Monday, March 16, 2020

Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc (2)

(tiếp theo và hết)

Cải cách năm 1906
Toàn quyền Đông Dương Paul Beau là người đề xướng việc cải tổ và cho thành lập Hội đồng Cải cách Học vụ (Conseil de Perfectionnement de l'enseignement indigène) ngày 14 tháng 11 năm 1905 cùng lập Nha Giám đốc Học chính (Direction de l'Enseignement) dưới sự điều hành của Henri Gourdon. Nếu theo đúng kế hoạch thì mỗi làng xã sẽ có một ngôi trường dạy chữ Quốc ngữ để dần loại bỏ chữ Nho. Theo Nha Học chính thì trường sở sẽ chia thành ba cấp:

Ấu học thì giao cho xã thôn dạy chữ Nho và chữ Quốc ngữ; ai đậu thì gọi là "tuyển sinh."
Tiểu học thì do phủ, huyện có huấn đạo và giáo thụ đảm trách, tiếp tục dạy chữ Nho và chữ Quốc ngữ và có thể tình nguyện học thêm tiếng Pháp chứ không bắt buộc;
Trung học thì do quan đốc học ở tỉnh lỵ trông coi và dạy chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Đây bước đầu của chữ Quốc ngữ trong ngành giáo dục của người Việt.
Theo đề án của Hội đồng cải cách giáo dục lần thứ nhất 1906 thì không có việc thành lập trường đại học, nhưng trước đòi hỏi của các sĩ phu yêu nước, Pháp thành lập trường đại học đầu tiên của Việt Nam là Đại học Đông Dương tuyển sinh viên từ những người tốt nghiệp trung học hoặc đỗ thi Hương, biết tiếng Pháp. Sinh viên khóa đầu tiên hầu hết là công chức đang làm việc ở cơ quan trung ương của chính quyền thực dân. Hoạt động được hơn một năm Đại học Đông Dương đóng cửa vì thiếu giáo sư chuyên nghiệp trong khi đó, trình độ người học quá thấp so với chương trình. Giáo dục đại học chỉ được cải thiện khi Toàn quyền Đông Dương ra nghị định quy chế chung về bậc cao đẳng năm 1918. Học sinh muốn vào trường cao đẳng phải có bằng thành chung hoặc bằng tú tài bản xứ, tuổi 18-25. Trong đơn xin học, sinh viên phải cam kết làm việc cho "Nhà nước bảo hộ" ít nhất 10 năm.[11]

Chính thức hóa chữ Quốc ngữ, loại dần chữ Nho
Chính quyền cũng theo đuổi việc hợp thức hóa chữ Quốc ngữ cho người Việt bằng cách nâng loại chữ này lên hàng văn tự chính thức ở Nam Kỳ ngay từ năm 1878[12] và Bắc Kỳ kể từ năm 1910.[4] Ngay khoa thi Canh Tuất (1910) triều Duy Tân, sĩ tử đã phải làm bài bằng chữ Quốc ngữ. Đối với chữ Hán thì khoa cử dần bị loại bỏ. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ là năm 1915. Ở Trung Kỳ đạo dụ của vua Khải Định ngày 26 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức ngày 28 tháng 12 năm 1918) chính thức bãi bỏ khoa cử và năm 1919 là năm cuối mở khoa thi ở Huế.[13]

Viện Đại học Đông Dương ra đời
Thay thế vào con đường tiến thân cũ, Toàn quyền Paul Beau cũng cho lập Viện Đại học Đông Dương ở Hà Nội với ba phân khoa: văn chương, luật khoa và khoa học. Ngay năm đầu tiên đã có 94 sinh viên ghi danh theo học nhưng sang năm 1908, nhân có vụ biến động của phong trào kháng thuế ở Quảng Nam rồi lan rộng khắp miền Trung, Viện Đại học phải bãi khóa. Toàn quyền Antony Wladislas Klobukowski cũng cho giải thể Nha Học chính.[14] Tình hình giáo dục ở những thập niên đó bị cách đoạn.

Đến năm 1945, toàn Đông Dương chỉ có Viện Đại học Đông Dương bao gồm 10 trường thành viên: Cao đẳng Y khoa, Cao đẳng Nông nghiệp, Cao đẳng Thú y, Cao đẳng Công chính, Cao đẳng Địa chính, Cao đẳng Luật khoa, Cao đẳng Khoa học, Cao đẳng Mỹ thuật...[15][16][17]. Viện đại học Đông Dương chỉ đào tạo bậc đại học. Nếu sinh viên muốn học sau đại học thì phải sang Pháp. Năm học 1944-1945, cả Viện này có 1.575 sinh viên[18] (so với tổng dân số Việt Nam khi đó là 23 triệu). Phần lớn học sinh và sinh viên đại học, cao đẳng đều là con em các gia đình giàu có hoặc có địa vị nhất định trong xã hội lúc bấy giờ. Các gia đình nông dân, nhân dân lao động nghèo rất ít có khả năng cho con em theo học. Có một số rất ít học sinh Đông Dương sang Pháp du học ở bậc đại học và sau đại học. Khi tình hình chính trị căng thẳng, chính quyền lập tức thít chặt đầu vào ở các trường bên Pháp, chẳng hạn như hạn chế đưa sinh viên Đông Dương sang Pháp trong những năm 1930. Những ai du học ở Pháp trở về đều chung một suy nghĩ những giá trị đang thịnh hành ở chính quốc đều bị mất giá trên chính xứ sở của họ.[19]

