Thursday, April 2, 2020

CVID-19: MỘT THÁNG CẢM THẤY THỰC SỰ CÓ ÍCH CÙNG CÁC BẠN BÁC SĨ PHÁP


Trong khi các bạn bè du học sinh các nước tìm cách quay về Việt Nam hay chuẩn bị đồ để tự cách ly trong nhà nếu không thể hoặc được khuyên ở lại xứ người. Thì với mình – một bác sĩ Hồi sức đang đi học ở Pháp- mình muốn ở lại, và chưa bao giờ nghĩ đến việc về giữa chừng (hình như có cảm giác lính đảo ngũ .  Sau gần 1 tháng thực sự trong tâm dịch, mình muốn viết lại nhiều chút về tình hình bản thân hiện tại làm kỉ niệm (trong trường hợp lý tưởng) cho bản thân (viết về tình hình nước Pháp thì nguy hiểm quá =)) không đủ mô tả toàn cảnh được roài .
Dịch bệnh pha 1 rồi thậm chí pha 2 tại Pháp, không chỉ riêng mình mà tất cả người Pháp đều thấy nó thật xa, xa cứ như nó không có thực và chỉ nói chuyện để có thứ chém hay. Dịch bệnh thực sự đến với mình, gần mình hơn bao giờ hết đó là khi bác Trưởng khoa chỗ mình học sau hơn 10 ngày tự cách ly, có suy hô hấp rồi vào chính khoa mình. Bạn có thể tưởng tượng được không khi điều đó làm cả khoa mình bàng hoàng như thế nào. Chính xác là cảm giác bủn rủn chân tay. Và cái cảm giác tự tay mình đặt ống thở cho đồng nghiệp, tận mắt thấy đồng nghiệp nằm yên bất động với máy thở, mắt nhắm nghiền, cảm giác mỗi ngày xem kết quả xét nghiệm của đồng nghiệp. Có thể nói nó rất đau, thực sự đau. Và mình, luôn né tránh phòng của bác ấy nằm, chỉ dám nhìn qua cửa sổ và theo dõi thường xuyên diến biến xét nghiệm. Thực sự là sợ, cực kì sợ căn phòng ấy. Cho đến thời điểm hiện tại, tình hình của bác ấy còn rất nguy hiểm. Cả khoa mình vẫn luôn hỏi thăm tình hình của bác ấy từ khi bác ấy chuyển viện điều trị tiếp. Chỉ cầu mong tuổi chưa cao, không bệnh nền sẽ giúp bác ấy qua được.
Mình quay lại với bản thân, mình hiện tại đang học và làm việc như một nội trú tại khoa Hồi sức nội bệnh viện Colmar, Pháp - trung tâm dịch (ổ khởi phát là thành phố Mulhouse bên cạnh). Trước đợt dịch bọn mình có 5 nội trú, đủ chia tour trực. Tuy nhiên bắt đầu có dịch, mọi việc đảo lộn. Một nội trú COVID dương tính (khả năng cao lây từ bác trưởng khoa) phải nghỉ làm và nghỉ trực, một bạn nội trú nghỉ phép. Công việc thì tăng lên, số lượng buổi trực cũng phải tăng lên và số người thì ngược lại. Đỉnh điểm của mình là 4 buổi trực liên tiếp cách ngày, trực xuyên 24h và không ngủ. Chính xác là không ngủ. Thực ra điều này so với dân hồi sức thì không có gì là to tát cả tuy nhiên, nếu đó là 1 tháng- ok, ca marche. Nhưng nếu nó kéo dài hơn thì: bạn sẽ lực bất tòng tâm, bạn sẽ kiệt sức trước cả bệnh nhân và ….bạn biết đấy: GAMER OVER!. Tuy nhiên, tinh thần solidarité (đoàn kết) và những hỗ trợ từ gia đình và đồng nghiệp chưa bao giờ làm mình thất vọng \m/. Có 3 bạn nội trú từ các chuyên khoa khác (chưa trực tiếp chống dịch) đã đến giúp đỡ. Bắt đầu thấy có dấu hiệu khởi sắc đầu tiên cuối tháng 3. Những hỗ trợ từ nhà ăn bệnh viện với các phần ăn đặc biệt gửi đến Hồi sức và các đơn vị COVID, những dòng thông điệp của các khoa gửi đến cổ vũ, động viên. Đây là những động lực to lớn đối với bọn mình  (mình nói thêm, kể từ đầu pha 3 của dịch, các khoa phòng ngoại khoa, nội trú hầu hết giảm/ hạn chế tối đa bệnh nhân nên nội trú và bác sĩ các chuyên khoa này cũng có nhiều thời gian rảnh hơn).
