Tại sao các tiêu chuẩn của chúng ta hiện nay thấp kém, kể cả tiêu chuẩn của con người...?
Xem lại thì thấy, nền giáo dục của CHXHCNVN còn thua cả nền giáo dục mà thực dân Pháp đã thiết lập, dù rằng, như quan điểm của chính quyền cm thì điều này chỉ nhằm mục đích cai trị, phục vụ lợi ích của Pháp.
----------
Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc là nền giáo dục trong ba xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ thuộc Liên bang Đông Dương dưới sự cai trị của Pháp. Tuy Liên bang này chính thức hình thành năm 1887 nhưng người Pháp không mấy quan tâm về ngành giáo dục mãi cho đến đầu thế kỷ 20 mới lập Nha học chính (Direction de l'enseignement) và thông qua mấy đợt cải cách học vụ. Người Pháp xem việc xây dựng hệ thống giáo dục là hiện thực hóa sứ mạng khai hóa, truyền bá những giá trị phổ quát của nhân loại và giải thoát các dân tộc tại Đông Dương khỏi thiên tai, bệnh tật, dốt nát và sự chuyên chế bằng cách đem lại cho họ kỹ thuật, y tế, giáo dục và một nền quản trị trong sạch[1].
Hệ thống giáo dục này chấm dứt năm 1954 nhưng đã đặt nền móng và gây âm hưởng trong các hệ thống giáo dục kế tiếp của Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giáo dục phổ thông
Ngay sau khi chiếm được Nam Kì, nền giáo dục Nam Kỳ được đặt dưới sự quản lý của các Thống đốc quân sự Pháp[2]. Pháp cố gắng thiết lập một hệ thống giáo dục theo mô hình Pháp gồm hai bậc, tiểu học và trung học với tổng thời gian học là 6 năm. Năm 1864, chính quyền thuộc địa đã ra quyết định mở trường học quốc ngữ ở các tỉnh huyện quan trọng nhất của Nam Kỳ và mỗi trường do một viên thông ngôn đảm nhiệm. Cuối năm 1864 có hai mươi trường được mở với 300 học sinh, bốn năm sau con số này tăng lên 104 trường học với 3.200 học sinh. Nho học vẫn tồn tại, thực dân Pháp vẫn duy trì chế độ tổ chức giáo dục của triều Nguyễn, từng bước thay thế giáo dục Nho học bằng nền giáo dục hiện đại. Việc tổ chức nền giáo dục Nho học ở Nam Kỳ từ 1867 đến trước năm 1878 cơ bản vẫn giữ các chế độ do triều Nguyễn đề ra. Đứng đầu ngành giáo dục ở mỗi tỉnh là một Đốc học chịu trách nhiệm chỉ đạo giáo dục từ phủ, huyện đến xã trên toàn tỉnh, kiểm tra việc dạy việc học. Đốc học có trách nhiệm triệu tập, khảo hạch các sĩ tử và kiến nghị chính quyền miễn binh dịch, lao dịch cho những người giỏi, tuyển dụng những người đã đỗ tú tài, cử nhân làm thư lại tập sự trong văn phòng các phủ huyện. Đốc học chịu sự chỉ đạo trực tiếp của viên chủ tỉnh. Dưới Đốc học có Giáo thụ ở cấp phủ, Huấn đạo ở cấp huyện. Đốc học được tuyển chọn từ các Tri phủ có năng lực và được nâng lương theo thời hạn 3 năm một lần. Các chức Giáo thụ và Huấn đạo được tuyển từ Tú tài và Cử nhân.[2] Năm 1864 cũng diễn ra kỳ thi Nho học cuối cùng ở Nam Kỳ.[3] Năm 1868, Pháp thành lập Hội đồng tư vấn học chính (Conseil Consultatif de l’Instruction Publique)[2].