Cải cách năm 1917
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Toàn quyền Albert Sarraut là người ban hành Tổng quy học chính (Règlement Général de l'Instruction Publique en Indochine) ngày 21 tháng 12 năm 1917 với mục tiêu thống nhất nền giáo dục bản xứ, tiến tới xóa bỏ nền giáo dục cũ và cho tái khai giảng Viện Đại học Đông Dương, lần này thêm các phân khoa Y dược, Thú y, Thủy lâm, Sư phạm, Thương mại, Tài chính, Luật khoa hành chánh, và Mỹ thuật.. Nền học chính lúc này được chia làm ba cấp, cấp một là các trường tiểu học, cấp hai là cao đẳng tiểu học, cấp ba là bậc trung học (tú tài), với hai hệ thống giáo dục gồm trường Pháp và trường bản xứ. Chương trình tiểu học Pháp bản xứ chia thành năm lớp: lớp đồng ấu cho học sinh 7 tuổi; lớp dự bị 8 tuổi; lớp ba 9 tuổi, lớp nhì 10 tuổi và lớp nhất 11 tuổi. Trường Pháp sử dụng chương trình giáo khoa Pháp ở Đông Dương gần giống như bên Pháp và hoàn toàn dạy tiếng Pháp, không dạy tiếng Việt. Tiểu học dạy bằng tiếng Việt còn các bậc học cao hơn dạy bằng tiếng Pháp[20]. Tại trường bản xứ, bậc Tiểu học sử dụng sách giáo khoa Quốc-văn Giáo-khoa Thư do Nha Học chính Đông Pháp biên soạn và xuất bản[20]. Từ bậc Cao đẳng Tiểu học trở lên thì dùng sách giáo khoa xuất bản ở Pháp. Sách giáo khoa một số môn như Lịch sử Việt Nam, Địa lý Đông Dương, Văn học Việt Nam do các giáo chức người Pháp hay người Việt biên soạn và xuất bản. Sách giáo khoa quốc ngữ chủ yếu được các thầy giáo bản địa viết ra và giáo cụ được áp dụng phù hợp với các sắc dân khác nhau trái với thứ huyền thoại cho rằng trẻ con các xứ thuộc địa Pháp phải học thuộc lòng "Tổ tiên chúng ta là người xứ Gaule" vì học sinh Đông Dương không phải học câu này. Nền giáo dục còn rất chú trọng đến các nền văn hóa bản địa đến mức còn đưa vào chương trình những nhân tố dân tộc tính do nỗ lực của những nhà giáo bản xứ muốn bảo tồn văn hóa và tinh thần dân tộc cũng như những nhà chức trách giáo dục thuộc địa đang tìm tòi một tư duy và phương pháp sao cho một nền giáo dục kiểu Tây phương có thể thích ứng với các nền văn hóa khác nhau.[1]

Với đợt cải cách giáo dục lần hai, chữ Quốc ngữ đã hoàn toàn thay thế chữ Hán. Chương trình học bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với tính hệ thống cao. Bậc tiểu học theo chương trình Pháp - Việt khi đó rất nặng và khó theo lối giáo dục tinh hoa của Pháp như lớp đồng ấu phải học 11 môn như luận lý (morale), thể dục, tiếng Việt, tiếng Pháp, học số và hệ thống mét, địa dư, chữ Nho... Chương trình lớp nhất sơ học (theo hệ thống trường Pháp) phải học đủ 15 môn toàn bằng tiếng Pháp. Nhiều học sinh ở ba lớp chót của tiểu học bỏ học rất nhiều do không theo nổi chương trình này. Một thống kê năm 1923 trên toàn Việt Nam cho thấy tổng số học sinh lớp đồng ấu là 90.000 (trong tổng số 187.000) thì lớp nhì và nhất chỉ có 17.000. Đại diện của Bộ Thuộc địa cử từ chính quốc sang tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 1927 chỉ trích chính sách giáo dục "Quá đào thải vì chỉ có không quá một phần ba học sinh tiếp tục học lên tiểu học, […] rõ ràng là không đủ vì chỉ chiếm một phần tư số trẻ em đến tuổi đi học, […] chất lượng "xoàng" một phần vì quá Pháp và vì đào tạo đội ngũ giáo viên không đủ"[19].

