Sunday, April 3, 2016

GIA ĐÌNH (1): Phần mở đầu

"Con người trưởng thành qua kinh nghiệm nếu đối diện trung thực và can đảm với cuộc đời. Đây là cách tính cách hình thành"
ELEANOR ROOSEVELT

Không như loài vật sống hoang dã, từ khi sinh ra, con người hình thành đời sống của mình một cách chậm chạp. Cùng với sự phát triển thể chất, tính cách cũng dần được hình thành. Cho dù ở đâu, con người cũng không thể tách rời khỏi cái xã hội của họ, mà trong đó hạt nhân là gia đình, cái nôi nuôi dưỡng họ từ khi bắt đầu chào đời.

Trong cuốn sách của mình, BS Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) ghi lại những đúc kết về tâm lý gia đình từ trước đến nay một cách hệ thống. Bằng việc mở Trung tâm N-T để theo đuổi một chương trình dài hạn, ông tập trung sự quan tâm của mình vào con người và những ảnh hưởng/tác động đến việc hình thành tính cách từ những mối quan hệ trong gia đình. Với nhan đề Tâm lý Gia đình, cuốn sách này xuất bản lần đầu năm 1993; được nhiều bạn đọc hoan nghênh và được tái bản nhân năm Quốc Tế Gia Đình 1994.
Tôi nhận thấy ở cuốn sách của ông điều mà mình quan tâm là xây dựng một nền tảng gia đình làm cơ sở cho những giá trị về mặt tinh thần của con người.

"Đi từ tâm lý kinh nghiệm, tâm lý văn học đến tâm lý học. Trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng có một số nhận xét về tâm lý gia đình, trong các tác phẩm văn học mô tả nhiều khi rất  sâu sắc nhiều tình tiết về tâm lý gia đình." 
Mở đầu như vậy, BS Nguyễn Khắc Viện phân biệt nghiên cứu tâm lý học khác với sự trải nghiệm và văn học ở chỗ được thực hiện có bài bản. Trong đó ông chú ý đến các mối liên quan giữa các yếu tố với nhau, ý thức rõ về phương pháp tiếp cận, về những khái niệm đề xuất, về những cơ chế tâm lý để dẫn đến những nhận định khách quan/có cơ sở hơn chứ không máy móc với những định kiến như con một thường là con hư hoặc mẹ chồng nhất định là cay nghiệt với con dâu...

Theo các tài liệu tham khảo, BS Nguyễn Khắc Viện chia ra 2 thời kỳ:

1. Từ 1945 đến 1970: Chiến tranh và cuộc cách mạng KHKT đã biến đổi sâu sắc mọi mặt cuộc sống ở nhiều nước phát triển. Từ 1945-1960, vấn đề tâm lý gia đình đượcđặt ra trong mối liên quan với những biến động trong nội bộ gia đình, quan hệ giữa các thành viên trong từng gia đình.

2. Sau những năm 70s, đặc biệt ở Mỹ, do ảnh hưởng của những môn khoa học khác như nhân chủng học, tin học... trọng tâm nghiên cứu tâm lý học chuyển từ tâm lý cá nhân làm đối tượng chính để nghiên cứu sang coi gia đình như một hệ thống, một tổng thể. Theo quan điểm này, những hiện tượng xuất hiện ở một cá nhân được xem như là hệ quả của sự rối nhiễu hệ thống gia đình, vì vậy giải pháp trị liệu không chỉ áp dụng cho từng cá nhân như trước mà cần áp dụng cho cả gia đình.

Trước 1960, phương Tây nêu lên trục quan hệ (relation), từ sau 1960 chuyển thành giao tiếp (communication). Vận dụng hai khái niệm trên vào tình cảm của con người VN, BS Nguyễn Khắc Viện cho rằng phải tìm ra một từ VN đáp ứng được những khái niệm ấy. Đó là từ mối tình, mối nói lên quan hệ qua lại giao tiếp trao đổi, và tình nói lên nội dung chủ yếu.

