Wednesday, January 27, 2016

27.01.1973: Ngày ký Hiệp định Paris về việc kết thúc chiến tranh Việt Nam

Về thời kỳ này, tôi muốn lưu lại đây những gì thuộc về vai trò của Ban Thống Nhất Trung ương (Ban TNTW) trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đây là cơ quan cha tôi từng có thời gian làm việc lâu nhất trong chiến tranh sau khi ông tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và tập kết ra Bắc vào năm 1954. Vì thế, để thực hiện bài viết này, tôi sẽ tóm lược từ nhiều nguồn tư liệu những gì trùng hợp với những điều tôi được biết (thuộc về ký ức của tôi) như một món quà tinh thần dành cho cha mẹ tôi cũng như những cán bộ, chiến sĩ là người miền Nam nhân dịp kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris.

Học xong một khóa học tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cha tôi chuyển về làm việc tại Ban TNTW vào năm 1965. Tôi còn nhớ lúc đó trụ sở của cơ quan ở gần Văn Miếu. Những lần đưa chúng tôi vào cơ quan để lên chỗ sơ tán và thấy xe chở các vị lãnh đạo của MTDTGP miền Nam ra vào, như bà Nguyễn Thị Bình, GS Nguyễn Văn Hiếu..., cha tôi đều nói về họ với một vẻ hết sức trịnh trọng. Lúc đó còn bé, nên tôi rất thích thú khi được thấy những nhân vật nổi tiếng ngoài đời.
Cũng từ đó, chúng tôi sống trong sự liên hệ mật thiết với cơ quan về nhiều mặt, cả trong sinh hoạt hàng ngày và những tác động/ảnh hưởng từ công việc của cha mẹ. Tất cả đã thuộc về một phần của gia đình tôi trong cuộc sống gắn liền với tập thể cơ quan ở những nơi sơ tán và ở Hà Nội sau này.
Lúc đầu, cơ quan này chỉ là Ban Miền Nam nhằm chỉ đạo công tác đón tiếp cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra Bắc (do BCT và Ban Chấp hành TW trực tiếp lãnh đạo), sau đó được sát nhập với Ban Thống nhất hiệp thương thành Ban TNTW (1957) để trở thành cơ quan tham mưu cho Trung ương Đảng ở miền Bắc để chỉ đạo (thực tiễn) cuộc cách mạng ở miền Nam.
Đồng thời, từ sau khi được thành lập đến năm 1975, công tác phối hợp giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, học sinh, sinh viên miền Nam (trong đó có nhiều con em của cán bộ miền Nam tập kết) cũng là một nhiệm vụ của Ban TNTW. Đây chính là đối tượng để thực hiện "chiến lược hạt giống đỏ cho miền Nam" như Hồ Chủ tịch từng đề ra và thực hiện ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh (theo các báo cáo của Vụ Quản lý học sinh miền Nam, Ban TNTW, từ năm 1960 đến năm 1974).
Từ năm 1963 đến năm 1972, Ban TNTW (và Ủy ban Thống nhất) còn làm công tác đối ngoại. Đến tháng 3/1972, Ban Bí thư tách khối đối ngoại ra khỏi Ban TNTW để thành lập Ban/Bộ Ngoại giao riêng của CPCMLTCHMNVN (còn được gọi là CP - 72, cơ quan này đặt trụ sở tại khu vực Chùa Bộc, Hà Nội). Trước đó, công tác đối ngoại được giao cho các bộ phận chuyên trách trực thuộc Ban TNTW như Vụ 1A (Quốc tế), Vụ 1B (Nghiên cứu đối ngoại) và Vụ 1C (Tuyên truyền đối ngoại).
CP - 72 cũng là nơi cha tôi công tác trong thời gian cuối với tư cách là cán bộ ngoại giao (cho đến khi vào tiếp quản Sài Gòn năm 1975). Ông hay thức đêm để làm việc, uống trà đậm và hút thuốc lá rất nhiều. Để nắm được diễn biến của thời cuộc, ông thường xuyên nghe tin tức của phương Tây từ radio và đọc các bản tin đã được phân loại do TTXVN tổng hợp/in ronéo... (trong thời gian này, một trong những công việc của ông là soạn thảo văn bản và các tuyên bố về mặt ngoại giao của chính phủ CMLT dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vài nhân vật trong BCT, các văn bản quan trọng nhất thường có comments ghi bên lề của TC). Sau này, mẹ tôi cũng về Ban TNTW làm việc và là một thành viên trong phái đoàn đàm phán ở Paris.

