Monday, April 4, 2016

GIA ĐÌNH (2): Phần mở đầu (tiếp theo)

Sau khi xác định 3 trục quan hệ chính yếu của một gia đình, cần tiếp cận theo một phương pháp và phân tích theo một số khái niệm đã được nhiều học giả ở các nước nêu ra. Đi với mỗi khái niệm là một từ được định nghĩa (từ khóa/key word).

Cách tiếp cận đầu tiên là phân tích những yếu tố văn hóa xã hội với các từ khóa: xưanay, ĐôngTây, mâu thuẫn thế hệ.

Rồi đến cách tiếp cận tập trung vào mối quan tâm của từng thành viên: ở đây không thể không vận dụng những khái niệm cơ bản của phân tâm học, vì trong các học thuyết trường phái này đầu tiên đã nhấn mạnh đến ảnh hưởng sâu sắc và quyết định của gia đình trong sự hình thành nhân cách trẻ em, và đã vạch rõ một cách có hệ thống những cơ chế quá trình ấy. Một điểm quan trọng mà phân tâm học đề ra là bao giờ cũng có một sự vật mơ tưởng hay huyễn tưởng và một sự vật thực trong cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ: Ngay từ khi thai nghén, cha mẹ đã hình dung một đứa con mơ tưởng, đến lúc sinh ra tiếp xúc rồi chăm sóc đứa con thực, hình tượng hai đứa con này sẽ ăn khớp với nhau hay trái ngược?
Trong tâm tư trẻ, có hình tượng của cha mẹ và gia đình hiện thực, va chạm hàng ngày và hình ảnh mơ tưởng của cha mẹ và gia đình. Khi thực tế phũ phàng, trẻ thoát khỏi thế giới mơ tưởng và sống với gia đình hư cấu (roman familial), tưởng tượng mình là con của ông vua bà hoàng.
Trước 5-6 tuổi, trẻ em nghĩ rằng cha mẹ là những người tuyệt vời toàn năng toàn trí, những vị thiên thần, nhưng hết tuổi ngây thơ, nhận thức về thực tế rõ hơn, "vỡ mộng" về cha mẹ. Ở những trẻ em bình thường hết ngây thơ là chấp nhận tính tương đối của sự vật, nên chúng dần dần cũng chấp nhận tính tương đối của năng lực cha mẹ, quý hồ giữa con người thực của cha mẹ và hình thành lý tưởng trong tâm tư con cái khoảng cách đừng quá xa. Lúc ấy, còn lại trong tâm tư đứa con hình tượng người cha hay người mẹ là một người lớn có tư cách đàng hoàng, một hình ảnh để tự đồng nhất (từ này không hiểu theo nghĩa noi gương bắt chước mà để chỉ một cơ chế vô thức, đứa trẻ sống lại, lặp lại một cách vô thức những ứng xử của cha mẹ). Nếu hình tượng cha mẹ không tạo được cơ chế sự đồng nhất, thì con cái sẽ noi theo những thần tượng bên ngoài, khi là đứa trẻ ngổ ngáo, thủ lĩnh anh chị, đàn anh/băng đảng, diễn viên điện ảnh v.v.