Năm 1924, Pháp buộc phải điều chỉnh bậc học tiểu học vì học sinh không thâu lượm được kiến thức vững chắc, rút cuộc sẽ không thông thạo cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Pháp. Khi đó, lớp nhì được chia thành lớp nhì năm thứ nhất và lớp nhì năm hai nên bậc tiểu học có sáu lớp. Tuy nhiên, vấn đề không được giải quyết, bình quân cứ 40 em học lớp đồng ấu thì chỉ còn một em đậu bằng tốt nghiệp Pháp - Việt. Bên cạnh các trường phổ thông, Pháp còn lập ra trường dạy nghề để đào tạo ra công nhân cho các ngành công nghiệp thuộc địa.[7][6]

Hệ thống giáo dục Nho học cũ trở nên không hợp thời. Nhà Nguyễn ban đầu cải cách kỳ thi Hương bằng cách đưa chữ Quốc ngữ vào nội dung thi sau đó bãi bỏ luôn các kỳ thi thuộc hệ thống Khoa bảng Việt Nam vào năm 1919. Tháng 10 năm 1932, Bộ Học được cải tổ thành Bộ Quốc dân giáo dục do Phạm Quỳnh làm thượng thư. Việc quản lý giáo dục Sơ học được trao cho triều đình Huế đảm nhiệm. Giáo dục đạo đức, đặc biệt là đạo đức Nho Giáo được chú trọng. Theo Nghị định của Toàn quyền ngày 16 tháng 8 năm 1932, các trường hương thôn nắm quyền tự chủ về ngân sách, tự tuyển chọn giáo viên và chương trình. Ở các bậc học cao hơn (từ Tiểu học trở lên), nhà cầm quyền Pháp vẫn nắm quyền chi phối.[3]

Thành tựu
Các quan chức Pháp cho rằng "Trường học là công cụ hữu hiệu nhất, chắc chắn nhất nằm trong tay kẻ đi chinh phục". Năm 1945 khi chế độ thuộc địa sụp đổ, có hơn 14.000 trường học, từ trường làng đến trường đại học, và có gần một triệu học sinh[21]. Đông Dương là trường hợp duy nhất trong các xứ thuộc địa có một hệ thống giáo dục hoàn thiện, lên đến bậc đại học dành cho người bản xứ. Uy tín trường Y khoa Đông Dương cũng ngang hàng với Y khoa Paris. Trong thập niên 1920 sỹ số học sinh tăng trưởng trong toàn bộ nền giáo dục. Đầu thập niên 1930, hệ thống giáo dục thuộc địa được hoàn thiện. Chi phí cho giáo dục tăng gấp ba trong 10 năm, từ 1921 đến 1931, và đạt 13 triệu đồng Đông Dương.[1] Về giáo dục tiểu học, trung bình một tỉnh chỉ có khoảng từ 2 đến 4 trường Tiểu học, mỗi trường có từ trên 100 đến vài trăm học sinh. Các thành phố lớn mới có trường Cao đẳng Tiểu học như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn (Bắc Kì), Thanh Hóa, Nghệ An (Vinh), Huế, Quy Nhơn (Trung Kỳ), Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho (Nam Kỳ). Bậc Trung học (bậc Tú Tài) chỉ có ở Hà Nội (trường Bưởi, trường Albert Sarraut), Huế (trường Khải Định), Sài Gòn (trường Pétrus Ký, trường Chasseloup Laubat), mỗi trường có khoảng từ 100 đến 200 học sinh.[22] Trên toàn Việt Nam, tính đến năm 1906 mới chỉ có 25 trường học tiểu học Pháp - Việt và tính đến hết năm 1913 mới chỉ có 10 vạn học sinh các cấp (trong tổng số 20 triệu dân lúc bấy giờ). Sự phát triển giáo dục cũng không đều khắp: tất cả các vùng miền núi đều không có trường học, riêng tỉnh Sơn La mãi đến 1917 mới có 1 trường sơ học. Tính đến năm 1940 trên toàn ba kỳ có 576.650 học sinh ghi danh đi học ở mọi cấp.[23] Giáo dục tư thục chiếm 13% tổng sỹ số, tức 60.000 học sinh, vào năm 1930[1]. Dưới chế độ thuộc địa, nữ sinh chính thức được đến trường đi học. Tỉ lệ học sinh nữ ở tất cả các bậc học công lập tăng dần đều nhưng không vượt quá 20% tổng sỹ số. Chỉ riêng Nam kỳ có trội hơn vào năm 1943 với 29% nữ sinh ở bậc sơ cấp và 26% ở bậc tiểu và trung học. Việc nam sinh và nữ sinh học riêng vẫn còn diễn ra ở Pháp cho đến tận thập niên 1960 thì tại Đông Dương, nam nữ học chung đã trở nên phổ biến ngay từ đầu thế kỷ 20 do thiếu kinh phí và phương tiện để mở ra hai loại trường riêng cho nam và nữ. Trong một báo cáo khảo sát vào năm 1939, Francisque Vial, cựu trưởng ban Ban Trung học, viết số nữ sinh chiếm 25% trong các trường trung học Pháp. Tỉ lệ học sinh người Đông Dương trong các trường trung học Pháp chiếm khá cao, gần 50% vào đầu thế kỷ 20 và ổn định dần xung quanh con số 20%. Vào cuối giai đoạn thuộc địa, những trường trung học Pháp nổi tiếng như Albert-Sarraut ở Hà Nội, Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn hay Yersin ở Đà Lạt nhận học khoảng 20% học sinh Đông Dương.[1]

