Tuesday, January 5, 2016

BỘ TỨ

"Bộ Tứ" sẽ chính thức được quyết định vào đầu tuần tới. Xin chưa đề cập đến các vị trí khác. Chỉ mong các bạn đừng quá thất vọng nếu ông Nguyễn Phú Trọng thì ở lại mà ông Nguyễn Tấn Dũng lại ra đi.
Ông Trọng đã làm mỏi mệt chúng ta bởi những tuyên bố rất lỗi thời. Nhưng, cũng như các tổng bí thư khác, người đứng đầu đảng cộng sản làm sao có thể tuyên bố từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho dù trong số các tổng bí thư gần đây ông là người thuộc lòng cái "lý luận" ấy nhất, lẽ ra, ông chỉ nên nói điều đấy trước các đồng chí của ông trong Đảng.
Ông Trọng, rất tiếc đã "buông lá cờ cải cách". Ở Đại hội XI, khi đa số biểu quyết bỏ "Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu" (đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội viết trong Cương lĩnh 1991), ông ở phái thiểu số, hứa sẽ "phục tùng đa số". Nhưng ông vẫn đưa "quốc doanh chủ đạo" vào Hiến pháp và không đa sở hữu hóa đất đai.
Nhưng khác với những gì dân mạng mắng mỏ, ông Trọng đã rất khôn ngoan trong đối ngoại (trừ phát biểu ở Cuba mà có lẽ ông tưởng là ở nhà - và, ông sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu sau những thành tựu rất đáng ghi nhận, bao gồm cả việc loại bỏ [nếu thành công] một nhà độc tài, tham nhũng, ông nên vui thú điền viên, tiếp tục sống cuộc đời thanh bạch).
Khi tôi hỏi về các chuyến thăm Hà Nội - Bắc Kinh và ngược lại, Đại sứ của một nước EU nói: "Việt Nam hiểu Trung Quốc". Còn các nhà ngoại giao phương Tây mà tôi tiếp xúc đều cho rằng, không có phe thân Mỹ hay thân Tàu trong các nhà lãnh đạo Việt Nam, họ tin là chính sách ngoại giao sẽ vẫn như thế bất luận ai lên, ai xuống.
Tôi phải nói với các bạn "thích Mỹ" rằng, nếu giờ đây Hà Nội đối đầu với Bắc Kinh, "nhất biên đảo" với Washington, Obama sẽ cuống lên ngay vì... khó xử.
Khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào biển Đông. Ông Trọng cho nhóm họp BCT ngay và đưa ra những kết luận và nguyên tắc ứng xử rất rõ ràng. Sinh thời, ông Võ Văn Kiệt vài lần gặp tổng bí thư Nông Đức Mạnh yêu cầu BCT đưa ra bộ nguyên tắc này nhưng ông Mạnh đã không làm.
Giàn khoan 981 đã xuất hiện ở biển Đông như một đường banh chạy qua khung thành đối phương khi "cầu thủ" Nguyễn Tấn Dũng đang đứng ở vị trí dễ dàng nhất để "sút". Chính trị là một vai diễn. Trong sân khấu đơn điệu này, Nguyễn Tấn Dũng không có đối thủ.
Ba tuần sau đó, Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm Philippine và ông đã rất xuất sắc khi đưa ra khái niệm "không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng lấy tình hữu nghị viển vông".
Tuy thoát hiểm sau vụ Vinashin, Nguyễn Tấn Dũng đã bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với uy tín xuống chưa từng có. Kể từ sau kiểm điểm Hội nghị Trung ương 4 và đặc biệt là sau khi thoát án kỷ luật, ông đã bám rất chặt vào "lá bài chủ quyền".
Nhưng, những người quan sát trực tiếp biết rõ, khi rời những tờ giấy viết sẵn, Nguyễn Tấn Dũng ngay lập tức trở lại với trình độ của mình.
Tại diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri-La 31-5-2013), trong bài phát biểu nói về "niềm tin chiến lược", Nguyễn Tấn Dũng có đề cập mơ hồ tới những hành động áp đặt trên biển Đông mang tính cường quyền. Trong phần đặt câu hỏi, một nữ quân nhân Trung Quốc đề nghị ông chỉ ra những hành động "cường quyền" đó đến từ đâu, Thủ tướng Dũng đã đực ra không tìm được một từ đáp trả.
Cũng tại Shangri-La, khi được một học giả Philippine đặt câu hỏi, Việt Nam có cùng Philippine kiện Trung Quốc ra tòa không, ông Dũng cũng chỉ trả lời ấp úng. Một nhà báo Việt Nam hoạt động nhiều năm trong khối ASEAN nói: "Trong các cuộc tiếp xúc thượng đỉnh, là người Việt Nam, tôi rất xấu hổ khi trong giờ giải lao trong khi thủ tướng Lào, Thái, CPC... tả xung hữu đột, Thủ tướng Việt Nam chẳng biết bắt chuyện với ai dù có phiên dịch ngay bên cạnh".
Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu có thể xây dựng lực lượng, thâu tóm quyền lực từ khi làm thứ trưởng Bộ Nội Vụ (1994 - Công An hiện nay) và đặc biệt, đã từng làm ủy viên thường vụ BCT trước cả Nông Đức Mạnh và Phan Văn Khải (7-1996).
Trong tất cả các đời thủ tướng của chính thể cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, Nguyễn Tấn Dũng là người có nhiều quyền lực nhất. Nhưng rất tiếc là ông đã không tận tâm sử dụng quyền lực đó cho quyền lợi quốc gia.
Khi ngành Dầu khí bổ nhiệm con trai làm Phó tổng giám đốc OSC, ông Võ Văn Kiệt đã cho thu hồi ngay quyết định. Khi chuẩn bị làm thủ tướng ông Phan Văn Khải cũng yêu cầu con trai rời khỏi các công ty tư nhân. Tôi không dám khẳng định có ai trong sạch trong thể chế này. Nhưng "người quân tử đi qua ruộng dưa không buộc dây giày". Khi đương chức, những người tiền nhiệm của ông Dũng đã đều có ý thức giữ gìn rất rõ.
Thời gian vẫn còn để ông Dũng lật ngược thế cờ. Nhiều người lấy tỉ lệ phiếu Trung ương ở lần xét kỷ luật ông hay ở lần gạch tên ông Nguyễn Bá Thanh để phán đoán. Điều này hoàn toàn vẫn có thể xảy ra trong tuần sau. Nhưng phiếu của Trung ương hiện nay rất khác với hai lần trước.
Việc các ủy viên TƯ không bầu cho ông Nguyễn Bá Thanh - như tôi đã viết - là do ông khi chưa ấm chỗ ở Ba Đình đã dọa bắt với hốt. Các ủy viên TƯ cũng không kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng vì mức kỷ luật mà BCT đưa ra chỉ là "khiển trách", có nghĩa, dù bị kỷ luật, theo Điều lệ, ông Dũng vẫn tại vị và tái cử. Không ai dám làm nhục một kẻ vẫn ngồi trên đầu họ, đang nắm kho thóc và đại đao.
Ông Dũng có rất nhiều người bỏ phiếu cho ông trước đây vì đơn giản, trong số các nhân vật trong bộ Tứ, ông có quá nhiều gót chân A-sin. Người ta bỏ phiếu bầu cho ông như giữ một con tin. Số phận của ông ở Trung ương 14 sẽ được quyết định ở chỗ họ còn tiếp tục nắm quyền lực thông qua con tin hay tự tay làm lấy.
Khả năng cuối cùng là một "đảo chính cung đình" diễn ra trong đại hội.
Nhiều người hy vọng Nguyễn Tấn Dũng ngồi lại để "làm sụp cái thể chế này". Tôi nhìn thấy một khả năng đen tối hơn đó là sự chiếm đoạt thể chế cho một kế hoạch lâu dài mang tính cha truyền con nối.
Tôi mong những dự đoán bi quan này của tôi là sai.
Tất nhiên, cho dù chúng ta "dồn phiếu ảo" cho ai. Chúng ta không có bất cứ một vai trò nào cả. Và, tất nhiên, cho dù, chúng ta bị đặt ra ngoài cuộc chơi, trước mắt, số phận của đất nước này vẫn nằm trong tay người thắng cuộc trong cuộc chơi của họ.
"Hào kiệt thời nào cũng có" nhưng hào kiệt làm sao có thể xuất hiện trong một môi trường chính trị không minh bạch. Cho nên, nếu chúng ta muốn tìm hào kiệt, chúng ta phải góp tay xây dựng dân chủ. Trên con đường đi tới dân chủ đó, thay vì sợ hãi, thỏa hiệp với những tên bạo chúa, độc tài, chúng ta phải góp phần để loại bỏ độc tài, bạo chúa.
Đừng vì quá mỏi mệt với giáo điều, trì trệ mà tung hô một nhà độc tài vì nghĩ ông ta dám phá bỏ những gì đang làm chúng ta mỏi mệt.
Không nên rủi ro một quốc gia bằng cách đặt cược sinh mệnh của quốc gia đó vào tay một cá nhân vì nghĩ ông ta là một nhà độc tài anh minh. Bởi, nếu ông ta không anh minh chúng ta sẽ tốn nhiều máu xương hơn để đòi lại.
"Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối" (Lord Acton). Dân chủ chỉ là cách phân chia quyền lực để hạn chế sự tha hóa của những kẻ cầm quyền. Dân chủ không phải là sản phẩm độc quyền của phương Tây dù nó bắt đầu ở phương Tây.
Cũng như internet - không phải được phát minh ở phương Đông nhưng vẫn rất được chúng ta hoan nghênh và đang làm thay đổi xã hội phương Đông.
Mưu cầu dân chủ không chỉ là công việc của những nhà đấu tranh, những người anh hùng, mà còn là của chúng ta, bằng chính những nỗ lực hàng ngày: tẩy chay cái ác, cái xấu; đồng cảm, lên tiếng khi có thể để bảo vệ những người lương thiện.
Dân chủ không phải là thứ được ban phát bởi những tên bạo chúa đã vơ vét cho đến khi thừa mứa. Dân chủ đòi hỏi chúng ta, trước hết, phải bước ra khỏi sự sợ hãi; dũng cảm nhưng không nên liều lĩnh, vội vàng.
Huy Đức

