Wednesday, July 27, 2016

Cuốn “Rise of the robots” và thách thức lớn nữa của người Việt

Rise of the robots (Sự trỗi dậy của người máy), xuất bản 2015, của Martin Ford chỉ ra rằng, loài người chúng ta đang đứng trước một tương lai vừa tươi sáng lại vừa tăm tối. Tươi sáng cho những người bắt kịp với thời đại và tăm tối cho những người để bị tụt lại phía sau.
Loài người vốn đã lo sợ sự trỗi dậy của máy móc, công nghệ từ lâu. Trong quá khứ, nỗi lo ấy trở thành sự thật với một số người. Nhưng trong 10 năm tới, nỗi lo ấy sẽ biến thành sự thật với rất nhiều người trong chúng ta.
Hiện nay ở nhiều quốc gia, một lượng lớn công nhân đã bị đẩy ra đường và được thay thế bởi máy móc. Những người ở lại cũng không sung sướng gì hơn khi theo thống kê năm 2013 tại Mỹ, thu nhập của họ giảm 13% trong khi năng suất lao động tăng 107%.
Cũng theo Rise of The Robots, trong khi máy tính ngày càng rẻ, phần mềm ngày càng thông minh, trí tuệ nhân tạo liên tục vượt qua con người trong nhiều lãnh vực, thì việc công nhân bị đẩy ra đường đã là chuyện của quá khứ. Trong thời gian tới, nhiều công việc văn phòng (từ chăm sóc khách hàng đến kế toán) đều sẽ dần dần bị thay thế bởi những hệ thống trí tuệ nhân tạo, vừa tiết kiệm chi phí hơn tiền lương, vừa dễ quản lý hơn con người và vừa hiệu quả hơn gấp nhiều lần.
Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà trong năm 2015, gần như cùng một lúc, nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới (Mỹ, Anh, Nhật Bản,...) bắt đầu nghiên cứu về việc làm trong 10 năm tới. Cũng không phải ngẫu nhiên mà các nghiên cứu này đưa ra cùng một kết luận rằng, phần lớn công việc của con người hôm nay sẽ rơi vào tay trí tuệ nhân tạo chỉ trong vòng 10 năm nữa. Con số dự đoán có thể khác nhau, dao động từ 25-49%. Nhưng có thể chỉ trong vòng 10 năm tới, một nửa chúng ta sẽ mất hoàn toàn công việc hiện tại của mình vào tay những hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Dĩ nhiên, điều tệ hại sẽ không diễn ra cho tất cả mọi người. Ngược lại, có một nhóm nhỏ người sẽ hưởng lợi lớn từ việc tiết kiệm chi phí nhân lực và tăng hiệu quả làm việc nhờ tận dụng được sức mạnh của thời đại.
Đó là nhóm 5% những người giàu nhất - nhóm có thể tận dụng được công nghệ để liên tục nâng cấp bản thân và công việc của mình. Nhóm người này có thể là chủ doanh nghiệp hoặc cũng có thể là những người làm thuê chuyên nghiệp (ngày càng được trả lương cao hơn khi công ty của họ ngày càng giảm được số lượng nhân viên). Dù là chủ doanh nghiệp hay người đi làm thuê chuyên nghiệp, họ có một điểm chung là đóng góp ngày một lớn cho nền kinh tế. Nếu vào năm 1992, nhóm này đóng góp vào 27% tiêu dùng ở Mỹ, thì đến năm 2012, họ đóng góp đến 38% tiêu dùng ở Mỹ.
Hãy tưởng tượng, một nhóm lớn 95% tiêu dùng 62%, trong khi một nhóm nhỏ 5% tiêu dùng đến 38% và còn được xem là động lực ngày càng lớn của nền kinh tế.
Gần đây, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 137 triệu lao động (chiếm 56% tổng số người làm công ăn lương) ở Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines và Việt Nam bị xếp vào diện nguy cơ mất việc cao. Trong đó, Việt Nam và Campuchia có nguy cơ rất cao.
Không những vậy, ở Việt Nam chúng ta, khoảng cách giàu nghèo đó sẽ còn càng lớn hơn nữa. Chính vì thế, ngày hôm nay, mỗi người Việt chúng ta đứng trước hai lựa chọn. Quyết tâm vươn lên mạnh mẽ để làm giàu bền vững ngay từ bây giờ, hay sẽ bị đào thải trong vòng 10 năm tới (cùng với gia đình và cả thế hệ kế tiếp của mình)./.

Nguyễn Việt Anh (Theo TGM Corp.)

1 comment:

  1. Riêng ở VN, ai thấy tương lai tươi sáng là vì thấy người Việt không ai bằng (hơn 7 thằng Nga "ngố" và 3 thằng Do Thái cộng lại) còn kẻ thấy cả 1 thời tăm tối thì lại thấy không ai hại nhau bằng người Việt (với câu chuyện cái hũ ở địa ngục nhốt linh hồn người Việt không có nắp).

    ReplyDelete