Hệ thống giáo dục Việt Nam được hiện đại hóa theo mô hình phương Tây do nhà nước đài thọ và kiểm soát[3]. Bậc tiểu học đã đặt "nền móng cho một hệ thống hợp lý và hiện đại". Hệ thống này đã đưa vào chương trình giảng dạy các môn khoa học và kỹ thuật, mở ra cánh cửa văn chương và triết học ra ngoài khuôn khổ Khổng giáo, và đem đến kiến thức văn hóa và nghệ thuật phương Tây. Trên phương diện xã hội, giáo dục dành cho nữ sinh góp phần làm thay đổi vị thế của phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Giáo dục cho con em các dân tộc thiểu số và hiện đại hóa trường chùa trong các xứ theo đạo Phật đều là những thành tích của nền giáo dục này. Di sản khác mà nền giáo dục thuộc địa để lại là sự tiếp nhận và "chiếm lĩnh" chữ quốc ngữ của người Việt. Chính việc sử dụng chữ quốc ngữ, vốn được tạo ra để truyền đạo Thiên chúa, vào mục đích giáo dục, giảng dạy dưới thời thuộc địa khiến cho nó trở nên thông dụng với đại chúng. Việc sử dụng chữ quốc ngữ một cách phổ biến và đại chúng khiến hình thành và phát triển một nền báo chí và một nền văn học chữ quốc ngữ sống động và phong phú. Có khoảng 10.000 đầu sách được xuất bản trong những năm 1923 – 1948. Năm 1946, chính phủ của Hồ Chí Minh đã sử dụng và phổ biến chữ quốc ngữ với mục tiêu xóa mù chữ, nâng cao dân trí và xem đó là ưu tiên hàng đầu.[1]

Chính sách giáo dục của chính quyền Pháp nhằm dụng ý là để chuyển hướng tư duy của đại chúng, xóa bỏ những ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, truyền bá văn minh Pháp nhằm đồng hóa người Việt; đồng thời đào tạo ra một tầng lớp công chức và chuyên viên phục vụ cho nền cai trị và công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Mối đe dọa đáng sợ cho chính quyền thực dân Pháp là Nho giáo qua các sách vở Hán văn, bởi Nho giáo cổ vũ lòng yêu nước chống ngoại xâm và khuyến khích giới trí thức quan tâm đến các vấn đề chính trị[24]. Hơn nữa người Pháp rất khó chịu trước giới sĩ phu Nho học không ngừng đả kích chế độ thực dân, kích động sự bất mãn của dân chúng thậm chí lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Vì vậy người Pháp đã dồn nhiều nỗ lực vào việc cải biến nền giáo dục bản xứ: loại bỏ Nho học và cấm giảng dạy lịch sử Việt Nam, thay vào đó là các kiến thức khoa học phương Tây, văn chương và lịch sử Pháp. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính được dùng trong trường học còn tiếng Việt và tiếng Hán chỉ là ngoại ngữ. Một chứng cứ khác là sách giáo khoa thời Pháp thuộc không dùng danh từ "Việt Nam" mà chỉ nhắc đến "Đông Pháp" và các xứ lệ thuộc. Các kỳ thi khoa bảng Việt Nam cũng bị loại bỏ, thay vào đó là các kì thi bằng tiếng Việt và tiếng Pháp phỏng theo các kì thi của Pháp. Triều đinh nhà Nguyễn cũng đồng tình với chính sách bãi bỏ Hán học của Pháp mà không xét đến hậu quả lâu dài là đạo đức xã hội xuống cấp, người Việt bị tách rời khỏi di sản học thuật của nước nhà tích lũy được trong mười thế kỷ, toàn xã hội mất phương hướng, mê loạn về giá trị. Học giả Trần Trọng Kim nhận định "Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cần cấp, nhưng vì người mình nông nổi, không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại cả đi, thành thử cái xấu, cái dở của mình thì vị tất đã bỏ đi được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh túy đã giữ cho xã hội của ta được vững bền hàng mấy nghìn năm nay. Phàm người ta muốn bỏ cái cũ đã hẩm nát, tất là phải có cái mới tốt hơn, đẹp hơn để thay vào. Nay ta chưa có cái mới mà đã vội vàng bỏ cái cũ đi, thành ra đổ nát cả, mà không có cái gì thay vào được. Ấy là cái tình trạng nước ta ngày nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra giữa biển, đánh mất địa bàn chỉ nam, không biết phương hướng nào mà đi cho phải đường, cứ lênh đênh mãi, không khéo lại bị sóng gió va vào đá vỡ tan mất cả.[25]".

