Tuesday, June 24, 2014

GS. Cao Xuân Hạo: Mạnh hơn bão táp (2)

(tiếp theo)
Trong khi đó, trong 12 bộ sách tiếng Việt dạy cho các lớp phổ thông khó lòng tìm ra được lấy một chục câu nêu rõ các quy tắc ngữ pháp (tiếng Việt) mà học sinh phải vận dụng thành thạo để viết cho đúng, nếu không kể vài ba trường hợp may mắn mà ngữ pháp tiếng Việt giống như ngữ pháp tiếng Pháp (chẳng hạn như trong câu Em đi học, phải nói Em trước, rồi mới đến đi, rồi mới đến học). Còn hàng trăm quy tắc khác, cũng cơ bản và cần thiết không kém, thì chẳng có sách nào nói lấy một câu. Cũng may mà 12 năm học "tiếng Việt" vẫn không đủ để tiêu diệt hết cái cảm thức về tiếng mẹ đẻ mà mỗi học sinh nhờ sống trong lòng nhân dân, vẫn còn giữ nguyên, cho nên vẫn nói đúng trong những đều kiện sinh hoạt tự nhiên tuy có thể viết sai rất nhiều, vì khi viết và nhất là khi dịch từ tiếng châu Âu, người ta lâm vào những điều kiện khác hẳn, thành thử cái cảm thức kia không còn chi phối hành vi ngôn ngữ nữa, và nhiều khi người ta viết ra những câu mà thường ngày người ta không bao giờ nói và nghe người Việt nói, và nếu có nghe ai nói như thế thì người ta phải bật cười. Lẽ ra một người làm ngôn ngữ học hay làm phiên dịch chuyên nghiệp phải luôn luôn nhớ rõ hàng ngày mình và đồng bào mình nói năng như thế nào.
     Đến những năm 50 còn có thêm một nhân tố nữa làm hỏng hẳn cách suy nghĩ và viết lách của các nhà Việt ngữ học. Đó là cái nguyên tắc lấy "khả năng kết hợp", được hiểu một cách thô sơ thành sự phân biệt giữa "độc lập" và "hạn chế", làm "tiêu chuẩn khách quan" để phân biệt đủ thứ (từ hay không phải từ, có nghĩa hay không có nghĩa, thuộc loại từ này hay loại từ khác, v.v). Nguyên tắc này vốn do phái Miêu tả của Mỹ đưa ra trong thập kỷ 30 và chỉ sau đó mấy năm đã bỏ hẳn, vì khi  thực sự dùng vào việc phân tích, nó dẫn đến những kết luận cưc kỳ phi lý. Thế nhưng nó đã được các nhà Việt ngữ học đi theo Lê Văn Lý dùng làm nguyên lý chủ đạo trong mọi lĩnh vực, kể cả  những tác giả đã không tiếc lời mạt sát nền ngôn ngữ học Mỹ. Sở dĩ như thế là vì cái "tiêu chuẩn" này miễn được cho nhà ngữ học nhiều công việc rất khó chịu như việc quan sát tỉ mỉ lời ăn tiếng nói của người Việt và suy nghĩ kỹ càng về ý nghĩa của từ ngữ và câu cú Việt Nam. Vì phương pháp miêu tả Mỹ của những năm 30 vốn nhằm làm sao cho người nghiên cứu không cần hiểu người bản xứ nói gì, diễn đạt ý nghĩa gì cũng cứ viết sách ngữ pháp được. May thay, họ từ bỏ cái tham vọng đó ngay từ đầu. Nhưng ở ta thì không phải ai cũng chịu từ bỏ một phương pháp tài tình cho phép nhà khoa học được hoàn toàn miễn lao động trí óc. Sức cám dỗ của nó quá lớn, nhất là trong hoàn cảnh của ta.
     Rốt cuộc, ngoài việc phân biệt "độc lập/hạn chế" ra, người viết sách ngữ pháp Việt Nam không còn biết đến một nguyên tắc làm việc nào khác (nếu không kể cái định kiến cho rằng tiếng Pháp <hay tiếng Nga, tiếng Anh> thế nào thì tiếng Việt "dĩ nhiên" phải thế ấy). kết quả là sách ngữ pháp tiếng Việt hoàn toàn thoát ly tiếng Việt, và nếu bỏ các thí dụ bằng tiếng Việt đi thì ta sẽ có một chân dung tiêu biểu của một thứ ngôn ngữ Ấn-Âu điển hình, trừ một số đặc trưng hình thái học (như "chia động từ", "biến cách" v.v, mà không phải ngôn ngữ Ấn-Âu nào cũng còn giữ). Sách ngữ pháp của ta là do những bộ óc siêu quần chợt "ngộ" ra trong những khoảnh khắc lóe sáng của thiên tài, chứ không phải là kết quả của những năm lao động miệt mài nghiên cứu lời ăn tiếng nói của dân tộc. Không có lấy một nhận định nào được nêu rõ căn cứ, không có lấy một khái niệm, một thuật ngữ nào được định nghĩa một cách nghiêm túc, nghĩa là đủ minh xác để cho học sinh và giáo viên có thể tự mình biết là cái khái niệm, cái thuật ngữ ấy ứng vào những từ ngữ nào, thành thử ít có giáo viên nào dám tự mình đưa thêm một vài thí dụ ngoài các thí dụ trong sách. Những cách định nghĩa như "Chủ ngữ là ngữ làm chủ" không cho ai biết thêm được chút gì để tự mình tìm ra một thí dụ về chủ ngữ, càng không giúp ai sử dụng khái niệm này để hiểu thêm tiếng Việt.
     Cái lợi duy nhất của cách soạn ngữ pháp ấy là các tác giả tha hồ thay đổi giáo trình tùy theo cảm hứng, cứ một vài năm lại "cải cách" một lần bằng cách đưa ra một nhận định ngược lại với nhận định năm trước mà không cần phải chứng minh gì cả (vì cái nhận định năm trước cũng có hề được chứng minh gì đâu?). Dù năm trước có nói con mèo là hai từ, thì năm sau cứ việc nói con mèo là một từ nếu nảy ra cái ý thích nói như thế: cần gì biết giáo viên ăn nói ra sao với học sinh, học sinh ăn nói ra sao với cha mẹ? Khổ thân nhất là những học sinh có cha mẹ hay chú bác có chút văn hóa đủ để biết thế nào là một quy tắc, một khái niệm, một thuật ngữ khoa học, và thế nào là một câu tiếng Việt tử tế.
 (xem tiếp ở đây)