Quang cảnh Hội nghị Paris tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, phố Kléber 

Nói đến Hội nghị Paris, cuộc đàm phán dài ngày nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới, không thể không nhắc đến một ngôi sao của VN trên mặt trận ngoại giao khi đó là bà Nguyễn Thị Bình. Là Trưởng phái đoàn MTDTGP (sau là CPCMLTCHMNVN), bà là người phụ nữ duy nhất ký vào bản Hiệp định.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973

Tên thật của bà là Nguyễn Châu Sa, bà là cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, năm 1962, bà trở lại miền Nam với cái tên mới là Nguyễn Thị Bình (trước đó bà hoạt động với bí danh Yến Sa). Bà từng bị thực dân Pháp bắt giam và bị tra khảo tại bót Catinat, sau đó bị giam ở Khám Lớn rồi nhà lao Chí Hòa (1951-1953). Là người có trình độ tiếng Pháp tốt, có kinh nghiệm vận động, tuyên truyền nhân dân, gia đình có truyền thống yêu nước, bà giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Mặt trận Giải phóng (hoạt động đối ngoại), kiêm Phó tổng thư ký Hội Phụ nữ Giải phóng. Cuối năm 1968, bà được cử sang Paris tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam (đến đầu tháng 1 năm 1969, ông Trần Bửu Kiếm giữ chức vụ trưởng đoàn, còn bà được rút về nước để chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Từ tháng 6 năm 1969, bà được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau đó bà trở lại Paris đảm nhận chức vụ Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ lâm thời. Trong suốt thời gian 1968-1972, bà nổi tiếng trong các cuộc họp báo tại hội nghị 4 bên tại Paris với phong cách ngoại giao lịch lãm và nụ cười thân thiện của mình. Bà được giới truyền thông đặt cho biệt hiệu Madame Bình
Suốt hơn 4 năm ròng rã, từ năm 1968 đến 1973, cứ vào thứ Năm hàng tuần, người dân Paris và bà con Việt kiều ở Paris lại chứng kiến Madame Bình với phong thái lịch lãm, sang trọng, trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam, bên ngoài khoác áo vét, có khi là áo có cổ lông sẫm màu, tới Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở phố Kléber để bà tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn. Với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bà tham dự các hội nghị quốc tế tại các nước châu Á, châu Âu, châu Phi… tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nước cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và chuẩn bị thông tin, các đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho những cuộc đàm phán mới. Hình ảnh Madame Bình thật sự gây ấn tượng khi xuất hiện trên các trang báo phương Tây, với những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc cứng rắn, khi dí dỏm ví von, làm thế giới nể trọng, nhân dân ta nức lòng. Bà là một đại diện tiêu biểu cho đội quân tóc dài, cho người phụ nữ Việt Nam. Cùng với chiến trường, bà góp phần không nhỏ vào thắng lợi trong cuộc “đấu trí” lớn trên mặt trận ngoại giao. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, nhớ lại sự kiện này, bà Nguyễn Thị Bình viết: “Tôi nghĩ, không biết trong điều kiện bình thường tôi có may mắn đó không nhưng thực tế, tôi có may mắn và thực sự tôi có năng lực nhất định để đảm đương nhiệm vụ. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ khá nặng nề nhưng rất vinh quang ở Hội nghị Paris”.
(trích từ bài "Nguyễn Thị Bình - Nhà ngoại giao hàng đầu", Báo Cao Bằng online)


Bà Nguyễn Thị Bình phát biểu trước giới truyền thông quốc tế

Tuy cuộc đấu trí xung quanh bàn đàm phán chủ yếu diễn ra giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger, nhưng vai trò của bà Bình đối với thế giới vẫn rất quan trọng.