Ngôn ngữ người Việt cũng bị tác động, quan trọng nhất là việc tiếp nhận chữ Quốc ngữ làm văn tự chính thức của người Việt. Quyết định của triều Nguyễn hủy bỏ toàn phần phép khoa cử có từ thời nhà Lý khiến chữ Nho không còn là ngôn ngữ học thuật chính thống. Việc sử dụng chữ Quốc ngữ làm văn tự chính thức bên cạnh chữ Hán tạo điều kiện cho văn học, báo chí viết bằng chữ Quốc ngữ phát triển, việc truyền bá tri thức, văn hóa trở nên dễ dàng hơn. Chữ Quốc ngữ dễ học hơn chữ Hán nên có thể dùng chữ Quốc ngữ xóa mù chữ nhanh chóng. Tuy nhiên, việc chữ Hán từ địa vị là ngôn ngữ học thuật chính thống trở thành một ngoại ngữ không quan trọng khiến đa số người Việt không còn khả năng đọc hiểu các tài liệu chữ Hán của tiền nhân. Hậu quả là người Việt bị tách ra khỏi di sản văn học, sử học, khoa học, tư tưởng của dân tộc viết bằng chữ Hán tích lũy được trong 10 thế kỷ[26][27]. Việc thay đổi nội dung giáo dục, bãi bỏ phép khoa cử truyền thống lấy Nho giáo làm trọng tâm khiến Nho giáo mất dần ảnh hưởng lên đời sống xã hội và chìm vào quên lãng. Điều này khiến xã hội tan rã do không được định hướng bởi một hệ thống giá trị chung, không còn tín hiệu tập hợp; đạo đức xã hội suy đồi và các giá trị văn hóa truyền thống bị thui chột. Pháp ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục và trong hoạt động hành chính. Các tư tưởng phương Tây như tự do, dân chủ, nhân quyền, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản... thông qua sách báo và hệ thống giáo dục thuộc địa được phổ biến tuy nhiên người Việt không có hiểu biết sâu sắc về những hệ tư tưởng này. Phạm Quỳnh nói về việc học phương Tây không đến nơi đến chốn "Thử xét trong những kẻ tự xưng là hạng tân tiến, mấy người đã học được đến nơi đến chốn? Mấy người có thể đối đáp nghị luận với Tây, nói những chuyện văn chương mỹ thuật, chính trị triết học mà người ta phải chịu phải phục? Hay là phần nhiều chỉ mới học mót được mấy câu văn sáo đã đem ra mà huyễn diệu đồng bào. Ấy là không nói những kẻ học chữ Tây cũng còn chửa thông, nói một câu không khỏi sai mẹo, mà cũng làm ra mặt thông thạo các lối văn minh mới, nhất thiết tự xưng là duy tân cả, coi văn hóa cũ của nước nhà như cỏ rác hết. Tưởng học được của người những gì hóa ra chỉ học được những thói tự do rởm, bình đẳng xằng, những cách du đãng phóng túng với cái tính khinh bạc ngạo mạn mà thôi. Lắm lúc trông thấy cái kết quả bất lương đó mà ngờ rằng nếu học Tây mà đến thế thì thà không học nữa còn hơn[28]".

Giáo dục thời Pháp thuộc để lại nhiều mặt tiêu cực với Việt Nam. Năm 1905, Phan Bội Châu cho rằng nền giáo dục của Pháp "chỉ dạy viết văn Pháp, nói tiếng Pháp, tạm thời làm nô lệ cho Pháp". Học giả Trần Trọng Kim cho rằng nền giáo dục Pháp đã biến một xã hội "nghe đến nước mình thì ngây ngây như người ngoại quốc, sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình thì chỉ biết qua loa". Cho đến năm 1930, tổng số học sinh, sinh viên tất cả các trường từ tiểu học đến đại học chỉ chiếm 1,8% dân số Việt Nam. Do số người được đi học thấp, kết quả là tới năm 1945, trên 95% dân số Việt Nam bị mù chữ. Sau này, các chính phủ của nước Việt Nam độc lập bằng các chiến dịch xóa mù chữ kéo dài trong vài năm đã thực hiện chương trình xóa nạn mù chữ đại trà cho quần chúng mà chính quyền thuộc địa mất 80 năm không làm nổi. Ngoài nạn mù chữ, chỉ có khoảng 1 triệu học sinh trên tổng số 12 triệu trẻ đến tuổi đến trường được đi học, nghĩa là chỉ chiếm 8% so với 17%, là tỉ lệ ở chính quốc. Đa số học sinh không thể tiếp tục học lên cao. Năm 1943, chỉ có 1 trên 10 học sinh qua được bậc tiểu học, 1 trên 100 học xong cao đẳng tiểu học, và dưới 2 trên 1000 học sinh học đến trung học và đại học. Chế độ thuộc địa thống nhất và kiên định trong chính sách kiềm tỏa và kiểm soát giới trẻ Đông Dương bằng cách thực hiện một nền giáo dục ngắn hạn, thiết dụng và thực dụng chỉ nhằm đào tạo ra những người thừa hành và phụ tá, trình độ học vấn và kiến thức vừa đủ để không trở thành những phần tử gây rối chính trị. Đối với chính quyền thuộc địa, không bao giờ họ muốn đào tạo ra cái gì khác ngoài những nhân viên thuộc cấp và hạ cấp, vì những vị trí lãnh đạo, quản lý là của người Pháp. Chính quyền hài lòng với việc đào tạo thợ hơn thầy, công nhân hơn kỹ sư chính vì thế Đại học Khoa học chỉ được lập ra ở Đông Dương vào năm 1942, chỉ ba năm trước khi Việt Nam giành được độc lập.[19]