Dù vậy cũng khởi đầu ở xứ thuộc địa trực trị Nam Kỳ năm 1879 chính quyền Pháp thành lập loại trường hỗn hợp (tiếng Việt gọi là "trường Pháp-Nam" hoặc "trường Pháp-Việt") lấy mẫu từ trường công ở bên chính quốc. Năm 1904 thì hệ thống loại trường mới này mở ở Bắc Kỳ; Cao Miên theo gót năm 1905, và đến năm 1906 thì áp dụng ở cả Lào và Trung Kỳ. Mặc dù có sự hỗ trợ của chính quyền, loại trường mới này chỉ có một thiểu số nhỏ học sinh ghi danh theo học. Riêng ở Bắc Kỳ năm 1917 trong số 22 tỉnh thành chỉ có 67 trường.[4] Để tiện bề so sánh, trước đó chín năm ở hai xứ bảo hộ Bắc và Trung Kỳ thì số liệu năm 1908 ước tính vẫn còn 15.000 trường truyền thống do các ông đồ dạy chữ Nho với khoảng 200.000 học sinh theo học.[5] Ngoài mục đích giáo dục, chủ trương của chính quyền khi mở trường Pháp Nam còn do động lực chính trị. Đó là vì nhóm văn thân vẫn chưa khuất phục nhà nước Bảo hộ; người Pháp cho rằng giới nho sĩ là mầm mống kháng cự nên họ tìm cách triệt hạ lề lối giáo dục bản xứ cựu triều để cách ly lớp trẻ khỏi lối tư duy cũ.
Năm 1874, Thống đốc Nam Kỳ kí Nghị định tổ chức lại nền giáo dục Nam Kỳ. Nền giáo dục của Pháp ở Nam Kỳ được chia làm 2 bậc: tiểu học và trung học. Nghị định này đã công bố giáo dục công hoàn toàn miễn phí và tự do, được quy định bởi những điều lệ tổng quát hiện hành tại Pháp. Theo Nghị định này, không trường tư thục nào được mở nếu không có phép của chính quyền.[2] Gần 10 năm sau khi chiếm đóng Nam Kỳ, khoảng 60 trường tiểu học được Pháp thành lập ở khu vực này với gần 1.400 học sinh. Nhiều trẻ em người Việt tiếp tục theo học chương trình chữ Hán ở trường tư thục. Tiểu học tập đọc và viết chữ Quốc ngữ, chữ Nho, tiếng Pháp; tiếng Pháp căn bản; toán sơ đẳng; hình học sơ đẳng; khái niệm đo đạc; tổng quan về lịch sử và địa lý. Đến bậc trung học, học sinh sẽ học kỹ hơn về tiếng Pháp, văn học Pháp; làm luận bằng tiếng Pháp, quốc ngữ và chữ Nho và nhiều nội dung nâng cao hơn về toán, vũ trụ, vật lý, hội họa... Pháp siết chặt việc mở trường tư thục, tăng cường kiểm soát trường làng. Pháp bãi bỏ trường dạy quốc ngữ ở các làng mà tập trung về trường ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng nhưng tại các lớp học của thầy đồ, học sinh vẫn học theo lối cũ. Pháp khuyến khích thầy đồ nào dạy thêm chữ quốc ngữ sẽ được thưởng 200 Francs. Tại các trường của nhà nước, cấp tiểu học khi đó chỉ còn vài tiết học chữ Nho, không còn tiết nào khác dành cho kiến thức hay phổ cập văn hóa dân tộc bản xứ do đó người Việt không chịu theo học trường của chính quyền Pháp, nhiều làng phải thuê người nghèo đi học cho đủ sĩ số.[6] Pháp cũng bãi bỏ việc sử dụng chữ Hán trong văn bản hành chính ở Nam Kỳ và bắt buộc sử dụng chữ quốc ngữ và tiếng Pháp[2].
