Hôm nay là ngày Quốc tế Gia đình, tôi tiếp tục phần cuối về Gia đình bằng cách lồng ghép/tích hợp phần Trẻ em từ 2 cuốn Tâm lý Gia đình và Nỗi khổ của con em [1] của BS Nguyễn Khắc Viện. Trẻ em là tình yêu của cha mẹ, là tương lai của đất nước, vì vậy mà cuộc sống của chúng ngay từ nhỏ rất cần được chăm sóc và bảo đảm để phát triển về mặt nhân cách và khả năng cống hiến cho xã hội sau này.
Trẻ em và những mối quan hệ trong gia đình có sự phức tạp tăng dần cùng với số con cái trong gia đình đó. Những sự cộng hưởng và những tác động qua lại nhiều vô kể trong nội bộ nhóm tự nhiên này và hầu như không thể xác định một cách chính xác cách ứng xử của một đứa trẻ trong những mối quan hệ của nó với từng thành viên, từng người anh, chị và em của nó.
Và nỗi khổ của con em chúng ta không chỉ của những trẻ mắc bệnh nặng, tàn tật, mồ côi, bụi đời, bị hành hạ hoặc phải sống trong những gia đình bất hạnh, chúng hiện diện ngay trong những gia đình trung lưu trở lên, đủ sống hoặc vô cùng dư giả, cha mẹ thương và chăm lo cho con, bề ngoài trông như yên lành nhưng cái khổ vẫn bao trùm lên con trẻ, dù không xảy ra một biến cố nghiêm trọng nào. Trẻ em bây giờ so với thời xưa được ăn no hơn, ít bệnh tật hơn... tỷ lệ được học hành tử tế cũng cao hơn, tức là về mặt thể xác và đời sống đều được bảo vệ từ quyền trẻ em được chú ý trên phạm vi quốc tế. Nhưng không vì thế mà trẻ em hết khổ mà nguyên nhân là từ những sự xáo trộn trong cuộc sống hàng ngày, những ảnh hưởng từ xã hội do cuộc sống công nghiệp hóa và đô thị hóa gây nên.
NỖI KHỔ TỪ BÉ
Từ đời sống nông thôn, với thói quen canh tác nông nghiệp thô sơ chuyển sang thời kỳ phát triển đô thị, cơ cấu của gia đình, vị trí/vai trò người đàn bà, người mẹ khác hẳn xưa và hậu quả không thể tránh khỏi là cuộc sống của trẻ em cũng khác hẳn.
Trẻ em ngày xưa gần gũi với người mẹ nhiều hơn, được bú mẹ một năm, hai năm, bú cả ngày cả đêm, hễ đói là bú mẹ. Con khóc mẹ cho bú, hai biểu hiện mang tính bản năng, mẹ cũng như con không cần ai dạy, không cần phải học ở đâu cả.
Bây giờ, sáng sáng cha mẹ vội vàng lo cơm nước, đánh thức con, tắm rửa, giục ăn, mặc áo quần, rồi đưa đến gửi nhà trẻ. Bỏ con ở đó, tới 4 - 5 giờ chiều cha mẹ mới đón con về. Xa gia đình và cha mẹ, mới vài tháng tuổi, làm sao trẻ hiểu. Sự xa cách với trẻ là rất lâu, có khi dài dằng dặc, không phải như người lớn xem giờ để biết thời gian. Đến các nhà trẻ, không khó gì mà không thấy những nét mặt đau thương, chỉ cần cúi mình hỏi han 1 em là bao nhiêu em khác níu lấy khách không muốn rời. Các em khao khát được một người lớn ôm ấp, trò chuyện cùng.
Bác sĩ Spitz (Mỹ) đã công bố công trình nghiên cứu nhiều năm qua việc theo dõi hàng trăm em bé trong những nhà trẻ đầy đủ tiện nghi/vật chất, được nuôi dưỡng không thiếu thứ gì, chăm sóc rất tốt cả về vệ sinh và y tế. Thế mà có một số em sau một thời gian không lớn lên được, thiếu sinh khí, biết đi, biết nói chậm... tỷ lệ tử vong ở các em này cao hơn ở trẻ được nuôi nấng bình thường.
Lý do từ việc xa mẹ trong một thời gian dài, thường là khoảng từ 3 đến sáu tháng các em được giao cho các cô bảo mẫu chăm sóc hàng ngày. Dù được đào tạo nhưng các cô cũng chỉ có thể làm theo những gì đã tiếp thu được, nhưng cho ăn, tắm rửa, thay quần áo... cho các em xong, các cô lại đặt các em vào nôi hay giường với vài món đồ chơi, rồi bỏ đấy vì phải chăm sóc những em khác. Vì thế nhiều em còi cọc, dễ nhiễm trùng, đau ốm liên miên, có thể chết.
Spitz gọi chứng bệnh ấy là hospitalism, tức bệnh do nằm viện mà ra. Tên ấy không hay lắm vì nếu ở những bệnh viện, viện mồ côi nào biết cách xử lý thì đâu đến nỗi. Chúng tôi đề nghị nên gọi là bệnh "vắng mẹ", nói lên căn nguyên rõ ràng hơn.
Mỗi người mẹ đều tạo chung quanh con mình một cái túi bao che như kanguru, với 2 cánh tay như cánh gà mẹ ôm ấp, bế bồng, áp con vào lòng, truyền hơi ấm... tình thương của mẹ cho con. Trẻ bú mẹ không chỉ nuốt dòng sữa, mà còn tận hưởng khoái cảm ở môi miệng, cùng mẹ da kề da, thịt áp thịt, được nhìn mẹ không rời; còn mẹ thì nhìn con, trò chuyện/nựng con. Em bé dù chưa đưa tay chỉ trỏ được, chưa nói được, nhưng không phải là không biết gì, chưa có cảm nhận gì và chưa biết đòi hỏi...
Trẻ sinh ra đã biết nhiều lắm, đòi hỏi nhiều thứ, trước hết đòi hỏi trao đổi/giao tiếp. Người mẹ không chỉ bao che, làm lá chắn cho con (các học giả Pháp gọi là vai trò pare-excita-tion của mẹ). Hai mẹ con đều đáp ứng nhau về các nhu cầu trong những năm tháng đầu đời rất quan trọng này.
Áp vào lòng mẹ, nhận được tình cảm qua quan hệ phi ngôn ngữ, đúng hơn là tiền ngôn ngữ, qua "xác thịt". Đó là quan hệ "ruột thịt", nền tảng đầu tiên của quan hệ người và người. Ít nhất trong 1 năm đầu đời, khi chưa biết đi, em bé phải được sống trong sự bao che, trao đổi ruột thịt với một người mẹ hiền, luôn sẵn sàng đáp ứng với những tín hiệu của con, nhạy cảm hiểu được con đang cần gì, đòi hỏi gì? Chỉ cần con vặn mình là mẹ đã biết là con sắp nôn trong khi bác sĩ ngồi bên mà không hề biết gì.
(còn nữa)
------------------
[1]: Nỗi khổ của con em được BS Nguyễn Khắc Viện viết vào đầu năm 1993, khi ông bước vào tuổi 80 và sau 4 năm hoạt động N-T (Trung tâm nghiên cứu Tâm lý Trẻ em & Gia đình)
No comments:
Post a Comment