Nhắc đến việc chống dịch, cấp độ quốc gia mình không bình luận gì. Nhà nước, họ làm tất cả là phù hợp với mọi khía cạnh đời sống, văn hoá, chính trị, ngoại giao, kinh tế xã hội của mỗi nước. Bạn hoàn toàn không thể so sánh hay chỉ trích cách làm việc của giới lãnh đạo đất nước được. Mặc dù, Pháp đã bỏ qua nhiều thời điểm để phong toả, khoanh dịch. Bon, c’est la vie!
Ở Việt Nam hiện tại, thực sự các biện pháp phòng chống dịch cho đến hiện tại với mình là đã đúng hướng và phù hợp với Việt Nam. Hiện tại, việc liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, mình nghĩ việc phong toả chỉ là tạm thời. Thực sự có nhiều ý kiến về việc phong toả này, nhưng ít nhất xin mọi người hãy ủng hộ những nỗ lực cuối cùng trong cuộc chiến vòng một: PHONG TOẢ, KHOANH DỊCH. Với mình, Việt Nam hãy còn đang ở pha 1, nghĩa là phong toả khoanh dịch còn hiệu quả thì không lý do gì chúng ta không tiếp tục cố gắng. Một khi dịch chuyển pha 2, phong toả khoanh dịch không còn hiệu quả thì chắc chắn chúng ta sẽ tiến vào pha 3, COVID ở mọi vùng lãnh thổ của VN. Càng kéo dài được thời gian pha 1, chúng ta càng có thời gian chuẩn bị tốt về mọi mặt: trang thiết bị y tế, con người, chiến lược….vv. Quay lại với tình hình trang thiết bị y tế khoa mình (và đây có thể đại diện tình hình của nước Pháp luôn). Trong vòng chỉ 1 tuần đầu, đồ bảo hộ có full bộ: quần áo giấy dùng 1 lần, khẩu trang FFP2 (chuẩn Châu Âu, N95 chuẩn Mỹ), mũ, kính. Phòng bệnh nhân COVID là phòng áp lực âm 100%. Tuần thứ 2, vì toàn bộ khoa là COVID do đó phòng bệnh nhân không âm, không dương luôn =)), khẩu trang và quần áo chuyển từ dùng cho mỗi bệnh nhân thành dùng cho tất cả bệnh nhân và bạn chỉ được thay khi đi ăn cơm. Đến tuần thứ 3, quần áo giấy được gom lại, giặt, xử lý rồi mặc lại (may quá em FFP2 chưa bị tái sử dụng . Và tuần này, bọn mình mặc quần áo giấy tái sử dụng, FFP2 vẫn đủ dùng. Vâng, đây là nước Pháp. Nước Pháp thiếu vật tư y tế cho nhân viên y tế tuyến đầu chúng mình. Bon, vẫn phải thích nghi (hình như vẫn còn đỡ hơn các bạn Mỹ). Và đến thời điểm hiện tại chúng tôi đặt ống cho bệnh nhân thường xuyên, khám bệnh nhân (ít nhất ngày 3, 4 hoặc n lần/bệnh nhân), làm việc với dịch tiết của bệnh nhân hằng ngày, may mắn chưa