Hệ thống thuật ngữ chính trị xã hội của Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Nói chung thì hệ thống này ở Đông Á nói chung còn rất non trẻ. Nhiều từ như chính trị, cộng hòa, cộng sản, xã hội, đều được các học giả Nhật Bản, sau đó là Trung Quốc sáng tạo ra, vì vốn nền chính trị và triết học Á Đông chưa phát triển đến mức có được các khái niệm này một cách rõ ràng, tinh tế. Do đó, đó là một cái nền chung, nhưng trong khi ở Nhật, Hàn, Trung Quốc đã có nhiều cố gắng cải thiện, thì ở Việt Nam tình trạng đó vẫn trầm trọng. Hệ thống thuật ngữ không hoàn thiện thì sử dụng sai lầm, tạo ra ngộ nhận, lệch lạc nhận thức thì đi sai đường, dở khôn dở ngu, chuyện cũ cứ bàn mãi như kiến bò miệng chén lại quay lại xuất phát điểm không tiến lên được. Một nền nhận thức như thế chỉ béo bở cho bọn dân túy, giỏi bóp méo chữ nghĩa mưu lợi cá nhân.
Có hai cặp từ đất nước-nhà nước, sắc tộc-dân tộc của Việt Nam dùng rất mờ mịt và lầm lẫn phổ biến đến cả những người có trí thức. Nếu dịch ra tiếng Anh chúng ta sẽ rõ sự khác biệt dễ hơn nếu để ý cặp country-state, race-nation.
Lỗi có thể ở ngôn ngữ của ta chưa hoàn thiện, thích dùng chữ mập mờ: Dân tộc ở ta có cả hai nghĩa. Chúng ta có dân tộc Kinh và các dân tộc anh em được hiểu như các sắc tộc. Nhưng khi cụ Hồ nói "Dân tộc Việt Nam là một" hay "Truyền thống giữ nước của dân tộc ta", rõ ràng bao gồm cả các dân tộc anh em. Nói tiếng Kinh là tiếng của dân tộc ta, dân tộc Việt còn gọi là dân tộc Kinh không những sai mà còn có thể dẫn tới phản cảm sắc tộc. Tiếng Kinh là tiếng của người Kinh, được chấp nhận là tiếng phổ thông của dân tộc Việt Nam thì ổn.
Đất nước và quốc gia (nhà nước), đất nước Việt Nam hình thành từ hàng ngàn năm tạo văn hóa, lãnh thổ, truyền thống và lịch sử chung thống nhất nhưng đa dạng. Nhà nước là một thể chế chính trị. Nhà nước hiện tại mới có từ năm 1945. Đồng nhất hai khái niệm này có thể là kết quả của một sự cố ý để tạo ra thuần nhất chính trị thời chiến tranh và bị lạm dụng ở thời hậu chiến.
Tuy vậy có lẽ tinh tế nhất và gây hậu quả nghiêm trọng nhất là lẫn lộn giữa dân tộc và đất nước (đôi khi ngớ ngẩn hơn là lẫn dân tộc và quốc gia). Về mặt hình thức nguyên nhân có thể ở lỗi nói tắt của người Việt, đất nước, nhà nước đều nói tắt ráo trọi thành nước, rồi dùng luôn cả cho dân tộc. Cứ xem các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt thì thấy nation nhiều khi dịch thành nước. Nhầm lẫn này cực kỳ thô thiển nhưng rất ranh ma. Vì thế chúng ta thỉnh thoảng cứ phải tra từ điển Anh vừa phải đợi có từ điển Việt tốt hơn. Nói cho cùng từ điển chỉ là đúc kết của nhận thức, nhận thức chưa phát triển sao dám dựa vào từ điển.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
Mình vẫn rạch ròi ở chỗ, gọi người Việt có nghĩa là người mang sắc tộc Kinh. Sắc tộc này đang lấn át vh của các sắc tộc thiểu số khác mà ko phải hòa nhập.
ReplyDeleteNguyễn Việt Long
ReplyDeleteRace là chủng tộc, lớn hơn cả dân tộc và sắc tộc, ví dụ chủng Mongoloid, chủng Ấn Âu (da trắng). Bây giờ các nhà dân tộc học đã bỏ khái niệm chủng tộc rồi. Còn sắc tộc tiếng Anh là ethnic group, ethnicity.
Vuong Manh Son
ReplyDelete1- Ý nghĩa của từ “dân tộc” theo nghĩa “sắc tộc” đang thay đổi trong VN theo chính sách xã hội của NN.
Bây giờ lên vùng cao người ta không gọi là dân tộc ít người Thái, Mèo, M’nông, Ê đê... nữa.
Phải gọi là đồng bào dân tộc Mèo, Thái, Ê đê...
Thuật ngữ “dân tộc “ trong nghiên cứu học thuật có lẽ ít thay đổi ý nghĩa...
2-Nước VN, đất nước VN, nhà nước VN đều có những hàm nghĩa khác nhau.
Vấn đề là chúng ta hiện nay không có từ điển chuẩn được xã hội chấp nhận, cho dù là tư nhân hay NN bỏ tiền ra làm...
Nguyễn Việt Long
ReplyDeleteThực ra tiếng Anh cũng không dứt khoát 1 nghĩa, ví dụ nation sang tiếng Việt có khi dịch là dân tộc, có khi dịch là quốc gia, nước. Trong các ví dụ sau đây thì nation dịch là nước, quốc gia hợp lý và xuôi tai hơn dân tộc:
- Many nations have imposed sanctions on the country because of its attacks on its own people.
- The debate about food safety has engaged the whole nation.
- They contacted party members from across the nation to ask for their support.
Nguồn ví dụ: https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/nation
Phan Khánh Hưng
ReplyDeleteEm nghĩ ngôn ngữ có trưởng thành hay không cũng bắt nguồn từ động lực đi sâu đến nội hàm của từ, nếu không có động lực thì 1 cuốn từ điển cũng chỉ là để cho vài ông tra và nói chuyện với nhau thôi ạ.