Chị Hồng Anh thuộc số những học sinh được gửi sang Liên Xô học phổ thông từ bé (Lớp Internat). Vì thế tiếng Nga Chị cực giỏi. Chị kể với tôi rằng, khi thi tốt nghiệp phổ thông, phải viết bài luận tiếng Nga khoảng vài chục trang, trong đó trích dẫn nhiều tác phẩm kinh điển của các nhà văn lớn của Nga. Vốn là người khiêm tốn, nhưng chị không ngại khoe với tôi rằng từ tiếng Nga nào mà chị không biết thì bọn bạn Nga cũng không biết. Nhưng điều khiến tôi quý Chị hơn cả là vì Chị sống có tâm hồn ( tâm hồn Nga mà!), chịu đọc ( thích Bernard Shaw…), có suy nghĩ độc lập … và, mặc dù là con của một bậc khai quốc công thần – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chị sống giản dị, chất phác, trung thực và giầu lòng nhân ái.
Qua trường hợp Chị Hồng Anh và một số trường hợp tương tự cho thấy rằng, đối với các vị lãnh đạo cấp cao thuộc thế hệ cách mạng tiền bối, ít có chuyện cài cắm con cái vào những vị trí quyền lực. Có thể vì họ thật lòng tin rằng, trong một xã hội tốt đẹp, mọi người phải được bình đẳng về cơ hội. Và cũng có thể vì, mà tôi tin điều này hơn, các vị ấy, tuy học thức nhiều ít khác nhau, nhưng đều đã từng được thừa hưởng một nền giáo dục (gia đình, xã hội, nhà trường) coi trọng nhân cách và danh dự.
Những năm sau này, chúng tôi có một nhóm bạn khoảng dăm sáu người (toàn các nhà Vật lý, chỉ mình tôi làm Toán) cứ mỗi năm họp mặt vài lần. Rất tiếc, chị Võ Hồng Anh, người bạn nữ duy nhất của nhóm, lại là người đầu tiên ra đi! Chị bất ngờ lâm bệnh vào khoảng tháng 6/2009, phải nhập viện, và không hiểu vì sao tình trạng xấu đi rất nhanh! (trước đó không lâu, chị vẫn mạnh khỏe và rất chịu khó tập luyện khí công). Theo yêu cầu của gia đình, tôi có nhờ người hỏi riêng GS. Phạm Gia Khải thì được trả lời là nội tạng hỏng cả rồi!?
Tháng 7/2009 tôi cùng hai người bạn vào thăm Chị ở Bệnh viện 108. Chị vẫn nhận ra chúng tôi nhưng không nói gì nữa! Ít ngày sau, khi đang ở nước ngoài, tôi đọc được tin Chị mất ngày 18/7/2009! Không bất ngờ nhưng thật buồn!
…Tôi có dự ngày giỗ đầu của Chị tại nhà riêng. Tôi đặt lên bàn thờ Chị một bó huệ trắng và mấy vần thơ dưới đây. Sắp đến giỗ lần thứ 7 của Chị (thời gian trôi nhanh quá!) viết mấy dòng này thay nén nhang tưởng nhớ Chị - MỘT TÂM HỒN ĐẸP.
BẠN ƠI ĐỪNG BUỒN!
Bạn ơi đừng buồn nhé!
Cuộc đời lẫn buồn, vui;
Trên đời ngàn việc khó,
Khó nhất là làm người!
Bạn ơi đừng buồn nhé!
Họp mặt những ngày vui,
Một ghế thường để trống,
Tưởng như Bạn vẫn ngồi!
Bạn ơi đừng buồn nhé!
Sớm gặp nhau cả thôi;
Dương gian hay âm thế,
Chúng ta vẫn cùng cười!
Ảnh: GS-TSKH Võ Hồng Anh (1941-2009)
from FB/Long Van Do's post
Hạp Phan Văn: Hai bạn Hồng Anh và Hoài Châu mỗi người một số phận nhưng đều mất tương đối sớm ,cùng là những nhà Vật lý có năng lực,xinh đẹp,tốt tính !
