Friday, May 27, 2016

Chuyện nghề (1)

Tôi vẫn nhớ vào cuối năm học tiếng Hung ở NEI. Khi nhận kết quả và nói chuyện về ngành nghề, cô Mária, giáo viên phụ trách lớp/dạy tiếng Hung đã khuyên tôi rằng với khả năng tiếng Hung của tôi (jeles) tôi có thể tiếp thu tốt, theo ý cô, tôi nên học ngành thiết kế nội thất hoặc design, một dạng tạo mẫu mỹ thuật mà lúc đó tôi không hiểu lắm. Cô cũng lưu ý tôi nên cân nhắc về đề nghị của cô vì kết quả các môn toán, lý của tôi rất tệ. Do không chịu trao đổi thêm một cách nghiêm túc với cô giáo của mình về việc này nên đến bây giờ tôi vẫn cho rằng: đây là một trong những điều ngu xuẩn nhất mà tôi từng phạm phải trong cuộc đời mình.

Có nhiều người từ nước ngoài về nước làm việc/nghiên cứu không đúng ngành đã được học, nhưng dù sao thì họ cũng có được một quá trình đào tạo quy củ trong môi trường giáo dục tử tế. Từ đó mà họ có được một nền tảng căn bản để làm những việc khác. Còn tôi, chỉ với một chút kiến thức về Hình học họa hình (Ábrázoló geometria) được học ở NEI mà về VN đã làm các bạn học ngạc nhiên về sau còn dám lên sửa cả giảng viên đứng lớp về môn này khi học ở lớp đào tạo thiết kế & quy hoạch sơ cấp tại Viện Thiết kế & Quy hoạch tổng hợp (Bộ Xây dựng). Từ cái vốn căn bản này, dù không phải là người có tầm vóc gì trong nghề nghiệp của mình, nhưng nếu coi bản vẽ thiết kế ngôn ngữ của kiến trúc & xây dựng/cơ khí, thì không cần phải ém mình, tôi tự thấy mình là người xử lý rất tốt những gì cần thể hiện. Điều này đã được giáo viên/bạn bè ở Pécs và ĐH Kiến trúc TP.HCM xác nhận khi các bài đồ án (dân dụng) của tôi thường lọt vào top đạt điểm cao nhất lớp (không kể đánh giá của sếp/thầy của tôi khi làm việc cho AA International và cho chính công ty của ông về các bản vẽ thiết kế nội thất mà tôi trực tiếp thể hiện hoặc ở dạng sketch/vẽ tay). Tôi vẫn nhớ có một bài của tôi (thuộc thể loại công trình văn hóa công cộng), dù bị chê bằng một ý kiến khoanh tròn của một vị GS nào đó về lỗi hình thể mang tính Thiên chúa giáo (những bài bị khoanh tròn như vậy thường "rớt") nhưng vẫn được điểm cao và được treo làm bài mẫu, chưa tới ngày nhận bài về thì tôi thấy bài của mình đã bị ai đó lấy mất. Tôi rất tiếc, đó là một trong những bài mà tôi thích nhất vì được vẽ trên nền đen và dồn khá nhiều ý tưởng vào nó. Không phải đồ án nào tôi cũng hào hứng/làm, nên tôi không đủ điểm về bộ môn Thiết kế đồ án vì tôi hay bỏ những đề tài mà tôi cho là "ngớ ngẩn", đọc đã thấy chán không muốn làm, thường là những đề bài mang tính chủ đạo (có yếu tố định hướng XHCN), như trụ sở UBND, nhà VHTT... (mấy bài này thường do các thầy "ngoài Bắc" mang vào) mà thích lao vào những dạng đại loại như CLB bơi lội, rạp phim.... hơn. Cho nên tôi là thằng hay bỏ bài, và bỏ nhiều bài nhất lớp.

