Thursday, March 19, 2020

Coffee time: Dấu vết của lục địa Atlantide*?

Người ta biết đến Atlantide từ 2 tác phẩm Timée và Critias của Platon vào năm 355 TCN. Platon kể lại câu chuyện ông giáo sĩ già người Ai Cập đối đáp với Solon (640-558 TCN), nhà lập pháp thành Athène. Theo ông lão: 9.000 năm trước, thành cổ Athène xung đột với Atlantide, 1 quốc đảo rất cường thịnh do thần Poseidon sáng lập cho những đứa con Atlantes của mình. Người Atlantide mang thuyền bè từ Địa Trung Hải đến, đụng độ với quân đội Athène. Tp này thắng trận, nhưng 1 trận đại hồng thủy đã quét qua cả hai. Atlantide bị chìm dưới đáy biển, ngày nay vẫn còn mang tên Atlantic Ocean (Đại Tây Dương). Athène sống sót, nhưng chỉ còn là đống đổ nát. Platon quả quyết: "Lời nói có vẻ kỳ lạ, nhưng tuyệt đối là có thực".
-----------

Tại đảo Crète, thảm kịch xảy ra liên tục, lúc nào cũng giống nhau: những ngôi đền bị phá hủy, xây dựng lại, bị phá hủy, rồi lại tiếp tục xây dựng cho đến khi biến mất. Fernand Braudel ko giới hạn trong suy luận của mình về sống và chết của nền văn minh Minos (trên đảo Crète của Hy Lạp hiện nay, khoảng năm 2700-1450 TCN). Trong quyển Ký ức về Địa Trung Hải, xuất bản năm 1998 sau khi qua đời, ông nhấn mạnh vào sự bất đồng của các chuyên gia về thời điểm và nguyên nhân sụp đổ của nền văn minh rực rỡ mà dấu vết của ngôi đền Knossos trên đảo hiện nay còn là chứng cứ.

Ngôi đền Knossos và đống đổ nát của nó (Ảnh: Timofeev Vladimir/shutterstock)

Có người cho rằng nguyên nhân do thiên tai, kẻ khác lại bảo do nhân họa. Còn Braudel gần như chắc chắn: "Do núi lửa từ trên đảo Théra gần đó (nay là Santorini) gây ra. Sự bùng nổ của núi lửa ko chỉ làm thay đổi dòng lịch sử thiên niên kỷ 2 TCN, mà còn làm thay đổi cả cái nhìn lịch sử về nó nữa."

Đảo/núi lửa Santorini ngày nay (Ảnh: Strangesounds)

Ý tưởng này ko mới. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1939, dưới ngòi bút của nhà khảo cổ Hy Lạp Spyridon Marinatos trên tạp chí Antiquity, qua 1 bài báo gây xúc động. Vị giáo sư trẻ của ĐH Athène này cũng là người bản địa, giải thích sự biến mất của nền văn minh Minos vào khoảng giữa thiên niên kỷ 2 TCN bằng cuộc bùng nổ núi lửa trên hòn đảo Santorini cách đó hơn 200 km. Đó là 1 trận thiên tai lớn nhất mọi thời đại, dẫn tới sự sụp đổ của Đế chế Crète và trung tâm chính trị của nó là Knossos.

Bước đi của Spyridon Marinatos gần giống Heinrich Schliemann hay Arthur Evans. Trước khi đào bới và chứng minh bằng những chứng cứ xác thực, 2 nhà khảo cổ này đã phát triển giả thuyết ban đầu vốn bị các nhà khảo cổ học đã thành danh xem thường. Schliemann dựa vào 2 sử thi cổ đại IliadeOdyssée, muốn khôi phục sức sống của thế giới vàng son trong thời đại Homère. Còn Evans dựa vào dữ liệu ngôn ngữ, xác định sự hiện hữu của 1 nền văn minh tại Địa Trung Hải, ko phải Ai Cập, cũng chẳng phải Phénicie. Khai quật qua nghiên cứu khảo cổ đã chứng minh họ hoàn toàn đúng: 1 người tìm thấy thành Troie và Mycènes, người kia tìm thấy cung điện Knossos, tức nền văn minh Minos.

Một Pompei thời tiền sử

Hy Lạp cổ đại qua thời gian đã phát triển nhiều tỉnh mới. Lịch sử của nó ko phải bắt đầu với ngày khai mạc Thế vận hội đầu tiên vào năm 776 TCN, mà là đầu thiên niên kỷ 2 TCN, khi những ngôi đền Minos đầu tiên được xây dựng trên đảo Crète.

