Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn & người chỉ huy của mình, nhà tình báo Trần Quốc Hương
Giữa tháng 3-2014, Trại sáng tác Văn học đề tài "Vì An ninh Tổ Quốc và Bình yên cuộc sống" do Bộ Công An và Hội Nhà văn Việt nam đồng tổ chức tại Đà Lạt bất ngờ được đón một vị khách đặc biệt đến nói chuyện. Ông là nhà tổ chức tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương, nguyên UVTW Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội Chính Trung ương. Khi đó, ông đã 90 tuổi. Người nhỏ, hao gầy, đầu đội mũ len mỏng, ông đến Trại viết bằng xe lăn. Ông không lên bục, các nhà văn dự trại kẻ đứng người ngồi vây quanh, háo hức và say mê nghe ông nói chuyện bằng giọng đã không tròn, chậm nhưng vẫn rõ, suốt 2 giờ liền.
Ông mở đầu: "Chúng ta không nên đề cập đến công tác an ninh bằng cách nói về lực lượng an ninh, về chiến công. Tốt nhất, chúng ta nên tìm hiểu kỹ về đối phương. Đừng bao giờ đánh giá thấp đối thủ, hãy tôn trọng họ. Biện pháp, cách thức đấu tranh, đấu trí chỉ mở ra khi ta hiểu rõ họ, còn đối phương thì tin ta nói thật, tôn trọng ta".
Câu chuyện của ông bắt đầu từ tháng 6-1956. Sau khi được Trung ương phân vào miền Nam để thiết lập, chọn người, huấn luyện, tổ chức và chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược chưa được bao lâu, ông Mười Hương bị địch bắt. Theo lệnh của Ngô Đình Nhu, ông bị giam lỏng (nhưng canh phòng rất nghiêm ngặt) luân chuyển ở một số nơi trong thành phố Huế. Gần như các hoạt động yêu nước, vai trò của ông từ khi gia nhập Đảng Cộng Sản từ năm 1943, địch đều cơ bản nắm hết. Chỉ riêng vai trò nhà tổ chức mạng lưới tình báo ở miền Nam, tuy rất nghi nhưng không đủ bằng chứng. Khi chúng hỏi, ông nhận hết tất cả những gì đối phương đã biết: là Đảng viên Cộng sản, hoạt động chống Pháp, được phân vào Nam nhưng chưa nhận vai trò công việc cụ thể thì bị bắt. Trong tất cả các cuộc thẩm vấn, ông luôn nhấn mạnh niềm tin vào ý thức hệ cộng sản của mình.
Trình độ, khả năng kiến giải, phân tích chính trị của ông quá sắc sảo cho nên phía tình báo và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị đẩy vào thế lúng túng. Thay vì khai thác để nắm được những bí mật chiến lược từ nhà tình báo đối phương đã bị bắt, họ bị sa vào cuộc tranh luận chính trị mà ông nắm thế chủ động. Các cuộc thẩm vấn cứ tăng dần cấp độ. Sau 4 tháng, nó được đẩy đến mức cao nhất. Chính Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị của VNCH sẽ trực tiếp đối thoại, tranh luận với ông, thay vì thẩm vấn.
Cuộc đối thoại diễn ra tại căn phòng lớn trong nhà nghỉ mát của Ngô Đình Cẩn dựng ở cửa biển Thuận An. Khi ông được Lê Khắc Duyệt, giám đốc Nha công an miền Trung cho xe đưa đến nơi, trong phòng đã có cố vấn Ngô Đình Nhu, chúa tể miền Trung Ngô Đình Cẩn, Hà Thúc Luyện (tỉnh trưởng Thừa Thiên), Hồ Đắc Hương... đại biểu trung phần chờ đợi sẵn.