Năm 1879, nghị định cải tổ giáo dục Nam Kì được ban hành, chia chương trình học làm ba cấp với tổng thời gian học là 10 năm. Cấp ở tổng một học trong ba năm, dạy Pháp văn, Quốc ngữ và Hán văn. Cấp hai ở tình có thời lượng ba năm, mỗi tuần sẽ dành hai giờ cho chữ Nho và Quốc ngữ, còn lại dành cho tiếng Pháp. Cấp ba sẽ học trong bốn năm với nhiều nội dung, dạy bằng tiếng Pháp như số học, hình học phẳng, đại số, lượng giác, trắc lượng, vẽ, địa lý, vũ trụ, hóa học, vật lý, vạn vật học... Pháp chọn học sinh vào cấp một từ những em đã biết tiếng Hán tới một trình độ nào đó.[6] Toàn Nam Kỳ chỉ có 3 trường cấp ba: Trường Bá Đa Lộc và Trường Chasseloups Laubat ở Sài Gòn, Trường Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho. Pháp muốn đào tạo một số người biết tiếng Pháp, chữ quốc ngữ, có chút kiến thức về văn minh phương Tây để làm công chức bậc thấp phục vụ cho chính quyền thuộc địa, và lâu dài sẽ đạt được mục tiêu “biến người bản xứ thành những người Pháp về phương diện văn hóa”.[2] Những năm đầu, soái phủ Nam Kì gặp rất nhiều khó khăn khi hệ thống Nho học bị bãi bỏ. Các thầy đồ di cư ra Trung Kì thuộc triều đình Huế để tiếp tục dạy học. Nhiều học trò tham gia các lực lượng nghĩa quân.[7] Nghị định ban hành năm 1880 cho phép “mỗi làng, thị trấn của tổng không có trường Pháp sẽ thiết lập một trường dạy chữ quốc ngữ” và “những làng nhỏ có một trường dạy chữ quốc ngữ sẽ được miễn mọi thuế đóng góp cho trường hàng tổng”[2]. Tuy Nho học bị chính thức bãi bỏ tại các trường công và tư do nhà nước quản lý nhưng nó vẫn được duy trì tại các lớp tư gia của thầy đồ và nhân dân vẫn tín nhiệm Nho học hơn Tây học. Năm 1886, số trường hàng tổng và hàng xã là 300, số giáo viên người Việt là 503, số học sinh các cấp là 18.231. Tỷ lệ đi học trong các trường công chưa đến 1% trên dân số Nam Kỳ lúc đó khoảng 2 triệu người. Trong khi đó, theo một báo cáo, các lớp dạy Nho học tại các làng của 426 thầy đồ có 8496 học sinh trên tổng số 27473 học sinh toàn Nam Kỳ, chiếm 31%. Trong các báo cáo thường niên về giáo dục, các nhà cai trị người Pháp than phiền rằng sau mấy chục năm chiếm Nam Kỳ, họ chỉ đào tạo được “vài trăm người An Nam nói tiếng Pháp, vài ngàn người nói sai tiếng Pháp, đó là những bồi bếp, những người kéo xe... Dân chúng còn lại thì không biết chữ An Nam lẫn chữ Pháp”, “người An Nam vẫn nói tiếng của họ nhưng lại không biết đọc biết viết”. Người Pháp thừa nhận “dân tộc Việt Nam đã có độ dày truyền thống văn hóa của mình”, “việc xâm chiếm đất đai đã khó, việc chinh phục tinh thần còn khó hơn nhiều”.[2]
Sau khi chiếm được Bắc Kì và Trung Kì, tháng 7/1886, Paul Bert ký nghị định thành lập Bắc Kỳ Hàn lâm Viện, trụ sở tại Hà Nội để lôi kéo các sĩ phu, nhân sĩ nhằm truyền bá tư tưởng, học thuật Pháp tại miền Bắc. Sau đó, Paul Bert cho thành lập một trường hoàng gia dành riêng cho việc giảng dạy tiếng Pháp cho con em tôn thất và quan lại Huế. Lúc này, ở Hà Nội chỉ có một trường tiểu học nhưng một năm sau đó, đã có hệ thống trường Pháp - Việt gồm chín trường tiểu học cho nam sinh, bốn trường tiểu học cho nữ sinh. Năm 1900, Hà Nội có 15 trường tiểu học; Hải Phòng năm trường; Nam Định bốn trường; Thanh Hóa, Vinh, Huế, mỗi nơi có hai trường; Hội An và Nha Trang mỗi nơi một trường.[6] Năm 1906 Pháp thực hiện cải cách giáo dục. Pháp thiết lập hệ thống tiểu học do chính quyền đài thọ với tên gọi là đệ nhị cấp (tiểu học) và đệ tam cấp (trung học). Chương trình học được thêm vào nội dung mới nhất của khoa học phương Tây, tri thức thực hành thông dụng.