Một ví dụ: trong gia đình, quan hệ/tình cảm gia đình không như với cộng đồng ngoài xã hội. Người cha có thể là Tổng thống ra lệnh cho hàng triệu người tuân theo, nhưng về nhà bảo con không được chỉ vì mối tình cha con đã bị sứt mẻ.

Việc đi sâu nghiên cứu về các mối quan hệ cần được định hướng theo 3 mối tình gồm tình lứa đôi, tình tổ ấm tình dòng họ.

Tình lứa đôi: Là tình trai gái được nghiên cứu ở các mặt:
Tình duyên tức là vì sao gặp nhau rồi tìm hiểu, một cách ngẫu nhiên hoặc do cha mẹ, tổ chức xếp đặt...
Tình dục tức là hai xác thịt có sự hòa hợp không, có tạo được những khoái lạc thích đáng hay không.
Tình yêu thấm nhuần mọi hành vi trong cuộc sống, chia sẻ cùng nhau những cảm xúc vui buồn trong mọi hoàn cảnh.
Tình nghĩa cùng nhau chấp nhận một nghĩa vụ, một lý tưởng như nuôi dạy con thành người hoặc cùng chung một sự nghiệp.
Từ các yếu tố trên hợp thành khái niệm thủy chung gắn bó với nhau.

Tình tổ ấm: là mối tình nối kết những người trong một nhà, trước hết là cha mẹ, con cái, anh chị, có thể thêm một vài người nào đó. Ăn ở cùng nhau, chăm sóc nhau, dạy bảo nhau, cùng đối phó với những tác động từ bên ngoài, bảo đảm cho từng thành viên có một cuộc sống an toàn, đáp ứng những nhu cầu sinh lý và tâm lý cho từng đối tượng một cách bình thường và tự nhiên.
Tạo nên tổ ấm tùy thuộc chủ yếu vào "sự đầu tư" của cha mẹ: không chỉ tiền bạc, mà còn là thời gian, tâm trí và tình cảm.
Với con cái thì ưu tiên hàng đầu là được trưởng thành và tự lập. Nhưng khởi đầu là một tình cảm hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người lớn. Một mặt nhận được những gì cần thiết, mặt khác lại tuyệt đối phải chịu sự áp đặt ý muốn của người lớn; đó là đặc điểm của cái phận làm con. Một khái niệm cần làm sáng tỏ thêm là chữ hiếu.
Anh chị em sống với nhau trên quan hệ cùng một lứa, vừa nâng đỡ nhau vừa ganh tỵ nhau, cả hai mặt này đều cần cho sự trưởng thành.
Mọi nhân tố ảnh hưởng đến sự trọn vẹn của tổ ấm đều tác động sâu sắc đến tâm lý của từng thành viên. Khái niệm gia đình ly tán với nhiều hình thức khác nhau đã được nghiên cứu khi tình tổ ấm không đủ các yếu tố để duy trì được ảnh hưởng của nó đến từng thành viên trong gia đình.

Tình dòng họ kết nối những thành viên theo 2 chiều:
- Chiều ngang tức là giữa những người cùng thế hệ (mối liên hệ xuyên gia đình).
- Chiều dọc đi ngược thời gian, kết nối với những thế hệ trước, ông bà tổ tiên (mối liên hệ xuyên thế hệ).
Tình dòng họ quyết định tính khép kín hay mở cửa của một gia đình. Gia đình khép kín sống độc lập, mỗi thành viên có một cõi riêng tư nhưng khi cần giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, phải vượt qua thử thách... thì thường thiếu chỗ dựa, không như ở gia đình mở cửa (sẩy mẹ có dì, sẩy cha có chú).
Mối liên kết có thể là hiện thực như với ông bà còn sống (trong các gia đình ở chung nhà theo tam đại đồng đường), hoặc mang tính tượng trưng tín ngưỡng thờ cúng, thực hiện bổn phận với nhà thờ ông bà tổ tiên (đã mất) và phần mộ là những hành vi mang nhiều ý nghĩa liên quan đến phong tục, tín ngưỡng, triết lý, đạo lý.

(còn nữa)

No comments:

Post a Comment