Madame Bình thăm lại biệt thự bà từng ở tại Verrier le Buisson (1968-1973) sau 40 năm (Ảnh: Huy Cường)
--------------------
Tài liệu tham khảo:
- Ban Thống nhất Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), tác giả: TS. Phan Thị Xuân Yến (NXB Tổng hợp TP.HCM,2011)
- M
ột số bài viết trên các báo

9 comments:

  1. Nhiều năm sau, nhớ lại bước ngoặt công tác này, bà Nguyễn Thị Bình cho biết: “Vì tôi vừa có trình độ văn hóa nhất định và biết tiếng Pháp, tiếng Anh lúc đó còn bập bẹ. Nhờ tiếng Pháp đó mà tôi rất thuận lợi trong công việc. Lúc bấy giờ, cách mạng cần một người có bản lĩnh chính trị, có trình độ văn hóa, ngoại ngữ để làm đối ngoại và tôi đã được lựa chọn đi làm trưởng đoàn đàm phán của Hội nghị Paris. Không lâu sau, tôi làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khi ấy còn trẻ mới 41 tuổi, nhưng lúc đó do yêu cầu công việc. Tuy còn trẻ nhưng tôi tự tin mình có thể làm được. Thực tế, ngay bản thân tôi luôn có ý thức học tập và đặt nhiệm vụ: hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua”. Bà cũng nhận định “Trong cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt giữa một dân tộc nhỏ chống một đế quốc lớn mà dẫn đầu phái đoàn đàm phán là một nữ đại biểu thì vừa gây sự chú ý, vừa tranh thủ được thiện cảm của dư luận thế giới, tạo thêm thuận lợi cho hoạt động đối ngoại”. Việc được cử làm Trưởng đoàn, bà viết “Tôi bước vào nghề ngoại giao bằng hoạt động thực tiễn do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, chứ không có điều kiện được học tập tại các trường lớp quan hệ quốc tế nào. Nhưng tôi có may mắn được gặp anh Xuân Thủy mà tôi coi như một người thầy trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại của mình. Tôi nhớ mãi lời anh nhắc nhở như một chân lý: “Làm ngoại giao không cần đao to búa lớn, mà cần sự thuyết phục bằng lý lẽ, bằng tình cảm và bằng thực tế”.
    (trích từ bài "Nguyễn Thị Bình - Nhà ngoại giao hàng đầu", Báo Cao Bằng online)

    ReplyDelete
  2. Theo nữ nhà báo Madeleine Riffaud, thiên hạ nhận xét: "Việt cộng đã thắng lợi lớn qua sự đón tiếp bà Bình ở Paris. Bà Bình như bà hoàng, được đón như quốc trưởng, đủ nghi thức chính qui. Bà Bình đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Paris. Rất tuyệt! Thật hiếm có”.(trích từ bài "Nguyễn Thị Bình - Nhà ngoại giao hàng đầu", Báo Cao Bằng online)

    ReplyDelete
  3. Về những điều nuối tiếc suốt thời trẻ, bà Nguyễn Thị Bình nói: “Nếu mình là người tự trọng, thì luôn phải biết tự phê bình. Có những điều đáng làm tốt hơn, nhưng trình độ hạn chế hoặc hoàn cảnh không thể làm tốt hơn. Cho nên nếu nói trong cuộc đời không có gì nuối tiếc thì không phải, nhưng chưa đến mức phải ân hận”. Bà tự phê bình “Giá mà trong thời kỳ đàm phán ở Paris, tiếng Anh của tôi cũng tốt như tiếng Pháp, thì với vị trí khi đó, tôi có thể làm được nhiều điều hơn. Thời kỳ sau này làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, có nhiều khuyết điểm hiện nay có từ thời chúng tôi. Khi ấy tôi chưa làm được tốt không phải vì không muốn, mà do trình độ có hạn, sự chỉ đạo chưa đầy đủ”. (Theo Văn Hiến VN)

    ReplyDelete
  4. Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Đây là kết quả của gần 5 năm đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới. (VN Express)

    ReplyDelete
  5. Nhìn lại hội đàm Paris 40 năm trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Cuộc đàm phán là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng non trẻ. Thắng lợi của Hiệp định Paris ghi đậm dấu ấn của các nhà đàm phán tài ba, nổi bật là các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Bình…”.

