định hướng và nhận thức thấp kém của xã hội. Đào tạo nhân tài cứ luôn là khẩu hiệu mà bạc đãi, thiếu tôn trọng với nhân tài là nghĩa lý gì. Chỉ cần tôn vinh, trọng đãi, hệ thống sẽ tạo ra nhân tài đủ dùng. Bản thân nhân tài cũng khiếp sợ với tiền bạc và quyền lực, coi thường lẫn nhau thì nhân tài làm gì. Chẳng qua nhân tài không được một tầng lớp elite dẫn dắt, hiệp trợ.
 3. Cái chúng ta thiếu và cần cấp bách là đào tạo elite và chất lượng đào tạo phổ cập. Trước tiên ta hãy bàn về cái dễ hơn là elite nhưng không hề đơn giản. Elite có mấy tiêu chí (khác và phủ lên nhân tài): i) Tỉnh thức tiên tiến nhất trong xã hội (tất nhiên trong một xã hội ngủ mê, thì gật gù cũng đã là tỉnh thức nhất)  ii) Khai phóng: luôn ủng hộ cái mới, cái tiến bộ, sẵn sàng xét duyệt các tín điều lạc hậu  iii)  Lương năng, luôn cố gắng thấu hiểu nguyên vọng của người bình dân trong xã hội, iv) Trí năng, có năng lực tư duy sáng suốt và không bó buộc v) Dũng khí, với chính mình và với mọi trở lực.  Tất nhiên các đòi hỏi này phải xét trong tương quan với xã hội. Tại sao xã hội cần elite? Elite để dẫn dắt xã hội, hình thành tâm thức mới, là khởi nguồn cho động lực, đặc biệt quan trọng trong các xã hội trì trệ châu Á. Mahatmar Gandhi, Tagore, Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn là hiện thân rõ nhất của elite. Trong khi Lý Chính Đạo, Dương Chấn Ninh, Raman, Chandrashekhar, Nehru, Đặng Tiểu Bình chỉ có thể gọi là nhân tài mà thôi.
  4. Cái khó nhất vẫn là nâng cao chất lượng phổ cập. Không gì khó hơn là chống lại sự ngu ngốc của đám đông, nhất là khi xã hội cởi mở hơn, và họ được trao một vài lợi thế như tiền, danh hiệu, chút học vấn không đến nơi đến chốn nhưng được cấp bằng, có chức sắc. Einstein đã nói "Đến Chúa cũng phải chiến đấu vô vọng với sự ngu dốt của đám đông". Thuốc chữa chỉ ở trong giáo dục phổ cập. Muốn khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật, triết học, niềm tin vào chân thiện mĩ được sự ủng hộ của đám đông, cách duy nhất là build in sự kính trọng ngay trong giáo dục phổ cập. Giáo dục phổ cập không có nghĩa là giáo dục hạng hai, giành cho những người có tư duy hạng hai. Giáo dục phổ cập là dành cho toàn thể xã hội, kể cả elite và tài năng. Giáo dục tài năng và elite cũng phải dựa trên nền giáo dục phổ cập để có được hệ thống giá trị chung, không tạo ra những giai tầng cô lập về thị phi. Thị phi và hệ thống giá trị của một xã hội phải thuần nhất.
  5. Có những cái có thể làm ngay, có những cái không thực sự cần thiết. Trước hết phải thống nhất được các nguyên lý, triết lý của nền giáo dục phổ cập. Sau đó là việc chú trọng đào tạo thầy cô. Tôi nghĩ việc tách trường đại học thành các trường chuyên ngành là sự lãng phí. Đại học Khoa học trước hết nên hợp nhất với Đại học Sư phạm để trở thành một trường hàng đầu, có yêu cầu tuyển sinh nghiêm ngặt để có thầy cô có khí độ ít nhất như thời VNCH. Chứ không phải là nôi đào tạo thầy cô thì là "ăn như Sư, ở như Phạm" rồi "nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa, cạch ra Sư Phạm". Trong khi đó sinh viên Đại học Khoa học tự ru ngủ với tư cách "tinh hoa" ra trường thất nghiệp, làm những chuyện đâu đâu, muốn đi dạy lại không có bằng Sư Phạm.  Sau đó, tới việc chấn hưng và khuyến khích các trường trung học phổ thông, tạo cạnh tranh công bằng với tinh thần đào tạo elite.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment