Friday, May 20, 2016

Tại sao tôi không thích lỗ đen?

Tôi tới Syracuse vào đúng lúc Syracuse đang là trung tâm lớn nhất và duy nhất của Hấp dẫn trên thế giới. Những quái kiệt như Roger Penrose, Ted Newman, Kip Thorn đều thường xuyên qua lại đây. Người cầm đầu nhóm là Abhay Ashtekhar. Những nhân vật sau này nổi tiếng như Lee Smolin, Carlo Rovelli, Rafael Sorkin khi đó đều còn rất trẻ mới là giáo sư trợ giảng.
Ở đây tôi cũng được gặp Jurg Frohlich, Steve Hawking, Leonard Susskind Gross, Frank Wilczek, Sheldon Glashow, Chandrashekhar,...
Tuy tôi nghiên cứu về hạt và vật lý năng lượng cao và hầu như chưa biết gì về hấp dẫn, việc quan tâm tới hấp dẫn trong một môi trường như vậy là tự nhiên, hầu như không cần cố ý để tâm.
Công trình đầu tiên tôi viết ở Syracuse là lỗ đen. Tôi phải đọc khá nhiều sách liên quan. Đặc biệt là cuốn Mathematics of Black holes của Chandrashekhar. Tôi cố gắng đọc bộ sách của Kip Thorn, Wheeler, nhưng lúc đó không thể tiếp thu vì ngôn ngữ cổ điển hoàn toàn khác với những gì tôi học về hình học Riemann và Topo vi phần qua các bộ sách của Kobalyashi & Nomizu, Milnor và bài tổng quan về hình vi phân trong hấp dẫn của Eguchi & Gibson (Cũng có thể mấy bộ sách này đã làm hại tôi)
Tôi có được một nghiệm lỗ đen vừa là đơn cực từ trong một mô hình Einstein-Yang-Mills-Higgs. Các tác giả trước đó đã chứng minh là nghiệm lỗ đen đơn cực từ đó là lỗ đen trần (naked) chỉ có kỳ dị không che phủ bằng đường chân trời. Tôi sử dụng một công cụ mạnh hơn cho phương trình vi phân kỳ dị là giải tích toàn cục, và thấy ngay chính nghiệm đó có đường chân trời. Điều kỳ lạ là bên trong đường chân trời phương trình Einstein có dạng một phương trình đặc biệt mà sau khi tra cứu rất lâu tôi mới biết được trong hóa học người ta dùng phương trình đó để mô tả sự cháy nổ. Thực ra kết quả đó cũng đáng để nghiên cứu thêm và lẽ ra tôi đã trở thành chuyên gia về black hole nếu tôi làm thế.
Tuy nhiên có lẽ tôi không phải sinh ra để thành chuyên gia về một thứ, tôi thấy black hole và horizont có một cái gì đó giống như speculation. Tôi thích những đối tượng trừu tượng, khó hiểu và quái gở, nhưng cần phải có bằng chứng nhiều hơn về sự tồn tại.
Black hole được tìm ra trong hệ hấp dẫn không có vật chất, có trường điện từ, trường gauge,.... nhưng đó vẫn không phải là toàn vũ trụ. Cũng có thể một lý thuyết đầy đủ sẽ không có black hole. Đằng sau đường chân trời là một vật lý hoàn toàn khác không như ta ngoại suy.
Thêm nữa, tôi cho rằng lý thuyết kỳ dị là để mô tả các hệ thống mà ta không có đủ thông tin. Kỳ dị là các chỗ ẩn tàng các thông tin ta không biết, khi biết sẽ không có kỳ dị. Nếu ta chiếu các vật thể trơn nhẵn lên một mặt có số chiều nhỏ hơn ta có thể có kỳ dị. Nói một cách khác, những người thấy kỳ dị cũng là những người không thể truy cập hoặc mù với các chiều khác của không thời gian.
Một lý thuyết đẹp theo tiêu chuẩn cổ điển là trơn nhẵn, nhân quả, giả tích.
Tôi cũng cho rằng xác suất cũng là khoa học để xử lý thông tin không đầy đủ hoặc vượt quá năng lực xử lý hiện tại. Như vậy lượng tử chưa chắc đã là một thực tại mà có thể là một phương pháp để bao gồm các hiệu ứng chưa biết dưới dạng thăng dáng.
Lỗ đen có thể cũng sinh ra trong các lý thuyết thiếu. Tất nhiên trong lĩnh vực này có những vẻ đẹp tuyệt vời. Tuy nhiên, khi đã nghĩ như thế, tôi không thể đầu tư thời gian và cá cược cho nó. Thế giới thực còn nhiều việc tôi muốn làm hơn và cũng thích hợp với tôi hơn.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

No comments:

Post a Comment