Spyridon Marinatos tỏ ra quyết tâm và kiên trì. Năm 1967, ông đã bắt đầu đào bới tại Akrotiri trên hòn đảo núi lửa Santorini và phát hiện ngay 1 Pompei thời tiền sử. Chôn vùi trong nham thạch là cả 1 tp bị lâm nạn vào khoảng 1.500 TCN do núi lửa phun trào. Nó nằm ngay ở cạnh sườn núi. Một con đường rộng từ dưới biển đi lên, 2 bên có những quảng trường nhỏ và nhà cửa. Nhà với sân thượng có 2-3 tầng, đi lên bằng cầu thang đá và gỗ. Để chống chọi với động đất, những căn nhà vách gỗ được gia cố bằng tường đá hay tô vữa. Mặt tiền của những căn nhà rộng, nằm kẹt bên dưới lớp tro nham thạch 6-7m. Tầng trệt được chiếu sáng bằng những cửa sổ mở ra đường, dùng làm xưởng và nhà kho, trùng khớp với những hình vẽ trên bình gốm khai quật được. Dù ko có đồ đạc, do người ta mang theo lúc chạy trốn, nhiều căn phòng khách ở tầng trên vẫn còn nguyên những bức tranh tường.

Tranh tường còn sót lại tại Akrotiri: The Fisherman'; fresco from Akrotiri on Santorini (Ảnh: ResearchGate)

Trong phạm vi khai quật rộng 10.000m2, người ta đã tìm thấy hàng chục ngôi nhà. Đó là khu giàu có của 1 tp trải rộng khoảng gấp 20 lần hơn thế. Chứng cứ cho thấy: người dân có đủ thời gian để bỏ chạy trước khi tai họa giáng xuống. Rất nhiều tranh tường và đồ gốm được tìm thấy.

Giống như Schliemann và Evans, Marinatos giữ độc quyền làm sống lại 1 trong những nền văn minh lớn của thiên niên kỷ 2 TCN chịu nhiều ảnh hưởng của Hy Lạp về xây dựng và nghệ thuật. Trước khi đào bới, ông cũng đưa ra 2 giả thuyết quan trọng. Thứ nhất, núi lửa Santorini đã làm cho nền văn minh Minos phải bị tiêu diệt. Thứ hai, Santorini chính là huyền thoại Atlantide của thời cổ!

Trước tiên, hãy xem giả thuyết thứ nhất. Các văn bản cổ vẫn ko đề cập đến tai họa này, phải chờ Marinatos tìm kiếm cách khác để xác nhận ước đoán của mình. Đó là so sánh với 1 vụ núi lửa phun khác tại Krakatoa thuộc Indonesia vào năm 1883. Trong suốt 3 tuần lễ, những dấu hiệu báo trước - động đất và phun khói - lặp lại nhiều lần. Rồi chính thức phun trào qua 2 đợt cực mạnh trong những ngày 20/5 và 28/8. Cột khói lửa cao mấy chục km, đám mây tro bốc cao, tỏa rộng trên trời, che lấp Mặt Trời khiến cho toàn vùng tối đen hơn 1 ngày.
Sau đó, đỉnh núi đổ sập xuống, 1 cơn sóng thần cao 30m ập vào bãi biển Java và Sumatra. Có gần 40.000 người chết. Thế mà khoảng lõm của Santorini (miệng núi lửa, hiện nay bị nước biển tràn ngập) lại lớn gấp 4 lần miệng núi lửa Krakatoa. Marinatos kết luận sự khủng khiếp của núi lửa Santorini còn gấp nhiều lần tai họa ở Indonesia. Nó cho phép tưởng tượng 1 đợt sóng thần cao ít nhất 200m xuất hiện, để phá tan thành trì và chiến thuyền của người Minos trên đảo Crète gần đó. Cho đến khi quân Mycénien (người Hy Lạp từ lục địa) đến tấn công thì họ đành phải bó tay.

Tuy nhiên, Marinatos nhanh chóng nhận ra nó ko trùng khớp với việc rời bỏ Akrotiri trên đảo Santorini và sự tàn phá các tp trên đảo Crète. Hiện vật tìm thấy trên đảo Santorini có niên đại 1.500 năm TCN, còn ở đảo Crète lại sau năm 1450 TCN. Để bảo vệ giả thuyết của mình, ông nói tiến trình diễn ra trong 2 giai đoạn: trước tiên, động đất tàn phá Santorini, rồi sau đó Crète mới bị sóng thần tàn phá do núi lửa phun. Trong khoảng giữa đó, tp Akrotiri được tái chiếm mà ông có 1 số chứng cứ ở đó. Nhưng ông cũng gặp phải nhiều chỉ trích, hầu hết đều cho rằng giả thuyết của ông là bất ổn.