Một điểm mà phân tâm học thường nêu lên là tính hai chiều (đòn xóc hai đầu/am bivalent) của tình cảm: yêu và ghét, quyện lấy nhau, con yêu thương cha mẹ đồng thời cũng căm ghét; nhưng những biểu hiện căm ghét này bị xã hội phê phán trừng phạt nên phải dồn nén vào vô thức để xuất hiện thành những hiện tượng nhiều khi xa lạ với tình cảm gốc. Không thấy được tính hai chiều này khó mà lý giải được nhiều hiện tượng trong mối quan hệ cha mẹ con cái.
Một điểm cần được nêu lên là: liệu mặc cảm Oedipe như Freud đã mô tả ở VN có hay không? Muốn giải đáp câu hỏi này, phải quan sát điều tra nhiều trường hợp phát triển bình thường và bệnh lý để đi đến kết luận những biểu hiện như phân tâm học mô tả có hay không có, những luận điểm của Freud đúng hay sai, chứ không thể tranh luận về quan điểm, về đạo đức.
Tất cả những mối tình chằng chịt do sự tác động qua lại hàng ngày của các thành viên trong gia đình tạo nên tổ ấm, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mỗi người, hoặc một không khí thuận lợi, 1 tổ lạnh hay 1 tổ nguội, tác động hàng ngày lên tâm tư và sức khỏe của các thành viên.
Mối quan hệ tay ba cha - mẹ - con về tình cảm là nhân tố quan trọng bậc nhất trong sự hình thành nhân cách của trẻ em, và cả người lớn. Thêm vào đó, mối tình anh/chị em như thể chân tay, nhưng đồng thời gà cùng chuồng cũng hay đá nhau, có khi suốt đời ganh tỵ, thậm chí thù ghét mãi không tan.

Mối quan hệ tình cảm càng phức tạp khi gia cảnh bất thường: con nuôi, con chồng, dì ghẻ, con vợ bố dượng, ông bà cùng sống chung...

Cách tiếp cận thứ hai là xoay quanh những sinh hoạt và ứng xử hàng ngày. Một gia đình là một tổ hợp gồm tất cả những người sống cùng 1 nhà. Việc tổ chức ăn ở với nhau như thế nào (kể cả những người không phải cùng huyết thống) vừa tác động sâu sắc đến tâm lý chung, vừa là biểu hiện của tâm lý ấy. Cuộc điều tra cần tiến hành trong những lĩnh vực khác nhau: cách sắp xếp nhà ở, tổ chức bữa ăn, vui chơi, chi tiêu, thờ cúng... Bất chợt 1 nhà tâm lý được dự 1 bữa cơm gia đình sẽ phát hiện nhiều sự kiện có ý nghĩa.

Cùng với việc quan sát cách ăn ở, phân tích kỹ cách giao tiếp giữa các thành viên với nhau. Ở đây những khái niệm mà các trường phái trị liệu gia đình đã đưa ra sẽ giúp chúng ta đi vào chiều sâu của sự giao tiếp này: giao tiếp kiểu đối xứng hay bù trừ, giao tiếp kiểu nghịch lý dễ gây ra rối nhiễu. Trong gia đình, giao tiếp chủ yếu mang tính phi ngôn ngữ, biểu lộ tình cảm nhiều hơn bàn luận. Đằng sau mỗi câu nói đều mang hàm ý, cái chính là cái tứ, tức hàm ngụ đồng tình hay không, vui hay tức giận, chân phương hay đùa bỡn. Mọi người đều biết phụ nữ và trẻ em rất nhạy cảm về kiểu giao tiếp phi ngôn ngữ.

Tùy tập tục, lễ giáo... mỗi gia đình có những nghi lễ nhất định; hoặc bao gồm những kiểu ứng xử lặp lại nhiều khi không có lý do thực dụng nào cả. Đằng sau mỗi nghi lễ là những tín điều của 1 đạo lý, hay 1 cơ chế tâm lý có tính phòng vệ, 1 định kiến đã xơ cứng.

Tất cả những điểm phân tích nói trên cần được đặt trong 1 cái khung vẽ lên bức tranh toàn bộ với những nét chính:
- Gia sản: tức là cơ sở vật chất kinh tế ở mức giàu, trung bình hay nghèo.
- Gia cảnh: tức cơ cấu của gia đình trọn vẹn đông đủ hay neo đơn ly tán và những hoàn cảnh bất thường.
- Gia thế: tức là thế đứng trong xã hội sang hay hèn, cao hay thấp, có quyền có danh hay không của cha mẹ, con cái.
- Gia phong: tức là lối sống hàng ngày, đối xử với nhau như thế nào; hoặc gia trưởng (người cha/ông quyền uy rất lớn), hoặc buông thả không phép tắc kỷ cương, hoặc dân chủ bình đẳng, đặc biệt vợ chồng tôn trọng nhau.
- Gia đạo: tức là có hay không có ý thức về 1 đạo lý nhất định, có thể là tôn giáo hoặc 1 lý tưởng. Cha mẹ thường trao đổi về tư tưởng/tinh thần trên quan điểm như thế nào, có đồng nhất về cách nuôi dạy con không v.v.