22 comments:

  1. Ha-Duong Tuong: "Và, tất nhiên, cho dù, chúng ta bị đặt ra ngoài cuộc chơi, số phận của đất nước này vẫn nằm trong tay người thắng cuộc trong cuộc chơi của họ.". Nếu thêm hai chữ "trước mắt" vào sau "đất nước này" thì câu văn dẫn sang phần sau mạch lạc hơn.
    Và nhất là, chính xác hơn, vì kẻ nào thắng cuộc hôm nay cũng chỉ là tạm thời (rất tạm thời là khác), còn đất nước thì mãi mãi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Truong Huy San: Em tiếp thu rồi ạ.

      Delete
    2. Ha-Duong Tuong: Bài viết có nhiều điểm khác đáng thảo luận hơn nhưng tôi không đủ thông tin nên chỉ góp một ý nhỏ thế thôi. Nói chung, tôi đồng quan điểm với anh.
      Nói cho đúng, phe nào lên thì nhân dân đều bại (đạo thơ ND tí !). Tôi dè dặt với NPT nhiều hơn là ý anh trong bài này. Nhưng ý chính (chúng ta chẳng có tiếng nói gì cả, và phải tiếp tục kiên trì đấu tranh cho dân chủ thôi) thì đồng ý. Nói thêm: đối với tôi, cuộc đấu tranh này không chỉ là chính trị, mà như cụ PCT nói, bao gồm khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

      Delete
    3. Truong Huy San: Khi em "đi ngược" hy vọng của nhiều người điều em nghĩ nhiều nhất là dân trí chứ không phải 3, 4 anh ạ.

