Tuesday, July 19, 2016

VÙNG GIAO GIỮA HAI NỀN VĂN HOÁ

Tôi vẫn thường nghĩ rằng dân tộc mình vất vả là do vị trí địa lý. Vị trí địa lý nhiều người mong muốn tranh đoạt nên chiến tranh liên miên. Có người nói do ta nghèo yếu nên bị người ức hiếp.
Xem lại binh pháp Tôn Tử Thiên Cửu Địa, có 9 hình thế đất. Theo các suy nghĩ ở trên đất ta có thể trong 3 khả năng: tranh địa, giao địa hoặc cù địa.
Tranh địa là vị trí thuận lợi nhiều bên muốn tranh. Ai tranh được sẽ vô cùng thuận lợi để giành thế thắng. Mặc dù nhiều sách vở nói như vậy, nhưng tôi cho là không phải. Từ năm 1975, chúng ta đã giành được "giang sơn một cõi" mà không thấy có lợi thế gì, đá bóng cũng thua, khó khăn liên miên, kinh tế tậm tịt. Ta không phải có tranh địa.
Giao địa là nơi thuận tiện giao thông ta dễ lấy địch cũng dễ tới. Binh pháp dạy giao địa không phải là nơi tích súc quân lực. Cù đia là nơi tiếp giáp với nhiều chư hầu. Binh pháp khuyên không nên diễu võ gây nghi ngờ hoang mang mà nên thắt chặt bang giao gửi sứ đi thông hiếu với chư hầu.
Việt Nam có thể là giao địa vừa là cù địa. Nhưng có vẻ hành xử không đúng binh pháp. Các nước xung quanh, nước thì e dè, nước thì thù địch, nước thì nghi ngờ, một số nước ta đổ cả xương máu cho họ thì cũng bắt đầu phản thùng, không thực sự có bạn bè cật ruột. Cũng phải xem lại bang giao thế nào.
Về mặt truyền thống, Việt Nam là vùng giao thoa của hai nền văn hoá lớn là Ấn Độ và Trung Quốc. Chúng ta đã "chọn" Văn hoá Trung Quốc. Chọn đây phải hiểu là một bên họ cha cưỡng bức họ mẹ vào nô dich để chấp nhận văn minh Trung Quốc. Cái giá phải trả là văn minh nhiều thế hệ. Lịch sử chỉ coi họ mẹ như ngoại bang.
Chúng ta là người Việt vì theo dòng cha. Người Chiêm theo dòng mẹ nên coi chúng ta là người đồng tộc.
Chúng ta đã " chọn" văn hoá, cách vận hành nền hành chính lý trí phi nhân
của người Trung Quốc nhờ Hoàng Phúc, Trương Phụ để tiêu diệt một nền văn minh nghệ sĩ, giàu cảm xúc nhưng vô cùng tự do phóng khoáng của người Chàm và biến họ thành người ngoại quốc mặc dù trong gien họ cũng là người Nam Á như ta.
Mỗi lần tới Tháp Chàm, bảo tàng Chàm, tôi lại thấy một sự linh thông kỳ lạ, cảm giác như thân thương xúc động dạt dào.
Cuộc chiến huynh đệ tương tàn Đại Việt-Champa là những trang đẫm máu với hàng vạn thủ cấp chất thành gò đống ở cả hai bên, làng mạc bị đốt phá, đền đài thành trì bị san bằng, các công trình nghệ thuật kién trúc của nhiều thế kỷ bị tiêu huỷ.
Có lẽ chính vì "lựa chọn" như thế mà chúng ta vất vả kéo dài. Chúng ta phải gánh chịu quyết định của chính mình. Những bài thơ than khóc số phận "giống dân Hời" của chàng trai 16 tuổi Chế Lan Viên không phải là thương vay khóc mướn mà là sự nuối tiếc xót xa cho một dân tộc có dòng máu đang chảy trong huyết quản của mỗi chúng ta hôm nay.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

6 comments:

  1. Van-Hoang Le: Đồng quan điểm với anh Việt. Em có những cảm xúc rất kỳ lạ khi đến xem tháp Chàm, Thánh địa Mỹ Sơn. Cảm giác nuối tiếc rất là lớn.

    ReplyDelete
  2. Thanh Nguyen Huu: Chuyển tiếp khí tượng là bão tố, địa tầng là đứt gãy động đất, địa chiến lược là bị xâm chiếm liên miên, văn hóa cũng là cực đoan theo một cách nào đấy?

    ReplyDelete
  3. Nguyen Binhduong: Bạn nói rất đúng, có khi các nhà sử học cũng ko nghiên cứu kỹ như bạn.

    ReplyDelete
  4. Do Xuan Phuong: Bất luận đất hẹp, quân chính giao phong, văn hóa lịch sử xung đột thế nào, Chính Đạo còn thì nước giữ được mà khởi thịnh. Vua Trần Nhân Tông là ví dụ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Trần Nhân Tông là Phật Thánh, khó bàn. Tuy nhiên anh không biết lắm về đời sống kinh tế thời Nhân Tông. Chắc chế độ chiếm hữu nô lệ thì sự phồn thịnh cũng chỉ giành cho một số ít người. Sau thời Anh Tông, Minh Tông, thế nước đi xuống không cứu vãn được. Bắt đầu xuất hiện bọn gian thần lấn át cả vương công điển hình là việc Trần Khắc Chung gièm chết Quốc Phụ, léng phéng với công chúa.

      Delete
    2. Do Xuan Phuong: Xã hội loài người thay đổi chứ Phật Pháp không đổi (y như các định luật toán lý). Trần Nhân Tông không làm cho Đại Việt phồn thịnh theo tiêu chuẩn hiện đại cũng chẳng có gì lạ bởi điều kiện (duyên) không đủ. Nhưng trong khoảng trăm năm thời đại của ông thì thế nước vững vàng mà lời giải thích hợp lý là ông đã có công giáo hóa nhiều người, kể cả vua Chăm.

      Delete