Để làm rõ những đặc trưng của bức tranh tổng thể nói trên chủ yếu về mặt văn hóa xã hội, có thể nêu mấy điểm sau:
- Gia đình khép kín: cha mẹ con cái sống với nhau như trong vỏ ốc, người ngoài không tham dự cuộc sống nội bộ (mẫu gia đình Tây phương hiện nay).
- Gia đình mở cửa: có những sinh hoạt chung mang tính huyết thống với bà con, dòng họ. Quan hệ láng giềng, hàng xóm... nhiều khi cũng đóng vai trò quan trọng, tắt lửa tối đèn có nhau. Liệu mẫu gia đình này có thể tồn tại lâu dài trong 1 xã hội công nghiệp hay không?

So sánh hai mẫu gia đình trên, gia đình truyền thống mang những đặc điểm từ xưa với gia phong đậm tính xã hội cổ truyền (nông thôn) mà đại diện là những người già sẽ hòa hợp như thế nào với xu hướng của những người trẻ tuổi với lối sống mới ở thành thị? Đó là những nét mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống gia đình hiện nay và trong tương lai; gia đình là đơn vị sản xuất hay không, cha mẹ hàng ngày có bỏ con để đi làm hay không, người mẹ có sự nghiệp xã hội hay không, bao quanh gia đình là 1 xã hội ít biến động, có kỷ cương chặt chẽ, nhiều đời để lại, hay là 1 xã hội thường xuyên biến động, những tín điều tôn giáo còn ảnh hưởng như thế nào; mâu thuẫn giữa các thế hệ biểu hiện ra sao?

- Ôn lại những biến cốthử thách gia đình đã trải qua, dự đoán những sự việc có thể xảy ra: sinh con đầu lòng, có tang, thay đổi chỗ ở/nghề nghiệp, bệnh tật, thất nghiệp, con cái ở riêng, cha mẹ/ông bà về hưu v.v.
Một gia đình có mô hình sinh sống bền vững/linh hoạt trong ứng xử sẽ vượt qua, gia đình rối nhiễu sẽ vấp váp.

(còn nữa)

1 comment:

  1. Gia đình, cái nôi của tình thương.
    "Có bao điều tốt đẹp chúng ta nhận được khởi nguồn từ tình yêu vô bờ của cha mẹ, từ mái ấm dấu yêu. Đó là những giây phút ấm áp bên bữa cơm gia đình; cùng chia sẻ gánh nặng áo cơm hay hoan hỉ với khu1cca ngày hội đầy ắp yêu thương...
    Nguồn hạnh phúc vô biên ấy mang đến cho ta cảm xúc êm dịu, ngọt ngào; động viên ta mỗi khi gặp khó khăn, thất bại; nuôi dưỡng và tiếp thêm sức mạnh để ta mở rộng trái tim mình và chia sẻ với mọi người. Gia đình, chốn thiêng liêng của tình yêu thương là một "thánh địa" để ta trân trọng, giữ gìn. Mỗi giây phút được sống, ta đừng ngần ngại bày tỏ tình yêu thương với những người thân yêu của mình. Hãy mang đến cho nhau những ngọn lửa ấm áp, những giòng suối ngọt ngào để mãi mãi gắn kết tình yêu thương trong GIA ĐÌNH." (Phùng Huy, Báo Phụ Nữ Chủ nhật No.22, ngày 28.06.2015)

    ReplyDelete