Một nền giáo dục như vậy khiến người Việt bị tách rời khỏi cội rễ văn hóa dân tộc trong khi không hiểu biết đến nơi đến chốn, không hấp thu được phần tinh túy của văn hóa phương Tây[29]. Người Việt bị biến thành những kẻ vong bản và vong nô trên chính quê hương của mình[30]. Tuy nhiên, người Việt cũng không có ý thức học Pháp đến nơi đến chốn để canh tân quốc gia, tự lực tự cường trong khi giới sĩ phu và chính quyền Nhật Bản quyết tâm nắm vững khoa học và cách tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội của phương Tây để hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Phan Châu Trinh nói về điều này "Nước ta từ ngày Pháp sang bảo hộ trên mấy mươi năm, người mình học Tây học chỉ làm được việc phiên dịch nói phô mà thôi, không có ai hấp thu được chỗ tinh túy, phăn tìm đến nơi màu nhiệm về mà đào tạo ra học trò để làm việc vẻ vang cho nòi giống. Trái lại, bụng không một hạt gạo mà nói chuyện thi thư, tay không nửa đồng mà tự xưng Khổng Mạnh. Có lẽ da thịt huyết tủy của người nước mình mấy ngàn năm nay đã bị cái hấp lực của huyết dẫn người Tàu chi phối hết cả, nên ngày nay đành làm nộm rối cho người Tàu mà không tự biết chăng? Không thế thì sao lửa đốt bên da mà không biết nóng, sét đánh ngang trán mà không biết sợ, thày hay bạn giỏi ở một bên mà không biết gắng sức bắt chước bước theo. Thậm chí nữa trằn trọc tráo trở, một hai toan tìm một nước thứ ba nào yêu thương mình mà vui lòng làm tôi làm tớ[31]".

Hệ thống giáo dục phát triển không tương xứng với những hứa hẹn của người Pháp "khai hóa văn minh" dân thuộc địa. Chính vì thế, cái mà người Việt thừa hưởng từ người Pháp sau khi Việt Nam giành được độc lập chỉ là những mảnh vụn văn hóa và lịch sử; tỷ lệ mù chữ lên đến 95% dân số[32], hệ thống kiến thức Tây học kém cỏi, thiếu chiều sâu theo như Ngô Đức Kế đã nói "Âu học vẫn chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cả cội rễ"[27] cùng với nền tảng đạo đức xã hội suy đồi. Ngày 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiệm vụ cấp bách nhất, thiết thực nhất phải giải quyết là “nạn dốt” và chỉ rõ[32]: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Tuy nhiên, nền giáo dục của Pháp cũng tạo ra một tầng lớp trí thức mới nắm được khoa học, kỹ thuật phương Tây và một tầng lớp tinh hoa chính trị chịu ảnh hưởng của những hệ tư tưởng và tiếp thu những thủ thuật chính trị phương Tây tuy số lượng ít ỏi và chất lượng của tầng lớp này còn yếu. Tầng lớp trí thức bản xứ có rất ít cá nhân đạt tới trình độ tinh hoa, đội ngũ chuyên gia tuy có số lượng khá hơn nhưng gắn bó trực tiếp với sự điều tiết từ chính quốc chứ không phải gắn bó với xã hội và nền kinh tế tại chỗ và một lượng đông đảo những trí thức cấp thấp. David G. Marr ước tính giới trí thức Việt chỉ có khoảng 10.000 người vào cuối thập niên 1930. Lực lượng trí thức mỏng manh này làm lộ rõ mâu thuẫn căn bản của chế độ thuộc địa Pháp là một mặt Pháp muốn thực thi sứ mạng khai hóa, và mặt kia là nỗi lo sợ và ám ảnh khi sứ mạng này lại là phương tiện để trang bị vũ khí tinh thần cho quần chúng bị trị. Sự lo sợ này còn tăng lên khi những người theo dân tộc chủ nghĩa được giáo dục theo kiểu Tây phương đòi độc lập ở Ấn Độ, Ai Cập hay Philippines. Giới quan chức thuộc địa lên tiếng đề phòng những mối nguy do giáo dục đem lại như một con dao hai lưỡi, có thể biến dân bản xứ thành những kẻ bất mãn và nguy hiểm. Một quan điểm nữa cho rằng có một "vực thẳm tinh thần còn sâu hơn đại dương giữa kẻ thống trị và bị trị, và rằng giáo dục kiểu Pháp chỉ tổn hại đến đời sống tinh thần của dân bị trị".[19] Chất lượng của một tầng lớp trí thức Việt Nam thời Pháp thuộc xét trên khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội đương thời còn kém hơn thời kỳ tiền thực dân[33]. Nguyễn An Ninh nhận xét "ngày nay tôi chưa thấy người An Nam nào tiếp thu đầy đủ ý nghĩa của văn hoá Pháp... Học Tây trong nước ta bây giờ chỉ học để làm nô lệ cho nhà nước. Tại Đông Dương này tuổi trẻ An Nam khó mà tìm cho ra cái cao thượng của Âu Tây lắm. Dẫu cho chúng ta có được thừa hưởng một truyền thống gia đình, hay nhờ vào những hoàn cảnh thuận lợi khác đi nữa, không mấy người trong chúng ta đủ sức vươn lên đến trình độ một học giả ở Châu Âu".[34] Điều này không hoàn toàn do lỗi người Pháp như Hoài Thanh nhận xét "Người mình vẫn được tiếng là hiếu học, nhưng đúng ra chỉ là hiếu lợi và hiếu danh. Khi sự học không đưa đến cho mình lợi và danh thì ít ai còn thèm màng đến nó nữa... Cho đến ngày nay, trong một trăm người bước chân ra khỏi nhà trường, không có lấy năm ba người để tâm vào việc học. Giữa một vũ trụ đầy những sự huyền bí, người mình như khách qua đường bưng mắt mà đi vì sợ mệt mắt. Tinh thần của mình bạc nhược như vậy không trách gì mình thua kém[35]".