3 comments:

  1. Tôi có chút bà con với Cao Xuân Hạo, vì thế không có lý do gì để không có cảm tình. Nhất là chú lại là người tài hoa, sống có bản lĩnh. Nhưng về chuyên môn, với tư cách là một người chuyên xử lý tiếng Việt, tôi không đồng ý với quan điểm của chú Hạo.
    Theo tôi, quan điểm của Cao Xuân Hạo chống lại "dĩ Âu vi Trung", mặc dù có một số nhà ngôn ngữ học Việt Nam tán đồng, nhưng có một số điểm flaw. Phải thừa nhận là khoa học hiện đại, kể cả khoa học xã hội là sản phẩm của châu Âu, hội nhập, học và làm theo họ không có gì xấu. Vốn ngôn ngữ Việt Nam không có dấu trong câu, thậm chí ký âm tiếng Việt cũng học từ phương Tây. Ngữ pháp Việt Nam chưa có, chưa phát triển hay có rồi mà chúng ta vì "dĩ Âu vi trung" mà bỏ quên. Tôi nhớ lại có một lần thầy Fuggedi István nói "Ngữ pháp như một cây gậy dẫn đường cho người học tiếng.Tiếng Việt khó vì không có ngữ pháp." Thừa nhận tiếng Việt "phong ba bão táp" chính là thừa nhận chưa có ngữ pháp, chưa đúc kết được các quy luật của ngôn ngữ. Chưa có thì phải xây dựng, tự xây dựng, phát minh lại bánh xe, hay dựa vào khoa học? Thêm nữa phản đối dùng ngữ pháp Tây phương tức là cho ngôn ngữ là một cái gì bất biến không thể thay đổi. Ngôn ngữ Nga thay đổi đột biến sau các công trình ngữ pháp và các tác phẩm của Puskin. Tiếng Việt cũng cần cải cách gấp, ăn nói lộn xộn, thì tư duy lộn xộn và nghèo khổ mãi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đây là quan điểm về một vấn đề 'sóng gió' của tiếng Việt. Bài này đăng cách nay đã tròn 14 năm. Tôi không biết cho đến nay, vấn đề này còn nhức nhối thế nào. Problem lại vẫn là thái độ như thế nào? nhận thức như thế nào? Nếu thấy tác hại thì phải sửa đổi. Không có "cây gậy dẫn đường" thì đui mù như chúng ta đi được tới đâu? Tôi rất muốn biết, sau 14 năm thì chúng ta có đi thêm được bước nào gọi là chuyển biến "tích cực" hay ko? Cải cách thật sự và đúng cách. Ở phần sau, chú Hạo có nói đến 1 lý thuyết quan trọng, ko biết ở VN người ta đánh giá nó như thế nào?

      Delete