Điểm tĩnh, khá lạnh lùng, không chờ đối phương hỏi, ông Mười Hương chủ động vào đề ngay. Ông khẳng định: "Tôi ở đây vì tôi là người bị các ông các ông bắt. Vì tôi là Cộng sản, vì tôi là người yêu nước, đối lập ý thức nên các ông coi tôi là người có tội. Nhưng tôi là người không có tội. Tôi ở đây là để vận động quần chúng đòi thi hành Hiệp định Geneve. Việc này đúng tinh thần đã thỏa thuận, không có gì gọi là gây bất ổn cả. Các ông cũng đã thừa nhận chúng tôi là những người yêu nước, vậy thì bắt tôi vì lý do gì?".
Ngô Đình Nhu là người uyên bác, thâm trầm. Ông ta không hề ngắt lời ông Mười Hương. Chỉ khi ông Mười hỏi ngược lại, ông cố vấn chính trị miền Nam mới trả lời, phản bác. Những người khác chỉ dự khán. Ông Nhu bảo: "Nếu thật tâm yêu nước, các anh đã không chống lại chúng tôi. Một người tầm cỡ như anh, chắc không phải chỉ có mặt ở miền Nam chỉ để làm nhiệm vụ tuyên truyền. Cách yêu nước theo con đường Cộng Sản của các anh là sai lầm, không thể thành công được".
Trò chuyện đến gần nửa đêm, câu chuyện ngày càng có xu hướng mở đề tài ra quá rộng, không đạt được đích gì trong mục đích khai thác ý đồ, chủ trương của "Cộng sản Bắc Việt". Cuối cùng, chính người tù đang bị giam lỏng phải ngắt lời. Ông Mười Hương nhận xét như kết luận: "Chúng ta đều có những quan niệm, niềm tin khác nhau. Nếu còn tiếp tục tranh luận, chưa phải các ông đã chịu tôi đâu. Các ông cũng chưa có điều gì thuyết phục tôi được cả. Có lẽ chúng ta sẽ còn phải đối thoại nhiều. Hôm nay đã khuya rồi, kéo dài cũng không đi đến đâu".
Câu kết luận đó cũng là ngầm ý, ông muốn kết thúc câu chuyện, đồng thời tỏ thái độ bình thản đương đầu với thời gian giam cầm có thể sẽ kéo dài không biết đến bao giờ. Ngô Đình Nhu đồng ý, cho xe đưa ông về.
Ngay sau đó, theo lệnh của Ngô Đình Nhu, các cuộc thẩm vấn có tính đe dọa, trấn áp không còn nữa. Thay vào đó, Ngô Đình Nhu đã cho chuyển vào tận nơi giam một số sách báo, kể cả theo yêu cầu, để ông Mười Hương cập nhật tin tức. Đầu tháng 11-1956, đích thân ông Nhu lại đến tận nơi giam thăm, mang cho ông một chiếc radio của Nhật, bảo: "Anh thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, anh tự nghe đi".
Thời sự quốc tế lúc ấy diễn ra 1 sự kiện nóng hổi. Ngày 4-11 -1956, Liên Xô đưa xe tăng và một lực lượng quân sự lớn tiến vào thủ đô Budapest (Hungary) thực hiện "Chiến dịch bão lốc" (Operation Whirlwind) để đập tan những kháng cự có vũ trang do đảng nông dân nghèo độc lập mới thành lập chống lại Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary và chính phủ Hungary thân Liên Xô.
Dưới sự chỉ huy của Thượng tướng Ivan Konev, 5 sư đoàn Liên Xô được yểm trợ thêm bởi 15 sư đoàn nữa của một số nước trong khối Khối Warszawa đã tiến vào tiến vào Budapest. Giao tranh ác liệt. Quân tấn công không thể phân biệt được rõ là những người nổi dậy vũ trang, đâu là dân thường nên đã gây nhiều thương vong, thiệt hại cho người dân. Trên 2.500 người Hungary và 722 lính Liên Xô đã bỏ mạng và hàng ngàn người bị thương. Không chống nổi, sau 1 tuần, ngày 10-11-1956, quân nổi dậy phải hạ vũ khí...
Đúng hôm đó,Ngô Đình Nhu quay lại. Ông ta bảo: "Các anh tôn thờ Chủ nghĩa Cộng Sản, tin tưởng vào Liên Xô. Anh thấy đấy, họ sẵn sàng can thiệp vũ trang, gây thiệt hại cho nhân dân nước đồng minh. Liệu đó có phải là phương cách đáng tin cậy?"
Rất điềm tĩnh, ông Mười Hương đáp: "Anh nói đúng, nhưng là đúng với trường hợp Liên Xô, không hoàn toàn đúng với Chủ nghĩa Cộng sản, càng không đúng với Việt Nam chúng ta. Chúng tôi đang đấu tranh, chính là để những điều tương tự không có cơ hội xảy ra trên đất nước này. Chúng tôi chống Pháp, và giờ là chống Mỹ. Hẳn là anh cũng không mong một ngày Mỹ sẽ đưa quân vào Việt Nam với danh nghĩa nào đó, kiểu như chống lại những người cộng sản đang đối lập ý thức hệ với thể chế miền Nam. Đúng chứ? Vậy chúng tôi có gì sai?".
Ông Nhu im lặng, không nói gì. Sau này, ông Nhu có quay lại thăm vài lần và cho biết: "Tôi đang cho soạn bản "Chính đề Việt Nam". Nhiều ý kiến của anh rất đáng tham khảo để đưa vào Chính đề. Nó rất hữu ích cho dân tộc này, đất nước này".
Từ những cuộc thảo luận trong thời gian bị cầm tù, nhà tình báo Trần Quốc Hương đã có những tác động nhất định lên tận đầu não chính trị của nền Đệ nhất Cộng hòa.
Nhưng cũng phải mất gần 6 năm, không khai thác thêm được điều gì, Ngô Đình Nhu mới thả Trần Quốc Hương. Trong thời gian bị giam lỏng, những cuộc tiếp xúc kín đáo với một học trò là nhà tình báo của ông là Vũ Ngọc Nhạ, Mười Hương cũng đã kịp chỉ đạo nhiều kế sách. Vũ Ngọc Nhạ sau đó đã trèo sâu, leo cao vào bộ máy chóp bu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, vừa tác động vào quyết sách quốc gia, vừa thu thập chuyển về Trung ương được nhiều nguồn tin tình báo chiến lược có giá trị.
Trước khi bị địch bắt, từ năm 1955, ông Trần Quốc Hương cũng đã kịp chỉ đạo, vạch chiến lược để một nhà tình báo xuất sắc khác là Lê Hữu Thúy sớm lọt vào Bộ máy chính quyền miền Nam. Ở tuổi 25, ông Thúy đã được Ngô Đình Diệm mời làm Bộ trưởng. Ngại tuổi đời còn ít, thiếu kinh nghiệm chính trị, ông Thúy từ chối, chỉ nhận hàm Thứ trưởng, hoạt động rất hiệu quả.
Cùng thời điểm, một học trò tình báo do ông Trần Quốc Hương huấn luyện đã phát huy tác dụng, hoạt động ngay từ những ngày đầu đất nước mới bị chia cắt hai miền. Từ một Trung đoàn trưởng kháng chiến "bỏ về thành", Phạm Ngọc Thảo đã thăng tiến rất nhanh trong màu áo sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Từ một giảng viên Trường tham mưu, ông Thảo đã được bổ làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (1960), có những đóng góp rất quan trọng cho Cách mạng miền Nam giai đoạn Đồng khởi và sau đó nữa.
Chính quyền miền Nam sau đảo chính Ngô Đình Diệm tháng 11-1963 bước vào một giai đoạn cực kỳ rối ren. Các phe nhóm tướng lĩnh liên tục chia rẻ, hạ bệ lẫn nhau để tranh quyền lực và ngày càng dựa vào Mỹ, quyết liệt chống Cộng. Trước tình hình đó, ngày 19-2-1965 Đại tá Phạm Ngọc Thảo cùng thiếu tướng Lâm Văn Phát, đại tá Bùi Dzinh và trung tá Lê Hoàng Thao đã quyết định điều một số đơn vị mà họ nắm cùng 45 xe tăng, thiết giáp làm binh biến, quyết tâm bắt sống Quốc trưởng Nguyễn Khánh, thay đổi nội các chống nguy cơ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đồng ý để mỹ đổ quân vào tham chiến ở miền Nam, gây đại họa cho nhân dân và phong trào Cách mạng, kéo dài mục tiêu thống nhất đất nước. Cuộc binh biến bất thành, 20 giờ cùng ngày, ông Thảo tuyên bố chấm dứt. Trên tờ Việt Tiến in bí mật, với bút danh Lê Minh, ông viết: "Chúng tôi vì không muốn đổ máu mà hơn nữa ngay từ phút đầu đã thấy có sự chia rẽ và tranh giành nhau, nên tôi đã cho lệnh chấm dứt cuộc chính biến vào lúc 20 giờ ngày 19 tháng 2 và coi như 20 giờ làm chủ thủ đô đã chấm dứt".
Sau một thời gian bỏ trốn, Phạm Ngọc Thảo đã bị phía quân đội Sài Gòn bắt và thủ tiêu.
Một học trò xuất sắc khác của Trần Quốc Hương là nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Từ trước khi bị giam ở Huế, phát hiện ra những phẩm chất nổi trội của Phạm Xuân Ẩn, ông Trần Quốc Hương đã cùng một nhà lãnh đạo an ninh lão luyện là ông Mai Chí Thọ lên kế hoạch đưa ông Ẩn sang Mỹ học báo chí, tạo vỏ bọc sau đó quay về nước hoạt động. Là một nhà tình báo vĩ đại, nhưng mãi nhiều năm sau giải phóng, khi đã công khai mang quân hàm thiếu tướng, ông Ẩn mới khiến những người "bạn" trong chế độ cũ ngã ngữa nhận ra ông là sĩ quan tình báo Cộng Sản. Dù vậy, với ông, họ vẫn luôn là bạn bè chí tình đúng nghĩa, đầy tin cậy. Ngày 29-4-1975, bằng những quan hệ và khả năng của mình, chính ông Ẩn đã giúp Trùm mật vụ của nền Đệ nhất Công Hòa, bác sĩ Trần Kim Tuyến và gia đình di tản trót lọt!
Trừ ông Lê Hữu Thúy mang quân hàm đại tá, những học trò tình báo xuất sắc còn lại của ông Mười Hương như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn... sau này đều được thăng hàm tướng. Nhưng riêng mình, ông Trần Quốc Hương chưa từng mang bất kỳ quân hàm nào. Nghề tình báo, dù là bậc thầy, là người thầy của các bậc thầy, các tướng lĩnh, với ông cũng chỉ là thiên bẩm. Bản thân ông không hề được đào tạo qua trường lớp hay giáo trình tình báo nào.
Cơ duyên bắt đầu từ khi ông gặp ông Trần Hiệu từ năm 1949. Ông Trần Hiệu, một trong những điệp viên được tình báo Anh huấn luyện từ đảo Madagascar (Nam Phi) và cho nhảy dù về biên giới phía Bắc từ trước Cách mạng tháng 8 -1945, từ đó tham gia Cách mạng, hoạt động suốt đời trong nghề tình báo. Sau này, ông là Trung tướng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục tình báo Bộ Quốc Phòng. Ông Trần Hiệu đã phát hiện, mời ông Trần Quốc Hương vào "nghề". Và từ đó, họ đều thành những bậc thầy kiệt xuất.
Vị tướng không mang quân hàm Trần Quốc Hương sau này đã giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, trở thành Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương. Ông được biết đến như một nhà lãnh đạo Cộng sản xuất sắc. Sinh năm 1924 quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, tham gia Cách mạng từ năm 1937, đời ông đã thành huyền thoại. Suốt đời "dĩ công vi thượng", còn nhiều quãng lặng khác trong đời ông, hàng nhiều pho sách mới có thể tải hết. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng Huy hiệu 75 tuổi Đảng.
Hôm kia, ngày 11-6-2020, ông tạ thế, thọ 96 tuổi.
Xin nghiêng mình tiễn đưa một nhà tình báo tài ba, một người con trung hiếu của dân tộc.
© Bài & Ảnh của nhà báo NGUYỄN HỒNG LAM
No comments:
Post a Comment