ReplyDeleteTien Duc Tran: Tôi học cùng lớp với hai bạn Hồng Anh và Hoài Châu. Hai bạn đó học chăm lắm còn tôi thì còn mải nhiều vào những thú vui khác như thể thao, chụp ảnh, đọc sách, chơi đàn. Cũng may là học với những người học giỏi, nên tốt nghiệp trung học cũng được huy chương bạc. Hồng Anh và Hoài Châu được huy chương vàng. Tôi xin học điện ảnh thì Sứ quán bảo cậu sống từ bé ở nước ngoài thì làm sao làm phim Việt nam được - từ chối. Xin học quan hệ đối ngoại, vì có năng khiếu ngoại ngữ, thì được trả lời răng trong nước chỉ cử cán bộ đi học, chư không cử học sinh tốt nghiệp ở nước ngoài. Chán quá, tôi bảo thế thì tuỳ các anh phân công. Họ nhét đi học luyện kim hiếm và phóng xạ. Hoài Châu từ giã cõi đời năm 1984, lúc mới 44 tuổi. Bác Xiển bảo tôi "Châu nó quý cháu lắm, cháu đọc lời điếu nhé". Hôm Hồng Anh mất vợ chồng toi cùng một số bạn và đồng nghiệp đưa về Nghĩa trang Thanh tước. Bọn Internat chúng tôi hằng năm gặp mặt đều thỉnh chuông rồi xướng tên các bạn đã ra đi. Trong 100 người, thì 20 người đã ra đi. Cám ơn Long Vân đã có những vần thơ đầy xúc động. Những vần thơ đó lại đưa tôi "về miền ký ức khuất trong sương mờ"!
ReplyDeleteLong Van Do: Anh Tien Duc Tran! Tôi biết anh học Internat với Hồng Anh nên mới Tag cho Anh. cám ơn đã dành nhiều thời gian comment. Tôi nghĩ đó cũng là niềm vui của Anh khi được sống lại với những kỷ niệm thơ ngây và ngây thơ nhưng rất đẹp của một thời đã vĩnh viễn qua đi?
DeleteLê Viết Bình: Long Van Do khiến mình gợi nhớ những tháng ngày cùng làm việc với Hồng Anh-Trúc Long ở 39 Trần Hưng Đạo HN và cùng sống trong nhà dân ở vùng sơ tán Thuận Thành, Bắc Ninh ... Cầu mong hương limh hai bạn phiêu diêu miền cực lạc!
ReplyDeleteHuyen Nguyen: Tôi chỉ là một đồng nghiệp đàn em của chị, tức là sau chị rất nhiều năm, khi chị về Viện đã là tiến sỹ Khoa học thì tôi mới tốt nghiệp và đi làm vài năm. Tuy cách xa nhau như vậy nhưng những năm ấy thấy chị thật gần gũi như một người chị lớn. Một lần Văn nghe ở viện, nghe tụi trẻ bọn tôi nghêu ngao tập hát bài Ngôi sao ban chiều, chị bảo hồi trẻ ở Nga chị và các anh Nguyễn van Trọng... Cũng rất yêu bài ấy. Khi tôi chuẩn bị sang MGU Làm NCS tại trường cũ của chị chị viết một bức thư rất dài cho người bạn Nga nổi tiếng của mình nhờ nhận làm GS hướng dẫn cho tôi. Chu đáo hơn sau đó mấy tháng chị lại viết thư sang hỏi thăm công việc của tôi thế nào, đã gặp ông bạn chị chưa. Cuối thư chị chắc sau khi đắn đo lắm mới nhờ tôi mua và gửi về một số loại thuốc uống. Lúc đó mới sang chưa thạo đường xá, và nghĩ thầm với vị trí của chị thì ba hộp thuốc ấy mua có khó gì đầu nên tôi một phần cũng bận bịu nên tôi đã bỏ qua đã quên lời nhờ cậy của chị... Rồi 5 năm trôi qua vô tình tôi nghe được là chị bị hen xuyễn nặng và chỉ hợp với loại thuốc của Nga mà đã nhờ tôi mua, và tôi đã quên! Trời ơi! Tôi ân hận vô cùng, chỉ mong khi nào về Vn gặp chị và xin chị tha lỗi. Nhưng thời gian trôi đi khi tôi trở về thì hay tin chị đã mất bệnh, không biết trong đó có vì bệnh hen suyễn ấy không.? Lời xin lỗi của tôi thế là không bao giờ có dịp nói với chị nữa. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ lẩn thẩn rằng giá cái bức thư có tên mẩy loại thuốc chị nhờ mua vẫn còn tôi sẽ mua cả kg thuốc về đến dâng bên mộ chị để nói rằng :chị Hồng Anh ơi em đã mang thuốc về đây, nhưng muộn mất rồi, ngàn lần mong chị tha lỗi cho em... Em Huyền của chị...