[7] Chính quyền thực dân ở Việt Nam cho mở hai hệ thống trường học: trường Hán học có cải tổ đôi chút và hệ thống trường Pháp - Việt. Hai hệ thống trường Hán học và trường Pháp Việt cùng tồn tại song song được triều đình nhà Nguyễn chấp thuận[8]. Ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, hệ thống trường học nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Sở học chính thì ở Trung Kỳ, triều đình Huế vẫn tiếp tục tổ chức học tập và thi cử Nho giáo. Năm 1907, triều đình Huế thành lập Bộ Học, đứng đầu là Thượng thư Cao Xuân Dục, quản lý các trường Hán học ở Trung Kỳ. Cho tới năm 1918, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, các trường Hán học công lập được tổ chức lại theo ba bậc (Đồng ấu, Tiểu học, Trung học) tồn tại song song cùng các trường Pháp – Việt với số lượng chiếm đa số trong hệ thống giáo dục. Năm 1908, tổng số trường Hán học ở cả hai xứ này là 15 ngàn với khoảng 200 ngàn học sinh. Các trường Pháp – Việt được tổ chức theo hai cấp học là Tiểu học (có các lớp Dự bị và Sơ học) và Trung học (khi đó gọi là complementaire). Năm 1913, tổng trường Pháp – Việt ở Bắc Kỳ là 51 với hơn 6000 học sinh, chỉ có một trường Trung học là Trung học Bảo hộ thành lập năm 1908. Ở Trung Kỳ năm 1913 có 23 trường Pháp – Việt với chưa đến 1000 học sinh, chỉ có một trường Trung học duy nhất là Quốc học Huế, thành lập năm 1898. Ở Nam Kỳ, các trường Hán học hoàn toàn bị loại khỏi hệ thống giáo dục công, chỉ một số địa phương vẫn còn các lớp học chữ Nho của các thầy đồ. Năm 1913 số trường Pháp – Việt ở Nam Kỳ là 737 trường với hơn 43 ngàn học sinh, chiếm hơn 90% tổng số trường Pháp – Việt ở Việt Nam. Trường Hán học chỉ duy trì tạm thời, đã được thay thế bằng trường Pháp - Việt trên cả nước kể từ thập niên 1910.[3]
Giáo dục chuyên nghiệp
Bắt đầu ở Nam Kỳ nơi người Pháp đặt nền cai trị đầu tiên ở Đông Dương, họ cho lập một số cơ sở huấn luyện như Trường Thông ngôn (Collège des interprètes) năm 1862 ở Sài Gòn, nhưng mục đích chính là để đào tạo nhân sự cho chính quyền người Pháp chứ không phải nâng cao kiến thức người bản xứ. Trường Thông ngôn dạy cấp tốc tiếng Pháp cho người Việt, Khmer và Hoa, dạy ngôn ngữ một số nước châu Á cho người Pháp. Người Pháp còn mở trường thông ngôn dạy tiếng Việt cho người Pháp tên là D'Adran (Bá Đa Lộc).. Riêng một ngoại lệ là trường d'Adran (Collège D'Adran) ở Sài Gòn do Hội Thừa sai Paris lập nên và sau do dòng tu Lasan quản nhiệm nuôi dạy trẻ em nghèo. Năm 1886, sau khi chiếm Bắc Kỳ, Pháp mở trường Thông ngôn Hà Nội đào tạo thông ngôn và giáo viên. Ngoài ra còn có các trường đào tạo nhân viên hành chính, tư pháp, tài chính, thuế khóa... phục vụ cho công việc cai trị và những trường sư phạm sơ cấp đào tạo giáo viên dạy chữ quốc ngữ, chữ Pháp. Ngày 20 Tháng Hai năm 1873 thì chính quyền cho lập Trường Hậu bổ ở Sài Gòn (Collège des Stagiares) do Jean Luro điều hành để đào tạo công chức người Pháp khi sang nhận nhiệm sở Đông Dương.[9] Sau đó Trương Vĩnh Ký được bổ làm Chánh đốc học.[10] Năm 1903 ở thì người Pháp cho lập Trường Hậu bổ, Hà Nội rồi Trường Hậu bổ, Huế (năm 1911) cũng với mục đích đào tạo nhân sự hành chính. Trong khi đó giáo dục đại chúng không mấy thay đổi so với giáo dục khoa cử thời Nguyễn ở Việt Nam hoặc giáo dục do nhà chùa đảm trách ở hai xứ Lào và Miên.