      Delete
    4. Ha-Duong Tuong: Tôi cũng hiểu thế.

      Delete
  2. Lê Thanh Hoàng: Thực lòng mà nói, tôi không kỳ vọng vào bất kỳ một cá nhân nào trong BCT nói riêng, hay các ông bà UVTW...có thể thay đổi làm cho tương lai đất nước tươi sáng hơn được. Vì các ông, các bà ấy không bao giờ chịu từ bỏ chế độ cộng sản hiện tại (từ bỏ tức là chết) Mà tôi chỉ tin vào điều này: Chính sự tàn ác của chế độ ngày càng bộc lộ rỏ ai ai cũng nhận thấy được - Chắc chắn sẽ có một ngày họ sẽ phải trả giá - Ngày ấy tôi tin chắc sẽ đến! Và chính số đông nhân dân lao động, sinh viên, học sinh, sẽ thay đổi được cục diện của đất nước này...

    ReplyDelete
  3. Lê Văn Tuynh: Cảm ơn nhà báo vì bài viết thức tỉnh."Nhiều người hy vọng Nguyễn Tấn Dũng ngồi lại để "làm sụp cái thể chế này". Tôi nhìn thấy một khả năng đen tối hơn đó là sự chiếm đoạt thể chế cho một kế hoạch lâu dài mang tính cha truyền con nối." Quả thực hiện nay rất nhiều người đang muốn thay đổi ông chủ trên lưng con lừa vì chủ nghĩa dân tộc. Hầu như tất cả đều quên mất bài học: đánh Pháp giành độc lập để xây dựng nên thể chế này (tồi tệ hơn cả sự cai trị của Pháp)!

    ReplyDelete
  4. Nguyễn Thông: Thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân (tạm dịch: trau dồi, rèn giũa trăm lần nghìn lần, mỗi chữ mỗi lời viết ra đều làm người ta phải kinh sợ, nể phục).

    ReplyDelete
  5. Đặng Đình Ngọc: Để viết ra được bài với hơn 1.400 từ chắc bác phải cân nhắc mất hơn 1 tuần! Thế là bác làm cho em tan tành giấc mơ rồi! Hôm Cà phê ở Bát Đàn em mong đồng chí X sẽ thành sự. Nhưng sau 4 bài của bác - em thấy mình thật vô duyên! Hy vọng rằng niềm tin mới của em sẽ không bị thay đổi giống như lần này.
    Cảm ơn bác đã khai sáng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tao Vo Van: Bạn không thuộc dạng chủ quan, bất phục thiện

      Delete
    2. Đặng Đình Ngọc: Dạ, em cảm ơn bác đã bảo ban! Đối với em quan trọng nhất là lòng tin và điều đó giúp em dò được con đường đi cho mình! Mối quan tâm của em không ở cấp vĩ mô mà ở cấp cơ sở! Bất kỳ thể chế nào, việc gây dựng được cơ sở vững bền thì nó cũng quan trọng cả...Tất nhiên, từ những quan sát của các tiền bối như thế này, em sẽ tìm cho mình được cách làm tốt nhất ở cấp cơ sở để sao cho những người em quan tâm và phục vụ sẽ luốn có được những điều tốt nhất của một chế độ!

