Tuesday, June 24, 2014

GS. Cao Xuân Hạo: Mạnh hơn bão táp (1)

    Tôi đã đôi lần nói về chú Hạo, nghĩ về chú, tôi vẫn cho rằng chú là một 'nhân tài' của VN trong lĩnh vực ngôn ngữ. Chúng ta đang sử dụng công cụ này để giao tiếp, học tập, viết lách, dịch sách... nhưng mấy ai hiểu sâu và thấy hết được những 'mắc mớ' của Tiếng Việt và những gì mà các nhà ngôn ngữ học vẫn còn phải "nặng lòng" không biết nên cười hay phải khóc vì lẽ "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Câu này hồi trước chúng ta nói ra để 'cười' với nhau về sự rắc rối của tiếng Việt, nhưng nó thật sự là một vấn đề nan giải vô cùng và còn làm đau lòng những ai thật sự yêu mến tiếng mẹ đẻ của chúng ta nữa.
    Sau đây tôi xin trích đăng bài viết của chú Hạo với tựa đề "Mạnh hơn bão táp", đăng trên Kiến thức ngày nay No.341 (01.02.2000).

 Về cách dạy tiếng Việt ở nhà trường
Từ năm 1953, khi tôi rời đoàn văn công để đi học lại, cho đến nay, khi đã trở thành một "nhà" ngôn ngữ học già, tôi chưa bao giờ khắc phục nổi tâm lý tự ty và ganh tị đối với các nhà khoa học chân chính - những người giảng dạy và nghiên cứu các môn khoa học chính xác: toán học, vật lý học, hóa học, sinh học. Hồi mới vào trường dự bị đại học, trong tờ tự khai về lý do chọn ngành văn, thay cho những trang rực lửa mà các bạn đồng học của tôi viết về những ước mơ cao đẹp của một "kỹ sư tâm hồn" tương lai, tôi chỉ viết được mỗi một dòng: "Tại tôi quá dốt toán". Tôi đã được kiểm điểm nghiêm khắc về thái độ "miệt thị ngành nghề". Thật ra tôi chỉ viết quá thật.
     Cách đây không lâu, trong một buổi nói chuyện với các giáo sư toán lý, tôi thú thật niềm ganh tị của mình và nói thêm: "Ngành chúng tôi chỉ có được một điểm để tự hào: đó là nó đã đi vào vốn văn học truyền khẩu dân gian trước các anh. Câu "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" là một câu tục ngữ được truyền tụng từ mấy chục năm trước, và cho đến hôm nay chắc không còn một công dân Việt Nam nào không thuộc nó làu làu." Các giáo sư toán lý cười rộ. Đáng lẽ họ nên khóc mới phải.
     Một ông bạn cũ lâu năm gặp lại, nay là hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở, khi biết tôi đang dạy và viết về tiếng Việt, liền tái mặt đi và van xin tôi tha thiết: "Anh chớ viết thêm cái gì mới nữa đấy! Chỉ thay đổi xoành xoạch như mấy năm nay giáo viên dạy tiếng Việt trường tôi cũng đã đi Biên Hòa mất hai người rồi!" Và tôi cũng đã được nghe chính người thầy cũ của tôi (một Nhà giáo Nhân dân) phát biểu trong một cuộc hội nghị do Bộ tổ chức là nên bỏ hẳn môn tiếng Việt ở trường phổ thông "để dành thì giờ học những môn có ích hơn hay ít ra cũng không có hại bằng".
     Dĩ nhiên khi nghe những lời như thế tôi và các bạn đồng nghiệp không khỏi thấy đau lòng, thấy danh dự của mình bị xúc phạm sâu xa, và ví thử vị giáo sư nói trên không phải là thầy tôi, thì tôi đã không ngăn được một cử chỉ phản ứng hỗn xược. Nhưng chỉ một giây sau, tôi cũng như ai có chút lương tri, phải tự nhủ rằng câu nói phũ phàng ấy hoàn toàn có đủ căn cứ.
     Sở dĩ việc dạy ngữ pháp tiếng Việt trong nhà trường của ta hoàn toàn thất bại là vì nội dung được đem ra dạy chính là ngữ pháp tiếng Pháp, được miêu tả theo một lối cổ lỗ, chứ không phải ngữ pháp tiếng Việt, tuy dùng toàn thí dụ tiếng Việt. Chỉ nhờ một sự trùng hợp tình cờ mà tiếng Việt có những kiểu câu có thể phân tích theo ngữ pháp tiếng Pháp (của nhà trường Pháp trước đại chiến - chủ ngữ, động từ, tân ngữ v.v.), nhưng tiếc thay, những kiểu câu "Pháp-Việt đề huề" như thế chỉ chiếm khoảng 20% trong số kiểu câu của tiếng Việt, còn các kiểu câu không hoàn toàn giống tiếng Pháp thì một là khi phân tích người ta tìm cách đảo lại cho giống tiếng Pháp (như đảo câu Tôi tên là Nam thành Tên (của) tôi là Nam; hai là cắt bớt cái phần không giống tiếng Pháp đi (bỏ chữ Tôi trong câu trên ra ngoài "nòng cốt cú pháp"); ba là không phân tích những kiểu câu ấy, coi đó là "câu đặc biệt", trong khi ít nhất có 70% kiểu câu như thế trong vốn văn học dân gian, trong văn học cổ điển và hiện đại, cũng như trong tiếng nói hàng ngày mà ta vẫn nghe thường xuyên.
     Có một điều lạ là phần đông các tác giả ngày nay đang viết sách không biết tiếng Pháp, hay biết rất ít, cho nên không thể nói rằng họ "chịu ảnh hưởng tiếng Pháp quá nhiều". Nhưng việc mô phỏng ngữ pháp tiếng Pháp đã từ lâu trở thành một truyền thống, nhờ uy tín của những bậc tiền bối chỉ biết một thứ ngữ pháp cho nên yên trí rằng đó là ngữ pháp mẫu mực của toàn nhân loại, hay ít ra cũng là thứ ngữ pháp"văn minh nhất". Từ đó, mọi người, chính vì lòng tự tôn dân tộc, ra sức gò bằng được ngữ pháp tiếng mẹ đẻ vào cho đúng với cái khuôn của ngữ pháp tiếng Pháp, để nêu rõ rằng tiếng Việt không thua kém gì ai.
  (xem tiếp ở đây)
 

No comments:

Post a Comment