Học sinh bản xứ ý thức được sự bất công khi nền giáo dục ca tụng tự do cá nhân và tinh thần phản biện nhưng việc biểu đạt những giá trị này tại Đông Dương sớm muộn sẽ bị trấn áp. Một bộ phận của thế hệ trí thức thời Pháp thuộc sẽ làm cho hàng ngũ các nhà cách mạng cánh tả cũng như cánh hữu đông đảo lên vì họ không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi một cuộc cải tổ thuộc địa hòa bình nên đã huy động và vận dụng những kỹ năng và kiến thức tiếp thu được từ nhà trường Pháp để làm cách mạng chống Pháp.[19] Sau tháng 8/1945, giới trí thức bị phân hóa thành các bộ phận khác nhau ủng hộ các xu hướng chính trị khác nhau tại Việt Nam. Việc thiếu chuyên gia, trí thức và lãnh đạo chính trị được đào tạo tốt là vấn đề nghiêm trọng để lại nhiều hậu quả tiêu cực lâu dài đối với Việt Nam sau khi giành được độc lập.

Đánh giá
Các quan chức thuộc địa người Pháp tại Liên bang Đông Dương rất tự hào về những thành tựu giáo dục mà họ đã đạt được. Năm 1947, Albert Charton, giám đốc Nha học chính Đông Dương trong thập niên 1940, khẳng định "Nhiều người nhận thấy [...] giá trị của sự nghiệp giáo dục tại Đông Dương, với nỗ lực không ngưng nghỉ trong hơn nửa thế kỷ, bởi những nhà giáo dục Pháp, kết quả đạt được trước năm 1939 đều được cộng đồng quốc tế và chính cả người Đông Dương công nhận vì họ khao khát tham gia vào tiến trình hòa nhập với văn hóa Pháp. Cuối cùng, chúng ta nhận thấy chất lượng và sự phi vụ lợi của chính sách giáo dục [...] đã mở rộng những cánh cửa của ngôi đền tri thức và văn hóa.". Năm 1956, giáo sư Auguste Rivoalen, hiệu trưởng cuối cùng của Đại học Hà Nội, cũng phát biểu tương tự "Một công trình lớn không thể xây xong trong một ngày. Cần đến nửa thế kỷ để sự nghiệp giáo dục của Pháp tại Việt Nam mang hình dạng và sức mạnh như ngày nay. Không đáng kể gì khi ta nhìn vào kết quả đạt được: một xứ sở cách xa vạn dặm bỗng trở nên gần gũi với nước Pháp, xứ sở đó tư duy, cảm nhận như nước Pháp, nói tiếng Pháp, chia sẻ cùng nền văn hóa […]. Hôm qua cũng như hôm nay, mặc cho những nghi vấn về một cuộc chiến và một cuộc giải phóng, thì một lĩnh vực vẫn được bảo toàn, đó là nơi nền giáo dục của chúng ta đã gieo mầm và còn gieo những hạt giống tốt nhất.". Hệ thống giáo dục thuộc địa Đông Dương được xem là một trong những hệ thống hoàn chỉnh và hoàn thiện nhất trong tất cả các thuộc địa của Pháp với gần 1 triệu học sinh vào năm 1945 và một hệ thống trường lớp từ trường làng cho đến đại học.[1]

Tuy nhiên đối với dân bản xứ, chế độ thực dân Pháp đã thi hành chính sách ngu dân bằng một nền giáo dục kém cỏi. Năm 1925, Bùi Quang Chiêu, sáng lập viên Đảng Lập hiến Đông Dương, mỉa mai "người ta yêu cầu giấy khai sinh của một đứa trẻ khi nó muốn đi học nhưng chẳng ai đòi hỏi bất cứ giấy tờ gì khi bán cho nó một lạng thuốc phiện". Năm 1946, Phạm Văn Đồng, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau, chỉ trích nền giáo dục thuộc địa "Quả thật, trong 80 năm, người ta mở ra vài ngàn trường tiểu học, ba hay bốn trường trung học và chừng sáu trường đại học cho khoảng 20 triệu dân. [...] Sau 80 năm, hiện trạng của nền học chính này là hơn 90% dân số mù chữ. Khi ta nói nền học chính là ta đang lạm dụng từ này. Thực vậy, làm sao ta có thể gọi là học chính khi đó chỉ là một hệ thống nhồi sọ với mục đích điều chỉnh giáo dục, về chất lượng và số lượng, theo những nhu cầu ti tiện của chế độ thực dân?"[19].