      Delete
  6. Nguyễn Chính: những bài viết của Huy Đức lúc nào cũng đầy tính thời sự , rất sâu sắc với hàm lượng thông tin dân chủ hiện đại

    ReplyDelete
  7. Võ Hoàng: (Không nên rủi ro một quốc gia bằng cách đặt cược sinh mệnh của quốc gia đó vào tay một cá nhân vì nghĩ ông ta là một nhà độc tài anh minh. Bởi, nếu ông ta không anh minh chúng ta sẽ tốn nhiều máu xương hơn để đòi lại.)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ha-Duong Tuong: Dùng "rủi ro" như một động từ quả là sáng tạo mà chỉ một nhà báo lão luyện mới dám :)

      Delete
  8. Anh Tuan Le: Nếu kg có một cuộc bầu cử tự do thì vn mãi kg bao giờ phát triển được

    ReplyDelete
  9. Nguyen Duc Dung: osin đi bênh ông Lú từ bao giờ ấy nhỉ? Tôi thì thấy ông ấy ngồi tiếp thì còn cản trở đất nước là hơn ông TT kia. Dân đã quá chán cái bộ tứ đó rồi. Chẳng ai xứng đáng để người ta tin

    ReplyDelete
  10. Dang Quang Hai: Wow, bài quá chất. "Chúng ta có dồn phiếu ảo" Nge thật đắng lòng. Bầu lãnh đạo đất nước mà đa số người dân không được tham gia. Ừ thì cứ cho là người của Đảng CS mới được ứng cử đi thì ít ra các bác cũng phải cho dân bầu chứ. Ô ê. Phiếu ảo của em lại ngược với Bác Huy Đức vì em nghĩ cái gì tồn tại cũng có quá trình của nó, khi nó đi đến tận cùng thì sẽ biến hóa.

    ReplyDelete
  11. Mạc Anh Hào: Nhìn "thành quả" kinh tế tới mức nát như hiện nay thì rõ ràng chẳng có lý do gì tin tưởng ông Dũng và con cái ông ấy ở những nhiệm kỳ kế tiếp.
    Nhưng nhìn cách thể hiện thái độ với Trung Quốc qua lời nói của những kẻ như ông Trọng thì không thể không lo cho viễn cảnh của đất nước có như Hồng Kong, Tân Cương, Tây Tạng.
    Và cũng khó có thể nói tiến trình dân chủ sẽ dễ dàng hơn với 1 thể chế kiểu độc tài cá nhân (như ông Dũng) hay sẽ dễ dàng hơn với 1 thể chế kiểu độc tài tập thể như Việt Nam vài chục năm qua. Bài học Miến Điện vẫn còn đó

    ReplyDelete
  12. Hanh Bui: Thích nhất câu " chúng ta không có bất cứ một vai trò nào cả".

    ReplyDelete
  13. Ngọc Sơn Nguyễn: Tôi biết chắc rằng nếu không thay đổi hệ thống hành chính đã ngày một tồi tệ hơn trong 10 năm qua thì Đất nước xuống vực là điều không tránh khỏi và tôi luôn hi vọng có sự thay đổi. Sự thay đổi bắt đầu từ sự thay đổi người lãnh đạo. Thể chế chính trị hay ngọn cờ này nọ chỉ là thứ người ta trương lên một cách giả vờ. Chính những người lãnh đạo Đảng cũng biết "Đảng viên nhan nhản, cộng sản được mấy người?".

    ReplyDelete
  14. Lưu Trọng Văn: Ngọn cờ chống tham nhũng trong tay nhân dân là sức mạnh của dân chủ,nhưng nếu trong tay một thế lực cường quyền khác thì có thể là một con bài trong canh bạc xì phé.Vấn đề của đất nước hiện nay không phải ai sẽ là chủ cuộc chơi mà nếu nhân dân không đc là chủ cuộc chơi,là chủ đất nước thì tất cả sẽ đều bị tống vào sọt rác của lịch sử.

    ReplyDelete
  15. Khanh Hung: Giữa một rừng những thông tin hỗn tạp, đây là bài phân tích và nhận định chính trị sâu sắc, cẩn trọng và chính trực nhất!

    ReplyDelete