MẶT TRỜI TIẾP TỤC TỎA NẮNG THÌ "CỘT ĐIỆN" ẮT SẼ VỀ VIỆT NAM
Sau hơn 45 năm thống nhất, 35 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước nghèo đói, nợ nước ngoài, từ vị trí còn mờ nhạt trên bản đồ thì tới nay đã được cả thế giới biết đến và khen ngợi nhờ những thành quả kinh tế xã hội đáng kinh ngạc.
Theo Oxford Economics, tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam trên đầu người vào năm 1988 chỉ khoảng 1.500 USD, bằng một nửa Triều Tiên thời điểm đó. Trong khi ai cũng biết Triều Tiên là đất nước thế nào rồi nhưng Việt Nam khi ấy chỉ bằng một nửa của họ đủ biết chúng ta nghèo như thế nào. Thế nhưng, sau 30 năm, đến năm 2018, GDP trên đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, lên hơn 6.000 USD. Tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam đã đạt trung bình 6,3% trong hai thập kỷ qua, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Đặc biệt, năm 2019 được xem là một năm thành công ấn tượng của Việt Nam khi tăng trưởng GDP đạt 7,02%, cao nhất trong 10 năm qua. Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Không chỉ là tăng trưởng GDP đột phá mà tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD (ước tính đạt 516,96 tỷ USD), tăng 7,6% so với năm 2018. Sự tăng trưởng đáng kinh ngạc này được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá do sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm qua. Đây cũng là lý do chính yếu giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến 20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2%; Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Tính đến nay, Việt Nam có 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa nước này với 10 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác. Thêm vào đó, cuối tháng 6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) sau 9 năm đàm phán. Và hôm qua (ngày 08/06), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) với 95% phiếu ủng hộ.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un lựa chọn Việt Nam làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, lý do không chỉ xuất phát từ lịch sử mà còn là vị thế của quốc gia trên trường quốc tế, là tình hình an ninh, trật tự xã hội, hòa bình ổn định của đất nước ta hiện nay. Nếu Việt Nam là một quốc gia bạo loạn, biểu tình thường xuyên, chính trị bất ổn thì e rằng cơ hội đó sẽ chẳng bao giờ đến với Việt Nam.
Không một ai có thể phủ nhận những thành quả nói trên của Việt Nam. Và càng không thể xóa bỏ hay phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo thực hiện của Chính phủ, sự phối hợp thực hiện của các cơ quan ban ngành và sự đoàn kết quyết tâm vươn lên của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp trên cả nước. Chính khát vọng in đậm cái tên Việt Nam trên bản đồ thế giới, khoác một tấm áo mới lên Việt Nam đã hun đúc nên ý chí hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân trên cả nước mà không gì có thể cản trở được.
Điều đáng nói, với những thành công đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người dân cũng như quyết tâm chiến thắng “giặc Covid-19” trong thời gian qua thì Việt Nam trước mắt bạn bè quốc tế đã trở thành một quốc gia rất đặc biệt. Không chỉ là nơi đáng sống mà còn là nơi đáng để đầu tư và xây dựng nền tảng phát triển. Thực tế cho thấy đang có xu hướng các đầu tư nước ngoài đang dần rút ra khỏi Trung Quốc để tìm kiếm một thị trường bù đắp rủi ro và Việt Nam thật sự là điểm đến hấp dẫn, thu hút đầu tư. Cụ thể, hiện nay, Apple đã quyết định di dời một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam; Amazon và Home Depot đang tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam. Song song đó, tin rằng sẽ có rất nhiều Kiều bào trở về Việt Nam sinh sống và làm việc bởi những triển vọng việc làm và cơ hội đầu tư sắp tới và trên hết là vì Việt Nam là đất nước không bỏ mặc bất kỳ ai trong đại dịch vừa qua.
Hơn nữa, sau nhiều năm nỗ lực cải thiện đời sống người dân thì Việt Nam cũng đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ. Trong Báo cáo chỉ số hạnh phúc của Liên hiệp quốc, thứ bậc về quốc gia hạnh phúc của Việt Nam đã tăng đáng kể. Trong năm 2018 Việt Nam xếp thứ 95 trong bảng xếp hạng 156 quốc gia của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới. Tuy nhiên, năm 2020 báo cáo Chỉ số hạnh phúc cho thấy Việt Nam đã chiếm vị trí thứ 83. Điều này càng chứng tỏ, Việt Nam đang thay đổi từng ngày, không chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà còn phát triển toàn diện, hướng đến cuộc sống thịnh vượng, người dân có điều kiện hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn. Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) đã từng nhận định rằng “Mây đen phủ lên nền kinh tế toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam”. Với những gì Việt Nam đã trải quả, những thành quả Việt Nam đã đạt được và những cánh cổng cơ hội đang mở ra phía trước thì chúng ta càng có thêm cơ sở tin vào điều đó.
P/s: Trước đây, sau năm 1975 có một số kẻ nói rằng “Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết” nhưng hiện nay, với thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì “nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam”.
Đặng Trường
Nguồn: tổng hợp từ VPK
No comments:
Post a Comment