Sunday, July 17, 2016

PHẢI SUY NGHĨ KHÁC ĐI

Phản ứng đám đông của một dân tộc chậm tiến nhiều khi chẳng khác một đứa bé. Nếu tôi là người Nhật với tâm thức của người Việt, có lẽ tôi sẽ căm thù người Mỹ lắm. Họ đã đánh nhau với chúng tôi trong Thế Chiến 2. Họ đã giết vô số người Nhật. Chúng tôi cũng đánh họ tơi bời hoa lá. Nhưng họ đã ném 2 quả bom xuống Hiroshima và Nagasaki. Họ đã bắt chúng tôi đầu hàng vô điều kiện, vô cùng nhục nhã. Họ đã chà đạp lên tinh thần hiệp sĩ đạo thà chết không chịu nhục của dân tộc tôi. Đúng là họ đã giúp chúng tôi tái thiết lại đất nước với điều kiện tốt nhất. Nhưng không tính. Vươn lên được là tại chúng tôi thông minh, tài giỏi và cố gắng.
Nhưng người Nhật không nghĩ theo cách đó. Tôi không thấy sự căm thù đó. Người Nhật sau năm 45 đã thay đổi cách nghĩ triệt để để trở thành một dân tộc có lý trí thượng đẳng. Và họ đã hùng cường không cần vinh quang chiến trận, không cần tính anh hùng khùng điên hoang dã. Tinh thần võ sĩ đạo vẫn sống, nhưng với lý trí và không cần sự hoang dã, không cần hiệu ứng cộng hưởng tập thể. Biết xả thân vì đất nước, không chịu nhục làm nô lệ là anh hùng, nhưng biết nhịn nhục có lý trí vì tương lai đất nước cũng là anh hùng.
Có lẽ chúng ta chưa bao giờ biết loại anh hùng thứ hai, và đã dần quên loại anh hùng thứ nhất.
Người Nhật vẫn bị gông cùm bởi tinh thần võ sĩ đạo, nên vẫn là một dân tộc hoang dã, khi đã trở nên giàu mạnh, đã có khoa học tiên tiến có giải thưởng Nobel, khi bước vào chiến tranh với một tâm thức quyết tử. Với một kẻ thù quyết tử, điên cuồng và mù quáng, phản ứng của một dân tộc chậm tiến là phải quyết tử hoặc phải lẩn tránh. Người Mỹ có cách nghĩ khác. "Lũ khùng này muốn chết, cho chúng nó chết. Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu. Thông minh hơn, thắng lợi và sống để trở về với gia đình."
Đó là lý trí. Người Nhật có thể quyết tử với một đất nước tan hoang, sau những vụ mổ bụng tập thể của tầng lớp tinh hoa để biến mất trên bản đồ thế giới. Nhưng họ đã học người Mỹ, bước vào thế giới văn minh và chiến thắng, không phải bằng chiến trận mà bằng kinh tế, khoa học kỹ thuật, kỷ luật, văn hóa và luật pháp quốc tế. Đó cũng là lý trí. Dũng cảm không có lý trí có lẽ chưa phải là dũng cảm thực sự mà chỉ là một phản ứng tự nhiên của một cá thể có tính cách mạnh, một tính cách cần nhưng chưa đủ để hùng cường.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

1 comment:

  1. Dương van Minh: may mắn cho người nhật là bị ném bom bởi người mỹ; khốn nạn cho người việt là bị áp bức bởi người tàu.

    ReplyDelete