ai trong khoa từng bị lây nhiễm từ bệnh nhân. Liên quan đến chiến lược chống dịch, chiến lược điều trị bệnh nhân. Hiện tại, tất cả các nước có dịch đều lúng túng, toàn thế giới đều lúng túng trong việc ra chiến lược trong trận dịch này hoặc chỉ là cố tỏ ra không lúng túng. Trong chuyên ngành Hồi sức, cũng có nhiều khuyến cáo, nhiều chỉ dẫn điều trị nhưng tóm lại về khía canh khoa học đều là các khuyến cáo yếu, bằng chứng thấp hoặc dựa trên các bằng chứng gián tiếp… Và khuyến cáo thì có đợt thay đổi trong vài ngày (bạn sẽ tìm thấy nhiều hướng dẫn kiểu version ngày...version ngày…). Về thuốc điều trị đặc hiệu Virus cũng vậy,  theo lý thuyết, có rất nhiều loại thuốc chống lại virus nhưng thực tế cho đến nay chưa có thuốc nào thực sự đủ mạnh để đè bẹp bọn thuốc khác và trở thành thuốc điều trị virus chính thức. Hiện tại, Châu âu và WHO (hoặc hơn nữa) đang tiến hành những thử nghiệm lớn của họ trên vài chục ngàn bệnh nhân - nghe đâu nghiên cứu trên 14 ngày. Mình chờ xơi kết quả nghiên cứu đa trung tâm xịn xò thoai.  Cuộc đua vaccine cũng vậy (mặc dù có vẻ ít nhất đến năm 2021 chúng ta mới có sản phẩm thương mại để sử dụng). Vì thế, trong thời điểm hiện tại, việc cần nhất giờ là cả nước Việt Nam hãy ở nhà (Tất nhiên trừ các nhân viên y tế) =)) tự cách ly khỏi nhau để cho Việt Nam có đủ thời gian gặp được tất cả những thuận lợi cho cuộc chiến chống virus. Tại sao không? Y tế đủ năng lực phương tiện, con người sẵn sàng, chiến lược điều trị được định hướng. Mọi sự chuẩn bị chu đáo đều sẽ cho bạn kết quả thành công nhất có thể cơ mà.
Cuối cùng, xin được note lại vài đặc điểm lâm sàng về COVID ở khoa mình. Hồi đầu, bệnh nhân vào đến Hồi sức đều ít nhất sáu mươi mấy tuổi cho đến tám mấy chín mấy tuổi kèm hoặc không kèm bệnh nền. Rất ít bệnh nhân dưới 50T phải vào đến khoa mình điều trị. Sau khoảng hơn 1 tuần thì có tin chính thức trên 80T, tại khoa cấp cứu sẽ xét không đặt ống (đồng nghĩa với việc giải thích nặng cho về ở Việt Nam). Như vậy, dải tuổi vào Hồi sức chỗ mình biến động, chạy từ 33T đến 78, 79T. Bệnh nhân COVID vào HS chỗ mình chủ yếu và có hội chứng suy hô hấp cấp mức trung bình (ARDS theo phân loại Berlin). Từ đầu mùa dịch chỉ mới gặp khoảng chừng 5, 6 ca là ARDS nặng.
