Sunday, January 17, 2016

Kiến trúc VN: Một số ý tưởng từ bản tham luận tại Diễn đàn quốc tế về Môi trường - Kiến trúc - Cảnh quan Châu Á - TBD (APELA)

Kiến trúc cổ VN phát triển hòa nhập với thiên nhiên từ nền kinh tế lúa nước. Nhiều thập kỷ vừa qua, UNESCO đã tôn vinh các di sản VH - Cảnh quan mang các đặc tính này của VN: khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội (2010), khu Cung đình Huế (1993), Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (1999). Các Di sản Tự nhiên gồm có: Vịnh Hạ Long (1994), Phong Nha - Kẻ Bàng (2003), Tràng An (2014) cũng đã được công nhận.

Phong cách Đông Dương

Văn hóa Pháp ngày càng mờ nhạt ở VN, nhưng sự hiện diện của nó vẫn còn ở những nét ăn sâu trong ngôn ngữ, lối sống và trong kiến trúc.
Cho đến Chiến tranh TG lần thứ nhất (1914 - 1918), hầu hết công trình chính quyền thuộc địa đều xây dựng theo trường phái cổ điển Pháp, mang phong cách Đế chế, phô trương. Các công trình dân sự, nhà cửa tư nhân dạng villa thì mang phong cách địa phương nước Pháp (Normandie, Bretagne, Alpes, Aquitaine, Marseille...).
Quy hoạch đô thị, kiến trúc cảnh quan nghiêm chỉnh chỉ xuất hiện sau Chiến tranh TG lần thứ nhất. Các kts Pháp bắt đầu nghên cứu nghệ thuật và văn hóa bản địa, tìm cách tích hợp phong cách Pháp với phong cách truyền thống Đông Dương và Phong cách Đông Dương ra đời. Bố cục vẫn theo lối cổ điển Pháp, nhưng đường nét chi tiết và cảnh quan kiến trúc mang đậm nét Á Đông. Nhiều yếu tố khác được đưa vào nhằm đáp ứng điều kiện khí hậu nhiệt đới, như thông thoáng tự nhiên và che chắn mưa nắng cho từng vùng/miền khác nhau. Nước và cây xanh được sử dụng rộng rãi như các chỉ dẫn trong sách phong thủy xưa. Người Pháp đã phá bỏ nhiều thành quách, công trình cũ và xây dựng, cải tạo nhiều thành phố mới. Sài Gòn thời đó được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông, Hà Nội là Paris phương Đông, Đà Lạt, một Thành phố kiểu Alpes Pháp ở phương Đông. 


Dinh Norodom, Sài Gòn. Một kiến trúc của Pháp đã bị phá để xây Dinh Độc Lập

Kts - GS Đàm Trung Phường từng đánh giá: "Các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc có giá trị nghệ thuật và kỹ thuật cao, nhất là về mặt giải quyết vấn đề nhiệt đới hóa trong quy hoạch đô thị và kiến trúc".

Đối với nhiều thế hệ kiến trúc sư VN, trường phái kiến trúc Đông Dương này đả mở đường cho việc đi sâu nghiên cứu về phong cách kiến trúc mang tính dân tộc.

Phong cách Việt mới

Trong một thời gian dài sau thời Pháp thuộc, kiến trúc VN không phát triển được vì chiến tranh. Bước vào cuối thế kỷ 20, chúng ta bắt đầu chứng kiến sự phục hưng các nền kiến trúc bản địa đương đại, một sự kết hợp xu thế tiết kiệm năng lượng và kiến trúc sinh thái. Xuất hiện nhiều phong cách mới: Hiện đại toàn cầu - bản địa (Global = global/local), hoặc Sinh thái khí hậu (Eco - Climate).

Tuy vậy, trong chiến tranh xu thế kiến trúc hiện đại bản địa ở miền Bắc cũng như kiến trúc hiện đại nhiệt đới hóa ở miền Nam cũng được áp dụng khá phổ biến. Về cơ bản, chúng kế thừa các nguyên tắc truyền thống về cảnh quan, tỷ lệ, sử dụng vật liệu địa phương v.v.
Kiến trúc điển hình của miền Bắc là Nhà sàn của Hồ Chủ tịch, nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1958 đến năm 1969. Nằm trong một khuôn viên đẹp với nhiều cây xanh, ngôi nhà mang hình ảnh của một ngôi nhà ở truyền thống của miền núi. Bày tỏ cảm tưởng về kiến trúc này, kts người Ý Amedeo Cilento viết: "Đối với tôi, đây chính là biểu tượng cho bản tuyên ngôn của Kiến trúc Việt Nam". Ngôi nhà nằm bên hồ vì nước chính là yếu tố cốt lõi của đời sống và văn hóa VN, như người Việt vẫn thường gọi Tổ quốc bằng hai chữ Đất Nước. Về mặt Kiến trúc sinh học cũng có nhận xét: "Tôi cảm thấy ngôi nhà này gợi lại ký ức tuổi thơ của người Việt Nam, với những người dân an cư hiền hòa dọc theo các triền đồi và sống một cuộc sống yên tĩnh và thanh tịnh. Đó chính là tinh thần thực sự của người Việt".

Ngày nay, nhiều thế hệ kts Việt Nam (cả trong và ngoài nước) đã tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm khi thiết kế các công trình khắp mọi miền đất nước, từ quy hoạch đô thị, khu nhà ở & biệt thự, trung tâm thương mại, khu công nghiệp và các khu nghỉ dưỡng v.v.
Cụ thể, trong các công trình của mình, kts Võ Trọng Nghĩa đã sử dụng vật liệu đặc trưng, chi phí thấp với kỹ thuật truyền thống kết hợp với phong cách và công nghệ hiện đại khá thành công.

Kts Nguyễn Hữu Thái (Đã xuất hiện một "Phong cách Việt" trong kiến trúc, lược trích từ KTNN No.916)

No comments:

Post a Comment