    ReplyDelete
  6. Đấu tranh về… cái bàn
    Trong cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhớ lại: Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới, chưa bao giờ lại có kiểu bắt đầu đặc biệt như tại Hội nghị Paris. Trước tiên là đấu tranh về cái bàn. Đương nhiên có lý do, hình thù và cách phân chia chỗ ngồi ở bàn chính là xác nhận tính chất pháp nhân của các bên đàm phán.

    “Cuộc đấu tranh “4 bên hay 2 bên” có ý nghĩa chính trị rất lớn. Phía ta yêu cầu một cái bàn vuông cho 4 bên đàm phán hoặc bàn tròn có 4 góc; Mỹ đòi cái bàn hình chữ nhật có 2 bên hoặc bàn tròn chia đôi... Sau cùng, thống nhất sẽ là một cái bàn tròn to đường kính 8 m, cắt đôi, mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài, như vậy ai hiểu là 2 hay 4 bên cũng được” - bà Bình kể.

    ReplyDelete
  7. Hội nghị Paris là cuộc đấu tranh ngoại giao gian khổ, dài nhất và khó khăn nhất của nhân dân Việt Nam. Ngay từ việc tìm địa điểm họp hội nghị cũng mất thời gian. Mỹ đề nghị Vientiane, Tokyo, sau đó Bangkok… Việt Nam thì chọn Phnompenh, Warsaw… nhưng không thống nhất được với nhau. Cuối cùng chúng ta đề xuất Paris và Mỹ đã chấp thuận. Paris có vị trí đặc biệt, là trung tâm về chính trị, văn hóa, kinh tế của phương Tây. Khi ta chọn Paris, Pháp rất hoan nghênh, hứa sẽ tạo mọi điều kiện để Hội nghị diễn ra tốt đẹp, đặc biệt là bảo đảm an ninh cho các đoàn. Theo ông Võ Văn Sung, nguyên Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp trong thời gian đàm phán Paris, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nhìn tổng quát, có thể nói Paris là địa điểm có môi trường đàm phán, đấu tranh dư luận, tranh thủ quốc tế vào loại tốt nhất cho hai đoàn đàm phán của ta.

    ReplyDelete
  8. Paris hội tụ những điều kiện mà không thể tìm thấy ở các thủ đô khác. Thứ nhất, Paris là trung tâm báo chí không chỉ của châu Âu mà của cả thế giới. Không ở đâu có khả năng tập hợp dư luận và thông tin một cách nhạy bén như ở Paris, nơi có thể ví là đầu não của thông tin thế giới lúc bấy giờ. Pháp có nền báo chí lớn, trong đó nhiều báo chí có cảm tình với Việt Nam. Thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris, ông Lưu Văn Lợi kể: người ta tường thuật rằng, chưa có hội nghị quốc tế nào tại Paris mà buổi khai mạc, riêng phóng viên đã lên tới… 3.000 người. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam luôn chiếm gần như một nửa thời lượng thông tin thời sự thế giới, đặc biệt là giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán Hiệp định Paris. Báo L’Humanité (Nhân đạo) đã tạo ra một diễn đàn thực sự cho các nhà đàm phán Việt Nam là Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình… Các tuyên bố của họ được đăng hàng tuần. Thực tế, Việt Nam đã tận dụng được Paris như là một đầu não thông tin quốc tế để tuyên truyền tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, tranh thủ dư luận của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.

    ReplyDelete
  9. Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là yếu tố quyết định để giành thắng lợi trên chiến trường và là cơ sở cho thắng lợi của đấu tranh ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn đàm phán những gì mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không đơn thuần chỉ là phản ánh của tình hình chiến trường, mà trong bối cảnh quốc tế hiện nay và do tính chất của cuộc chiến tranh, đấu tranh ngoại giao còn đóng một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động ”
    (Kết luận của Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 13-Khoá III)

    ReplyDelete