Một điểm chú ý là trong COVID có tăng đông nặng, và khoa mình dùng ngay từ đầu liều chống đông điều trị (Lovenox từ 1→ 2 lần/ngày hoặc Calciparine 2→ 3 lần/ngày). Bệnh nhân vào Hồi sức đều được siêu âm Hồi sức ban đầu. Sau đó tuỳ lâm sàng nghĩ đến tắc mạch phổi hoặc tắc mạch khác sẽ siêu âm lại (đánh giá thất Phải, xét CT mạch phổi/ tiêu sợi huyết..). Liên quan vấn đề này khoa mình có 2 bệnh nhân đặc biệt: một bệnh nhân COVID biến chứng ARDS nặng bị tắc mạch phổi trong thời gian nằm viện. Bệnh nhân này như vậy đã thiếu oxygene hoá máu lại càng thiếu thêm, dù thở thêm NO, nằm sấp nhưng Oxygene hoá máu không cải thiện. Bệnh nhân cuối cùng chuyển viện xét ECMO sau không đủ tiêu chuẩn và đã tử vong (về phần sau chuyển viện mình không nắm cụ thể từng chi tiết). Sau ca này, khoa mình đã chú ý kĩ hơn đến tăng đông/COVID. Bệnh nhân thứ 2 là bệnh nhân COVID có ngừng tuần hoàn, bệnh nhân được siêu âm thấy có giãn thất phải, được tiêu sợi huyết cấp trong khi đang tục ép tim. Tuy nhiên sau liều bolus và đang truyền liều duy trì, bệnh nhân tái lập tuần hoàn sau lại tiếp tục ngừng tuần hoàn thêm 3 lần. Nghe phổi có giảm thông khí một bên, đặt đầu dò siêu âm phổi có tràn khí màng phổi. Mở mảng phổi sau đó giúp bệnh nhân ổn định hơn, không tái ngừng tuần hoàn. Do bệnh nhân nặng nên đã tử vong sau đó 2 ngày và chưa được chụp lại mạch phổi. Tuy nhiên, ngừng tuần hoàn có thể là cả 2 hoặc do tràn khí màng phổi (thứ phát sau huy động phế nang??- bệnh nhân được huy động cách 1 ngày và buổi sáng ngày ngưng tuần hoàn không làm thủ thuật này). Qua kinh nghiệm 2 bệnh nhân, chúng tôi đã chú ý hơn đến đự phòng tăng đông trong COVID và nếu có thể, nên siêu âm Hồi sức cho 100% bệnh nhân khi vào khoa tiện đánh giá và theo dõi. Với cá nhân, tôi có thêm bài học là nhớ nghe phổi đầu tiên khi có ngừng tuần hoàn trên bệnh nhân thở máy PEEP cao, có làm thủ thuật huy động phế nang
Tiếp theo liên quan đến corticoid, vẫn là khuyến cáo yếu, bằng chứng yếu nên corticoide tại khoa mình dùng khá dè dặt. Bệnh nhân nặng, thở máy tối ưu, không tìm thấy bằng chứng nhiễm trùng nặng sẽ được chỉ định Corticoid (Solumedrole 1mg/kg x 5 ngày→ giảm nửa x 5 ngày → giảm nửa x 5 ngày và ngừng hẳn- Protocole của bệnh viện). Không đủ kết luận nhưng cá nhân mình thấy, có vẻ corticoid có hiệu quả với một vài bệnh nhân, nhưng một vài lại vẫn giữ mức nặng. Dù sao cũng rất đáng thử khi mà ECMO chỉ định sẽ ngặt nghèo hơn (VD ở Pháp giờ khuyến cáo là mức P/F < 80 sau khi đã tối ưu điều trị trước ECMO, bệnh nhân có nền tươi sáng chút..), bệnh nhân nặng. Quan điểm cá nhân. Và mình cũng mới thấy bệnh nhân mất bù đái tháo đường phải truyền Insuline BTĐ khi dùng thêm corticoid. Bon, à voir.
Thuốc kháng virus, hồi đầu chưa có khuyến cáo của hội HS, khoa mình hoàn toàn không cho bệnh nhân thuốc trị virus. Sau khuyến cáo, đầu tiên là đầu tay Remdesivir, tiếp Keletra (Lopinavir/Ritonavir) được lôi ra dùng. Hiệu quả còn chưa biết thì có cái nghiên cứu cây nhà lá vườn, Hydroxycloroquin+ Azithromycine dưới Marseille (+ở Trung Quốc) ra đời, điều trị chuyển hướng xoành xoạch sang 2 thuốc trên. Tuy nhiên, ngay tại khoa mình cũng tranh luận về thuốc. Cho đến khi Pháp gần như đồng ý cho kê theo đánh giá của bác sĩ thì 100% bệnh nhân trong khoa mình chuyển sang phối hợp 2 thuốc này. Hiệu quả lâu dài chưa biết, nhưng bệnh nhân có vẻ đỡ sốt hơn, oxy hoá máu cải thiện hơn (tất nhiên vẫn có lượng không ít bệnh nhân mức oxy hoá vẫn loanh quanh 120- 140) nhưng nhìn chung các thông số cài đặt máy thở không còn cao ngất như hồi đầu. Hiện tại đang có nghiên cứu về tất cả các thuốc điều trị kháng virus trong đó có Hydroxychloroquine và Azythromycin. Chúng ta đi sau, rút kinh nghiệm và may mắn có khi kịp chờ kết quả mấy cái nghiên cứu lớn này của Châu Âu và WHO.
