Saturday, July 16, 2016

Suy nghĩ thêm về kịch bản trận lấy thành Quy Nhơn và trận Thị Nại

Nếu có một số kịch bản để làm một bức tranh Panorama về thời Tây Sơn khởi nghĩa và hai trận đánh này, hoặc hơn thế nữa một mô phỏng video 3D về chúng sẽ là nguồn thu lớn cho Quy Nhơn.
Hiện tại, nhà bảo tàng Tây Sơn cách Quy Nhơn chừng 50km, nghe nói còn rất nghèo nàn. Cũng đúng vì nhà Nguyễn đã triệt hạ hoàn toàn Tây Sơn, đặt là An Nhơn hay gì đó. Nên khôi phục lại không gian, thay vì bỏ tiền vào các tượng đài xấu xí như hiện nay.
Nhân đây nói thêm nên có tượng đại tổ hợp một sự kiện nào đó, như ba anh em Nhạc-Huệ-Lữ dựng cờ khởi nghĩa, với các kiện tướng đầu tiên như Diệu, Dũng, Thung, Xuân,.... thay vì có mỗi Nguyễn Huệ như hiện nay. Có thể dựng tổ hợp tượng đài Nguyễn Nhạc lấy thành Quy Nhơn, hoặc trận Thị Nại.
1. Trận đánh thành Quy Nhơn: Nhạc và một số tướng bị giam trong tù, được sự hợp sức của nội gián, đang đêm phá ngục ra, đốt lửa làm hiệu, chém tướng giữa cửa thành. Bên ngoài có Nguyễn Thung, Huệ, Lữ mang quân hiệp trợ. Hỗn chiến trong thành. Quan trấn thủ phải tự sát.
2. Trận Thị Nại: Tây Sơn sai lầm khi phá bỏ lăng miếu nhà Nguyễn và tận diệt tông thất nhà Nguyễn. (Sai lầm thường thấy của khởi nghĩa nông dân). Có ba vấn đề xảy ra: a) Phe nhà Nguyễn sẽ nung nấu căm thù, kể cả những người thấy "số trời đã hết", cũng muốn thành Dự Nhượng, b) Sau khi điều xấu nhất đã xảy ra phe Nguyễn Ánh không còn điểm nào có thể gây tổn thương về tinh thần, b) Tạo tiền lệ và thanh danh hung hãn của Tây Sơn. Trong khi đó Quy Nhơn là tử huyệt của Tây Sơn.
Võ Tính, Ngô Tùng Chu tập kích lấy được Quy Nhơn là một chiến thắng có tính bước ngoặt. Bên Tây Sơn, nếu để mất đất căn bản sẽ suy sụp tinh thần. Nếu Nguyễn Ánh không tàn phá Quy Nhơn, đào mộ Tây Sơn rồi rút thì rất tầm thường, mà cho đóng quân lại.
Tây Sơn huy động đại quân và hầu hết các tướng giỏi do Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng chỉ huy vây Quy Nhơn. Thủy quân đóng kín đầm Thị Nại và cửa sông. Thế lực rất mạnh. Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Lê Chất đem quân ra hỏa công diệt toàn bộ Thủy quân Tây Sơn trên đầm Thị Nại. Từ đó Tây Sơn không còn ưu thế về thủy chiến. Cũng có cố gắng giải vây cho Quy Nhơn nhưng Diệu và Dũng quá mạnh. Nguyễn Ánh ra lệnh bằng mọi giá cứu cho bằng được Tính và Chu về. Võ Tính gửi mật thư cho Ánh và nói "Tôi thề tử thủ Quy Nhơn. Xin chúa công bỏ mình tôi đem quân ra Bắc lấy Phú Xuân.". Đây là một trong những chiến lược quân sự hay nhất của Việt Nam từ xưa tới nay.
Kết quả, khi Diệu và Dũng hạ được thành, Tính tự thiêu, Chu uống thuốc độc, chỉ bắt được hai cái xác không. Trong khi đó, quân của Ánh đã hạ Phú Xuân ra Bắc bắt Toản. Diệu mang quân về Phú Xuân, nhưng toàn quân tan rã trên đường đi và bị quân Nguyễn bắt dễ dàng.
Một trong những trang chiến sử hay của lịch sử Việt.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

3 comments:

  1. Vuong Manh Son: Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn nói khá đầy đủ về cả 3 anh em nhà Tây Sơn chứ không chỉ riêng Nguyễn Huệ: di tích, tượng đài...
    - Lịch sử Tây Sơn- Nguyễn Ánh bị các sử gia viết méo mó cả. Chắc là do đánh giá Nguyễn Ánh lệch lạc, khắt khe quá.
    - Sài Gòn cũ đặt tên đường có đủ tên các danh tướng của Gia Long: Lê Văn Duyệt, Ngô Tùng Châu (Ngô Tòng Chu?), Võ Tánh (Vũ Tính), Võ Di Nguy..., giờ bị đổi gần hết.
    Hà Nội không có các đường phố mang tên các vị này.

    ReplyDelete
  2. Nguyen Binhduong: Nói quá đúng nhưng ai nhận trách nhiệm quân sư đây? Có lẽ AV là thích hợp

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Cứ nghĩ và nói thôi. Biết đâu có ai đó trẻ hơn mang được các ý tưởng thành hiện thực. Mình hết thời gian rồi.

      Delete