ReplyDeleteHuyen Nguyen: Xin cảm ơn Thầy Phan Văn Hạp đã ghé đọc bài tưởng niệm chị Hồng Anh của em. Thầy không dạy em một buổi nào và chắc cũng chẳng biết em, nhưng trong thâm tâm em luôn xem thầy là Thầy vì một nghĩa cử Thầy đã làm cho em khi là một Sv bắt đầu nhập học vào ngôi trường mà Thầy là Hiệu phó. Thầy đã làm điều đó mà chắc chỉ vì có ích lợi cho em một trong hàng ngàn Sv mới bỡ ngỡ vào trường chứ thầy không hề biết em là .Bốn muoi năm đã qua, dù câu chuyện ấy chắng ai biết, Thầy cũng không biết, chỉ em còn nhớ, (cũng giống như câu chuyện của em với chị Hồng Anh) Em vẫn xin gửi tới Thầy lời Cảm ơn và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Có lẽ với Thầy thế là đủ rồi Sau này ở Viện Vật lý, rồi khi sang MGU, sang Dubna em gặp rất nhiều người thấy đáng kính khác, nhưng Thầy một người chưa từng dạy em một giờ, có lẽ cũng chẳng biết em vẫn giữ một vị trị đáng kính trong em...
ReplyDeleteHạp Phan Văn: Trước tiên xin chúc Huyên Nguyên nhân sinh nhật,chúc bạn vui,khoẻ,hạnh phúc,nhiều may mắn và thành tựu mới trong công việc!
DeleteCám ơn bạn đã nhớ và dành cho mình những lời tốt đẹp,ban và mình là đồng môn cả ở VN lẫn ở Nga ,đọc hồi ức của bạn về chị Hồng Anh mình rất cảm động .Hy vọng sẽ có dịp giao lưu với bạn nhiều hơn !
Huyen Nguyen: Dạ em xin cảm ơn Thầy. Chúc thầy sức khỏe ạ
DeleteThao Trần: Cám ơn bạn Long Van Do đã cho tôi cảm nhận được những dòng tâm sự và suy tư sâu sắc của bạn.
ReplyDeleteLong Van Do: Cám ơn bạn Thao Trần đã hiểu sâu sắc và đồng cảm với người viết!
DeletePhu Pham: Rất cảm ơn Long Van Do đã để lại bài thơ rất hay và xúc động về người bạn Internat của bọn mình nhân sắp đến ngày giỗ (theo dương lịch) của bạn ấy. Trong số 100 đứa mình 22 bạn đã ra đi. Mình có rất nhiều kỉ niệm với Hồng Anh.
ReplyDeleteLong Van Do: Mình biết bạn học Internat nên mới Tag cho bạn. Mình nghĩ đó là một trong những quãng đời đẹp của các bạn với những kỷ niệm không bao giờ quên?