Thực sự, mong các đồng nghiệp của mình ở Việt Nam hãy chuẩn bị tinh thần cao hết sức chờ đợi làn sóng COVID ập đến (nếu không may Việt Nam tiến vào pha 2, pha 3). Mình thấy cái chiến lược để 1, 2 viện làm trung tâm chuyên COVID chỉ dùng tạm thời trong giai đoạn này thôi. Nếu bước vào pha sau, tất cả các bệnh viện có khoa Hồi Sức của VN đều sẽ phải trực tiếp điều trị bệnh nhân. Với cá nhân, mình rất không thích cái quyết định viện X, viện Y là nơi điều trị COVID. Việc này làm viện X, viện Y áp lực cao, vừa làm cho các bệnh viện khác cảm thấy không liên quan, không cần và không có sự chuẩn bị thoả đáng. Xin các bạn nhớ một điều rằng. Dịch bùng ở đâu, thì bệnh viện Huyện, bệnh viện Tỉnh nơi đó sẽ là những đơn vị đầu tiền và trường kì với dịch. Bạn không có sự chuẩn bị sớm thì chắc chắn đó là lỗi của các bạn với chính sức khoẻ của người thân, bạn bè bạn. Như khoa mình đang hoc, bệnh nhân đầu tiên dự kiến kết quả dương tính sẽ gửi lên Strasbourg điều trị. Tuy nhiên, chỉ sau vỏn vẹn 2 ngày. Strasbourg thông báo, chúng tôi phải giữ bệnh nhân để điều trị. Tiếp đó, ba ngày tiếp theo từ 5 giường chuyên biệt cho COVID đã chuyển thành toàn bộ khoa chỉ điều trị COVID. Tuần tiếp đó là các đơn vị hồi sức ngoại cũng đón bệnh nhân COVID, các đơn vị COVID cũng lần lượt ra đời (lấy khoa phòng của Sản, Nhi). Dịch bùng phát nhanh khủng khiếp, khối lượng công việc của bạn tăng lên rất nhiều. Ở Việt Nam, điều dưỡng, hộ lý của chúng ta không có thói quen chăm sóc 100% bệnh nhân (vẫn có sự tham gia của người nhà). Vì dịch, người nhà không được vào chăm bệnh nhân, thậm chí không được vào thăm (việc này Khoa HS Bv E của tôi ở Việt Nam đã triển khai từ khá sớm). Vì vậy, bác sĩ tăng đầu việc 1 thì các đồng nghiệp điều dưỡng, hộ lý, đội ICT của chúng ta còn tăng nhiều lần hơn. Các bạn sẽ chăm sóc bệnh nhân từ A-Z, các bạn còn theo dõi toàn bộ bệnh nhân trong khoa theo tinh thần bệnh nhân nặng, chưa kể chăm sóc và lật ngửa lật sấp bệnh nhân thông khí ARDS nặng. Lúc này, bất cứ điều dưỡng nào từng qua hồi sức học, điều dưỡng từ các khoa phòng khác sẽ được huy động đến hỗ trợ. Điều trị COVID sẽ là của chung tất cả mọi người. Vì vậy, xin tất cả đồng nghiệp hãy chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực phù hợp khả năng của cơ sở mình. Việc bệnh viện Bạch Mai hiện tại rồi cũng sẽ xảy ra thôi (tất nhiên không còn là bị cấm vận ra ngoài), mọi khoa phòng không Hồi sức, Truyền Nhiễm, Hô Hấp sẽ nghỉ hoặc duy trì hoạt động ở mức tối thiểu nhất có thể. Mọi nhân lực, vật lực sẽ tập trung cho 3 khoa trên và đơn vị COVID (nếu thành lập). Không có gì là không thể đóng cửa, có thể hiện tại các đồng nghiệp ở Bạch Mai đang thấy bất ngờ vì bị đóng cửa khi mà trước nay mọi người điều trị cho 4000, 6000 bệnh nhân mỗi ngày. Tất cả vì sự nghiệp chung, phòng chống dịch là bước đầu quan trọng hơn cả. Sau đó mới đến lượt điều trị. Và dĩ nhiên, bệnh nhân nặng, bệnh mạn tính vẫn sẽ được điều trị chứ, chúng ta vẫn duy trì hoạt động khoa khác tối thiểu cơ mà (cũng phải công nhận họ sẽ khổ hơn, khổ trong cái khổ chung. Chúng ta phải chấp nhận). Đây chỉ mới là tình hình ở chỗ mình, còn trên Strasbourg nghe đồng nghiệp nói có đến gần 200 giường hồi sức với khoảng gần 80% thở máy @@. Trâu, không hiểu một buổi trực cần bao nhiều bác sĩ, bao nhiêu điều dưỡng để hoàn thành khối công việc siêu to khổng lồ này.