Cuối thế kỷ 19, Pháp bắt đầu xây dựng hệ thống giáo dục chuyên nghiệp nhằm đào tạo thợ chuyên môn đáp ứng nhu cầu mở rộng công nghiệp. Năm 1898, Pháp mở trường dạy nghề Hà Nội với hai ngành nông nghiệp và mỹ nghệ học trong ba năm. Một số trường dạy nghề cũng được mở ở Sài Gòn (trường Kỹ nghệ), Huế (trường Bách nghệ), Thủ Dầu Một (trường Mỹ nghệ) và các trường đào tạo thợ ngành gỗ và sắt ở Nam Định, Hải Phòng. Cho đến trước cải cách giáo dục 1906, Pháp đã tổ chức ở Đông Dương 12 trường chuyên nghiệp, tập trung ở Nam Kỳ như Sài Gòn, Biên Hòa, Hà Tiên, Sa Đéc. Các trường này dạy ba nhóm ngành: công nghiệp châu Âu, công nghiệp bản xứ, mỹ nghệ và tiểu thủ công nghiệp. Đầu thế kỷ 20, người Pháp mới tổ chức một số trường cao đẳng ngành y, sư phạm, luật vì lúc này các trường trung học có thể cung cấp những học sinh có bằng thành chung hoặc tú tài.
(còn nữa)
[1]: Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen về giáo dục thuộc địa Đông Dương, Nguyễn Thụy Phương, Tạp chí Tia sáng, 10/12/2019
[2]: NHO HỌC VÀ GIÁO DỤC CÔNG LẬP Ở NAM KỲ THUỘC PHÁP THỜI KÌ 1867 – 1917, TRẦN THỊ THANH THANH, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Số 60 năm 2014
[3]: Tổ chức quản lý giáo dục ở Việt Nam trong bộ máy chính quyền thời Pháp thuộc trước năm 1945 (Kỳ 2), Trần Thị Phương Hoa, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10 – 2012
[4]: Franco-Vietnamese schools
[5]: Pierre Brocheux và Daniel Hémery. Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954. Berkeley, CA: University of California Press, 2009. tr 217-24
[6]: Chương trình tiểu học nặng nề dưới thời Pháp, vietnamnet, 30/08/2017
[7]: Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc, 25/8/2017, VnExpress.
[8]: Quốc ngữ và nỗ lực 'thoát Hán' của các vua nhà Nguyễn, Nguyễn Quang Duy, BBC Tiếng Việt.
[9]: Britto, Karl. Disorientation: France, Vietnam and the Ambivalence of Interculturality. Hongkong: Hongkong University Press, 2004. tr 145-147.
[10]: "Petrus Key và Sứ Đoàn Phan Thanh Giản (1863-1864)"
(Wikipedia)
No comments:
Post a Comment