Tuesday, June 24, 2014

GS. Cao Xuân Hạo: Mạnh hơn bão táp (3)

(tiếp theo và hết)

Pháo đài cuối cùng
Nền ngôn ngữ học của thế giới sở dĩ tiến bộ được như ngày nay chính là nhờ trải qua một quá trình lâu dài và gian khổ khắc phục cách nhìn chủ quan của người nói tiếng châu Âu đối với các thứ tiếng "xa lạ", bằng cách nghiên cứu kỹ hàng trăm ngôn ngữ "xa lạ" như thế. Đến 1/4 cuối của thế kỷ, công việc ấy đã đưa đến những kết quả cho phép ta nói rằng quá trình khắc phục ấy đã gần xóa bỏ được những sự ngộ nhận về cơ bản của ngôn ngữ học phương Tây. Sở dĩ cái quá trình này lâu dài và gian khổ, chủ yếu vì người Âu trước đây rất khó thấy mình chủ quan ở chỗ nào, vì không ai có thể thoát ly cái vũ trụ khép kín của tiếng mẹ đẻ. Trong ngôn ngữ nào cũng có những nét đặc thù mà người ngoại quốc thấy là rất kỳ quặc nhưng người bản ngữ lại cho là tất nhiên và tin chắc là thứ tiếng nào cũng phải như thế. Các nhà ngữ học phương Tây chưa phân tích được nền ngôn ngữ học do họ xây dựng nên một cách đủ hiển ngôn để phân biệt cái gì là phổ quát trong ngôn ngữ của toàn nhân loại với cái gì là đặc trưng của các thứ tiếng châu Âu.
     Sau khi học ngôn ngữ học từ các giáo sư và tác giả người Âu (đó là cách duy nhất để học lý thuyết ngữ học), lẽ ra các nhà ngôn ngữ học Việt Nam có thể góp phần vào cái quá trình khắc phục những định kiến "dĩ Âu vi trung" bằng cách nêu lên những chỗ mà ngữ học châu Âu không có hiệu lực khi đem ứng dụng vào tiếng Việt, hay ít nhất cũng theo dõi cái quá trình khắc phục ấy và lần lượt tiếp thu những kết quả của nó để hiểu tiếng mẹ đẻ đúng hơn và sửa đổi cách dạy tiếng cho có hiệu quả hơn. Tiếc thay, ngày nay Việt Nam đang là cái pháo đài cuối cùng và cực kỳ kiên cố của chủ nghĩa "dĩ Âu vi trung" cực đoan trong ngôn ngữ học. Giá như nó không tác hại đến như vậy đối với hàng chục thế hệ thì cũng chẳng nói làm gì, để đến nỗi kinh động đến giấc ngủ đang yên lành của các tác giả sách giáo khoa và các vị hữu trách ở Bộ giáo dục, và chuốc lấy cái tiếng xấu là "ném bùn vào mặt mọi người" như một bạn đồng nghiệp đã từng mắng tôi.
     Tôi không ném bùn vào ai hết. Tôi chỉ nói lên những sự thật thuần túy mà đã mười mấy năm nay chưa từng có lấy một người nào dám nói hay viết dù chỉ một câu để bác bỏ. Nếu có gì đáng cho tôi tự trách mình, thì đó là nói chưa đủ mạnh để thức tỉnh những bạn đồng nghiệp đang ngủ quá yên giấc.
     Và tôi tuyệt nhiên không phải là người đầu tiên. Cách đây bốn mươi năm đã có một bậc đàn anh của ngành Việt ngữ học, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, đem từ Liên Xô về một báu vật vô giá: lý thuyết âm tiết-hình vị (slogomorphema) của một trong những nền ngôn ngữ học ưu tú nhất của nhân loại, lý thuyết duy nhất có thể giải đáp được những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt (và nhiều ngôn ngữ phương Đông khác) đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại, và từ đó vạch ra một con đường đúng đắn để khắc phục chủ nghĩa "dĩ Âu vi trung". Nhưng tiếc thay, hồi ấy không mấy ai hiểu ông. Ngược lại, người ta cố ý nhìn sang hướng khác, cố sao viết cho khác ông, để tỏ ra mình không đi theo ông, không phải là môn đệ của ông - nghĩa là không thua kém ông. Cái không khí không lành mạnh ấy vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Bây giờ thì trong đội ngũ ngôn ngữ học của chúng tôi cứ mỗi người là một học phái, không ai chịu nghe ai, không ai tranh luận với ai, vì sợ "động chạm" đến người khác và do đó người khác sẽ "động chạm" đến mình. Mỗi người đều thấy mình là duy nhất đúng, và đã nắm được chân lý tuyệt đối, cho nên không cần đọc ai nữa, không cần học hành gì nữa. Có chăng cũng chỉ để chạy theo những trào lưu thời thượng như "ngữ dụng học" hay "lý thuyết hội thoại". Và do đó mà chỉ làm thành một thứ hiểm họa có nguy cơ gieo rắc sự ngộ nhận vào tâm trí mọi người. Trong khi đó tiếng kêu cứu tuyệt vọng của hai ngành cơ bản là ngữ pháp và ngữ nghĩa không được quan tâm chút nào, vì lãnh vực này bị coi là "cũ kỹ" và "không hợp thời". Viết về "ngữ dụng" vừa khỏi phải học ngữ pháp, vừa dễ nổi hơn, lại vừa ra vẻ tân tiến hơn. Cho nên cái trận "phong ba bão táp" kia vẫn mặc sức hoành hành, và mấy mươi tiết "tiếng Việt thực hành" ở đại học kia vẫn tỏ ra vô hiệu. Làm sao nó có thể hữu hiệu được một khi nó chỉ được lặp lại hay minh họa thứ ngữ pháp đã thoát ly tiếng Việt xa đến như vậy?

2 comments:

  1. Đề mục của phần cuối là do tôi tự đặt.

    ReplyDelete
  2. TÓm lại: Con người, nếu lạc hậu, cũng chỉ nói cái thứ ngôn ngữ lạc hậu mà thôi.

    ReplyDelete