Trong khối Châu Âu, các nước sẽ chìa tay ra giúp đỡ nhau rất tốt. Trước khi Pháp đi vào pha 2, 3, họ đã nhận bệnh nhân để giúp giảm áp lực tại Ý (Giờ hãy chúc nhau vạn sự không như Ý). Và đến thời điểm này (khoa mình bắt đầu khoảng hơn 1 tuần nay), Đức, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Luxembourg…đã cho trực thăng sang đón bệnh nhân về điều trị giúp giảm áp tại vùng mình. Trong nước, sáng ngày hôm qua tàu TGV cũng dùng vận chuyển bệnh nhân lên Paris điều trị, tuần trước khoa mình cũng chuyển vài bệnh nhân đi Bordeau hay các tỉnh khác (nơi mà COVID chưa gây áp lực cao như chỗ mình). Trong gần 1 tháng qua, lần đầu tiên khoa mình vào buổi sáng có 3 giường trống >6 tiếng –“>. Nghe bạn Pompiers (ở Việt Nam là 115) tăng cường bảo, 2 hôm nay dưới cấp cứu có vẻ đỡ hơn chút, lượng đặt ống cũng ít hơn.
Những tín hiệu tốt tiếp theo vào cuối tháng ba. Hi vọng đây là sườn dốc bên kia đỉnh. Ngày ra trực hôm nay, trời nắng to, cao và xanh.
Sau khi viết Status này xong, điện thoại với lap báo có cuộc gọi nhóm ở nhà sang. Sếp  là cuộc gọi nhóm của Sếp Nhan Vinh và các Anh Chị đồng nghiệp ở Khoa Hồi Sức Tích Cực- Bệnh viện E gọi hỏi thăm, động viên và trao đổi chuyên môn (thực ra là sếp báo có bài mới về Hydroxychloroquine). Sếp bảo phải giữ sức khoẻ để tiếp tục chiến đấu về Sếp thưởng cho tin vui bất ngờ . Dù ở Pháp hay ở Việt Nam thì chúng ta có cùng chung kẻ thù – đó là  COVID19.
Cuối cùng, con thực sự muốn cảm ơn các bố mẹ, chồng và con trai đã động viên và cảm ơn vì mọi người vẫn mạnh khoẻ - đây là động lực to lớn khủng khiếp ạ, mọi người tiếp tục Ở TRONG NHÀ và khoẻ mạnh nhé . Đặc biệt, những video về ku Eric cực kì có tính giải trí xả stresse trong thời điểm COVID áp lực cao này với con ạ. Có lẽ sau lại có đề tài đánh giá hiệu quả giải stresse của các đoạn ghi hình con cái đối với nhân viên y tế trong mùa dịch COVID =)).
Giờ thì chuẩn bị đi ăn cơm chùa và hóng bản tin chuyên nghành COVID.

Thuong Le

No comments:

Post a Comment