Sự hiện diện của đá ong tại Crète trong thời gian trước khi các ngôi đền sụp đổ chứng tỏ núi lửa phát nổ trước khi thế giới Minos diệt vong. Các đền đài tại Akrotiri ko bị phá hủy vì động đất. Rơi xuống đầu dân chúng như bom, những tảng đá dường như khoét sâu xuống đất và lấp đầy những chỗ bị nóng chảy. Giả thuyết của Marinatos bị nhiều nhà khảo cổ nghi ngờ bởi khi nham thạch phun trào, chỉ kéo theo động đất cường độ nhỏ. Giống như khói và các loại khí, chúng cảnh báo dân chúng Akrotiri để họ có đủ thời gian mang theo tài sản trước khi rời bỏ những căn nhà. Trong đống đổ nát ko có xác người và đồ vật quý giá là bằng chứng. Theo xác định niên đại bằng carbon 14, núi lửa phun trong khoảng năm 1700-1520 TCN. Ngày nay, người ta thống nhất thời gian là 1628-1626 TCN dựa theo kỹ thuật khảo sát lõi cây cổ thụ (dendrochronologie).

Mặt khác, sóng thần từ Santorini có thể gây ra thiệt hại bờ biển phía Bắc đảo Crète, nhưng vì những chướng ngại vật như núi non, đã ko tàn phá đến phía Nam. Dù sao, hiện tượng cũng ko đủ kinh hoàng như Marinatos mong muốn. Sóng thần chỉ cao chừng vài mét.

Sau cùng, quan sát các lớp núi lửa cho thấy thời gian sập đỉnh phải kéo dài nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Năng lượng phát ra từ từ và ko bất ngờ như với Krakatoa. Dù núi lửa Santorini bùng nổ vào giữa thiên niên kỷ 2 TCN là dữ dội, nhưng ko gây nên sức tàn phá quá xa, con người vẫn có thể quay lại để sống 2 thế kỷ sau đó.

Đáy biển trong vịnh Naples chôn vùi những tàn tích cổ đại

Phần kết 

Hỗ trợ cho giả thuyết của mình, Marinatos đã khai thác từ nguồn của Platon: văn bản về Atlantide và sự biến mất của nó. Từ năm 1950, Marinatos xem nền văn minh tiền sử tại Crète chính là lục địa Atlantide mà Platon đã mô tả.

Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng: ý nghĩa ẩn dụ trong các huyền thoại và tài liệu cổ chỉ nhằm để giáo dục và nêu gương. Pierre Vidal-Naquet đọc lại những văn bản của Platon trong tinh thần này. Ông cho rằng: "Atlantide là một phản diện, ảo ảnh, của Athène. Bằng sự mỉa mai theo phong cách của Socrate, Platon muốn nói câu chuyện ảo của mình bằng cách diễn tả y như thật. Hãy quên đi những kẻ ngây thơ muốn tìm kiếm trong CritiasTimée những sự thật lịch sử hay trên địa hình đích xác".

Tuy nhiên, về sự tàn phá của núi lửa từ năng lượng bùng nổ tại Santorini liệu có đủ tàn phá cả vùng biển Égée? Một số nhà nghiên cứu nói đến sóng thần, số khác nói đến sóng chấn động tàn phá bờ biển phía Bắc đảo Crète. Còn ngày nay, người ta nói đến ảnh hưởng từ môi trường thiên nhiên. Khí độc và mây tro chắc chắn gây ô nhiễm nặng. Cũng có thể do khan hiếm nước uống, mùa màng thất thu, gây hậu quả nghiêm trong cho nền kinh tế. Mua bán với phương Đông bị rối loạn cũng có thể dẫn đến loạn lạc và những thay đổi chính trị sau đó.

Tóm lại, ko phủ nhận hậu quả gián tiếp lâu dài, ngày nay ko ai còn tin có mối liên hệ giữa núi lửa Santorini phun trào và sự sụp đổ của nền văn minh Monos trên đảo Crète. Đúng là các hiện tượng thiên nhiên ko bao giờ dừng lại. Chắc chắn, những trận động đất vào khoảng năm 1700 TCN đã làm sập những ngôi đền đầu tiên tại Crète, nhưng chúng đã được xây dựng lại, to lớn hơn. Sau đó, những ngôi đền này lại biến mất vào khoảng năm 1450 TCN, rất lâu sau khi tai họa giáng xuống Akrotiri, cũng do động đất, nhưng ko phải núi lửa.

Đảo Santorini vào thời tiền sử đúng là 1 trong những xh rực rỡ nhất vào thiên niên kỷ 2 TCN. Cái nhìn xuyên thấu lịch sử của Marinatos cho phép công nhận nó và định hướng nghiên cứu.

Hãy quên đi nỗi ám ảnh mơ hồ về lục địa Atlantide để tìm hiểu về cuộc sống của cư dân trên đảo Crète thuộc quần đảo Cyclades. Vào khoảng năm 1450 TCN, người Hy Lạp từ lục địa, tức Mycénien đã tiến đánh và chiếm đảo Crète trong tay người Minos bằng vũ lực, ko cần biết đến núi lửa Santorini đã phun trào trước đó 50 năm, và họ đã gây nên thảm họa cho Akrotiri, ko kém gì núi lửa.

Atlantide qua mô tả của Platon

*: tiếng Anh là Atlantis

Đinh Công Thành (KTNN No.1066)

No comments:

Post a Comment