Khác với trí thức thời thuộc địa, Thái Phỉ không lập kế hoạch cải cách giáo dục. Trái lại, ông phác thảo về một nền giáo dục lý tưởng cho nước Việt Nam độc lập trong tương lai.
Suốt đời nhà văn Thái Phỉ (1903 - ?) lo trả lời câu hỏi rằng thế nào là nền giáo dục phù hợp cho Việt Nam. Năm 1941, ở tuổi 38 tuổi, ông xuất bản quyển sách nhỏ Một nền giáo dục Việt Nam mới nhằm trả lời câu hỏi đó một cách hệ thống và ngắn gọn.
Trong Một nền giáo dục Việt Nam mới, cách tiếp cận của Thái Phỉ khác biệt so với đương thời. Nếu trí thức thời thuộc địa chủ trương cải thiện ngay lập tức nền giáo dục thì Thái Phỉ phác thảo về nền giáo dục lý tưởng của một nước Việt Nam độc lập trong tương lai.
Trước ông, nhiều người đã tìm cách cải cách giáo dục, nhưng “chỉ làm những việc cải cách bề mặt mà không hề chạm đến cái nguyên lý của sự giáo dục”. Cho nên ông chú ý trình bày một quan điểm nhất quán về xã hội, giáo dục và con người.
Về quan điểm xã hội, ông ủng hộ duy lợi chủ nghĩa. Theo đó xã hội được tạo thành từ vô số liên kết cá nhân, và động lực ở đây là lợi ích. Xã hội lý tưởng của Thái Phỉ là nơi mỗi cá nhân theo đuổi lợi ích riêng, đồng thời kìm hãm dục vọng của bản thân, từ đó xã hội sẽ đạt lợi ích chung: thỏa mãn được nhu cầu của nhiều công dân nhất có thể.
Như vậy giáo dục cần góp phần để xã hội đạt lợi ích chung. Với Thái Phỉ giáo dục là chuẩn bị để con người trở thành công dân phù hợp. “Một nền giáo dục hợp lý cũng phải theo cái nguyên lý bất di bất dịch là rèn đúc thiếu niên trở thành những người có đủ lực lượng về vật chất và tinh thần để tự mưu lấy một cuộc sống độc lập”.
“Một người tự lập” ông giải thích là "người sống có nguyên tắc và không chịu rời nó, không bao giờ hy sinh nó và theo đuổi đến cùng”. "Nguyên tắc" mà Thái Phỉ nhắc tới rất đơn giản. Qua giáo dục, mỗi công dân lấy nguyên tắc của xã hội làm nguyên tắc của mình.
Nhưng con người không phải tờ giấy trắng mà nhà giáo dục muốn tô vẽ thế nào mặc lòng. Thái Phỉ do đó xét con người với tư cách một sinh vật. Là một sinh vật, ta không thể không tuân theo những quy luật khách quan của tâm sinh lý.
Thực vậy, “tuổi ấu trĩ chỉ hiểu được những cái cụ thể, mà người ta đã vội nhồi nhét vào óc non của chúng những cái trừu tượng, chẳng chịu cụ thể hóa nó đi thì thật là làm hại ‘con người ta’ vậy”. Cho nên giáo dục không thể cứng nhắc, mà cần hướng khả năng tự nhiên của con người thích nghi với nguyên tắc được đề ra.
Sau khi làm rõ quan điểm nhất quán về xã hội, giáo dục và con người thì Thái Phỉ xét cụ thể tình hình ở Việt Nam. Một xã hội muốn đạt lợi ích chung cần đề ra nguyên tắc và phương hướng kinh tế phù hợp.
Thứ nhất, nền kinh tế được lựa chọn cần phù hợp với đặc điểm tự nhiên và lịch sử của dân tộc. Với Thái Phỉ đó là nông nghiệp. Vì đặc điểm tự nhiên của nước ta (nóng, ẩm, nhiều ánh sáng, nhiều mưa) đặc biệt phù hợp để thực vật phát triển, đồng thời mọi chế độ trước đó đều lựa chọn nền kinh tế này.
Thứ hai, nguyên tắc quan trọng nhất của xã hội là sống giản dị. Montesquieu, một nhà tư tưởng thế kỷ 18, viết: Thói xa hoa dựa trên những tiện nghi sắm được bằng lao động của người khác cho nên nó luôn tỷ lệ thuận với tình trạng bất bình đẳng về tài sản. Nghĩa là thói xa hoa là một biểu hiện của bất bình đẳng về lợi ích. Xã hội lý tưởng của Thái Phỉ vì vậy không thể để của cải của quốc gia bị phân chia quá chênh lệch, làm nảy sinh thói xa hoa.
Từ đó ông kịch liệt phê phán cha mẹ không chế ngự được dục vọng sống xa hoa, làm trẻ em bắt chước. Một công dân đã trải qua sự giáo dục của gia đình và xã hội (cha mẹ) còn dễ dãi với bản thân thì những đứa con của họ làm sao chế ngự được dục vọng của mình. Tình trạng này tất yếu đưa xã hội đến sự đồi bại.
Phần lớn tác phẩm chỉ phù hợp với thời đại của tác giả. Một nền giáo dục Việt Nam mới vượt qua giới hạn đó, vì Thái Phỉ là người hiếm hoi tự xây dựng một hệ thống giáo dục cho Việt Nam. Hệ thống của ông chưa đẩy đủ. Chẳng hạn, ông chưa làm rõ tác động qua lại giữa ba yếu tố xã hội - giáo dục - con người, chưa chỉ ra đâu là yếu tố chủ đạo. Nhưng theo dõi quá trình làm việc gian nan của Thái Phỉ, người đọc ngày hôm nay có thể tìm ra cách đặt vấn đề hợp lý nhằm xây dựng một nền giáo dục Việt Nam mới.
Đăng Thành (Zing-10.04.2020)
No comments:
Post a Comment