Riêng về việc đào tạo của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ngay cả khi trường là nơi tập trung nhiều GS, giảng viên hàng đầu (đào tạo từ các nước TB trước 1975), thì tôi vẫn thấy đây là một trường có tầm/mức chỉ ngang ngửa với các trường cao đẳng ở Hung. Công trình của các GS của trường không mang dấu ấn đáng kể nào về quy mô và phong cách ở tầm quốc gia. Tôi đặt chân đến Sài Gòn vào tháng 10 năm 1975, cho đến lúc đó, Đô thành Sài Gòn như tôi thấy, trừ một số công trình và khu vực được xây dựng từ thời Pháp thuộc, phần còn lại của thành phố thật xấu xí và hỗn độn, đóng góp của các kiến trúc sư VN ở Sài Gòn (trước 1975) làm tôi thất vọng khi thấy các nhà thầu vẫn là những người quyết định cho diện mạo của thành phố này. Dấu ấn ít ỏi mà tôi thấy được ở Sài Gòn, không phải là Dinh Độc Lập của kts Ngô Viết Thụ, mà đại diện cho khuynh hướng kiến trúc mang tính hiện đại (như những gì tôi đã thấy rất nhiều ở Hungary) lại chỉ là một đài tưởng niệm nhỏ của một sinh viên đoạt giải về thiết kế cho công trình này. Khi đó, những công trình mới làm tôi chú ý đều của nước ngoài, tôi rất thích thiết kế của Nhà máy nước Thủ Đức (gạch trần), Nhà máy xi măng Hà Tiên (tuy vẫn thắc mắc về việc lựa chọn vị trí phù hợp) và bệnh viện Chợ Rẫy (Bệnh viện Vì Dân, sau này là Thống Nhất, cũng như Dinh Độc Lập, chỉ là một trong những thiết kế tốt nhất của người Việt mà thôi). Tôi cũng thấy sự khác biệt của việc đào tạo ĐH (những năm tôi học có 2 hệ song song gồm cả ĐH và Cao đẳng) trước và sau 1975 ở chỗ: số lượng đầu vào/đầu ra hàng năm. Nếu trước 1975 số sinh viên tốt nghiệp chiếm một tỷ lệ ít hơn nhiều (cho đến 1975, tôi vẫn còn thấy năm "sáu già" rất đông đúc với những người không thể ra trường với tấm bằng kiến trúc sư dù đã học rất lâu, có người đã có gia đình, con cái) thì sau này, việc học hành và có bằng đã ngày càng dễ dàng hơn rất nhiều.

Lịch sử kiến trúc của VN khá nghèo nàn so với những công trình nổi tiếng trên thế giới, chúng ta không có những dấu ấn kỳ vĩ ghi tạc vào lịch sử như Vạn lý trường thành, Kim tự tháp, Vườn treo, Đền đài... hay những thành phố đến bây giờ vẫn là kiệt tác (đáng nghiên cứu) đầy bí ẩn về nhiều mặt như Machupichu cũng như những thành phố khác ở Nam Mỹ và trên thế giới, nhưng nếu đi sâu vào bản sắc thì VN không phải là không có gì đáng nói.

Trong một thời gian dài, Việt Nam không có những kiến trúc sư đầu đàn (những người đủ tư cách dẫn dắt đối với nhiều thế hệ về kiến trúc/quy hoạch & xây dựng như trong các lĩnh vực thuộc về Mỹ thuật, y học, khoa học v.v.). Tôi cho rằng: Kiến trúc là 1 tổng thể hài hòa được tạo thành như 1 tác phẩm “nhạc không gian” gắn liền với văn hóa, lịch sử và con người nơi nó được tạo ra. Tất cả hòa hợp với nhau, tạo nên những quần thể/cảnh quan độc đáo của từng vùng, đó là những di sản của con người  mang tính cách của nhiều thế hệ như những dấu ấn của thời đại. Vì vậy, là một kiến trúc sư/Tổng công trình sư đòi hỏi không phải chỉ là một người tinh thông nghề nghiệp một cách xuất sắc mà còn phải am hiểu nhiều lĩnh vực liên quan xét về tổng thể và cảnh quan tùy cấp độ của từng công trình lớn nhỏ.

Từ đó, dễ dàng nhận thấy có một lỗ hổng lớn về chuyên môn/tầm nhìn thuộc lĩnh vực quy hoạch/xây dựng thành phố/nông thôn trên cả nước để "tham mưu" cho chính quyền trong việc quản lý, nghiên cứu & phát triển có định hướng một cách bền vững theo xu hướng xanh và sạch của thế giới hiện nay.

(còn nữa)

No comments:

Post a Comment