Người Việt học được rất nhiều từ có chữ "lộng" từ chữ Hán. Từ Hán Việt
thì có "trào lộng", "lộng hành", "lộng quyền", "lộng ngôn", "hí lộng".
Từ có vẻ thuần Việt "gió lộng", "lồng lộng" cũng từ chữ "lộng" gốc Hán
mà ra. Trong khi các thành ngữ "lộng giả thành chân", "hí lộng quỷ thần"
được học triệt để đến mức thực hành thuần thục nhan nhản ở mức "mẹo
chọi gà mưu cờ bạc" không hề có chút ích nước lợi dân, các sĩ phu người
Việt học chữ "lộng" rất dè dặt, nhút nhát đến mức khó khăn. Sĩ phu hèn,
tất quan lại tha hồ gian manh, thời nào cũng vậy. Thành thử "lộng" ở
khắp nơi mà người đọc sách vẫn không dám suy xét về nghĩa của một chữ
"lộng".
Bùi Kỷ dịch Tam Quốc diễn nghĩa có dùng câu "Tào Tháo đi
săn lộng Hứa Điền" có thể coi như cố gắng bất thành đưa chữ "lộng" vào
tiếng Việt. Chuyện rằng vua quan nhà Hán ngu xuẩn, buông lỏng triều
chính để hưởng lạc, khoác lác "vua sáng tôi hiền". Nhân dân hết chịu nổi
bắt đầu phản kháng. Triều đình cử quan đàn áp dìm các cuộc khởi nghĩa
vào biển máu. Nhưng đó không phải là thắng lợi, mà sau đó nổi lên các
thế lực quân phiệt át chế triều đình, vua thì nhu nhược, chỉ ham hưởng
lạc. Sau đó,các địa phương cũng cát cứ không nghe lệnh triều đình nữa.
Ngân sách trống rỗng, vua, hậu, tam công, thượng thư đói đến mặt xanh
nanh vàng, rớt giá thảm hại. Trước đó, mua quan bán tước, một chức quan
huyện cũng tới ngàn vàng. Đến lúc đó đại phu, đình hầu đổi lấy một đấu
gạo cũng không ai mua.
Tào Tháo nghe lời Tuân Úc đầu tư vào cổ
phiếu một xu này, biến nó thành cổ phiếu ngàn vàng. Ông đưa lũ vua quan
đói rách về Hứa Đô cho ăn ngon mặc đẹp, cho ra dáng triều đình và dùng
nó làm bung xung để hiệu lệnh thiên hạ. Từ vai vế một sứ quân thường,
ông đè bẹp các sứ quân mạnh nhất bằng cách nắm quyền Thừa tướng thay mặt
vua sai khiến chư hầu.
Một trong những quy luật của phong kiến:
công cao quá sẽ bị vua mưu giết. Để thăm dò tâm lý của triều đình và
công chúng, Tào Tháo tổ chức cho vua đi săn ở Hứa Điền. Dĩ nhiên cả
triều đình binh lính kéo theo hàng vạn người. Khi thấy một con hoẵng
(chắc binh sĩ thả ra), Tháo giục vua bắn. Vua sợ bắn không trúng, bèn
đưa cung tên nhờ Tháo bắn hộ. Trải qua bách chiến, Tháo bắn một phát
trúng ngay. Binh sĩ nhìn thấy mũi tên có dấu hiệu của vua bèn đồng thanh
hô "Đức vua muôn năm" Tháo tế ngựa ra trước vua để nhận lời mừng. Trăm
quan tuy thấy chướng mắt nhưng đều nuốt giận im lặng. Qua đó Tháo biết
vua dù có muốn mưu hại mình nhưng sẽ không đi đến đâu.
Lộng là
một trò đùa, trêu chọc, xúc phạm láo lếu. Thâm ở chỗ nếu phản ứng thì
thành ra mang tiếng chấp nhặt một trò đùa. Không phản ứng thì lại có thể
biến thành chuyện thật quan trọng. Cố nhiên trò thâm nho này xuất phát
từ sự hèn nhát của đám đông. Tư duy phương Tây không có chữ "lộng". Nếu
có cũng chỉ thuộc loại cháu chắt chút chít chữ "lộng" của Tàu. Tuy mưu
mẹo thâm nho của Tàu ghê gớm thế, nhưng chính khách phương Tây không cần
chữ "lộng" vẫn thắng thế. Rất vui vẻ hoà nhã, nhưng không bông phèng
ngu, thớ lợ, đểu giả như ngoại giao Tàu, họ vẫn sống tốt, làm đúng và
hạnh phúc.
"Ngựa hươu" cũng gắn liền với chữ lộng. Thời nhà Tần,
gian thần Triệu Cao dâng vua một con hươu nhưng bảo đó là ngựa. Vua nói
là hươu. Cao tâu hỏi các quan xem sao. Hầu hết đều nói ngựa theo ý Cao.
Một số người nói hươu sau đều bị Cao lập mưu giết. Vua tự cho mình là bị
bệnh lọan óc Trước đó, Cao đã từng bị Lý Tư quở trách "ngươi tưởng trò
hý lộng của ngươi qua được mắt ta sao" Cao nói "Thừa tướng chấp làm gì
một tên dốt nát hèn mọn nhỏ bé như tôi". Kết cục, không lâu Cao lập mưu
giết cả nhà Lý Tư, do Tư coi đó là trò đùa nhỏ nhặt. Do đó mà có thành
ngữ "trỏ hươu bảo ngựa", đừng xem là thường. Khi người ta chấp nhận được
hươu là ngựa không phải là chuyện hươu được lợi hay ngựa bị xúc phạm
(chẳng nghĩa lý gì với xã hội), mà toàn thể hệ thống công luận đã bị
thối nát mới là chuyện đáng nói.
Có lẽ đã đến lúc phải đưa chữ
"lộng" vào tiếng Việt vì chưa bao giờ nó phổ biến như thế, trong khi sĩ
phu làm ngơ như không có. Học để gọi đúng bản chất của nó, mà biết, mà
có công luận. Chứ không phải để bông phèng tán nhảm về mưu mẹo lắt léo.
Không chỉ dựa trên sự hèn nhát, lộng còn sống nhờ được trên sự giả
dối, không minh bạch. Hiểu rõ chữ "lộng" cũng là thấy được bản chất của
các sự "lộng" đang bị bóp méo đủ cách bởi truyền thông theo cảm tính
nhất thời.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
Nguyen Binhduong: Nghiên cứu kỹ quá, hay nhưng có kẻ ko thik
ReplyDeleteDo Xuan Phuong: Hay quá, cảm ơn anh Việt vì câu chuyện một từ mà ý sâu như biển, có thể làm cả đề tài tâm lý ứnh xử lẫn xã hội.
ReplyDeleteCa Vu Thanh: Bác Aiviet Nguyen thật tuyệt, rất đúng. Thối nát đúng như Tàu. Cần phải có những thay đổi rất quan trọng, áp dụng cách quản lý của nền dân chủ phương Tây thì mới tạo được động lực mới để phát triển bác ạ.
ReplyDelete