Friday, June 26, 2020

Đào tạo tài năng và trường chuyên

1. Trường, lớp chuyên một thời là nôi đào tạo "tài năng", chuyện đó không ai phủ nhận. Trong điều kiện chiến tranh, tập trung thầy, nguồn lực, chọn trò có tư chất để đào tạo được vài chục tên, với một chương trình được gọi là tạm đáp ứng nhu cầu, có chút tham khảo sách Nga, sách Pháp cũ.
   2. Tuy vậy, theo tôi chương trình đào tạo của lớp chuyên không có gì là xuất sắc. Chỉ đào tạo lệch về một môn, đặc biệt là Toán. Bản thân chương trình Toán đó cũng không có gì hay, khá cổ lỗ so với thời đó. Một số nội dung như logics, lý thuyết tập hợp, khá thô sơ so với trường trung học thông thường ở nước ngoài cũng thời. Có chăng là vì không có gì dạy, nên tập trung vào giải bài tập. Kỹ năng nghiên cứu, đọc sách, năng lực liên tưởng, ứng dụng đa ngành và thực tế không có gì. Vì vậy "tài năng" phải đưa vào ngoặc kép.
   3. Để học được một môn chuyên tạm cho là tốt (tùy cách hiểu), học sinh chuyên cũng phải trả giá, bằng kiến thức và kỹ năng chung bị giản lược, bóp méo để phục vụ cái "tốt" đó. Tri thức bị quy giản thành một môn học, không có thời gian luyện các kỹ năng sống, kỹ năng mềm, trau dồi văn hóa. Tất nhiên có ngoại lệ, nhưng những học sinh chuyên có tư duy đều phải cố gắng về sau rất  nhiều để bù đắp. Việc nâng đỡ, châm chước cho "đội tuyển" trong những môn học khác cũng để lại tác hại lâu dài hơn kiến thức. Tôi còn nhớ một bạn cũng lớp, vốn chỉ giỏi giải Toán được "quy hoạch" giỏi toàn diện, cuối năm được Thầy gọi 3,4 lần liền đọc thuộc lòng các bài thơ và cho điểm 10, trong khi một bài luận xuất sắc chỉ có thể được 8. Điều đó đối với tôi là một sự xúc phạm và tôi đã dành cho môn Văn thời đó một sự khinh bỉ (tất nhiên là thiệt thòi cho tôi). Và tất nhiên quan trọng hơn tôi có thói quen không coi điểm số và tư cách giáo viên là thiêng liêng.
    4. Điểm được nhất của lớp chuyên là tạo ra được sự tự tin cho học sinh. Điểm này tuyệt đối cần thiết. Và đáng ra mọi học sinh không cần phải ở lớp chuyên cũng đều xứng đáng được có. Còn đối với học sinh lớp chuyên thì sự tự tin không nên và không thể dựa trên một cơ sở duy nhất là có tư cách học sinh chuyên. Học sinh lớp thường cũng có thể xuất sắc, không kém hoặc hơn học sinh chuyên. Hồi tôi học phổ thông, cũng có cơ hội vào A0, nhưng tôi vẫn thích vào chuyên Chu Văn An hơn và thực tế vẫn trốn học suốt. Có lẽ học lớp thường ở trường Hà Nội A hay Ba Đình, có lẽ kiến thức của tôi cũng không thay đổi nhiều. Toàn bộ kiến thức gọi là chuyên, có lẽ tôi chỉ đọc trong 1 ngày hoặc nhiều lắm là 1 tuần là xong, còn luyện giải bài tập tôi không quan tâm nhiều, do đó lợi ích thực sự của việc học chuyên không nhiều.
     5. Việc tập trung các thầy và trò giỏi vào lớp chuyên có một số tác dụng tốt, nhưng không phải không có tác động không tốt. Các trường và lớp thường cũng cần có thầy giỏi và học sinh giỏi để tác động lên các trò kém hơn. Về mặt tổng thể dồn học sinh giỏi vào các trường chuyên, dồn các học sinh giỏi nhất còn lại vào lớp A sẽ không kinh tế đối với giáo dục về lâu dài. Chưa kể việc tạo ra một tâm lý phân cấp, không ở trường chuyên sẽ chỉ là học sinh loại 2. Tức là để tạo ra một tâm lý tự tin ở học sinh chuyên, chúng ta phải hy sinh sự tự tin ở các học sinh khác và cha mẹ của họ, rõ ràng lợi bất cập hại. Ngược lại, các học sinh chuyên sẽ mất đi kỹ năng sống trong một môi trường xã hội bình thường, không chọn lọc, phải có các kỹ năng hòa nhập, thuyết phục và nhân sinh quan đúng, không chỉ thuần dựa trên thế mạnh về tư duy. Tính về tổng thể chưa biết được có nhiều hơn mất hay không nhất là trong thời kỳ tới.
     6. Ngày nay mô hình trường chuyên độc quyền không còn đáp ứng bất cứ yêu cầu nào về đào tạo tài năng nữa. Trước hết vì khái niệm tài năng đã thay đổi, bao gồm không những tri thức văn hóa liên ngành, có phương pháp luận, nền tảng triết học, tư tưởng tự do, khai phóng, nhân ái, mà còn các kỹ năng mềm, làm việc theo nhóm, kỹ năng tổ chức, ý thức xã hội. Mặt khác, tài năng lại phải đủ sâu sắc và khuyến khích sự độc lập suy nghĩ, đa dạng hóa. Như vậy, phải có nhiều trường, lớp chuyên, có thể nên theo một hình thức ngoại khóa, hoặc nội trú, như ở các nước khác. Hiện nay có các trường tư chất lượng cao, mặc dù vẫn bị cái bóng của các trường chuyên cũ đè, nhưng việc họ thoát ra và chiến thắng là tất yếu. Tất nhiên sẽ bằng một cái giá không nhỏ.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment