Thursday, June 18, 2020

Mạng lưới tình báo

Người chỉ huy của những điệp viên huyền thoại
(Trích sách "Trần Quốc Hương, Người chỉ huy tình báo"*)

"Anh em dù ít, tổ chức không rộng nhưng hoạt động rất có kết quả", ông Mười Hương nói về mạng lưới tình báo nắm tình hình của Mỹ.

Trong kháng chiến chống Pháp, công tác tình báo chủ yếu phục vụ cho các chiến dịch quân sự. Sau khi ký Hiệp định Genève, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã thấy trước sự can thiệp sâu của Mỹ nên chỉ đạo chuyển hướng hoạt động tình báo ta sang hoạt động tình báo chiến lược.

Tổ chức lưới trinh sát

Làm việc ở cơ quan kháng chiến Việt Bắc, đến năm 1948 ông Mười Hương chuyển sang tình báo quân sự, tiền thân của ngành tình báo sau này được thành lập vào năm 1951.

Công việc lúc đó chủ yếu tổ chức lưới trinh sát trong các trung đoàn, tổ chức điệp báo vào các thị trấn gây cơ sở. Ông cũng đi trận mấy chiến dịch: Đường 10, Hà Nam Ninh, qua sông Đáy đánh trận Ninh Bình, chiến dịch Trung du.

“Tôi thường nắm tình hình địch cho Ban chỉ huy các chiến dịch. Trận Điện Biên Phủ tôi được phân công đi tả ngạn nắm tình hình địch rút quân vùng đồng bằng Bắc bộ. Lúc đó, tôi giúp việc cho đồng chí Trần Hiệu, Cục trưởng Cục 2 bấy giờ. Thời điểm này, anh Đỗ Mười đang làm Chính ủy Khu Tả ngạn.

“Khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, nhiệm vụ đặt ra của tình báo rất lớn. Chúng tôi chọn những tình báo như Vũ Ngọc Nhạ đi theo quân đội Pháp vào Nam.

Tôi được cử vào Nam được vài tháng thì Ngô Đình Diệm cũng được đưa về làm thủ tướng thay Bửu Lộc. Lúc đó, Ban nghiên cứu Xứ ủy có một bộ phận lo bảo vệ an toàn cho cấp ủy và đồng chí Lê Duẩn, do anh Cao Đăng Chiếm phụ trách.

Tôi ở trong nhóm nắm tình hình của Mỹ và các tầng lớp khác. Các cơ sở nội thành tôi nắm một phần, một phần do anh Năm Xuân (Đại tướng Mai Chí Thọ) nắm.

Tôi ở lại Sài Gòn, dù biết có thể bị bắt

Tôi là một trong ba người có điều kiện ở Sài Gòn không bị lộ. Anh Cao Đăng Chiếm trước là Giám đốc Công an ta ở Nam bộ, nhiều người biết mặt, do đó không được ở Sài Gòn, không được ra khỏi căn cứ U Minh. Thỉnh thoảng anh Năm Xuân cũng vọt lên Sài Gòn họp nhưng cũng rất hạn chế đi lại vì tình hình khá nguy hiểm.

Tôi ở lại Sài Gòn, dù một số đám di cư có thể biết nhưng tôi có giấy tờ giả bán hợp pháp. Chúng tôi tự đánh giá trước sau gì cũng bị bắt vì Diệm bắt đầu có chính sách tố Cộng. Tình hình khó khăn, mặc dù quần chúng cơ bản là của mình. Anh Năm Xuân, Bí thư Khu ủy miền Đông, cho biết trước anh ở đó có tới 23 nghìn đảng viên, sau về chỉ còn 800.

Không có một chi bộ nào, chỉ liên lạc đơn tuyến. Nhiều người bi quan. Có những câu quần chúng hỏi tôi không trả lời được. Tôi nhớ có một bà má thắc mắc trước việc Diệm ra tay đàn áp mà ta chưa có đối sách hành động.

Bà bảo: "Tao thấy tụi Diệm không ký, không tổng tuyển cử, sao tụi bây không làm gì? Tụi bây nhớ nông dân trồng cây không ăn được là nhổ liền. Để Diệm ác thế như cái cây bén rễ sâu, tụi bây làm sao mà nhổ được?'. Lúc đó phải đấu tranh lại bằng bạo lực chứ không thể chỉ nói hòa bình".

Ông Mười Hương là chỉ huy của những nhân vật tình báo nổi tiếng, những tên tuổi sau này làm nên chiến công vang dội như Vũ Ngọc Nhạ (nguyên mẫu của nhân vật Hai Long, cố vấn cho Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu trong tiểu thuyết và phim Ông cố vấn của Hữu Mai); Lê Hữu Thúy - đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (nguyên mẫu của nhân vật Lê Nguyên Vũ trong tác phẩm Điệp viên giữa sa mạc lửa của Nhị Hồ); Phạm Ngọc Thảo - đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết và phim Ván bài lật ngửa của tác giả Trần Bạch Đằng) và Phạm Xuân Ẩn - thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (nhân vật chính của cuốn Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải); cuốn Một người Việt Nam thầm lặng của nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti; cuốn Điệp viên hoàn hảo của giáo sư sử học Larry Berman.

Ông đã chỉ đạo lưới tình báo này. Ngày nay, ông đánh giá: Anh em dù ít, tổ chức không rộng nhưng hoạt động rất có kết quả. Các chiến dịch Trương Tấn Bửu, Thoại Ngọc Hầu giặc sục sạo vùng U Minh đều được thông báo sớm, giúp anh em đưa anh Ba Duẩn từ Bến Tre lên Sài Gòn, rồi vọt lên biên giới Cao Miên.

Anh em cũng thu thập được nhiều thông tin tình báo chiến lược và kịp thời gửi ra Trung ương xử lý. Hoạt động bí mật, có hai điều chúng tôi đã giải quyết tốt: chức nghiệp hóa (có nghề nghiệp thật sự để có tiền sinh sống) và xã hóa (xử sự đúng cương vị anh sống trong xã hội).

Chúng tôi nhìn lại thời kỳ đó, thấy những chuyển hướng chiến lược của Mỹ về chiến tranh đã được chúng tôi báo cáo phục vụ Trung ương rất tốt.

[...]

Là một chỉ huy từng làm việc với các nhân vật tình báo nổi tiếng như thế trong chiến tranh nhưng khi được hỏi, ông trả lời chân thật: “Chỉ huy là Trung ương Đảng, là cả một lực lượng cách mạng, tôi là người được giao lại các đầu mối. Cái chính của tôi là cái anh chỉ trỏ, chỉ tay năm ngón thôi. Còn các anh ấy giỏi nên lập được nhiều chiến công lớn, vô cùng quan trọng cho cách mạng".

"Đành là phải lần theo sự “chỉ trỏ”, “chỉ tay năm ngón” như lời ông nói để có thể phần nào hình dung ra công việc của một trong những người xây dựng mạng lưới tình báo chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ.
------------
*: "Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo" là sách viết về cuộc đời hoạt động và cống hiến của vị cán bộ lão thành cách mạng Trần Quốc Hương. Ông là người chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.

No comments:

Post a Comment