DeletePhung Ho: RẤT TÂM ĐẮC VỚI BÀI VIẾT CỦA LONG VÂN. TÔI TUY HỌC CÙNG KHOÁ VÀ CÙNG VẬT LÝ, NHƯNG TÔI HỌC Ở KIEV MÀ VẬT LÝ THỰC NGHIỆM NÊN HẦU NHƯ TÔI VÀ CHỊ HỒNG ANH CHỈ QUEN SƠ SƠ. LẦN 2 TÔI BIẾT CHỊ LÀ MÙA ĐÔNG NĂM 1967, TÔI LÊN МГУ DỰ HỘI NGHỊ KH, VỢ TÔI LÊN MAT THỰC TẬP, CHÚNG TÔI ĂN TẾT VỚI NGUYỄN AN Ở МГУ XEM BIỂU DIỄN VN, CHỊ HỒNG ANH CÒN DIỄN KỊCH. CÒN LẦN ĐẦU TIÊN GẶP CHỊ HỒNG ANH, CÔ HÀ VÀ CHỊ ĐẶNG VIỆT NGA LÀ MÙA HÈ 1963 TRÊN TÀU HOẢ VỀ PHÉP. VỀ SAU KHI Ở NHÀ K7 BÁCH KHOA BỌN TÔI VỚI CHỊ NGA LÀ LÁNG GIỀNG THÂN THIỆN VÌ ANH KHỞI (CHỒNG NGA) HỌC Ở KIEV. TÔI RẤT ĐỒNG Ý VỚI LONG VÂN LÀ CON CÁI CÁC VỊ LĐ CAO CẤP THỜI ẤY RẤT TỐT.
ReplyDeleteXIN CHO TÔI GÓP MỘT NÉN TÂM NHANG THẮP CHO CHỊ HỒNG ANH!
Jennifer Nguyen: Bài thơ của a hay quá! Được biết thêm về một ng phụ nữ, 1 nhà khoa học,con 1 vị lãnh đạo cấp cao mà bình dị thật đáng kính nể và đẹp như bông hồng trong lòng mọi người.
ReplyDeleteLong Van Do: Cám ơn Jennifer Nguyen nhiều! Em thật chu đáo và tinh tế khi vói một comment ngắn gọn đã bao quat đầy đủ mọi chuyện: từ đánh giá stt; cảm nghĩ về nhân vật, đến cả chi tiết rất nhỏ là bông hồng vàng! Thank you again!
DeleteTran Nam Dung: Chị Võ Hồng Anh là một trong những "hạt giống đỏ". Nhưng cũng như nhiều hạt giống đỏ khác, khi được thụ hưởng tinh thần khoa học chân chính, về nước họ đã không đi theo con đường chính trị mà bằng lòng với cuộc đời làm khoa học, nghèo mà trong sáng. Tôi kính trọng chị.
ReplyDeleteDung Le: Cảm ơn bài viết của anh Long Van Do! Thế hệ sống tự trọng và coi danh dự cao hơn vật chất, thì hành xử bao giờ cũng rất đúng đắn! Chỉ có điều, giá như đừng quá "phi vật chất", thì nước VN mình ngày nay làm sao mà thua Nhật Bản và Hàn Quốc xa quá thế này?
ReplyDeleteCanh Tran: Bác Long ơi điều bác nói đúng quá: những người này "đều đã từng được thừa hưởng một nền giáo dục (gia đình, xã hội, nhà trường) coi trong nhân cách và danh dự." Nhiều người biết thế, nhưng viết ra được lại là chuyện cực khó.
ReplyDeleteLong Van Do: Xin chân thành cám ơn tất cả các bạn đã đọc stt này, đặc biệt là các bạn đã tham gia comment và nhắc lại những kỷ niệm về chị Võ Hồng Anh.
ReplyDeleteNhững người như chị và cha mình, cũng như những giá trị tốt đẹp trong thời chiến của người Việt chẳng là gì với lũ dòi bọ, sâu mọt "dậu đổ bìm leo" đông hơn kiến và ngày càng nhiều hơn vì chỉ biết bon chen/kiếm chác. Chúng chẳng màng đến danh dự/tự tôn, đừng nói gì đến tiền đồ của đất nước.
ReplyDelete