[1]: Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen về giáo dục thuộc địa Đông Dương, Nguyễn Thụy Phương, Tạp chí Tia sáng, 10/12/2019
[2]: NHO HỌC VÀ GIÁO DỤC CÔNG LẬP Ở NAM KỲ THUỘC PHÁP THỜI KÌ 1867 – 1917, TRẦN THỊ THANH THANH, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Số 60 năm 2014
[3]: Tổ chức quản lý giáo dục ở Việt Nam trong bộ máy chính quyền thời Pháp thuộc trước năm 1945 (Kỳ 2), Trần Thị Phương Hoa, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10 – 2012
[4]: Franco-Vietnamese schools
[5]: Pierre Brocheux và Daniel Hémery. Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954. Berkeley, CA: University of California Press, 2009. tr 217-24
[6]: Chương trình tiểu học nặng nề dưới thời Pháp, vietnamnet, 30/08/2017
[7]: Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc, 25/8/2017, VnExpress.
[8]: Quốc ngữ và nỗ lực 'thoát Hán' của các vua nhà Nguyễn, Nguyễn Quang Duy, BBC Tiếng Việt.
[9]: Britto, Karl. Disorientation: France, Vietnam and the Ambivalence of Interculturality. Hongkong: Hongkong University Press, 2004. tr 145-147.
[10]: "Petrus Key và Sứ Đoàn Phan Thanh Giản (1863-1864)"
[11]: Hệ thống trường nghề và cao đẳng thời Pháp thuộc, Báo Tiền phong, 02/09/2017
[12]:  Thi cử và nền giáo dục Việt Nam dưới thời Pháp thuộc 
[13]: Chương trình giáo dục ở nước ta những thập niên đầu thế kỷ XX và những ông nghè cuối cùng của nền khoa cử phong kiến
[14]:  Vietnam and the French
[15]:  Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ, Đào Thị Diến, Website Đại học Quốc gia Hà Nội.
[16]: Từ Đại học Đông Dương đến Đại học Quốc gia Hà Nội, Đinh Xuân Lâm, Tạp chí Tia sáng, 04/10/2010.
[17]:  Đại học Đông Dương - Sự đoạn tuyệt với quá khứ?, Trần Thị Phương Hoa, 20 Tháng 4 2013, Tạp chí văn hóa Nghệ An.
[18]:  Pierre Brocheur và Daniel Hémery. Indochina, An Ambiguous Colonization, 1858-1954. Berkeley, CA: University of California Press, 2009, tr. 217-49.
[19]:  Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen về giáo dục thuộc địa Đông Dương (Kỳ 2 "Huyền thoại đen"), Nguyễn Thụy Phương, Tạp chí Tia sáng, 21/12/2019
[20]:  Quốc ngữ trong chương trình tiểu học thời Pháp thuộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 01 Tháng 6 2010
[21]:  Niên bạ thống kê Đông Dương 1943-1946, Volume 11
[22]: THI CỬ VÀ NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC, Trần Bích San, Tạp chí Cỏ Thơm.
[23]:  Dror, Olga. Making Two Vietnams. page 18, Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2018
[24]:  Cooper, Nicola. Trang 36.
[25]: Nho giáo, Trần Trọng Kim, 1930
[26]:  TỔNG QUAN TÀI LIỆU NHO GIÁO VÀ NHO HỌC Ở VIỆN HÁN NÔM, Nguyễn Xuân Diện, Bài tham luận Hội thảo về Nho giáo Việt Nam. Đã in trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (68), 2005
[27]: Tại sao nên đưa chữ Hán quay trở lại trường phổ thông?, PGS.TS Đoàn Lê Giang, Vietnamnet, 30/08/2016
[28]:  Phong hóa suy đồi, Phạm Quỳnh, Nam Phong, 1932
[29]:  Phạm Quỳnh, Phong hóa suy đồi, Nam Phong, 1932
[30]:  Về đặc điểm của tầng lớp trí thức Tây học ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn 28 (2012) 195‐202
[31]:  Hiện trạng vấn đề, Phan Châu Trinh, 1907
[32]:  Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Bình dân học vụ, Phạm Hải Yến, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III
[33]:  Giới trí thức tinh hoa trong lịch sử Việt Nam, Tạp chí Tia sáng, 09/09/2010.
[34]:  Lý tưởng thanh niên An Nam (1923), Nguyễn An Ninh.
[35]:  Vấn đề học thuật nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý và luân lý, Sông Hương, 1936

(Wikipedia)

No comments:

Post a Comment